Hàn Cư Sĩ
Facebook là mạng xã hội thịnh hành nhất ở Việt Nam, nó có sức lan tỏa mạnh mẽ và là “món ăn tinh thần” không thể thiếu với nhiều người, nhất là đối với giới trẻ . Nó như chiếc cầu nối để mọi người cùng trao đổi, chia sẻ, kết nối mọi thông tin trong đời sống thường ngày. Nó có tính phổ thông, rất tiện lợi cho các thành viên liên lạc và chuyển giao cho nhau những “thông điệp” mà mình muốn. Nhiều người, nhiều nhóm trong tổ chức xã hội cũng như tôn giáo sử dụng facebook làm phương tiện đắc lực trong việc truyền thông, tạo được nhiều thành quả tốt lành cho xã hội và tôn giáo. Bởi vậy nó là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng hiệu quả nhất trong xã hội ngày nay.
Facebook có sức hấp dẫn kỳ lạ, không phải nó có gì đó cao siêu nhưng khả năng liên kết cộng đồng và tìm kiếm thông tin của nhau là điều hấp dẫn nhất. Người ta tham gia facebook để kết bạn được với nhiều người, trong đó lại tìm thấy một số bạn chung sở thích, chung suy nghĩ nên thường lên facebook để tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm và những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, cho cuộc đời đỡ cô đơn và buồn tẻ.
Xét về mặt tích cực thì đây quả là phương tiện đáng quý. Thế nhưng, cũng có những mặt trái từ chính thái độ, hành xử thiếu giáo dục và hiểu biết của người tham gia.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, bản thân nút “like” và “comment” trên facebook có một sức gây nghiện mạnh như sử dụng chất kích thích vậy. Nhiều người đăng status (trạng thái), tấm hình chỉ với mục đích vì câu “like”. Like chứng tỏ mọi người chú ý đến mình, chứng tỏ mình đẹp, mình giỏi giang, mình nói hay, mình giàu có, mình có giá trị… Người ta tìm đến với những mối “quan hệ ảo” trên mạng như một thứ để giải phóng cuộc sống của chính mình mà trong thế giới thật họ không thể tìm được điều đó.
Đại đa số facebook chỉ mang tính vui chơi giải trí, giết thì giờ, giải stress (ảo), kết bạn nhăng nhít, tự do thỏa mãn “cái tôi” của mình, nhiều khi chỉ là sự buông thả, khuấy động, lập dị, tự lừa dối mình và người khác …chứ ít khi có chủ trương và mục đích cụ thể, nghiêm túc, tốt lành… nên có hại nhiều hơn là lợi. Nó làm cho người chơi mất thời giờ, hại tâm hại trí (bị chi phối trong bổn phận và trách nhiệm), nội tâm bị động và trống rỗng (“tâm viên ý mã” – lòng bất định như con khỉ, trí nhảy như con ngựa), do bị kích động bởi những chuyện vụn vặt của những cá nhân và xã hội, từ xó bếp, bàn ăn, giường ngủ đến những chuyện đầu đường cuối phố, và còn bao nhiêu những ý đồ xấu khác. Nhất là giới trẻ ngày nay sử dụng Iphone và Ipad, được mệnh danh là “chơi fb, ăn fb, ngủ fb”.
Tình trạng đó được gọi là “hội chứng facebook”: khoe thân thể, khoe của cải, khoe nhà cửa, khoe con cái, khoe sự hưởng thụ, khoe thế giá… rồi trững giỡn, bỡn cợt từ cái ăn cái mặc đến thói ăn chơi…, biến mạng xã hội Facebook trở thành nơi thể hiện đẳng cấp của những người ưa khoe mẽ.
Facebook là phương tiện độc đáo nhất, tạo điều kiện cho người tham gia tìm sự thỏa mãn (dù là ảo) cái lòng dục thể hiện được bản thân. Vì dục vọng ở đỉnh cao nhất của con người là ước muốn đạt được nhu cầu về tự thể hiện bản thân (self-actualization) – muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt (Tháp nhu cầu của Maslow)*.
“Văn là người”, điều này rất đúng, nhưng trên facebook còn rõ hơn nữa. Mở facebook của một thành viên, sẽ nhận ra rất rõ về trình độ, tâm tính, khuynh hướng, nhân phẩm, nhân cách của người đó. Bởi vậy, người đúng đắn trước khi kết bạn với ai, cần biết fb của người đó trước (ngoài người thân, người nhà), xem có nên quan hệ không, để tránh tiếng “cá mè một lứa”, và tránh được nhiều phiền nhiễu. Những người có nhiều trăm, nhiều ngàn bạn, họ tưởng rằng như vậy là phong phú – chứ đâu phải họ có thiện chí! mà chủ ý muốn nhiều người chú ý đến mình mà thôi. Vì họ chẳng cần biết bạn mình là ai cả !? Không kể người vô tình và những người có đường lối, mục đích, chủ trương chính đáng.
Ngày nay người ta thường nói đến hạn chế và cách cai nghiện facebook (hoặc mạng xã hội khác), nhưng dường như ít ai quan tâm, vì cho rằng điều này không cần thiết. Thực ra nghiện facebook là đang sống trong một thế giới ảo, hao tổn trí lực, tâm lực, hại sức khỏe, ảnh hưởng đến công việc, sống xa rời thực tế, mất thăng bằng trong tâm lý, tình cảm và sự phán đoán… Đó là những nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm và những triệu chứng tâm thần khác. Điều này quá mới mẻ, nên các bậc phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục chưa có chương trình hướng dẫn và giáo dục riêng về mạng. Nạn nhân chính là giới trẻ, nó âm thầm gặm nhấm tinh thần và thể lý, dần dần bị tha hóa về mọi mặt trong đời sống, mất thăng bằng về tâm sinh lý, là những nguyên nhân tạo ra sự đổ vỡ gia đình, thi rớt, mất công ăn việc làm, tệ đoan xã hội, tự tử…(thống kê về hậu quả tai hại có nhiều trên google).
Còn theo thống kê mới nhất tháng 01 năm 2014 của WeAreSocial về số người sử dụng mạng, cho chúng ta thấy, Việt Nam với dân số hơn 92 triệu người, trong đó:
– Tính đến nay có hơn 36 triệu người sử dụng Internet
– Có khoảng 20 triệu tài khoản Facebook chiếm 22% dân số.
– Số lượng người dùng sử dụng các mạng xã hội trên điện thoại chiếm đến 17 triệu người
Người dùng tại Việt Nam tiêu tốn hơn 4h37 phút mỗi ngày trên Internet bằng thiết bị máy tính. Tỉ lệ người sử dụng mạng xã hội trên Mobile là 34%. Thời gian trung bình người sử dụng internet trung bình hàng ngày trên thiết bị Mobile là 1 giờ 43 phút. Việt Nam đang là nước đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ tăng trưởng lượng người sử dụng Facebook (trích nguồn: vanmy.net)
Người ta thường nói:“Kỹ thuật cao, tình người giảm!” (High tech and low touch). Điều này đúng cho kỹ thuật tiên tiến ngày nay, tiêu biểu nhất có lẽ phải nói tới internet, cách riêng là mạng xã hội mà giới trẻ đang thụ hưởng. Điều duy nhất có thể là, mỗi bạn trẻ hãy tự xem lại mình mà điều chỉnh lấy chính mình, hướng tới một tương lai để có một thành quả tốt đẹp, bằng những kỹ năng sống tốt, bằng những việc làm cụ thể, thực tế, chứ không chôn mình vào một thế giới ảo. Cần bắt đầu từ hôm nay bằng ý chí lập thân và bản lĩnh của mình, mới mong có một tương lai xán lạn.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả. Tác giả gửi bài trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.
* 5 tầng trong Tháp nhu cầu của Maslow:
– Tầng thứ nhất: Các nhu cầu về căn bản nhất thuộc “thể lý” (physiological) – thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
–Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) – cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.
–Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) – muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
–Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) – cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.
–Tẩng thứ năm: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (self-actualization) – muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.