V. HIỆN TƯỢNG GỌI LÀ NAM TIẾN: DÒNG LƯU CHUYỂN VĂN HÓA
Bắt chước O.R.T. Janse, “khi tôi nói đến văn minh Việt Nam, thoạt tiên tôi không nghĩ đến thứ văn minh đã nảy nở quanh triều đình nhà vua, nơi quan trường hay trong các đô thị ảnh hưởng bởi Khổng giáo, nhưng trước hết tôi nghĩ đến văn minh các vùng thôn dã và làng, tổ chức như các quốc gia nhỏ đã tạo thành tính cách nhất trí căn bản của Việt Nam qua các thế kỷ và tự ngàn xưa”[1]. Nghĩ đến văn minh các vùng thôn dân có bàn tay mình nhúng vào tô điểm ý thức hệ. Không nói đến ảnh hưởng Khổng giáo chẳng hạn, không phải vì thành kiến đối với phương Bắc. Có người sẽ chỉ cho chúng ta biết: mở sách vở chữ hán còn đó, căn bản ghép chữ nôm còn kia, những lời giảng Đại Học, Hiếu Kinh… vẫn vang vang ở miền xa xôi nhất bên dưới ải Nam:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Làm người trung nghĩa đáng bia son.
……………
Tách biệt đô thị và thôn quê, không khỏi khiến người ta nhắc đến những ông đồ khăn đóng áo dài đem Tứ Thư, Ngũ Kinh từ Thăng Long, Phú Xuân đến những nơi quạnh hiu bạc bẽo, “một thầy, một cô, một chó cái”. Không, chúng ta chỉ tạm quên một lúc nào đó để nhìn thấy những nét khác nổi bật lên: trong một bức tranh sặc sỡ, quên đi những màu choáng lộn, ta thấy được những bối cảnh hợp bởi những màu khiêm nhường hơn và không phải là không gây cảm xúc.
Nơi đô thị, cũng nên nhắc tới ảnh hưởng phương Tây ở nơi này, “nơi của sinh hoạt xô bồ, phức tạp, cung với quan niệm văn minh hình thức, thiên về văn minh vật chất (…) làm cho người dân không còn đủ sức thấy rõ mình hơn nữa (…), chỉ là những quái thai do sự học đòi lối sống man rợ đội lốt văn minh tạo thành”[2]. Ảnh hưởng của Tây phương không phải là mới. Phong trào trọng thương khiến phát sinh Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An đã 3, 4 thế kỷ rồi. Đến với nhà buôn đếm tiền, còn có những giáo sĩ lo gặt hái linh hồn kẻ chết, người sống. Nhưng tính cách Âu hóa dù to lớn, dù thúc bách trong hiện tại vẫn không tỏ ra sâu đậm trong quá khứ.
Chỉ còn lại văn minh Ấn Độ, Trung Hoa và một đám dân không nói ra nhưng vẫn có một lối sống, một tin tưởng, định đem khuôn nắn những vật liệu bên ngoài thành bản chất đặc sắc địa phương. Bằng cớ nào để phân biệt tính cách bản xứ và tính cách ngoại lại? Hãy nhìn sự khác biệt ở căn bản suy tưởng.
A. Lefevre, khi nhận Việt ngữ vay mượn ngôn ngữ Trung Hoa, đã cho rằng sự vay mượn ấy và những giống nhau ở bề ngoài không động chạm gì đến đặc tính của tiếng Việt mà ngữ vựng, các syllabe-mot là riêng biệt Việt Nam, không Tàu tí nào.[3] L. Cadiere[4] nhìn thấy một đặc tính trong lối phát biểu ý tưởng của người Việt: lối nói xuôi, chủ từ động từ túc từ, nếu có đủ. Ông Nhượng Tống[5] và nhất là ông Hồ Hữu Tường, cố vượt qua biên giới văn pháp, đi vào triết học để mà nhìn vào lề lối phát biểu xuôi đó một đặc tính suy tưởng của người Việt. Theo ông, sau khi người Việt suy tưởng, phần khái quát bao giờ cũng được đề cập tới trước phần riêng tư, chi tiết, như ở ví dụ “trái xoài thanh ca lớn” mà tác giả viện dẫn.[6]
Tính cách bao quát đó hình như có liên quan đến đặc tính mà dân ta đã dành cho cái bụng như là trung tâm của sinh hoạt tâm lý. Ta nhớ đến câu của Đại Học: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thánh nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị”. Chúng ta lưu ý đến bộ tâm trong văn tự hình tượng, biểu ý của Trung Hoa, ta nhắc đến Tâm học của Vương Dương Minh để nhớ rằng đối với truyền thống tư tưởng Trung Hoa, trung tâm sinh hoạt tâm lý là “tâm”, dịch sát là quả tim, không như người Tây Phương dồn hết về não bộ sinh hoạt trí thức, ý chí , chừa cho quả tim chủ trì tình cảm. Người Tàu cũng nói đến can đảm, gan mật, để chỉ sinh hoạt ý chí, nhưng chỉ đặc biệt người Việt là dồn tất cả mọi sinh hoạt tâm lý vào trong cái bụng.
Hãy nghĩ ngay rằng người Việt chỉ dịch tâm là tim khi muốn chỉ cơ năng sinh lý, còn khi muốn chỉ cơ năng tâm lý theo ý người Tầu vẫn dịch là “lòng”: tung tâm có chữ tương đương là trong lòng, tâm trí có chữ tương đương là lòng dạ, bụng dạ… Trái lại với người Phương Tây, nơi chứa óc não chỉ giữ vai trò tiêu cực trong kiến thức: “to đầu thì dại..”; mọi hiểu biết dồn thúc về nơi cái bụng, hạ bộ: “…lớn dái thì khôn”. Cũng nghĩ rằng bồ chữ chứa trong bụng, nên Trạng Quỳnh mới lừa được chúa Trịnh để phơi sách trong cung cấm thâm nghiêm. Sinh hoạt ý chí phát nguồn từ cái bụng, nên người ta mới có thể nói được “bấm bụng mà chịu”, “bụng làm, dạ chịu”. Tình cảm cũng phát xuất từ cái bụng: “rầu thúi ruột”, “thổn thức trong lòng”… Đó là chưa kể bụng dạ cũng là nơi phát hiện tính tình: bụng dạ hẹp hòi, rộng rãi, ruột để ngoài da…
Đặc tính suy tưởng này có thể bắt nguồn từ cỗi gốc trong sinh hoạt tôn giáo xa xưa của nền kinh tế nông nghiệp: tôn giáo thờ Nữ thần. Theo sự phân biệt của P. Challus thì sự thờ phượng Nữ thần là của các dân tộc nông nghiệp, trái lại các dân tộc du mục đều thờ Nam thần[7]. Ý niệm Thiên của “các người quân tử miền Tây” tiên tổ của nhà Chu lúc còn là bộ lạc đất Phong, đã làm nền tảng cho sự tin tưởng vào một đấng Tối Cao, càng ngày càng theo với tiến bộ xã hội cùng với sự xâm nhập tàn nhẫn của các rợ du mục phía Bắc, phía Tây, càng khoác bộ mặt nam tính rõ rệt hơn. Ở Việt Nam, nếu cố tìm bên dưới lớp sơn văn hóa ngoại lai, đến sau, người ta vẫn thấy tiềm ẩn những dấu vết tôn giáo nông nghiệp sơ khai: hội Lim, các hội mùa có ý nghĩa sinh sản[8], hình dạng cái bụng của trống đồng cầu mưa ám ảnh cái giống trong các truyện Tiếu lâm…