NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU
AD JESUM PER MARIAM
Đứng gần Thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pat, cùng với bà Maria Mac-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “ Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát”. Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,25-30)
Suy niệm
Đã kiên trì theo Giêsu suốt hành trình cuộc đời, nay Mẹ tiếp tục bước theo con mình trong cuộc khổ nạn của Người đến tận đồi đỉnh đồi Calvariô, đứng dưới chân thập giá. Có ai hiểu thấu được trái tim Mẹ đang tan nát dường nào khi đứng trước thập giá Đức Giêsu, khi nhìn thấy con mình đang bị đóng đinh chết treo, và nghe những lời xỉ nhục, kết án oan từ quân dữ.
Mẹ đứng gần thập giá, gần bên con. Đôi mắt Mẹ không phải đang cúi xuống để âu yếm, chăm sóc con mình vì Mẹ không thể, nhưng là ngước lên để ngắm nhìn. Mẹ ngắm nhìn Giêsu, Đấng vừa là con của Mẹ do bởi lòng Mẹ sinh ra, vừa là Thiên Chúa của Mẹ vì Giêsu là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa (Lc 1,35).
Chiêm ngắm Đức Giêsu người con duy nhất do mình sinh ra, với chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, và bao năm chăm sóc, yêu thương, đang bị hành hạ, đối xử bất công thể ấy, lòng người mẹ nào chẳng xót xa đau khổ? Thế nhưng, điều làm Mẹ đau khổ nhất có lẽ là thái độ phạm thánh của quân dữ đối với Chúa Giêsu. Là một thiếu nữ Do Thái đạo đức, suốt một đời Mẹ kính sợ Thiên Chúa và không dám làm, dù chỉ một hành vi rất nhỏ, xúc phạm đến uy danh Người. Thế mà, giờ đây điều Mẹ chứng kiến không phải là sự cung kính tôn thờ của Dân Chúa, trái lại, là sự xúc phạm, sự xỉ nhục họ dành cho Đấng đã thiết lập giao ước chọn gọi họ làm dân riêng, đã đưa họ ra khỏi Ai Cập và hứa ban ƠN CỨU ĐỘ từ trời.
Trước mắt thế gian, cách nào đó, chúng ta có thể suy ra rằng một khi Con Mẹ bị kết án tử thì Mẹ cũng mang tiếng là mẹ của tử tội. Mẹ cũng đã bị tiếng đời cười chê, khinh bỉ vì đã sinh ra một người con đáng xấu hổ như thế. Mẹ cũng mang tiếng là không biết dạy con . . .
Thế nhưng, Mẹ đang đứng đó, gần bên thập giá cận kề với người con của Mẹ như một sự thông hiệp sâu xa với CUỘC KHỔ NẠN của Con Mẹ. Đồng thời, Mẹ trở nên chứng nhân tuyệt vời cho TÌNH YÊU GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa dành cho con người.
Có ai khác ngoài Mẹ đã nghe thật rõ và hiểu thấu lời “Ta khát” của Đức Giêsu trên thập giá? Hẳn là Chúa Giêsu bị khát nước vì đã mất rất nhiều máu do cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, Ngài đang khát nhiều hơn thế. Và nhờ Mẹ và qua Mẹ chúng ta mới mong hiểu được đầy đủ hơn và sâu xa hơn cơn khát của Đức Giêsu. Chúng ta hiểu rằng, Thiên Chúa khao khát chúng ta sám hối, trở về và tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Vì Ngài muốn chúng ta được sống sự sống dồi dào, hạnh phúc, bình an, tự do của con cái sự sáng, tức là con cái của Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta tôn sùng Mẹ Thánh Ngài khi nói: “Đây là Mẹ con”, vì nhờ đặc ân của Chúa, hơn ai hết Mẹ thấu hiểu Thánh Ý Chúa và Mẹ có thể hướng dẫn chúng ta trên đường thánh thiện. Khi hiện ra với Chị Lucia ngày 13 tháng 6 năm 1917, chính Mẹ cũng đã nói: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa.” Mẹ đích thực là trung gian tuyệt hảo dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc chúng ta và đặc biệt lúc này khi Mẹ ở trên trời hằng cầu bầu cùng Chúa cho con cái mình, như được xác nhận bởi công đồng Vaticanô II: “Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời” (ASMD 62).
Các Thánh, không ai không yêu mến và sùng kính Đức Mẹ. Thánh Anphong Ligori nói về lòng sùng kính Mẹ như là dấu chứng đặc biệt sẽ được chọn lên Thiên Đàng. Còn Thánh Tôma Aquinô gọi Mẹ là “ngôi sao biển”. Ngài giải thích rằng “các người đi biển phải nhìn ngôi sao để rõ đường vào cửa bể thế nào, thì Đức Mẹ cũng dẫn dắt các giáo hữu lên trời như vậy”.
Lời trối của Chúa Giêsu trên thập giá cùng lời chứng của các Thánh mời gọi chúng ta “rước Mẹ về nhà mình”, nghĩa là, sống tình con thảo với Mẹ, sùng kính Mẹ và nài xin Mẹ dạy chúng ta cách sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha ở trên trời theo gương Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu.
Truyện kể rằng, bên Pháp có một người tên là Keriolet, nổi tiếng bê tha tội lỗi. Cha mẹ dạy thế nào cũng chẳng nghe. Dù đã được rửa tội, nhưng chàng ta tỏ ra chống báng đạo, xúc phạm đến bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Chàng ta dốc quyết bỏ đạo Công giáo, gia nhập Hồi giáo. Chàng đã ba lần bị sét đánh nhưng vẫn sống phây phây. Sét đánh nhiều lần không chết càng làm chàng trở nên ngạo mạn chống đối Thiên Chúa. Một lần đến Lộ Đức, chàng thấy một linh mục đang trừ quỷ. Thấy quỷ tru trếu gầm thét khi bước ra khỏi người bị quỷ ám, chàng đánh bạo hỏi quỷ:
– Đã mấy lần bị sét đánh sao tao không chết?
Quỷ liền dùng miệng người bị quỷ ám trả lời:
– Đức Maria đã cứu chữa mày, nên mày mời thoát tay tao. Nếu không có bà ấy, đời mày đã tàn rồi con ơi. Mày coi chừng đó, còn nhiều dịp khác, liệu hồn đi con ơi!
Nghe thế, Keriolet hoảng hồn. Được thúc đẩy bên trong, chàng quì gối cảm tạ Đức Mẹ. Chàng đi xưng tội và quyết chí trở về với Chúa. Suốt đời, chàng nhớ ơn Mẹ đã cứu mình. Chàng tin rằng dù đã sống bê tha trong tội bao nhiêu năm, nhưng nhờ lòng Mẹ Maria Thương xót nhìn đến việc chàng chẳng ngày nào bỏ việc đọc một kinh Kính Mừng mà mẹ chàng đã dạy từ thửa bé nên chàng đã được gìn giữ để có thể sống mà sám hối trở về đường ngay nẻo chính.
Cùng nhau, chúng ta xin Mẹ cho chúng ta được ở gần Mẹ để chiêm ngắm Giêsu Con Mẹ, nghe và hiểu được cơn khát Tình Yêu của Chúa Giêsu và cảm nghiệm sâu xa Lòng Thương Xót vô bờ bến Ngài dành cho ta. Nhờ đó, đời sống của ta được biến đổi và trở nên tông đồ cho Chúa trong môi trường sống của mình.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Gisu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc v đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Gisu khi Ngi đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đ theo Ngi đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay r rng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Gisu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. (Rabbouni 51)
Hoàng Sơn, SJ