Tại sao nghèo lại là phúc?

motherteresa0101Hỏi: Con có một người bạn vô thần. Người bạn ấy đã nhiều lần chỉ trích Công Giáo của chúng ta. Gần đây, bạn ấy có nói đến các mối phúc. Bạn ấy nói rằng tôn giáo của chúng ta đúng thật là “thuốc mê ru ngủ” người ta. Tại sao lại cổ võ chuyện nghèo đói? Tại sao lại còn gọi nghèo đói là phúc. Tại sao không làm cái gì đó để giúp người nghèo, thay vì an ủi họ bằng mấy câu nói vừa khó nghe, vừa sáo rỗng?… Bạn ấy còn chỉ trích rất nặng, rằng: “Đấy, tụi mày cứ nói nghèo là phúc đi. Tao có thấy ông cha nào muốn hưởng cái phúc đó đâu. Ông nào cũng giảng thao thao bất tuyệt rằng chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu nghèo khó, rồi dạy con chiên sống khó nghèo, vậy mà ông nào cũng hai ba tài khoản trong ngân hàng, xe hơi thì phải thuộc hạng xịn, nhà thì phải ở nhà cao?” Tôn giáo đúng là thuốc độc, ru ngủ người ta. Bao nhiêu vấn đề phức tạp trên thế giới, giết chóc này kia cũng toàn do tôn giáo mà ra … Thú thật là khi bạn ấy nói như thế, con chẳng biết trả lời thế nào? Xin quý cha, quý thầy giúp con hiểu!

Trả lời:

Chào bạn, chúng tôi xin cảm ơn bạn vì những tâm tình này. Quả thực, từ xưa đến nay, đạo Công giáo của chúng ta luôn phải đối diện với những chỉ trích như thế. Đọc thắc mắc của bạn, chúng tôi nhận thấy có ba vấn đề: ý nghĩa của câu “phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”, vấn đề các linh mục không sống theo những gì mình giảng dạy và cuối cùng là chuyện cho rằng tôn giáo huỷ hoại đời sống con người. Chúng tôi xin tuần tự giải quyết ba vấn đề này trong khả năng của mình, mong là sẽ giúp bạn hiểu hơn về những gì mình tin và khi gặp người bạn kia, bạn có thể thẳng thắn và chân thành đối thoại.

Tại sao nghèo là phúc?

Chúng ta biết rằng để có thể hiểu ý nghĩa thực thụ của Kinh Thánh, ta không thể đọc qua một lần mà hiểu được. Thậm chí, chúng ta cũng không thể chỉ căn cứ vào mặt chữ mà đánh giá. Nếu Kinh Thánh có thể dễ hiểu đến như vậy thì chúng ta chẳng cần gì đến Giáo Hội, các nhà Thánh Kinh để giải thích. Từng câu từng chữ trong Kinh Thánh đều có ý nghĩa trong mối liên kết với những câu và chữ khác. Những nhà nghiên cứu Kinh Thánh phải mất rất nhiều thời gian để học ngôn ngữ cổ của bản Kinh Thánh gốc, rồi cả văn hoá, môi trường nơi Kinh Thánh được viết ra mới có thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ mà các Thánh Sử muốn chuyển tải. Bởi thế, việc người bạn của bạn đánh giá khi chưa hiểu tường tận Kinh Thánh có vẻ là một chuyện khá vội vàng.

“Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Đây là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc được Tin Mừng theo Thánh Matthêu thuật lại trong bài giảng trên núi. Những mối phúc này đã mang đến rất nhiều niềm hy vọng dành cho một số người, nhưng cũng tạo nên những tranh cãi cho rất nhiều người khác. Điều chắc chắn mà chúng ta cần phải khẳng định là Đức Giêsu đã không cổ võ chuyện sống nghèo khổ. Bằng chứng là ở chương 25 của Tin Mừng Mathêu, khi kể dụ ngôn về ngày Phán xét chung, Đức Giêsu đã lên án những ai đành tâm bỏ rơi những người nghèo hèn, túng thiếu, tù đày. Ngài thậm chí còn đồng hoá mình với họ đến nỗi tuyên bố rằng ai làm phúc cho những người bé mọn chính là làm cho Ngài. Trong quá trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu vẫn ăn uống, nói chuyện với những người giàu. Ngài đã từng vào nhà của Zakêu (x. Lc 19,1-10) và chúc phúc cho ông khi ông đã biết dùng của cải để chia sẻ với người khác.

Ngày nay, song song với quá trình truyền giáo, Giáo Hội cũng luôn chú trọng đến những công việc bác ái. Giáo Hội không khuyên dạy người ta bỏ hết mọi thứ để trở nên trắng tay rồi hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở một nơi xa xăm nào đó. Các giáo phận, giáo xứ, dòng tu… vẫn luôn cố gắng tạo điều kiện để giúp người ta có công ăn việc làm ổn định, biết lao động để nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội. Như thế, Giáo Hội, tuân theo giáo huấn của Đức Giêsu, luôn cố gắng mưu cầu hạnh phúc cho người khác, bắt đầu bằng một cuộc sống vật chất đầy đủ, ấm no.

Khi nói rằng “phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”, Đức Giêsu không bảo người ta hãy trở nên nghèo xơ nghèo xác để hưởng phúc, nhưng là Ngài đang nói đến một thực tại của cuộc sống là con người chúng ta luôn phải đối diện với cái nghèo. Nhưng nếu chúng ta biết sống cái nghèo của mình theo tinh thần của Chúa, thì chúng ta sẽ được hưởng phúc. Lâu nay, ta vẫn luôn cho rằng giàu thì phúc hơn là nghèo, nhưng dưới cái nhìn của Chúa, có đôi khi sự giàu có lại là cớ mang đến cho ta những bất hạnh. Nếu giàu có là hạnh phúc thì tại sao lại có chuyện biết bao người giàu có phải đau khổ, khóc lóc, thậm chí có người còn tự tử? Có của ăn của để thì cuộc sống sẽ được đảm bảo hơn, nhưng nhiều khi vì sự giàu có của mình mà ta lại đánh mất đi những điều quý giá. Trong khi đó, nhiều lúc cái nghèo lại giúp mang đến một sự thanh thoát, tự do, thoải mái. Ranh giới giữa giàu và nghèo, đau khổ và hạnh phúc rất mong manh. Có vẻ là giàu đấy, nhưng hoá ra là rất nghèo; có vẻ là nghèo đấy, nhưng họ giàu hơn bất cứ ai. Bởi thế, cho rằng giàu mới phúc còn nghèo là hoạ là một nhận định cần phải xem xét lại.

Quay trở lại với giáo huấn của Đức Giêsu, Đức Giêsu không đưa ra một an ủi rỗng tuếch dành cho những người nghèo đang ở cạnh mình. Từ “nghèo” mà Đức Giêsu dùng ở đây không chỉ nói đến những người không có tiền của, nhưng còn là những người bị áp bức, thấp bé, phải lệ thuộc vào người khác, những người đi còng lưng, không thể ngẩng mặt lên được. Họ phúc là vì trong chính hoàn cảnh đó, họ thấy mình dễ quy hướng về Chúa hơn, dễ sống khiêm nhường hơn, dễ trao phó cuộc đời mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa hơn. Khi người ta không có cái gì trong tay, người sẽ dễ tìm đến với Chúa hơn. Khi người ta thấy mình thật nhỏ bé giữa vũ trụ này, người ta không còn dám huênh hoang tự đại vỗ ngực xưng tên nữa. Họ phúc vì họ biết rằng họ chẳng là gì trước Chúa, rằng họ có cái gì cũng là do Chúa ban, và không có điều gì cũng là do Chúa không muốn. Rồi chính cái nghèo cũng giúp họ dễ dàng có một thái độ cảm thông chia sẻ với người khác. Đây là điều mà những người giàu rất ít khi có được. Trong những hoàn cảnh gian truân của cuộc sống, người nghèo được mời gọi đón nhận nó trong tinh thần phó thác, tin tưởng rằng đó không phải là đường cùng, rằng Chúa vẫn ở bên họ và sẵn sàng mở ra cho họ một con đường mới. Nếu họ có thể sống được tinh thần này, thì họ xem như đã vào “nước Trời” rồi, như lời Đức Giêsu nói: “vì Nước Trời là của họ.”

Nhưng dĩ nhiên, người Công Giáo không tự mình biến mình thành kẻ nghèo nàn không nhà không cửa. Họ chỉ đón nhận nó nếu như nó xảy đến với mình do một biến cố nào đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình mà thôi. Như thế, cái cốt lõi của giáo huấn này không phải là chuyện “có tiền của” hay “không có tiền của” nhưng là một thái độ luôn hướng về Chúa, cậy trông và tín thác vào Chúa trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Ai làm được như thế, ấy là người có phúc.

Vấn đề các linh mục không sống theo những gì mình dạy

Thực trạng có nhiều chủ chăn trong Giáo Hội không sống đúng tinh thần khó nghèo của Tin Mừng là điều mà chúng ta không thể chối cãi. Tuy nhiên, chỉ dựa vào việc này mà đánh giá cả giáo huấn của Đức Giêsu là điều không được chuẩn xác cho lắm. Chân lý vẫn mãi là chân lý, còn việc người ta có sống theo chân lý đó hay không lại là một chuyện khác. Thật sự thì đâu phải chủ chăn nào cũng sống xa hoa. Cũng có rất nhiều người sống đúng tinh thần nghèo khó này của Đức Giêsu và họ đã chứng nhận rằng những gì Đức Giêsu dạy là chân lý xác thực.

Chúng tôi không có ý phê bình hay bênh vực các linh mục trong Giáo Hội. Họ sống thế nào, có tuân giữ điều họ đã cam kết với Chúa hay không là chuyện của riêng họ với Chúa. Họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về lối sống và hành vi của mình. Riêng chúng ta, chúng ta cần phải tự vấn chính mình rằng những gì Đức Giêsu nói có đúng với bản thân mình không và ta có thấy được mời gọi để “hưởng cái phúc” này không. Nếu có, chúng ta hãy làm theo và kiểm chứng nó bằng chính đời sống của mình.

Tôn giáo có huỷ hoại cuộc sống con người không?

Hẳn là người bạn của bạn cho rằng chính Đức Giêsu, bằng những lời lẽ “không giống ai” của mình, đã dụ dỗ người này người kia và làm cho họ bị mê muội trong đời sống nghèo hèn của mình, chứ không chịu phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn. Nếu thật như thế thì chắc là anh ta đã chưa đọc đoạn Tin Mừng Gioan chương 6, đoạn thuật lại việc Đức Giêsu đã chỉ trích rất nặng nề những kẻ chỉ bám theo Ngài để mong chờ phép lạ chứ không chịu ra công làm việc. Đức Giêsu không hề lừa gạt ai, Ngài cũng không ru ngủ ai, Ngài chỉ trao ban lời an ủi và nâng đỡ người ta khi người ta cần đến Ngài.

Chúng ta không phủ nhận rằng trong lịch sử đã xảy ra rất nhiều những cuộc chiến tranh liên quan đến tôn giáo. Người ta nhân danh tôn giáo để gây chiến, giết chóc lẫn nhau, gây ra biết bao tai ương cho nhân loại. Tuy nhiên, như đã nói, những điều thương tâm ấy xảy đến là do người ta lợi dụng tôn giáo, chứ tự bản chất tôn giáo đúng đắn không bao giờ cổ võ chuyện này. Con người chúng ta là một giống loài có niềm tin, có tôn giáo. Chúng ta không thể chối bỏ điều này. Chính lòng tham của con người lợi dụng tôn giáo, biến tôn giáo thành vũ khí để phục vụ cho lợi ích của mình.

Nhưng nhìn rộng hơn, chúng ta lại thấy mọi vấn đề khúc mắc nhất của nhân loại đến từ việc chối bỏ tôn giáo, chứ không phải từ việc nhìn nhận tôn giáo. Khi người ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, người ta tự phong mình là thiên Chúa, và mọi điều rắc rối bắt đầu nảy sinh. Trước hết, họ sống mâu thuẫn với chính mình. Người ta tuyên bố rằng mình vô thần, nhưng lại cầu trời khấn phật cho mình được điều này điều kia. Người ta không tin vào Thượng Đế, nhưng lại tin vào may rủi, lo sợ có chuyện không may xảy ra với mình. Rồi tiếp đến, họ sống bất chấp, chẳng coi ai ra gì, chẳng nể nang ai, sẵn sàng sát hại người khác chỉ để tìm kiếm lợi ích cho bản thân. Như thế, tôn giáo không hề huỷ diệt cuộc sống con người; chối bỏ tôn giáo mới mang con người đến chỗ huỷ diệt.

Hãy nhìn đến những cuộc chiến tranh thế giới, đó chẳng phải là kết quả của việc chối bỏ tôn giáo đó sao? Hãy nhìn đến những đất nước tuyên bố vô thần, và quan sát đời sống của một xã hội khi gạt bỏ Chúa thì sẽ như thế nào, sẽ đi về đâu? Khi người ta còn nhìn nhận có Thượng Đế, người ta thấy mình “nghèo”. Khi người ta gạt Thượng Đế ra khỏi cuộc sống, người ta cho rằng mình có thể tự tạo nên hạnh phúc cho mình, rằng mình là những người “giàu”, không cần Thượng Đế nữa. Thế rồi, họ ngạo mạn, ngông cuồng, tranh giành chỗ đứng của nhau, sẵn sàng triệt hạ nhau, bất chấp mọi thủ đoạn chỉ để làm sao mình có được nhiều nhất mà không cần bận tâm đến ai. Vơ vét được thì vơ vét, thụ hưởng được thì cứ thụ hưởng, vì dù sao thì chết cũng là hết mà! Cuộc sống con người bị huỷ hoại chính là từ tư tưởng này, từ thái độ sống ích kỷ này, từ quan điểm ngông cuồng này.

Nói tóm lại, con người có quyền chối bỏ hay đón nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho con người có tự do để chọn lựa. Mỗi một chọn lựa sẽ dẫn con người đến một cung cách hành xử, một thái độ và một lối sống riêng. Chọn lựa đúng thì cuộc sống sẽ hạnh phúc. Chọn lựa sai thì mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Lời mời gọi sống “nghèo” chính là lời mời gọi người ta luôn biết tìm đến với Chúa, chân nhận sự nhỏ bé thấp hèn của bản thân và nhờ đó mà luôn biết cậy dựa vào Chúa. Còn thừa nhận mình cần Chúa thì con người còn biết sống cho nhau và vì nhau. Đây chính là mấu chốt giúp người ta cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Rõ ràng, Đức Giêsu không muốn con người sống quá ảo tưởng về bản thân: chỉ là hạt cát nhỏ xíu mà cứ tưởng mình là chúa tể vũ trụ, không thể làm chủ được sự sống của mình mà tự phong mình vai trò ngang hàng với Thượng Đế. Người nào có thái độ này chính là những người cho rằng mình “giàu”. Họ sẽ không thể được hưởng phúc bình an, ngay tại cuộc sống trần gian này, chứ đừng nói gì đến cuộc sống mai sau. Đến đây, ta có thể hiểu được vì sao chỉ có thể trở thành nghèo trước mặt Chúa, con người mới có cơ may thừa hưởng nước Trời.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *