“Vết tích” của ba má

Hồi bắt đầu biết suy nghĩ, thằng con tự hỏi: “Ba má để lại cho con cái gì? Để lại trên thân thể này hay chỗ nào khác? Trên khuôn mặt, vầng trán, tiếng cười, dáng đi hay giọng nói?” Chắc có dấu hiệu nào đó nên người ta nói con giống y đúc ba má.

Má sắp đặt chân qua tuổi năm mươi. Ba lớn hơn má năm tuổi. Còn con chập chững sang tuổi ba mươi. Vậy mà hồi nhỏ con đã nghe làng xóm nói: “Cái thằng nhỏ xíu mà có hai con mắt giống ba, còn có cái đuôi mày y như má”. Nhưng càng lớn thì bà con biểu: “Sao nó càng lớn càng giống ông bà già nó quá trời!

Thằng con tự nó đâu biết giống cái gì? Giống chỗ nào? Nó hỏi thì được biết: “Giọng mày y đúc ổng! Cười phát ra cái tiếng “khắc khắc” cũng y chang! Rồi thêm hai con mắt hí rị hổng khác chút nào! Còn cái mặt bầu với đuôi mày nhọn thì giống má bây!

Từ dạo thằng con rời kiểu tóc bảy ba mẫu mực ở nhà trường. Giờ lớn, nó đi làm với phong cách tự do, miễn đầu tóc không quá “bụi đời” là được. Vậy là thằng con lại quyết định “đẩy” đầu đinh chừa ra vài phân cho mát mẻ và trẻ trung. Vô tình mà bà con lại phát hiện ra một điều mới lạ: “Í chèn! Nó “đẩy” cái đầu đinh nhìn giống ba nó dữ thần!

Giờ thì thằng con hiểu hơn cái câu nói: “Con nhà tông, hổng giống lông thì cũng giống cánh”. Đúng là nơi thân mình nó còn lại “vết tích” của ba má. Mỗi người để lại một chút. Điều đó cho nó biết nó có nguồn có cội chớ hổng phải chui từ đất nẻ mà ra. Để nó biết cái thành nhân của nó là cái tần tảo của bao nhiêu bậc sinh dưỡng.

Chúa hay thiệt là hay! Có ba má thì có con! Mà con thì mang những nét “đặc trưng” của ba với má. Giống má ở cái dáng đi điệu điệu, mặt cười có lúm đồng tiền, rồi thêm cái đuôi mày nhọn hoắc… Giống ba ở cái tính tình tẩn mẩn tỉ mỉ, kỹ lưỡng và khéo tay, cái giọng nói ồ ồ nghe là lạ và cả cái tiếng cười cùng một tông như ba.

Hồi nhỏ, cứ mỗi lần hỏi Má vì sao người ta biểu con giống ba má thì má kể cho nghe: “Chớ hai cái cuốn rốn nó dính liền, ăn chung một thức, uống chung một thức, thì khác chỗ nào! Cực chẳng đã bây bự quá bụng má không chứa được nữa đó thôi!” Đầu khờ ngu ngơ lúc đó chẳng hiểu. Nhưng giờ nó làm cha rồi nên nó hiểu. Hiểu rõ lắm điều má nói!

Mà cứ mỗi lần nghe bà con biểu: “bây giống y đúc ba má bây!” thì thằng con cứ vui quá chừng! Vui vì biết mình còn mang “vết tích” của ba và má! Nó biết ba má đâu có sống hoài với nó. Mà cái “vết tích” ấy là chứng tích cho bước lưu chuyển thế hệ. Người đã đi vẫn còn ở lại chớ đâu có mất vĩnh viễn. Giờ nó có vợ rồi có con, thì đứa con lại mang vết tích của ông bà nội, ông bà ngoại, của hai vợ chồng nó. Vậy là thằng con của nó lại tiếp tục lưu chuyển cho thế hệ mai sau.

Bước ra đời ai cũng muốn khẳng định mình khác với người ta về tài năng, tính cách…, chắc cũng vì vậy mà con muốn chui ra khỏi cái bụng nhỏ xíu của má. Nhưng có lúc thấy nhớ và muốn tìm lại… “vết tích” thân thương ấy quá chừng. Giờ thấy mình càng lúc càng giống y như “vết tích” ấy. “Vết tích” của ba và của má. Mà cái này chắc hổng cần cái đầu của ông cử nhân hay tiến sĩ đâu! Lẽ thường, ai chịu khó ngồi ngẫm cũng ra mà!

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …