Viết cho em, một người thiếu nữ

Em thân mến,Viết-cho-em

Câu chuyện về gia cảnh và tâm trạng của em làm tôi trăn trở rất nhiều. Tôi trân trọng và đồng cảm với em trong những nghịch cảnh mà cuộc đời của em phải đối diện. Đời là một dòng sông chuyên chở niềm vui hay nỗi buồn, phần lớn thuộc về thái độ của chúng ta, em à! Tôi viết cho em những dòng này để tôi và em có thể hiểu hơn về lòng yêu thương tha thứ vốn có thể cho cuộc sống của ta thêm bình an, hạnh phúc.

Em chào đời trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và các chị. Với em, gia đình luôn là tổ ấm và là không gian tràn gập niềm vui tiếng cười cùng với những lời nguyện sớm tối ngân vang. Cha mẹ em sống hạnh phúc với những công chúa dễ thương ngoan hiền. Cha em là người chồng chung thủy và là người cha trách nhiệm; mẹ em là người vợ hiền lành và là người mẹ từ tâm.

Rồi bỗng một ngày căn bệnh ung thư đã cướp mất người cha tuyệt vời của em. Em buồn vì mất cha nhưng nỗi buồn ấy cũng nguôi ngoai đi phần nào khi em biết rằng mình còn mẹ và các chị. Lúc này, họ là chỗ dựa tinh thần cho em trong những năm tháng sắp tới. Điều này vô cùng cần thiết đối với một cô bé thời tiểu học như em. Nhưng ở lứa tuổi ấy, em chưa thể nào hiểu được những quyết định lạ thường đến phũ phàng của người mẹ – một người mẹ trẻ trung. Quả thế, mẹ em theo tiếng gọi của con tim để đến với một người đàn ông ngoại đạo; và dĩ nhiên, cuộc tình này danh không chính, ngôn không thuận. Mẹ em bị rối theo luật đạo, bị trách cứ theo miệng đời. Bên nội em phản đối kịch liệt, chống đối rồi đi đến căm phẫn và loại trừ. Em lớn lên trong bầu không khí giận hờn ấy của gia đình bên nội để giờ đây em cũng không thể tha thứ cho mẹ mình.

Từ đó, em không còn cha và cũng xa mẹ. Em và các chị được ông bà nội gửi vào trường nội trú của các Sơ. Em được dạy dỗ với nhiều giá trị làm người, với biết bao câu chuyện về lòng hiếu thảo và tha thứ. Thế nhưng với em dường như không thể tha thứ cho người mẹ đã “phụ tình” cha em trên Thiên Đàng. Em ngậm ngùi nói với tôi về người mẹ xấu xa, đáng trách đến nỗi em không thể xóa nhòa được những lầm lỗi của mẹ em.

Em thân mến, tôi thấy em đáng thương hơn đáng trách!

Em đã là cô gái đôi mươi chuẩn bị bước vào đời với nhiều hy vọng và thách đố đang đón chờ. Tôi lo lắng và trăn trở với em bởi khi bước vào đời với lòng thù hận, ách cuộc đời lại càng nặng nề cho em. Tôi tin là chẳng người mẹ nào lại không thương đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Mẹ em cũng thế! Sống bên người chồng thứ hai nhưng chắc hẳn lòng bà không nguôi nghĩ về những đứa con một thời bế bồng nuôi dưỡng của mình. Em hãy thử đặt mình vào vị trí của mẹ để lắng nghe tình mẫu tử nói gì? Em thử cho con tim mình một lần vượt lên những hận thù, căm phẫn để tha thứ, hòa giả và yêu thương xem sao? Hoặc em thử ngẫm nghĩ về tình yêu phi thường của thánh Gioan Phaolô II đã yêu thương, tha thứ cho kẻ ám sát mình. Vả lại với bất kỳ ai, “cuộc sống mà không có sự tha thứ thì chỉ là tù ngục”. Chẳng lẽ em lại giam mình trong vòng lao lý của ngục tù mãi sao?

Em thân mến,

Em có thể gào lên hay phớt lờ đi sự hoà giải ấy vì tâm trạng bức bối và hờn ghét người mẹ trong em. Em có lý do để phản kháng lại bài học tha thứ, về lòng yêu thương trắc ẩn vốn chỉ là nét vẽ lý tưởng xa vời nào đó. Vì thế, tôi viết cho em để cùng em thấy rõ: lý tưởng ấy cần thiết với em lúc này để em có thể vẽ lên những nét vẽ cụ thể về lòng tha thứ cho chính em. Hoặc ít ra tha thứ cho mẹ em có thể cho em một chân trời tươi sáng và một cuộc sống vơi đi gánh nặng hận thù.

Em thân mến,

Em được gì ngoài một tương lai mờ mịt khi mang trong mình lòng thù hận mà kẻ thù ấy lại chính là người mang nặng đẻ đau ra em. Em nói: “Em có thể tha thứ cho người bạn nhưng không thể tha thứ cho mẹ em được”. Em ơi, vết thương mà bạn gây cho em chỉ là ngoài da, vụt chốc là có thể lành lại; nhưng vết thương mà mẹ em khắc vào tâm trí em từ thuở nhỏ không chỉ cần thời gian mà còn cần cả một tình yêu phi thường và cả sự bỏ mình nữa để hàn gắn lại. Bởi lẽ Mahatma Gandhi xác nhận rằng: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh”. Nếu em không can đảm thì lòng thù hận của em sẽ vĩnh viễn cướp đi người mẹ đáng yêu của em.

Em thân mến,

Những lời này tôi viết cho em không gì khác hơn là để tôi và em có thể cảm nhận được thế nào là tha thứ yêu thương, thế nào là “đắng cay cũng thể ruột rà, ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng”, và thế nào là món quà quý giá của hành vi tha thứ mang lại.

Cầu chúc em luôn bình an và can đảm, em nhé!

Phạm Đình Ngọc, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *