20-11, Thầy trò bận tâm luận bàn (2)

sua-sai--1(2) Muốn giỏi cần biết sửa sai?

Trò thường được nhận xét, được sửa bài. Thầy thấy nhiều khi cũng “tội nghiệp” trò. Thầy còn thấy khá là “bất công” với trò, khi trò chưa được phép “sửa” thầy, khi thầy trò chưa được phép “sửa” ngành giáo dục.

Nói tới sửa là nói tới đụng chạm và dễ xung khắc. Đụng chạm trong tin tưởng, sẽ dẫn tới tin tưởng hơn. Đụng chạm trong bất tín, sẽ dẫn đến đổ vỡ, sự thường là dẫn tới tính “thù vặt”. Trò thấy, trò thù vặt với bạn với thầy cũng nhiều. Thầy thấy, thầy thù vặt còn nhiều hơn trò. Con người càng lớn, càng tốt càng quảng đại, có lẽ chỉ đúng với số ít người.

Có người sửa sai, mà chẳng có tiêu chí, chẳng có căn cứ gì, giống như anh chàng ba phải đẽo cày bên đường. Ai nói sao anh nghe vậy. Kết quả là anh thu được một cục gỗ không phải là cái cày mà cũng chẳng là cái gì. Những sửa đổi trong giáo dục có lẽ cũng tựa thế. Cái lý của giáo dục hiện tại là gì vẫn chưa rõ. Cái lý ấy đôi khi được phát biểu cách chắc nịch, nhưng theo kiểu “phán” mà chưa thấy cái rễ cái gốc của lý.

Có người luôn chấp nhận sửa sai, nhưng chỉ sửa những gì “hợp ý mình”. Nếu thế, cái lý chỉ là của cá nhân chủ nghĩa, của lợi ích nhóm. Nếu thế, cho dù sửa rất nhiều, mà kì thực là chẳng sửa gì cả. Vì điều quan trọng vẫn là: anh là gì tôi không cần biết, miễn là tôi cứ là tôi, và chúng ta là chúng ta theo cách của tôi.

Chẳng thế, mà phê bình và tự phê bình kiểu hình thức cho đúng thủ tục, là phổ biến. Vì đúng thủ tục, nên chẳng có ai chịu trách nhiệm. Có lẽ vì thế mà sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết. Khi kết quả của giáo dục là những con người thiếu trách nhiệm, thậm chí vô trách nhiệm. Thiết nghĩ, giáo dục ấy thất bại về căn bản.

Khi phần mềm bị lỗi, việc sửa phần mềm là cần thiết. Khi phần mềm bị lỗi thời, việc nâng cấp là đương nhiên. Khi phần mềm không thể xử lý vấn đề theo yêu cầu thực tiễn, việc thay thế phần mềm chẳng có gì là lạ.

Phải chăng, giỏi không chỉ là dám nghĩ dám làm, mà khi đã làm liều thì cũng phải có đủ tư cách mà can đảm để lãnh lấy trách nhiệm, chứ không đổ tội cho những loại “cò mồi chuyên đánh thuê chém mướn”, cho những “tay sai chuyên đào tẩu”. Có lẽ, biết sửa sai có nghĩa là biết chịu trách nhiệm. Thầy trò nhìn nhau xa xăm.

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

Kỳ trước: (1) Muốn giỏi cần học nhiều dạy nhiều?

Kỳ tới: (3) Muốn giỏi cần phân biệt các lĩnh vực khác nhau?

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *