Việc không công

Dường như mỗi khi bắt tay vào bất cứ công việc gì người ta sẽ nghĩ ngay đến lợi ích nào đó. Đó có thể là động cơ khiến ta quyết định dấn thân nhập cuộc vào công việc. Theo lối sống thời đại, tính toán đủ điều để bắt đầu tiến hành công việc là chuyện rất thường. Dường như trong chuyện tính toán này, lợi ích cá nhân xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của ta, và điều gì ta sẽ nhận được khi làm điều ấy. Như người ta thường nói: “ít ra cũng phải có tí.” Nếu không có “tí tiền” thì ít ra cũng phải có “tí gì” khác chứ bởi ở đời hình như “chẳng ai cho không ai điều gì cả” như quan niệm của rất nhiều người. Đó là lời ta vẫn nghe người đời mong mỏi. Phải chăng làm gì cũng cần một mối lợi nào đó?

Không có tiền thì cũng phải có tình. Ta làm điều này điều kia để mong người ta tôn trọng, đời công nhận. Theo lẽ tự nhiên, khi được người khác nhìn nhận một điều gì ta sẽ cảm thấy sung sướng vì tên ta được xướng, danh ta được nêu. Sự coi trọng của một người hay một nhóm cũng khiến ta dấn thân vào công việc đó vì không muốn mình trở thành người dư kẻ thừa. Không chỉ thế, theo nhu cầu tự nhiên, ta cũng mong muốn nhận được lòng yêu quý của người khác. Cùng một việc, một bổn phận trong nhóm nhưng khi ta dấn thân dưới đôi mắt của một cô gái hay một chàng trai đang khiến con tim ta rung động, sẽ dễ dàng và hăng hái hơn nhiều trước những lời tán dương khen ngợi của chúng bạn người thân. Hơn thế nữa, công việc ấy sẽ đơn giản, sẽ làm nhanh chóng hơn khi nó tôn vinh chính bản thân ta. Lúc này, dường như công việc chỉ trở nên hàng thứ yếu vì cái chính yếu là ta được thể hiện bản thân mình. Cái vinh quang “nho nhỏ” ta nhận được bỗng trở nên thứ quý giá nhất chất thêm vào kho lợi danh của ta. Sau tất cả, ta thường làm để tôn vinh bản thân và mưu ích cho riêng mình. Chứ lẽ nào bắt tay vào mà lại ra về tay không.

Nhưng trong cái “vị thập cẩm” ở đời, có rất nhiều công việc chẳng mang lại cho ta lợi lộc gì cả. Tiền thì chẳng có, tình cũng không dư, thậm chí lại còn bị mang tiếng theo kiểu “có tiếng mà không có miếng.” Phần nào đó, theo lẽ tự nhiên, ta cũng làm vì bổn phận cũng dấn thân bởi được yêu mến và cũng lăn mình để thể hiện bản thân theo nhiều cách thức hình thái khác nhau. Nhưng nhìn chung, dưới con mắt người đời, những công to việc nhỏ đều trở nên vô nghĩa. Những công việc không công là thế. Ta lao mình lăn xả, ta cứ dấn thân nhập cuộc mà chẳng nhận được là bao, chẳng thu được thứ gì. Thế ta làm vì điều gì? Đó là điều không mấy người thấy cũng chẳng ai bận tâm. Nó có một sức mạnh vượt thắng lòng tự trọng, vượt trên thứ tình cảm yêu mến đơn thuần, và vượt xa lòng ái kỉ tự nhiên. Nó đòi buộc ta gạt sang một bên những lợi ích trước mắt để hướng đến phần thưởng đời sau. Đó là niềm tin của ta cho những công việc không còn mấy ai dám làm, mấy người động tay. Đó là bản lĩnh của những người con yêu dấu của Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời. Trước mặt Người, ta vẫn được coi trọng, vẫn được mên yếu và là chính ta. Trong đức tin, ta vẫn đặt hy vọng cho những cống hiến vô vị lợi của mình cho gia đình, Giáo Hội và xã hội. Chính Thiên Chúa sẽ trả công cho ta xứng với những việc ta làm, những điều ta dám dấn thân trong tình yêu thương của Người.

Những việc đó không được tán thưởng ở đời này, nhưng chắc chắn nó sẽ không vô ích với đời sau. Đôi khi ta được cảm nếm phần nào đó giá trị của nó ngay trong cuộc sống hiện tại, nhưng điều quan trọng hơn và cần chú ý hơn cả là tình yêu ta đặt vào trong công việc, trong việc làm của mình đến đâu; ta mong làm sáng danh Chúa qua việc mình làm hay chỉ để tô bóng thêm dành cho bản thân. Làm việc không công, không tình yêu thì cũng có thể thành “công cốc” mà thôi.

Lyeur Nguyễn

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Một bình luận

  1. Cám ơn Cha/ Thầy, tác giả bài “Việc Không Công”.
    Vâng, làm việc mà có tình yêu nào đó thì hoa quả sẽ tốt. Còn thiếu tình yêu thì điều nhận được có thể là hoa quả bj sâu, không dùng được.
    Dẫu rằng động lực hay lơi ích nhắm tới của mọi “việc không công” đều có chứa cái “thập cẩm” (tiền, tình, danh, hay lợi ích thiêng liêng nào đó), hoặc chỉ một điều trong số cái “thập cẩm” ấy thôi, thì kết quả là người ấy cũng “thu tích” được chút nào đó, hoặc nhiều hoặc ít điều mà người ấy mong chờ.
    Nếu nhìn vấn đề công việc-lợi nhuận trong con mắt đức tin, nghĩa là đứng bên cạnh Chúa Giêsu mà nhìn thì người ấy sẽ thấy mọi dù việc không công, hay có công đều là hồng ân Chúa. Hồng ân cho những người mình phục vụ và hông ân cho chính người ấy. Người ấy, người làm việc sẽ thấy rằng mình là người của Chúa. Chúa cần mình làm những việc đó để xây dựng thế giới này, cho dù những giới hạn, những tham- sân-si hay những tiền-tình-danh gì đó chi phối mình. Và những việc làm đó cũng có hoa quả.
    Người trong gia đình, nếu thật sự yêu gia đình của mình, thì thường làm việc không công, hoặc nhận những lợi ích tối thiểu để sinh tồn. Nếu ý thức mình là người của Chúa, người nhà của Chúa thì người ta sẽ làm với niềm say mê hơn để mang lại sự tốt đẹp, hạnh phúc cho gia đình nhân loại của Chúa.
    Dù là người của Chúa, người ấy vẫn có những giới hạn, và ơn Chúa chỉ đủ cho họ để làm việc và với những điều kiện nào đó thôi. Cuối cùng thì người ấy có làm được gì cũng là nhờ ơn Chúa mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *