Vì sao vua Đa-vít ngoại tình? (2Sm 11)

 

            Sau khi đọc trình thuật Sa-mu-en quyển thứ 2 chương 11, chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao vua Đa-vít đã có nhiều vợ mà vẫn ngoại tình? Tất nhiên có nhiều góc nhìn về nguyên nhân của vấn đề. Ở đây, ta cùng xem xét sự việc dựa trên ý nghĩa mặt chữ của bản văn.

Theo cách nói của dân gian, một sự việc nào đó xảy ra thường có sự hội tụ của ba yếu tố: Thiên thời – địa lợi – nhân hoà. Ở đây, khi phân tích câu chuyện của vua Đa-vít, ta nhận thấy việc ông phạm tội cũng hội tụ đủ ba yếu tố kể trên theo nghĩa loại suy. Sau đây là chi tiết:

Thiên thời:Lúc xuân về…” (2Sm 11,1a). Mùa Xuân dân sự của dân tộc Do Thái rơi vào tháng Tishri: tháng thứ bảy của năm (Ds 29,1), tương ứng với tháng chín/tháng mười dương lịch. Nếu theo lịch tôn giáo, thì năm mới của Do Thái giáo bắt đầu với tháng Nisân: tháng thứ nhất của năm (Et 3,7), tương ứng với  tháng ba/tháng tư dương lịch. Đây cũng là những tháng nắng nóng của kiểu khí hậu Địa Trung Hải. Theo các nhà khoa học, khi thời tiết ấm áp, ánh nắng chan hòa thì nhu cầu tình dục tăng cao hơn.

Địa lợi:Vào một buổi chiều, vua Đa-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ trên sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm” (2 Sm 11,2).“Sân thượng” là một vị trí nằm ở trên cao, có thể nhìn ra bốn xung quanh một cách dễ dàng, không có gì ngăn cản tầm mắt. Do đó, vua có thể thấy được những cảnh mà người ta cứ tưởng là đã được che chắn kĩ lưỡng và an toàn như cảnh “bà Bát-sa-va đang tắm”.

Nhân hoà:

Thứ nhất: Khi ấy “là thời điểm mà các vua thường ra trận, vua Đa-vít sai ông Giô-áp đi … Còn vua thì ở lại Giê-ru-sa-lem” (2Sm 11, 1). Do đó, khi vua Đa-vít “nhàn hạ”  thì “cư vi thường bất thiện”.

Thứ hai: Vua Đavít là vị vua quyền lực bậc nhất thời bấy giờ. Vua có thể làm mọi điều vua muốn. Thế nên vua đã “sai lính biệt phái đến đón nàng (bà Bát-sa-va)” (2Sm 11, 4).

Thứ ba: Chồng của Bát-sa-va là U-ri-gia lại đang đi đánh trận, phận nữ bề tôi chân yếu tay mềm chỉ còn biết tuân lệnh nhà vua, đó là chưa kể có thể chính nàng cũng đang cần một bờ vai để chia sớt nỗi cô đơn trong lòng. Và rồi “nàng đến với vua và vua ăn nằm với nàng”  (2Sm 11, 4).

Thứ tư: Vào thời bấy giờ, triều đại vua Đavít quá hùng mạnh, bách chiến bách thắng, đất nước giàu sang, nhân dân no ấm. Thế nên dường như vua Đavít đã quên mất Thiên Chúa và các Giới Răn của Người: “Ngươi không được ngoại tình” (Đnl 5, 18)!

Trên đây là những lý do có vẻ như tất yếu dẫn đến việc vua Đavít phạm tội ngoại tình, nhưng trừ ra yếu tố “thiên thời”, rõ ràng vua có thể làm chủ được yếu tố “địa lợi và nhân hòa”. Nếu vua quyết chí chống lại cám dỗ, luôn nhớ đến Thiên Chúa và lời dạy của Người thì vua hoàn toàn có thể vượt thắng được. Chẳng thế mà ngay tại trang nhất trong tác phẩm “Thiên Thời – Địa Lợi – Nhân Hòa”, tác giả Bạch Huyết đã khẳng định: “Thiên thời không bằng Địa lợi, Địa lợi không bằng Nhân Hòa” đó sao. Vì thế không ai có thể đổ lỗi cho “thời tiết” hay cho “hoàn cảnh” về những sai phạm của mình.

Bài học rút ra:

Để tránh phạm tội ngoại tình, ta cần làm chủ yếu tố “Địa lời và Nhân hòa” như sau:

  • Tránh dịp tội (những hoàn cảnh dễ đi đến việc phạm tội) dưới mọi hình thức. Canh chừng cửa ngõ giác quan khi đứng ở địa thế “trên cao”. Rất cảnh giác khi cơ thể ở trong tình trạng “ý chí yếu” như: khi say xỉn, căng thẳng, rảnh rỗi, cô đơn, thất bại…
  • Luôn đặt để lời khấn hứa chung thuỷ với người bạn trăm năm trong tâm trí.
  • Thường xuyên kín múc sức mạnh từ những phương thế thiêng liêng: Thánh Lễ, các Bí Tích, cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi, nhận định, xét mình, linh hướng, đọc sách thiêng liêng …
  • Hiểu cách thức hoạt động của cám dỗ: luôn xuất hiện từ gián tiếp đến trực tiếp, từ những khoái lạc giác quan đến những lý lẽ tinh vi và những tội chúng ta phạm cũng theo nguyên tắc đó.
  • Cuối cùng, luôn NÓI KHÔNG với những tư tưởng như: “không sao đâu”, “thử xem nào”, “một chút thôi”…

Tiên vàn, mỗi người hãy tự biết mình, biết những “điểm yếu” của mình (thói quen, đối tượng, không gian, thời gian…) để phòng tránh. Khi nhận ra nguy cơ phạm tội thì “chuồn ngay”, không nấn ná đối thoại với cám dỗ, nếu muốn nói thì hãy nói chuyện với Chúa về cơn cám dỗ. Vì với sự yếu đuối của bản tính xác thịt, “anh hùng cũng khó có thể vượt qua được ải mỹ nhân”. Vậy nên, đừng dại dột nộp mình vào miệng sư tử. Nếu biết mình cầm chắc thất bại, thì tốt nhất là “chuồn” thay vì xông pha chiến trận.

Mạc Vị

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Một bình luận

  1. Có bao giờ, thêm một lí do nữa nhé!!!
    Vua Đa-vít và bà Bát-sa-va đã có “…” từ trước… (có: ý đồ, ham muốn, kế hoạch…)
    Chỉ là suy nghĩ của con thôi…
    Con xin chân thành cám ơn!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *