Phân định Thánh Ý Chúa theo Linh đạo I-nhã

Chúng ta nên làm gì? Chúng ta không nên làm bất cứ điều gì xấu và vô lý. Giữa ranh giới của điều xấu và vô lý ẩn chứa rất nhiều khả thể. Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với những quyết định lớn lao: học hành, nghề nghiệp, công việc, tình trạng sống, các mối tương quan, các cam kết quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối diện với những quyết định nhỏ hơn về các ưu tiên, các mục tiêu, cách thức sử dụng thời gian, những gì cần phải chú ý và những gì cần phải hoãn lại đến ngày hôm sau. Làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện tốt những lựa chọn này? Chúng ta có thể suy xét các giá trị được chọn lựa như thế nào? Làm thế nào để chúng ta có thể phân định đúng?

Linh đạo I-nhã chỉ cho chúng ta một cách thức tiếp cận những vấn đề này. Để theo Đức Giêsu, chúng ta cần biết cách thực hiện những quyết định tốt. Linh đạo I-nhã giúp chúng ta đối diện thách đố ấy bằng một con đường thực tiễn.

Chúng ta muốn gì?

Trước tiên, thánh I-nhã muốn chúng ta biết rõ về những cùng đích mà chúng ta tìm kiếm. Chúng ta cùng trở về với Nguyên Lý và Nền Tảng để hiểu rõ hơn về những giá trị chi phối những chọn lựa của chúng ta. Tất cả mọi sự trong thế giới này được ban tặng cho chúng ta “để chúng ta có thể hiểu biết Thiên Chúa hơn và sẵn lòng đáp trả tình yêu Ngài hơn“. Như vậy, “khao khát và lựa chọn duy nhất của chúng ta là: tôi muốn và tôi chọn những gì tốt hơn dẫn tới sự sống sâu thẳm của Thiên Chúa trong tôi.” Tình yêu thiết thân của chúng ta với Thiên Chúa là mục tiêu và là cùng đích của cuộc đời chúng ta. Tất cả chọn lựa chúng ta đều là những phương tiện, những bước tiến để đạt được cùng đích ấy. Chúng ta tiến tới hôn nhân, hay chọn lựa một ngành nghề, hoặc bắt đầu kinh doanh như một cách thức để đào sâu mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Tất cả những chọn lựa quan trọng ấy đều là những phương tiện chứ không phải là cùng đích. Chúng ta thật dễ quên điều ấy mà coi những chọn lựa ấy như là cùng đích. Lựa chọn hoặc quyết định trước nhất của chúng ta đơn giản là theo Đức Kitô. Mọi thứ khác — tất cả các lựa chọn, lớn và nhỏ — đều phục vụ cho chọn lựa theo Chúa.

Phương pháp phân tích

Khi chúng ta đã xác định rõ cùng đích, thì chúng ta có thể giải quyết được những phức tạp của việc ra quyết định. Một trong những phương pháp là lối tiếp cận phân tích. Khi cố gắng chọn giữa hai điều tốt, chúng ta có thể liệt kê những ưu điểm và nhược điểm bằng hai cột trên cùng một tờ giấy. Nếu còn bối rối, chúng ta cũng có thể hỏi một số bạn bè xem họ nghĩ sao. Sau đó, chúng ta quyết định, dâng quyết định ấy lên Thiên Chúa vì ơn huệ của Ngài, và xin ơn an ủi như ân sủng của Ngài xác chuẩn cho chọn lựa của chúng ta.

Thánh I-nhã gọi loại thực hiện chọn lựa này là “Thì thứ ba”. Những lựa chọn ở “Thì thứ nhất” và “thì thứ hai” là những quyết định được hướng dẫn bởi con tim, nơi mà sự xác nhận không đến từ những lý luận của trí năng mà qua sự phân biệt ý nghĩa của các chuyển động khác nhau của những cảm xúc và rung động. Đây là món quà lớn nhất của thánh I-nhã dành cho chúng ta khi ra quyết định. Nó có thể được xem là món quà luận lý của con tim.

Đôi khi sự lựa chọn là rõ ràng

Lựa chọn ở Thì thứ nhất là một quyết định rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Chúng ta biết những gì là đúng. Thánh I-nhã trích dẫn hai ví dụ về sự chọn lựa ở Thì I trong Tân Ước: sự hoán cải của thánh Phao-lô tông đồ, và lời mời gọi của thánh Mat-thêu (người thu thuế). Không ai nghi ngờ về những gì Thiên Chúa muốn (ít nhất là trong hai tình huống ấy). Lựa chọn ở Thì I không phải là hiếm. Chúng ta có thể biết những người không bao giờ nghi ngờ về những gì họ nên làm ở những bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Một số người chắc chắn về đời sống hôn nhân ngay từ lần đầu họ gặp nhau bởi cùng một ân sủng như vậy. Những người khác chắc chắn về ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục cũng theo một cách thức tương tự. Có thể, bạn cũng đã có kinh nghiệm này, ít là trong một số trường hợp.

Khi lựa chọn không rõ ràng

Lựa chọn ở Thì hai là những tình huống mà sự lựa chọn ưu tiên chưa hoàn toàn rõ ràng. Chúng ta được giới thiệu thì chọn lựa này khi có những hướng chiều lựa chọn đan xen mà tất cả dường như đều cuốn hút ở một mức độ nào đó; và chúng ta không nhận được ân huệ về việc nhận biết chắc chắn, rõ ràng đối với những gì chúng ta cần thực hiện. Trong những trường hợp như vậy, thánh I-nhã nói rằng chúng ta có thể phân định chọn lựa đúng đắn bằng cách theo dõi những chuyển động nội tâm. Đặc biệt, những cảm xúc về “an ủi” và “sầu khổ” sẽ báo hiệu một tiến trình hành động đúng đắn. Thánh I-nhã luôn cẩn thận đặt từ thiêng liêng sau từ an ủi và sầu khổ. Đối với ngài, an ủi thiêng liêng là “khi trong linh hồn phát khởi một chuyển động nội tâm nào đó, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.” Thánh I-nhã mô tả ơn an ủi đơn giản như mọi gia tăng của đức cậy, đức tin và đức mến. Sầu khổ thiêng liêng thì ngược lại. Thánh I-nhã sử dụng những lời để mô tả như: bóng tối của linh hồn, sự xáo trộn, sự chuyển động hướng đến những gì thấp hèn, trần tục (những khoái lạc và vui thú giác quan – ND), sự bất an về những bối rối và những cám dỗ khác nhau. Thánh I-nhã am hiểu tầm quan trọng của những cảm xúc này nhờ kinh nghiệm của chính ngài – từ giai đoạn đầu của cuộc hoán cải đến khi trở thành một người tín hữu nhiệt thành, bằng việc học cách chú ý đến những chuyển động cảm xúc.

Lựa chọn ở Thì II không đơn giản chỉ là vấn đề “cảm thấy an bình” đối với một quyết định được đặt ra. Những cảm xúc về an ủi thiêng liêng và sầu khổ thiêng liêng phải được đánh giá cẩn thận. Sự thỏa mãn và tự mãn về một quyết định nào đó có thể được ngụy trang như một sự an ủi. Đôi khi, sầu khổ có thể là một cảm giác bồn chồn kịp thời để chỉ cho chúng ta chọn lựa theo một hướng mới. Thánh I-nhã đã giới thiệu “những quy tắc phân định thần loại” ở phần cuối của sách Linh Thao.

Tin tưởng cảm xúc của bạn

Dường như thật ngạc nhiên (và hơi mạo hiểm) để tin vào những chuyển động cảm xúc ở mức độ mà thánh I-nhã đề cập. Nhưng cách thức phân định ấy hoàn toàn phù hợp với quan điểm về đời sống Kitô hữu của ngài. Quan điểm của thánh nhân cho chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới được bao bọc bởi Thiên Chúa; một thế giới mà Thiên Chúa sử dụng để liên hệ với chúng ta. Chúng ta tìm cách theo Đức Giêsu. Chúng ta cẩn thận quan sát Ngài trong các sách Tin Mừng và chúng ta đi vào khung cảnh của Tin Mừng bằng cách sử dụng những phương pháp chiêm niệm theo thánh I-nhã thông qua trí tưởng tượng. Chúng ta đến để biết Chúa Giêsu là ai và cố gắng làm cho Ngài trở thành trung tâm của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thực hiện những quyết định trong bối cảnh của mối tương quan tình yêu này. Đó là một mối tương quan của con tim. Trái tim của chúng ta sẽ chỉ cho chúng ta biết những quyết định nào sẽ đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn và những quyết định nào làm ta rời xa Ngài.

Như thế, phân định theo thánh I-nhã khẳng định những chọn lựa của người Kitô hữu thông thường sẽ vượt quá những gì thuần lý hoặc lý luận thuần túy. Pascal nói: “con tim có những lý lẽ của nó mà tâm trí chẳng thể biết được.” Điều ấy là đúng – miễn là chúng ta để trái tim được huấn luyện bởi Chúa Kitô.

Linh đạo I-nhã hướng dẫn chúng ta trở thành những người “chiêm niệm trong hoạt động.” Chúng ta có thể hiểu điều này hơi nghịch lý nếu chúng ta thấy mục đích chỉ là hành động và phân định là phương tiện. Nhưng việc phân định sẽ giúp chúng ta có những quyết định gắn kết chặt chẽ hơn với Chúa Kitô và với việc cùng lao tác của chúng ta với Ngài trong thế giới. Việc chiêm niệm về Đức Giêsu trong Tin Mừng là một nguyên tắc thiết yếu cho tiến trình phân định. Thực hành cầu nguyện bằng trí tưởng tượng dạy cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai và cách Ngài hành động cũng như cách Ngài quyết định. Cách chiêm niệm như vậy sẽ huấn luyện trái tim của chúng ta và hướng dẫn chúng ta có những quyết định mang chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn.

Nguồn: https://www.ignatianspirituality.com/making-good-decisions/an-approach-to-good-choices/how-ignatian-spirituality-gives-us-a-way-to-discern-gods-will

Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J.

Kiểm tra tương tự

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *