Vì chúng ta là những người nghèo

9-14 thanh gia 03Để diễn tả một tình trạng túng thiếu, người ta thường dùng chữ “nghèo”. Người nghèo là người không có những gì họ cần nên phải vất vả làm lụng, chịu thương chịu khó, đánh đổi sức lực và mạng sống của mình để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho bản thân. Có khi họ phải lê lết bên vệ đường, ngửa tay xin chút lòng thương còn sót lại của người khác. Vì không có gì nên họ thường bị xếp ở vị trí rốt cùng nhất trong xã hội. Họ bị đẩy ra bên ngoài cuộc sống. Họ chỉ có thể làm bạn với những gì nhơ nhớt, bẩn thỉu, thối tha. Tiếng nói của họ không được lắng nghe. Họ là những con người trắng tay, thấp kém, bé nhỏ và bị bỏ mặc. Họ chẳng có gì làm sở hữu riêng, ngoài tấm thân chơ vơ giữa dòng đời bạc bẽo. Họ vốn là những người đã chịu nhiều thua thiệt; cuộc đời còn đọa đày họ thêm, như muốn tước bỏ hết của họ mọi sự, cho đến khi họ không còn gì nữa.

Nếu hiểu người nghèo là người thiếu thốn và cần được đỡ nâng thì có lẽ hết thảy chúng ta đều là những người nghèo cả. Sẽ không bao giờ ta có thể cảm thấy mình hoàn toàn đầy đủ. Bao giờ những nhu cầu cũng xuất hiện trước mắt chúng ta: những nhu cầu về cơm áo gạo tiền, của công danh lợi lộc, nhu cầu về tình cảm, học vấn, nghỉ ngơi… Ta có thể không nghèo về vật chất, nhưng tinh thần ta, tâm khảm ta vẫn thiếu thốn, trống không. Như một định mệnh trớ trêu, ai trong chúng ta cũng thấy dường như tận sâu thẳm tâm hồn mình có một khoảng trống cần được lấp đầy. Giữa dòng đời bon chen nghiệt ngã, ta thấy mình nhỏ bé biết bao nhiêu. Bị vùi dập, bị đẩy đưa, ta như thể hóa thành trò chơi của số phận.

Có thể nói, cái nghèo chính là căn tính của loài thụ tạo chúng ta. Chúng ta vốn dĩ chỉ có hai bàn tay trắng, mà chính hai bàn tay trắng ấy, ta cũng vay mượn từ Tạo Hóa, chứ cũng chẳng phải của riêng ta. Tất cả những gì mà ta đang có ở hiện tại đây, dường như cũng chẳng thuộc về ta cách trọn vẹn. Sự sống mà ta đang có đây, ta được Ai Đó ban cho, chứ ta có tự mình làm ra đâu. Nếu ta là chủ của sự sống mình, hẳn là ta đã có thể khiến mình được trường sinh bất tử rồi. Thân xác mà ta đang sở hữu đây, cũng nhờ bố mẹ giúp hình thành rồi chăm lo từ trong trứng nước, chứ ta có quyền quyết định gì đâu. Giờ đây, tuy ta đã lớn, có nhiều bạc tiền trong tay, nhưng có gì đảm bảo là nó sẽ thuộc về ta mãi mãi. Ta có dám chắc là danh vọng cao sang đang bao trùm lấy ta sẽ không bao giờ rời bỏ ta không? Tầm tay ta thật nhỏ bé. Cố bám được gì thì cứ gắng sức mà níu giữ thôi. Thực ra, ta chẳng là gì cả. Ngay bản thân mình, ta còn không phải là chủ nhân đích thực, thì huống hồ gì những thứ hão huyền bóng mây đang lấp ló vởn lởn chung quanh ta.

Có lẽ chính vì lý do ấy mà Con Thiên Chúa mới chọn một cách thức nghèo để giáng thế, một lối sống nghèo để dấn thân và một cái chết nghèo để cứu độ. Từ vị trí cao cả hơn cái cao cả nhất, Ngài đã đến vị trí thấp hèn nhất, trở nên không còn gì, hay thậm chí là không ra gì. Từ thân phận Chủ Tể muôn loài, Ngài vui lòng trở thành “con nợ” của người khác như bao loài thụ tạo. Ngài nợ mẹ chín tháng mười ngày cưu mang, nợ cha những lúc vất vả, đánh đổi sự an nhàn để cho Ngài được yên ấm, nợ những mục đồng sự viếng thăm, nợ bò lừa giữa đêm đông chút hơi ấm. Hành trình đi xuống dương gian của Ngài hóa ra lại là một cuộc hành trình đi lên cây thập giá. Nơi ấy, Ngài như bị trút bỏ mọi sự: không quyền năng, không danh dự, không miếng nước ngọt, không quần áo che thân… Tiếng than van của Ngài không ai nghe. Nỗi lòng của Ngài không ai thấu. Thân xác tả tơi, chơ vơ giữa ngọn đồi gió hú của Ngài là biểu tượng đích thực cho cái nghèo của kiếp con người chúng ta. Từ nơi thập giá ấy, Con Thiên Chúa đã đi xuống cái tận cùng của cái nghèo, Ngài còn đi xuống thấp hơn cả những gì người ta có thể nghĩ tới. Không còn chi, không còn gì cả!

Nhưng từ chốn tối tăm của cái nghèo ấy, Ngài đã đưa con người lên cao cùng với mình. Rồi Ngài đong đầy con tim mọi người tràn trề ân sủng quý giá. Ta vẫn là bụi đất, nhưng là một loại bụi đất được bao trùm bởi hơi thở Thần Linh. Ta vẫn sẽ chịu hư nát như tiến trình của tự nhiên, nhưng sẽ có một mầm sống thực sự nảy sinh từ sự hư nát ấy. Giờ đây, ta không chỉ là con người nữa, nhưng là con Thiên Chúa, một vinh dự quá sức cao vời. Ta vốn chẳng có gì, nhưng lại được ban cho đầy đủ như thể mình là chủ nhân ông. Cái chết không còn là cái kết cho sự hiện hữu của ta nhưng đã được biến đổi để trở thành cánh cửa mở ra cho ta một sự sống mới viên mãn hơn gấp trăm triệu lần. Đời ta sẽ không còn cô đơn nữa vì bất cứ nơi đâu ta đặt chân đến cũng đều có bóng dáng Người âm thầm dõi bước theo ta. Kể từ giây phút ta có mặt trên đời thì cũng có sẵn một chỗ dành cho ta trên Trời. Cùng với Chúa, ta được phép xây dựng cuộc sống – vốn là một sự vay mượn – trở thành một cuộc sống của chính bản thân ta. Nhờ kết hợp với cái nghèo của Đức Kitô, ta bỗng dưng được thừa kế phúc phần mà Thiên Chúa đã hứa.

Chúng ta có thực sự ý thức mình nghèo để được Thiên Chúa làm giàu cho không? Hay chúng ta luôn tự thấy mình đủ, nên chẳng cần đến ai, sẵn sàng gạt bỏ tất cả – kể cả Thiên Chúa – ra khỏi cuộc đời mình? Nếu các bạn muốn đi tìm Chúa, xin đừng tìm ở những chỗ cao sang, vì Ngài đã hạ mình xuống những nơi thấp bé rồi. Tìm Ngài, hãy tìm đến cái nghèo trong chính phận mình. Đó chính là thái độ khiêm nhường từ tận tâm can và cốt tủy mà Ngài mong chờ nơi chúng ta!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

3 bước cho cuộc trò chuyện thú vị cùng các cô gái

  Nếu bạn sắp có một buổi tối dành riêng cho các cô gái và …

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *