Ai là kẻ nộp Đức Giêsu?

Ngồi lại với Thầy cùng với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, thầy Giêsu tiên báo đêm nay có kẻ nộp mình. Thánh Luca tinh tế trình thuật lại câu chuyện này với một nhân vật bí ẩn, không biết chính xác ai tra tay làm chuyện ấy. Các môn đệ không biết chính xác ai sẽ nộp Thầy nên mới bàn tán xem trong Nhóm ai lại là kẻ toan làm chuyện ấy (Lc22, 23). Một trong số các ông, bởi Thầy nói: “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy.” (Lc22, 21).

Nghe câu ấy, tôi nhìn các môn đệ đều rụt tay khỏi chiếc bàn tiệc và bàn tán xôn xao. Thay vì hỏi xem Thầy muốn nói về ai, như tin mừng Gio-an kể, Luca lại nói các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Kẻ lớn nhất là người không có tội, không phải bội Thầy. Tôi không phải bội Thầy nghĩa là các anh em của tôi có nguy cơ làm chuyện đó. Thế là câu chuyện hồ nghi, và biện hộ giữa các môn đệ nổ ra.

Sau đó mọi khuôn mặt hướng về Phê-rô vì thầy Giêsu tiên báo Si-môn sẽ bị “Xa-tan sàng như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc22, 31-34). Ông tự tin để khẳng định sẵn sàng vào tù ra khám với Thầy. Tuy vậy ông bối rối khi nghe Thầy tiên báo ông sẽ chối Thầy ba lần trước khi gà chưa kịp gáy. Đời nào lại thế! Chắc ông tự nhủ và dám cược với Thầy, cứ để gà gáy rồi ông sẽ cho Thầy biết là ông không đời nào làm thế.

Trong câu chuyện này, tôi hỏi thánh Luca: “Vậy ai là kẻ nộp Thầy đêm nay?” [1] Thực ra kẻ nộp Thầy được ông bỏ trống vì đó là nguy cơ xảy ra cho tất cả mọi người. Mang thân phận tội lỗi, người ta dễ dàng nộp Thầy chối Chúa. Lịch sử cho thấy người ta bài xích đạo Công giáo, bêu rếu danh Thánh Giêsu, bách hại những ai cả gan tin vào Người. Hệ quả là biết bao cuộc bách hại bạo tàn đã xảy ra, nhiều người đã tử vì đạo, vô số người chối phăng rằng mình theo đạo Công giáo, phủ nhận mình là người Kitô hữu. Tất cả họ sợ vì liên hệ đến một con người mang tên Giêsu.

Là người tội lỗi, tôi chỉ xin nhận được lời cầu nguyện của Thầy giống như phần phúc của Phê-rô. Để trong hoàn cảnh không muốn kết thân, không muốn liên hệ với Thầy, tôi có thể bắt gặp được ánh mắt của Thầy. Nhờ đó, trong thân phận tội lỗi, tôi có thể đồng cảm với anh em của tôi, đồng hành với tội nhân hướng về lòng thương xót của Thầy. Bởi tôi hiểu rằng: “Lòng Thương xót của Thiên Chúa là trường tồn, chẳng bao giờ kết thúc, không khi nào lỗi thời, chẳng bao giờ bỏ cuộc khi đối diện với những tâm hồn khép kín và chẳng lúc nào mệt mỏi.” (ĐGH Phanxicô).

Ước mong những ai từng phản bội Thầy không đi ra thửa ruộng phía bên kia để tự vẫn. Một mình Giu-đa ở đó là đủ rồi. Bởi Thầy lúc nào cũng muốn canh giữ và không một ai trong các ông phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng để ứng nghiệm lời kinh thánh mà thôi. (Ga17,12).

Tóm lại, Luca muốn độc giả tự tìm lấy câu trả lời cho riêng mình: Trong đêm nay, thời đại này, ai là kẻ nộp Thầy? Điều thú vị là nếu tôi không nộp thì kẻ khác nộp, nếu tôi trong sạch tôi có nguy cơ xem người khác vẩn đục, nếu tôi vô tội, người quanh tôi là kẻ tội đồ. Khi ấy làm sao tôi có thể cảm nghiệm được thế nào là người tội lỗi được Thầy thứ tha, thế nào là khóc với người khóc.

Hay nói cách khác, thánh Gioan định nghĩa thật hay về thân phận con người: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” Tuy vậy, ngài còn mở ra cho chúng ta hy vọng “khi chúng tha thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa hằng tha cho chúng ta, thanh tẩy chúng ta sạch khỏi mọi đều bất chính.” (1Ga1, 8-9). Đó là trường hợp của vị Giáo Hoàng tiên khởi Phê-rô.

[1]  Hỏi như thế để tôi có dịp nhắc nhớ mình phải cẩn trọng nhiều hơn. Cẩn trọng vì không khéo mình cũng nộp Chúa khi bất tín nơi Người, lạnh lùng với tha nhân; cẩn trọng kẻo tội lỗi kéo lê tôi đến chỗ chẳng cần Chúa nữa hay dửng dưng trước lời dạy của Người. Từ đó, tôi biết điểm tựa chắc nhất cho mình là tình yêu và sức mạnh của Thầy Chí Thánh; và quảng đại bước theo con đường Người mời gọi. “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga17, 33). Để không là kẻ nộp Chúa, ước mong mỗi ngày tôi hiểu Chúa hơn, yêu Chúa hơn và đi theo Người sát hơn.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *