Chủ đề: Hướng Dẫn Sống Thao Luyện Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 (10/4/2020)

Hướng dẫn sống Linh thao số 13

 

Thứ Sáu Tuần Thánh

Đức Giêsu Đối Diện Với Người Do Thái, Dân Ngoại Và Chết

 

Anh chị em thân mến,

 

Sau khi Đức Giêsu trao nộp mình cho quân lính, những người này đã trói Ngài lại và điệu đến với giới lãnh đạo Do Thái, rồi đến Philatô. Với tư cách là Con Chiên Vượt Qua, Ngài vận dụng cơ hội để mặc khải chính mình cho họ.

 

1/ Đối diện với người Do Thái (Ga 18,12-27)

 

Bản văn có cấu trúc đối ngẫu liên tiến như sau:

(A) Ở nhà Anna (c12-14)

(B) Phêrô vào cuộc (c 15-18)

(C) Tra vấn của Cựu Ước (c19-21)

(A’) Ở nhà Caipha (c 22-24)

(B’) Phêrô chối Thầy (c 25-27)

– Tại nhà Anna và Caipha (A)-(A’):

 

+  Giới thiệu Chúa Giêsu là Con Chiên: bị trói, bị điệu đi và nhắc lại lời tiên tri của Caipha (A).

+ Chúa Giêsu bị sỉ vả, lời tiên tri bắt đầu ứng nghiệm và đến nhà Caipha (A’).

 

– Phêrô ở nhà hai ông Khanna và Caipha:

 

+  Trước hết ở Khanna (B): Khởi đầu Phêrô ở ngoài cuộc, vì ở ngoài dinh Thượng Tế – khi đã vào được, chỉ cần sự tra vấn của cô gái gác cổng, ông đã chối: “Tôi không là”- không chỉ thế, ông còn lấy hơi ấm từ lò sưởi của thuộc hạ, giới lãnh đạo Do Thái.

 

+  Tại nhà Cai-pha (B’): Hai lần nữa ông chối mình không là môn đệ Đức Giêsu, cho dù có chứng cớ rõ ràng. Phêrô chối như thế là ông nói thật hay nói dối? Thưa thật, vì ông ở với Chúa mà không biết Chúa.

 

– Tại dinh Thượng tế (C):

 

Cuộc tra hỏi của Cựu Ước dành cho Đức Giêsu liên quan đến môn đệ và giáo huấn. Giáo Huấn đã được Ngài xác định không phải tự Ngài mà từ Thiên Chúa (Ga 7,17), và Ngài đã giảng giải công khai không chỉ ở hội đường mà cả trong Đền thờ. Ngài kêu gọi người nghe ra làm chứng đặc biệt là môn đệ, thì tiếc thay, kẻ thân cận của Chúa là Phêrô không chỉ không hiểu để làm chứng, mà còn đang chối Thầy trong lén lút.

 

2/ Mặc khải cho người ngoại, Philatô (Ga 18,28-19,16a)

 

Đoạn văn có cấu trúc đối ngẫu cân xứng với ba cặp vế, diễn tả về Philatô như sau:

 

(A) Philatô gặp dân Do Thái (18,28-32)

(B) Philatô gặp Chúa Giêsu (c 33-38a)

(C) Philatô với dân Do Thái (38b-39)

(D) Chế giễu Vua Do Thái (19,1-3)

(C’) Philatô gặp dân Do Thái (c 4-7)

(B’) Philatô với Chúa Giêsu (c 8-11)

(A’) Philatô với dân Do Thái (c 12-16a)

 

– Philatô gặp dân Do thái lần thứ nhất và sau cùng:

 

+  Lần thứ nhất (A): Người Do Thái không vào dinh Philatô vì sợ nhơ uế (A)

+  Nhưng vế đối diện (A’): Họ phạm tội nặng hơn, giết Đấng cứu độ của họ khi đòi Philatô đóng đinh Chúa.

+  Còn Chúa Giêsu ở trong dinh của Philatô để dẫn ông vào niềm tin (A)

+  Và sau cùng Philatô đã tuyên xưng: “Đây là vua các ngươi” (A’)

+  Lần đầu cả người Do Thái và Philatô đều không nhận trách nhiệm xét xử Chúa Giêsu (A),

+  Nhưng cuối cùng, chính Chúa Giêsu thực hiện việc xét xử (A’): Câu 13 dịch như sau: “Philatô dẫn Đức Giêsu ra ngoài, Ngài ngồi trên tòa nơi gọi là Nền Đá”.

 

Như thế, chính Chúa mới là Đấng xét xử và chân lý xét xử không lấy từ loài người, mà từ Thiên Chúa: Ngai tòa ở Nền Đá, vì Thiên Chúa là Đá Tảng – sau cùng khi từ khước Đức Giêsu là Vua, người Do Thái trở nên kẻ phản đạo: vì họ tuyên bố Cêsar là vua của họ (Ai xưng mình là vua thì chống lại Cêsar)

 

– Philatô gặp Đức Giêsu hai lần ở cặp vế (B)-(B’):

 

+  Lần thứ nhất, Chúa dẫn Philatô đi từ việc nghe biết: Vua dân Do Thái, để ông đi tra vấn sự thật. Vì Chúa khẳng định mình là Vua, nhưng Nước của Ngài không thuộc về thế gian này để ông lên đường tìm sự thật với câu hỏi: “Đâu là sự thật đây?” (B)

 

+  Lần thứ hai, ông tra hỏi nguồn gốc Đức Giêsu. Chúa gián tiếp trả lời nguồn gốc của mình cho Philatô khi nói về quyền bính của ông ta: Chúa có nguồn gốc thần linh chứ không ở người phàm, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa (B’)

 

Nối hai cặp vế lại cho ta thấy Đức Giêsu là Vua, nhưng là Vua thần linh, tức là Thiên Chúa như người Do Thái tin.

 

– Philato gặp người Do Thái lần thứ hai và ba ở cặp vế (C)-(C’):

 

Đây là những lời khẳng định có tính cá vị của Philatô trước dân Do Thái:

 

+  Thứ nhất, ông khẳng định Chúa vô tội, và ông trắc nghiệm dân Do thái và phát hiện chính họ thuộc hàng tội nhân khi họ đòi tha Baraba, một tên cướp (C).

 

+  Thứ hai, sau khi trắc nghiệm về Đức Giêsu và nhận biết Ngài là Vua thần linh đem ơn cứu độ, ông cho Chúa xuất hiện dưới dạng của người tôi tớ (IS 52,13-53,12). Người Do Thái đòi buộc ông đóng đinh Ngài, vì cho Ngài phạm thượng trong khi Philatô tuyên bố Ngài vô tội (C’).

 

Nối kết hai vế cho thấy: Người Do Thái chính là tội nhân khi tha cho Baraba và vu khống Chúa là kẻ phạm thượng nên quyết định đóng đinh Ngài; ngược lại, sau khi nhận biết vương quốc Thiên Chúa, Philatô bênh vực Chúa và tuyên xưng Ngài là Vua thần linh đem ơn cứu độ với tư cách là người tôi trung.

 

– Philatô tìm ra chân lý đức tin (D):

 

Dựa vào lời nói của Chúa: “Nước Tôi không thuộc chốn này” (c 36), ông và binh linh đã mặc phẩm phục, đánh đập và chế giễu Ngài, nhưng Ngài đã không đáp lại: Nước Ngài là nơi con cái Thiên Chúa sống hiến tế cho người khác chứ không tiêu diệt người khác.

 

Kết luận:

 

Trong cuộc mặc khải ta thấy bộc lộ hai chân dung: người Do Thái tuyên bố Chúa là tội phạm (18,30) và đó là tội phạm thượng (19,7), nhưng thực chất họ mới là tội nhân gian ác, vì họ tha cho tên cướp (19,39) và tội bội giáo khi tuyên nhận Cêsar là Vua của mình (19,12) – Philatô, người ngoại đi tìm sự thật và đã được Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Vua thần linh đem ơn cứu độ bằng sự hiến tế chính mình.

 

Bài đọc thêm về các biến cố trước khi an táng Chúa Giêsu

Tóm kết năm biến cố: đóng đinh, chia áo, dưới chân thập giá, tắt thở và bị đâm thâu.

 

Biến cố thứ nhất (Ga 19,16-22)

 

Kinh nghiệm Gioan không có việc ông Simon vác thánh giá như Tin Mưng Nhất Lãm để cho thấy rằng việc cứu độ là công trình độc quyền của Thiên Chúa, nơi con người không có phần gì trong đó. Ngoài ra, giống như Tin Mừng Nhất Lãm, trên đầu Đức Giêsu có bảng ghi: “Giêsu Nazaret, Vua dân Do Thái”, nhưng khác với Nhất Lãm, câu này do chính tay Philatô viết và vì thế đây là lời tuyên xưng đức tin của Philatô, một người dân ngoại: Đấng bị treo nhục nhã trên thập giá là Vua dân Do Thái, mà đối với dân Do Thái từ sau khi lưu đầy Babylon trở về, chỉ có Thiên Chúa mới là vua của họ. Vậy đối với ông Đức Giêsu trên thập giá là Vua Thần Linh đem ơn cứu độ bằng việc hiến tế mình với tư cách là Chiên Vượt Qua mới.

 

Biến có thứ hai (Ga 19,23-24)

 

Việc chia áo xống làm bốn phần mà quân lính được hưởng, đó là thành quả của ơn cứu độ, nghĩa là ơn cứu độ liên kết những đổ vỡ do tội lỗi đem tới. Bởi lẽ tội lỗi gây nên sự phân rẽ con người với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với thiên nhiên. Họ được thông chia cả chức thượng tế của Ngài, nhưng không phải là tất cả. Vì họ rút thăm ‘áo trong’ của Ngài.

 

Biến cố thứ ba (Ga 19,25-27)

 

Đây chính là Tiệc Cưới Con Chiên mà phép lạ Cana là dấu chỉ: Chàng Rể là Đức Giêsu trên thập giá hiến tế mình cho Nàng Dâu mà đại diện là người môn đệ Chúa yêu mến. Mẹ Maria từ nay trở nên Mẹ thực của người môn đệ.

 

Biến cố thứ bốn (Ga 19,28-30)

 

Lời “Tôi khát” Chúa thốt lên vừa diễn tả khát vọng sớm về với Cha như Tv 41: Như nai rừng mong mỏi…, vừa mong muốn con người đáp lại tình yêu của Ngài: Quân lính đem giấm lên cho Ngài diễn tả sự đáp lại đó nói về sự trao đổi của tình yêu để ơn cứu độ hoàn tất và Ngài gục đầu trao Thần Khí, tức là ban Thánh Thần cho con người.

 

Biến cố thứ năm: Bị đâm thâu (Ga 19,31-37)

 

Theo Gioan, Chúa Giêsu chết với tư cách là Con Chiên Vượt Qua mới: Ngài là Con Chiên vẹn toàn không tì tích vì Ngài không bị đánh giập ống chân như hai người bên cạnh (x. XH 12,5). Và rồi cái chết hiến tế của Ngài làm phát sinh ơn sủng của Giao Ước mới: Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài.

 

Cho vinh danh Chúa hơn

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *