Chiều thứ năm 07.09.2017 tại Bogotá, thủ đô của Colombia, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cùng với 200 Đức Cha, hàng ngàn linh mục và một triệu ba trăm ngàn tín hữu. Mọi người đứng đầy công viên Simon Bolivar và tràn ra các con đường. Cũng có rất nhiều nhóm trẻ em khuyết tật tham dự. Đặc biệt có sự hiện diện của Tổng Thống và Phu Nhân cùng nhiều quan chức chính quyền. Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến!
Tác giả Tin Mừng kể cho chúng ta về câu chuyện ơn gọi của các môn đệ đầu tiên. Câu chuyện ấy diễn ra tại bờ hồ Ghenesaret. Đó là nơi mọi người tụ họp để nghe một tiếng nói có khả năng hướng dẫn và soi sáng cho họ. Đó cũng là nơi các ngư dân thường mang theo những mệt mỏi gánh nặng hàng ngày, là nơi họ làm ăn sinh sống và mưu cầu hạnh phúc. Đây là lần duy nhất trong Phúc Âm Luca, Chúa Giêsu rao giảng gần biển hồ Galilê. Biển cả mở ra hy vọng, nhưng rồi cũng sớm biến thành thất vọng với tất cả nỗ lực của họ dường như vô nghĩa. Theo cách giải thích của các Kitô hữu thời xưa, biển là nơi đại diện cho sự bao la rộng lớn mà nơi đó mọi người có thể sinh sống, nhưng đồng thời, biển cũng gợi lên mọi thứ hỗn loạn, bóng tối và những gì đe dọa đến sự sinh tồn của con người.
Chúng ta cũng diễn tả tương tự như thế để nói về đám đông về biển người. Ngày đó, đằng sau Chúa Giêsu là biển cả và đằng trước Chúa là đám đông đi theo Chúa. Họ theo Chúa bởi vì họ biết rằng Chúa đã chạnh lòng thương tới mức độ nào trước những đau khổ của con người, vì họ biết những lời chân thật, sâu sắc và ngay thẳng của Chúa. Mọi người đến để nghe Chúa. Lời của Chúa có nét đặc biệt là làm cho người ta không thể thờ ơ, vì lời ấy có sức mạnh biến đổi tâm hồn, có sức mạnh thay đổi các kế hoạch và dự phóng. Đó là những lời được chứng minh bằng hành động, chứ không phải là những khám phá kiểu học thức, cũng không phải là những đồng thuận lạnh lùng. Những lời ấy được rút ra từ chính những nỗi đau của con người. Lời ấy vừa có giá trị như là sự chở che an toàn của bến bờ, vừa là sự mong manh của biển.
Thành phố Bogotá yêu quý này và quốc gia Colombia xinh đẹp này đã truyền tải nhiều câu chuyện của Tin Mừng. Ở đây cũng thế, có đám người rất đông cùng nhau tụ họp, khao khát những lời sự sống để soi sáng các nỗ lực của họ, để đề ra những hướng đi, để chỉ cho thấy vẻ đẹp của cuộc sống con người. Đám đông ấy là những người nam người nữ, người già người trẻ, đang ở trong vùng đất phong nhiêu vô cùng, đủ sức cung cấp cho hết mọi người. Nhưng ở đây cũng như ở những nơi khác, có bóng tối dày đặc đang đe dọa và phá hủy cuộc sống. Đó là bóng tối của bất công và bất bình đẳng xã hội, bóng tối tham nhũng của các cá nhân cũng như của các nhóm lợi ích. Những cá nhân tham nhũng ấy, nhóm tham nhũng ấy tiêu thụ một cách ích kỷ và không kiểm soát, lại mệnh danh cho sự tốt đẹp của mọi người. Đó là bóng tối của sự thiếu tôn trọng đối với cuộc sống con người, bóng tối của việc hủy hoại cuộc sống nhiều người vô tội; máu của những người vô tội ấy kêu thấu đến trời cao. Đó là bóng tối của những khao khát trả thù và hận thù làm cho những người cầm quyền trở nên mù quáng. Đó là bóng tối của những người bị tê liệt, bị vô cảm trước nỗi đau của biết bao nạn nhân. Chúa Giêsu đã phá tan bóng tối này với lệnh truyền mà Chúa nói với Phêrô: Hãy ra chỗ nước sâu! (Lc 5:4).
Chúng ta có thể bị bối rối trong các cuộc thảo luận bất tận, trong việc thêm vào những nỗ lực bất thành và liệt kê những cố gắng không hồi kết. Cũng giống như ông Phêrô, chúng ta biết rằng có làm cũng chẳng được. Đất nước này biết quá rõ điều ấy, bởi vì trong thời kỳ đầu, trong vòng 6 năm mà có tới 16 vị tổng thống, và quốc gia này đã phải trả giá đắt cho sự chia rẽ ấy. Giáo hội tại Colombia cũng kinh nghiệm rõ về những công việc mục vụ không thành công và không kết quả… Thế nhưng, giống như Phêrô, chúng ta có thể tin cậy nơi Thầy Giêsu, bởi vì lời của Thầy có hiệu quả, ngay cả khi bóng tối làm cho quá nhiều nỗ lực trở nên vô ích luống công. Phêrô là người kiên quyết đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ông để lại mọi sự mà theo Chúa, để trở thành ngư phủ mới, với sứ mạng là đem Nước Thiên Chúa đến cho những người anh em mình, đó là nơi mà cuộc sống tròn đầy và hạnh phúc.
Nhưng mệnh lệnh thả lưới không chỉ trực tiếp dành cho Simon Phêrô. Ông đã được hướng dẫn để thả lưới vào nơi sâu thẳm. Cũng giống như những con người trong đất nước này, những người đầu tiên nhận thấy điều quan trọng nhất là cần tìm kiếm hòa bình với nỗ lực của cả cuộc đời. Phải thả lưới đồng thời phải có trách nhiệm. Tại Bogotá và Colombia, có cuộc hành trình rộng lớn mang tính cộng đồng, được mời gọi thay đổi để thả lưới lành mạnh, nhằm quy tụ mọi người hiệp nhất với nhau, cùng nhau lao tác để bảo vệ và chăm sóc cuộc sống con người, đặc biệt là những người nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất. Đó là những phụ nữ mang thai, những trẻ thơ, những người già, người khuyết tật, và những người bên lề xã hội. Rất nhiều người ở Bogotá và ở Colombia cũng có thể trở thành những cộng đồng huynh đệ và sống động thực sự, nếu họ nghe và đón nhận Lời Chúa. Từ những cộng đoàn sống theo Phúc Âm ấy, sẽ có nhiều người nam nữ được biến đổi trở thành các môn đệ. Đó là những người với trái tim hoàn toàn tự do để theo Chúa Giêsu. Đó là những người nam nữ có khả năng yêu mến sự sống trong tất cả giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Đó là người biết tôn trọng và thăng tiến sự sống.
Chúng ta cần được mời gọi, được kêu gọi, giống như các ngư phủ, để có thể nhìn nhận nhau là anh chị em, nhìn thấy nhau là những người bạn đồng hành trên bước đường, là người cộng tác vì mưu ích chung trên quê hương này. Bogotá và Colombia đồng thời là bến bờ, là biển hồ, là biển rộng, là thành phố mà Chúa Giêsu đã đi qua và tiếp tục đi qua, để mang đến sự hiện diện của Chúa và Lời của Chúa, để xua đi bóng tối và mang lại cho chúng ta ánh sáng và sự sống. Chúa kêu mời mọi người, để không còn ai bị để mặc cho bão tố, để chúng ta đi vào con thuyền của mỗi gia đình, đi vào cung thánh của sự sống, để tạo nên không gian cho ích chung, vượt thắng sự ích kỷ, để đem lại quyền lợi cho những con người dễ bị tổn thương nhất.
Thánh Phêrô đã kinh nghiệm sự nhỏ bé của chính mình, kinh nghiệm lòng bao dung của lời nói và quyền năng của Chúa Giêsu. Phêrô biết rõ những yếu đuối, những thăng trầm của bản thân… Cũng thế chúng ta biết chính mình và lịch sử của bạo lực chia rẽ giữa con người, một lịch sử mà trong đó không tìm thấy chiếc thuyền chung cho mọi người, một lịch sử đầy bão tố và bất hạnh. Tuy nhiên, với cùng cách thế như Phêrô, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thả lưới chỗ nước sâu. Chúa thúc giục chúng ta cùng chia sẻ những rủi ro, biết để lại đằng sau những ích kỷ, và biết theo Chúa, biết bỏ đi những sợ hãi không đến từ Chúa. Đó là những sợ hãi làm cho chúng ta tê liệt và ngăn cản chúng ta trở thành con người xây dựng hòa bình, ngăn cản chúng ta thăng tiến sự sống.
Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ