Yêu đến cùng: Rửa chân – Thập giá – Phục sinh

Rửa chân

Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu họ đến cùng (Ga.13,1).
– Yêu đến cùng bằng cách rời bỏ địa vị của một chủ tiệc để trở thành tôi tớ phục vụ bàn tiệc.
– Yêu đến cùng bằng cách lột bỏ áo choàng để trở thành một tội nhân như con người.
– Yêu đến cùng bằng cách cúi xuống rửa chân cho Giu-đa và cho ông cơ hội để thay đổi. Sự đụng chạm giữa bàn tay thanh cao của Giêsu vào đôi chân nhơ nhuốc tội lỗi có làm Giu-đa thay đổi không?
– Yêu đến cùng bằng cách nhẹ nhàng, khéo léo rửa chân cho Phêrô dù ông không đồng ý cho Ngài rửa.
– Yêu đến cùng bằng cách hỏi con người có hiểu được ý nghĩa của việc làm mà Ngài đã và đang thực hiện hay không.
– Yêu đến cùng bằng cách trả lời để giúp con người hiểu và làm cho họ xác tín hơn những việc họ sẽ làm sau này.
– Yêu đến cùng bằng cách trở lại địa vị của một chủ bàn tiệc. Dấu hiệu báo trước cho sự Phục Sinh khi Chúa trở lại thăm các môn đệ sau này.
– Yêu đến cùng bằng cách mặc áo choàng lại để chứng tỏ việc Chúa chiến thắng tội lỗi.
– Yêu đến cùng bằng cách sắp xếp lại trật tự khi Ngài còn sống là Thầy, là Chúa như con người nói để trở thành trật tự đúng là Chúa, là Thầy khi Ngài từ cõi chết sống lại.
– Yêu đến cùng bằng cách để lại một gương mẫu của việc rửa chân và thánh hóa nó từ mối nhục đối với con người trở thành mối phúc đối với Thiên Chúa.
– Yêu đến cùng không chỉ là hành động cúi xuống rửa chân bằng nước nhưng Ngài đã rửa cho con người đến tận cùng bằng chính máu của Ngài trên cây Thập giá.
Xin cho con cảm nghiệm thâm sâu và sống kinh nghiệm Yêu đến cùng của Giêsu.


+++

Thập giá

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bây giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. (Lc.23,33-34a).
– Yêu đến cùng là chấp nhận để con người đóng đinh mình vào Thập giá mà không phàn nàn, kêu ca.
– Yêu đến cùng là biến thập giá từ hình phạt do con người tự tạo ra thành ơn cứu độ của Thiên Chúa.
– Yêu đến cùng là đón nhận chữ T của cây gỗ khô cứng thập giá, cũng là biểu tượng Tội của con người .
– Yêu đến cùng là dang rộng đôi tay, che bớt đi tội của con người bằng chữ T mềm mại là Tha để xin Cha không chấp tội đó của con người.
– Yêu đến cùng là cúi xuống để lắng nghe ở dưới đất con người đứng nhìn, buông lời nhạo cười, chế giễu và nhục mạ.
– Yêu đến cùng là ở trên cây thập giá, một Giêsu vẫn cúi xuống, lặng nhìn, cầu nguyện, đón nhận.
– Yêu đến cùng là để con người thấy tội ta thì nhờ đó thấy được Thiên Chúa thứ tha.
– Yêu đến cùng là nhìn ra nhu cầu của người khác và thực thi như lời đã phán hứa ( cho người trộm lành lên thiên đàng, ai xin thì sẽ được).
– Yêu đến cùng là chấp nhận giới hạn của con người và để bóng tối đi ngang qua cuộc đời mình nhưng nó không thể điều khiển Ngài.
– Yêu đến cùng là chứng kiến bức màn trướng trong đền thờ bị xé ra. Sự giao hoà giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau được hoàn thành.
– Yêu đến cùng là phó thác trọn vẹn con người mình trong vòng tay yêu thương của Cha.
– Yêu đến cùng là rũ tay xuống biến chữ T mềm mại thành chữ Y dễ mến.
– Yêu đến cùng là minh chứng của Tha Thứ trở thành Tình Yêu đích thực.
– Yêu đến cùng là không xuống khỏi thập giá nhưng dùng nó thành phương tiện đưa con người đến với Thiên Chúa.
– Yêu đến cùng là cho con người một cơ hội để được cứu khi con người biết nhìn lên cây Thánh giá mà không còn nhìn vào nhau hoài.
– Yêu đến cùng là cách mà Giêsu đã làm và muốn con người làm theo.

+++

 Phục Sinh

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn để ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến giữa các ông và nói: “bình an cho anh em” (Ga.20,19)
– Yêu đến cùng là vẫn nhớ đến các môn đệ sau khi từ cõi chết trỗi dậy. Các môn đệ vẫn có một chỗ đứng đặc biệt trong tim thầy Giêsu.
– Yêu đến cùng là gặp gỡ các môn đệ trong một bầu khí sợ hãi, đóng kín cả bên ngoài lẫn bên trong.
– Yêu đến cùng là xóa tan đi nỗi sợ hãi đó để giúp các ông được bình an.
– Yêu đến cùng là ban Bình An mới, bình an của sự sống, bình an của chính Thiên Chúa chứ không phải của con người.
– Yêu đến cùng là củng cố những nghi ngờ, băn khoăn của các môn đệ về cái chết của thầy Giêsu.
– Yêu đến cùng là dám khoe sẹo cho các môn đệ và cũng là dấu chứng cho thấy Ngài thật sự đã được lành lặn.
– Yêu đến cùng là tiếp tục chữa lành những tổn thương của các môn đệ bằng cách ban thêm bình an.
– Yêu đến cùng là nhận ra được các môn đệ thật sự bình an và có sức để đón nhận sứ mạng.
– Yêu đến cùng là trao ban sứ mạng lãnh nhận từ Cha để trao ban cho con người.
– Yêu đến cùng là dám cho con người thi hành sứ mạng trời cao để tạo thành một dòng chảy tình yêu liên tục.
– Yêu đến cùng là nhìn thấy những giới hạn của con người không có khả năng thi hành sứ mạng của trời cao.
– Yêu đến cùng là trao ban Thần Khí để con người có khả năng thi hành sứ mạng của Thiên Chúa.
– Yêu đến cùng là tiếp tục mời gọi con người thực hiện sứ mạng tha thứ.
– Yêu đến cùng là một cuộc đối thoại hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ liên tục giữa Thiên Chúa và con người.
– Yêu đến cùng là gặp gỡ, lắng nghe và phân định để tìm ý Chúa và đem ra thi hành.
– Yêu đến cùng là một dòng chảy niềm vui Phục Sinh liên tục từ Thiên Chúa xuống con người và tiếp tục lan tỏa cho hết mọi người trên thế giới, đặc biệt cho những quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, những người nghèo, người bị bỏ rơi, và cho tất cả những ai cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Br. Vincent

 

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *