Điều cao trọng nhất lại bình thường nhất

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa đưa chúng ta đến với tình yêu vô biên và quyền năng của Thiên Chúa, qua chính Ngôi Hai là Chúa Giê-su. Ngài đã mặc lấy xác phàm của con người để cứu độ chúng ta. Như hạt lúa mì Ngài đã rơi xuống đất, chết đi để rồi biết bao sự sống mới được mở ra. Đó là hy tế tuyệt vời của Chúa trên bàn thờ.

 

Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa được mừng kính từ thế kỷ thứ 13. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi mừng kính vào ngày thứ năm sau Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt thờ lạy Chúa Thánh Thể. Ở miền Nam nước Đức có truyền thống Rước Kiệu Thánh Thể Chúa thật long trọng, để tôn vinh Bí Tích cao trọng này.

 

  • Mình Máu Thánh Chúa là món quà cao trọng nhất của Thiên Chúa ban tặng.

 

Nhớ lại thời thơ ấu, khi được học giáo lý chuẩn bị cho việc rước lễ lần đầu, các đứa trẻ như chúng tôi hồi hộp biết bao nhiêu. Ngoài việc phải học thuộc giáo lý và các lời kinh, các Sơ còn giúp cho chúng tôi cảm nhận được sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa, vì nơi bí tích này tình yêu của Chúa Giê-su được biểu lộ cách rõ ràng và thật gần gũi nữa. Chắc chắn chúng tôi chẳng hiểu được những gì cao siêu, nhưng chỉ với Đức Tin đơn sơ, chúng tôi tin rằng, khi vị linh mục đọc lời truyền phép, là lúc bánh và rượu được trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Giây phút này là giây phút quan trọng nhất trong Thánh Lễ, chúng tôi được dạy phải chắp tay lại, không được lơ đễnh, không được ngủ gà ngủ gật, không được nói chuyện với bạn bên cạnh, đứa trẻ hiếu động phải đi vào tĩnh lặng trong khoảnh khắc, để toàn bộ con người tập trung vào những gì đang diễn ra trên bàn thờ, đôi mắt chăm chú hướng về bàn thờ với đôi tay chắp lại thật nghiêm trang, để chiêm ngắm giây phút long trọng chuẩn bị xảy ra qua lời truyền phép của vị Linh Mục.

 

Rồi tới khi được rước lễ lần đầu tiên trong đời, cùng với các bạn, chúng tôi những đứa trẻ được mặc chiếc áo trắng đẹp nhất, sạch nhất, và gia đình nào khá giả thì là áo mới nhất, chỉnh tể vào hàng ngũ và thật nghiêm trang bước lên các hàng ghế đầu trong nhà thờ.

 

Thánh Lễ bắt đầu, chúng tôi cố gắng làm sao để đây là Thánh Lễ thánh thiện nhất, cao trọng nhất và tuyệt vời nhất của đời mình. Bao nhiêu hiếu động thích đùa, thích nói của tuổi thơ được “cất vào ngăn tủ”, ít là trong vòng hơn một tiếng đồng hồ. Đến giây phút được rước Mình Máu Thánh Chúa, các Sơ sắp xếp hàng lối của chúng tôi đâu ra đấy và lần lượt từng đứa trẻ được đón nhận qua môi miệng tấm bánh Thánh là Mình Chúa được thấm chút Máu Chúa. Ôi hồi hộp và đẹp biết bao nhiêu giây phút cao trọng mà tuổi thơ được trải nghiệm. Rồi thật nghiêm trang về lại chỗ. Không được ngồi, mà quỳ xuống ngay, mắt nhắm lại, tay chắp lại và rồi miệng nhấp nháy lời kinh các Sơ đã dạy để cám ơn Chúa Thánh Thể.

 

Trải nghiệm tuổi thơ đó đã diễn tả sống động sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa trong đời sống Ki-tô hữu. Từ ngày đó, Mình Máu Thánh Chúa “đồng hành” với cuộc đời của người tín hữu cho đến giây phút cuối đời. Nói khác đi, Mình Máu Thánh Chúa trở nên lương thực thiêng liêng cao quý nhất đối với đời sống đức tin của người Ki-tô hữu, nhất là khi họ rơi vào trong những hoàn cảnh sống không được đón nhận của ăn thiêng liêng này cách thường xuyên.

 

Đọc lại lịch sử Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhớ rằng, chúng ta không thể quên con số lớn lao các Ki-tô hữu trên toàn thế giới trong hai ngàn năm lịch sử, đã kháng cự tới chết để bênh vực Thánh Thể, và biết bao nhiêu người cả ngày nay nữa  liều mạng sống để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào năm 304 dưới thời hoàng đế Diocleziano bắt đạo, có một nhóm Ki-tô hữu ở Bắc Phi đã bị bắt thình lình trong khi họ đang cử hành Thánh Lễ trong một căn nhà. Trong cuộc hỏi cung quan tổng tài Roma hỏi họ tại sao lại làm điều đó, khi biết nó bị cấm triệt để. Họ đã trả lời: “Không có Chúa Nhật chúng tôi không thể sống được”, có nghĩa là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể, chúng tôi không thể sống, cuộc sống kitô của chúng tôi sẽ chết.

 

Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài rằng: “Nếu anh em không ăn thịt Con Người và không uống máu Người, anh em không có sự sống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống vĩnh cửu và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).

Các Ki-tô hữu Bắc Phi này trong thời đầu tiên của Giáo Hội đã bị giết vì cử hành Thánh Thể. Họ đã làm chứng rằng người ta có thể khước từ cuộc sống trần gian vì Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể trao ban cho chúng ta sự sống đời đời, bằng cách khiến cho chúng ta thông phần vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết.

 

Một trải nghiệm khác trong chiến tranh thế giới thứ hai: Cha Walter Ciszek bị bắt tại Nga.  Ngài bị giam trong tù hai mươi ba năm.  Sau khi được thả, ngài viết cuốn sách nhan đề là Người đã dẫn dắt tôi (He Leadeth Me). Trong đó có hàng sau: “Chúng tôi đã dâng Thánh lễ trong những kho chứa đồ, hoặc tụm lại giữa chỗ bùn lầy hoặc tuyết tan của một góc nền nhà sắp xây…  Vậy mà trong những hoàn cảnh thô sơ ấy, Thánh lễ đã đưa chúng tôi đến gần Chúa hơn là người ta tưởng.”

 

Cha Walter đã diễn tả một cộng đoàn tù nhân Công Giáo bé nhỏ thường bí mật tụ họp nhau mỗi khi có thể để cử hành Thánh Thể như vậy đó. Hơn nữa, vào thời đó, theo luật người Công Giáo phải nhịn ăn uống từ sau nửa đêm để được rước lễ ngày hôm sau.  Trong những Thánh lễ bí mật này, cộng đoàn thường để dành Mình Thánh lại để đem cho những tù nhân Công Giáo khác không thể tham dự.  Cha Ciszek viết:  “Đôi khi chúng tôi chỉ gặp được họ khi chúng tôi trở về nhà giam vào buổi tối trước bữa ăn.  Thế mà những người này vẫn nhịn đói cả ngày và lao động liên tục mà không một miếng bỏ bụng từ tối hôm trước, chỉ vì họ muốn được rước Thánh Thể.  Vậy mới biết Bí tích Thánh Thể đối với họ quý trọng dường nào.”

 

Qua những chứng ta trên cùng trải nghiệm của trẻ thơ, tôi cảm nhận rằng, người Kitô hữu cần phải luôn tái khám phá lại sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa, để qua đó luôn sống một cách tràn đầy hơn tương quan của mình với Thiên Chúa.

 

Thật vậy, dù chúng ta có ý thức và nhận ra sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa, thì giá trị đó vẫn luôn bền vững. Trong thế kỷ thứ 4 thánh Gioan Kim Khẩu (Ioannes Chrysostomos 347-407) đã nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Ngài lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Ngài kết hợp chúng ta với Ngài, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”.

 

Hai vị thánh khác gần với thời đại của chúng ta nêu bật tầm mức quan trọng đặc biệt của Mình Máu Thánh Chúa trong đời sống tâm linh và Đức Tin. Cả hai đều khuyên bảo các anh em và chị em trong tu hội và nhà Dòng luôn biết dành ít nhất một tiếng đồng hồ mỗi ngày để chiêm ngắm Thánh Thể Chúa.

 

Đó là anh Charles de Foucauld, chuẩn bị được tôn phong hiển thánh, anh Charles viết: “Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy (Mt 26,26-28)… Hồng ân bất tận ấy của Thánh Thể khiến chúng ta phải yêu mến một Thiên Chúa hết sức tốt lành, hết sức gần gũi, hết mình ở cùng và ở trong chúng ta, vẻ đẹp và sự hoàn hảo tối thượng ấy tự hiến cho chúng ta, đi vào trong chúng ta, không cần phải giải thích, vì điều đó đã quá hiển nhiên…

Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, là tất cả Chúa Giêsu!… Trong Thánh Thể, Chúa ngự đó trọn vẹn, hoàn toàn sống động, là Giêsu-chí-ái của con, cũng y hệt như khi xưa Chúa sống tại nhà của Thánh Gia ở Nazareth… Như khi ở giữa các Tông đồ vậy. Cũng thế, Chúa đang ở đây, lạy Chúa-chí-ái và Tất Cả của con!”

 

Đó là Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta. Với Mẹ Mình Máu Thánh Chúa là điều cao trọng và nền tảng trong đời Mẹ, cũng như trong linh đạo của các cộng đoàn và hiệp hội truyền giáo khác nhau do mẹ thành lập. Mẹ nói: “Bởi đâu chúng ta được niềm vui yêu mến? Bởi Thánh Thể, bởi sự hiệp thông. Chúa Giêsu muốn trở nên bánh để ban cho chúng ta sự sống. Ngày và đêm, Người hiện diện ở đó. Trong các cộng đồng chị em chúng tôi, mỗi ngày chúng tôi cầu nguyện một giờ trước Thánh Thể. Và từ khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện như thế, tình yêu của chúng tôi đối với Chúa Giêsu trở nên thân mật hơn, tình yêu huynh đệ trở nên thông cảm hơn, và tình yêu đối với người nghèo khổ trở nên cảm thương hơn”. Mẹ Têrêsa cũng nhắm đến thập giá và nhà tạm, như hai biểu tượng cụ thể cho tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại: “Khi nhìn lên thập giá, chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế nào. Và khi nhìn lên nhà tạm, chúng ta biết rằng Người vẫn ở đó để yêu thương chúng ta như thế nào”.

 

Còn đối với vị Cha Chung của chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxico, ngài luôn dành chỗ đặc biệt cho Mình Máu Thánh Chúa, ngài đã nhắc nhớ chúng ta: “Thánh Thể là một biến cố tuyệt diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa. Đó là một sự hiển linh: Chúa hiện diện trên bàn thờ để được hiến dâng cho Thiên Chúa Cha cho ơn cứu độ của thế giới” (Bài giảng Thánh Lễ, Nhà trọ Thánh Marta, 10-2-2014). Chúa ở đó với chúng ta, Ngài hiện diện. Nhưng biết bao lần chúng ta đến đó, chúng ta nhìn các sự việc, chúng ta nói chuyện bép xép với nhau, trong khi linh mục cử hành Thánh Thể… Nhưng chúng ta không cử hành gần Ngài. Nhưng đó là Chúa!”.

Hơn nữa, chúng ta cũng được Công Đồng Vaticano II dạy như sau: “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Ki-tô giáo” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium số 47).

 

Còn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh, vì trong bí tích này, Đức Kitô liên kết Hội Thánh và mọi chi thể của Hội thánh vào hy tế chúc tụng và tạ ơn được dâng nơi thánh giá lên cho Thiên Chúa Cha một lần cho mãi mãi; qua hy tế này, Người tuôn đổ ân sủng cứu độ trên Thân Thể của Người là Hội Thánh” (SGLHTCG 1407).

 

Tông huấn Sacramentum Caritatis mở đầu với những lời sau: “Bí tích tình yêu, Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình; với Bí tích này, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trong Bí tích kỳ diệu này đã bày tỏ được tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (x. Ga 15,13). Vâng, Chúa Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13,1)… Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Người. Tâm hồn các tông đồ phải sửng sốt biết bao trước cử chỉ và lời nói của Chúa trong bữa Tiệc Ly! Mầu nhiệm Thánh Thể phải khơi lên trong tâm hồn chúng ta một sự kinh ngạc biết bao!”

 

Tất cả những suy tư, nhưng giáo huấn và những trải nghiệm trên cho chúng ta nhận ra rõ hơn nữa sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa.

 

Nhưng sự cao trọng này cũng là điều mà chúng ta cử hành rất thường xuyên, đến nỗi sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa lại ẩn dấu trong sự bình thường dưới con mắt chúng ta.

 

 

  • Mình Máu Thánh Chúa cao trọng nhất nhưng lại bình thường nhất.

 

Mình Máu Thánh Chúa thật là cao trọng, nhưng cũng lại thật bình thường, đến nỗi đôi khi hay có thể nói là thường xuyên chúng ta không ý thức trong việc cử hành Thánh Lễ và Thánh Thể. Hơn nữa, nghi thức cử hành Thánh Lễ luôn đồng nhất và trở thành một điều gì rất “bình thường” trong đời sống thường ngày của người Công Giáo, nên sự cao trọng của Mình Máu Thánh Chúa cũng được nhìn trong lăng kính “bình thường”.

 

Thật vật, vì “bình thường” quá, nên con người hiếu động và hiếu kỳ đôi khi hay rất thường xuyên coi Thánh Lễ với 01 tiếng đồng hồ, 60 phút, là thời gian nhàm chán nhất trong cả tuần lễ, nghĩa là trong 168 tiếng đồng hồ của tuần lễ sống.

 

Thành thật với bản thân, chúng ta nên nhìn lại xem 167 giờ còn lại trong tuần lễ, Thiên Chúa trao ban cho chúng ta như một món quà và Ngài không rời bước trên con đường của chúng ta. Hãy tự tra vấn chính mình xem có biết bao ơn lành chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa. Vậy khi chúng ta chỉ dành một giờ trong mỗi tuần cho việc thờ phượng Đấng Tạo Hóa với tất cả tâm hồn của mình, lại chẳng là điều phải đạo và chính đáng sao? Còn 167 giờ khác chúng ta dùng để ngủ nghỉ, ăn uống, vui chơi, làm việc chúng ta vẫn còn cảm thấy ít sao? Hơn nữa, dành một giờ cho Chúa ngày Chúa Nhật, để rồi Chúa chúc phúc cho 167 giờ còn lại trong tuần. Đó là sự khôn ngoan của những người con sống ý thức của Thiên Chúa. Vì thế, nên chuẩn bị thật chu đáo cho một giờ của Thánh Lễ, để rồi chúng ta đón nhận biết bao nhiêu điều tốt lành và phúc lành của Thiên Chúa.

 

Đức Thánh Cha Phanxico có lần nói rằng: “Nhưng hãy nghĩ coi: khi bạn đi tham dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Thế mà bạn lại lo ra, quay qua quay lại… Đó là Chúa! Chúng ta phải nghĩ tới điều này! “Thưa cha, vì các thánh lễ nhàm chán quá! – “Mà bạn nói gì thế, rằng Chúa là nhàm chán à!” – “ Không, không. Thánh Lễ không, các linh mục thì có”. Ôi, ước chi các linh mục hoán cải, nhưng mà Chúa ở đó nhé! Anh chị em đã hiểu chưa? Xin đừng quên điều ấy! Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa”.

 

Như thế, sự nhàm chán là do yếu tố con người, do chính vị Linh Mục cử hành Thánh Lễ, do chính người tham dự hay cùng dâng Thánh Lễ không chú tâm và ý thức chuẩn bị tâm hồn mình. Đôi khi chúng ta còn đổ lỗi sự nhàm chán cho người này người khác, cho yếu tố bên ngoài, còn tâm hồn bên trong của chúng ta thì sao? Bình thường con người cảm thấy nhàm chán trong Thánh Lễ, vì con người đã và đang ấp ủ sự nhàm chán của chính mình, nghĩa là con người đang có vấn đề và không biết sống thế nào, để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nói khác đi, con người đang thiếu Chúa trong tâm hồn, trong cuộc sống thì mới thấy đời mình nhàm chán.

 

Thật vậy, nơi nào có Chúa thì không bao giờ nhàm chán.

Bất cứ khi nào có Chúa, dù trong những dịp đặc biệt hay trong thường ngày với sự bình thường và đơn điệu, thì cuộc sống vẫn luôn mang một giá trị sâu sắc.

 

Hơn nữa, chúng ta chắc chắn ngạc nhiên, khi nhận ra rằng, Chúa Giê-su với Mình Máu Thánh của Ngài đã bước vào cái đơn điệu và bình thường của cuộc sống hằng ngày. Điều này hoàn toàn tương hợp với chính cách thức Ngài chọn lựa để trao ban chính Mình Máu Thánh của Ngài cho chúng ta. Đó là tấm bánh mì được làm nên từ các hạt lúa miến quen thuộc do chính tay của con người làm nên trở thành Mình Thánh. Đó là ly rượu từ các trái nho bình dị trở thành Máu Thánh.

 

Thật vậy, trong cái bình thường, bình dị nhất của cuộc sống con người, Chúa Giê-su đang hiện diện sống động.

Điều đó có ý nghĩa gì vậy?

 

Có nghĩa là Chúa Giê-su khiêm tốn đón nhận những gì thật bình dị đơn sơ của đời sống hằng ngày. Ngài khiêm tốn ẩn mình trong hình hài của tấm bánh trắng tinh do chính con người làm nên, và hơn nữa Ngài tự ban chính Mình Ngài qua tấm bánh trắng đó cho con người.

 

Karl Rahner nói rằng: “Chúa Giê-su đã tự ban chính Mình Ngài cho chúng ta nơi chính tạo vật đơn hèn mà Ngài đã tạo nên. Ngài đang hiện diện sống động cho chúng ta, trong giây phút chúng ta đón nhận Tấm Bánh Thánh từ bàn thờ. Vâng Ngài đang ở đó: Nơi một tạo vật đơn hèn Sự Vĩnh Cửu của Thiên Chúa đã bước vào. Đó là nơi chật hẹp của cuộc sống thật giới hạn của chúng ta”.

 

Thật vậy, trong sự chật hẹp của cuộc sống con người, trong cái tầm thường và quen thuộc của tạo vật đơn hèn Mình Máu Thánh Chúa đang hiện diện, nghĩa là Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường, Đấng yêu thương con người cho đến cùng đang hiện diện. Ngài đang hiện ở đó và chờ chúng ta, Ngài muốn gặp gỡ chúng ta nơi bình thường, bình dị nhất, nơi không có gì là hào nhoáng.

 

Karl Rahner viết thêm: “Thân mình con người đang cúi xuống trên tấm bánh nhỏ bé được nhìn như là tấm bánh mì – lương thực hằng ngày, cánh tay con người đang giang ra cầm lấy chén Thánh, chén mà bình thường chỉ đựng một chất liệu rất đơn hèn của đất thấp, chính lúc đó mọi chuyện cao trọng xảy ra với mục đích sâu xa tiềm ẩn bên trong: Thiên Chúa và trái tim của những người tin “tan vỡ ra”, mỗi bên theo cách riêng của mình, nhưng xuyên suốt qua tất cả mọi bức tường ngăn cách mà bình thường không thể nào bị xuyên thấu, để rồi hai bên được gặp gỡ nhau…

Ôi, mỗi ngày chúng ta được phép cử hành mầu nhiệm của sự sống vĩnh cửu trong một thời gian đầy giới hạn, vâng mỗi ngày đấy!…

Thật vậy, luôn luôn là hồng ân, hồng ân với phúc lành từ Thiên Chúa, để chúng ta đến và cử hành bữa tiệc hồng ân ở bàn tiệc của Ngài. Dù chúng ta chỉ đến với Chúa bằng thân xác lê lết của chúng ta, dù chúng ta mang theo một khuôn mặt rầu rĩ hay dáng vẻ lê thê nhàm chán, dù chúng ta đến với hình dáng của kẻ mệt nhọc và khổ đau, Chúa vẫn đón nhận chúng ta. Vâng, Chúa cũng đón nhận chúng ta, khi Ngài không tìm thấy bất cứ tia sáng hoan lạc vui tươi nào trên đôi mắt của chúng ta.

Chúa đã bước vào vực thẳm sâu nhất của trái đất này. Không có gì làm cho Ngài nhụt chí, dù cho Ngài phải bước vào trong chỗ tối tăm và hẹp hòi nhất trong trái tim của chúng ta, nơi mà chỉ có một tia sáng thật nhỏ của tình yêu đang hiện diện, nơi mà chỉ có một chút ước ao đang âm ỉ hồng lên. Bí tích cao trọng nhất luôn hiện diện trong sự kiên nhẫn, và sự kiên nhẫn này Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thật vậy, Bí Tích cao trọng nhất cũng là bí tích của đời sống bình thường hằng ngày của chúng ta”.

 

Henri Nouwen cũng có suy tư tương tự: “Thánh Thể là hành vi bình thường và thần linh nhất ta khó có thể hình dung. Đó là sự thật về Chúa Giê-su. Rất con người nhưng cũng rất Thiên Chúa; rất quen thuộc nhưng cũng rất huyền nhiệm; rất gần gũi nhưng cũng rất có tính mạc khải! Nhưng đó là câu truyện của Chúa Giê-su, Đấng “dẫu là Thiên Chúa, nhưng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã huỷ mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế, lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và là cái chết thập giá” (Pl 2,8-11).

 

Đó cũng là câu truyện của Thiên Chúa Đấng muốn gần gũi ta, gần đến độ ta có thể thấy Thiên Chúa bằng con mắt của ta, nghe tiếng Thiên Chúa bằng lỗ tai ta, đụng chạm được Thiên Chúa bằng đôi tay ta; gần đến độ chẳng có gì ngăn cách ta với Ngài, chẳng có gì chia cắt, chẳng có gì có thể tạo nên khoảng cách”.

 

Thật vậy, Thiên Chúa gần gũi chúng ta, nhưng chúng ta có gần gũi Chúa khi chúng ta đến với Chúa trong Thánh Lễ không?

 

Nhìn lại đời mình, chúng ta tự hỏi xem Thánh Lễ nào là Thánh Lễ quan trọng nhất của tôi, để lại cho tôi một dấu ấn khó quên?

Cũng như khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, thì tôi đã sống như thế nào với Mình Máu Thánh Chúa cao trọng trong ngày thường của tôi?

 

Ôi thật tuyệt vời, Thiên Chúa cao trọng nhất nhưng luôn khiêm tốn, Ngài ẩn mình, Ngài nhập thể vào trong những gì rất bình thường của chúng ta. Càng hiểu được điều này, chúng ta càng cần phải ý thức chuẩn bị đến với Mình Máu Thánh Chúa bằng tất cả tâm hồn và thân xác chúng ta, để nhờ đó mà cuộc gặp gỡ giữa Chúa Thánh Thể và mỗi người chúng ta mới có thể trở nên cuộc gặp gỡ quý báu nhất trong ngày thường của cuộc sống.

 

  • Để điều bình thường luôn là điều quý báu và cao trọng.

 

Bước khởi đầu luôn là bước sống trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Thánh Lễ được bắt đầu với nhãn hiệu Đức Tin, với dấu Thánh Giá, với dấu mang hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

 

Tông huấn Sacramentum caritatis viết: “Đức Giêsu Kitô, Đấng “nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14), trao ban cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa trong hồng ân Bí tích Thánh Thể. Đây là một ân huệ tuyệt đối nhưng không, đến từ lời hứa của Thiên Chúa và được ban dư đầy. Hội Thánh đón nhận, cử hành và tôn thờ hồng ân này với một lòng vâng phục trung thành. “Mầu nhiệm đức tin” là mầu nhiệm của tình yêu Chúa Ba Ngôi mà chúng ta được mời gọi thông phần nhờ ân sủng. Vì thế chúng ta phải cùng với thánh Augustin kêu lên: “Nếu anh thấy được tình yêu, anh sẽ thấy Thiên Chúa Ba Ngôi” (số 8).

 

Thật vậy, Thánh Thể là tặng phẩm của Chúa Cha, sự hiện diện của Ngôi Lời làm người, chịu chết và sống lại, sự tuôn đổ Thánh Linh. Trong kinh nguyện Tạ ơn, phụng vụ tuyên xưng công trình tuyệt diệu của Thiên Chúa Ba ngôi đã thực hiện trong lịch sử và khẩn nài Thiên Chúa quy tụ Hội thánh và nhân loại trong sự hợp nhất hoạ theo khuôn mẫu của ba ngôi.

 

Như thế, chúng ta cử hành Thánh Lễ, cử hành Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa là cử hành mầu nhiệm Đức Tin, cử hành mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Ngôi Cha là Đấng tạo dựng nên chúng ta, Đấng mà chúng ta tuyên xưng khi đặt bàn tay phải lên đầu của mình, như để chúc tụng Cha ở trên trời cao xanh, như để xin Cha chở che chúng ta.

 

Ngôi Con là Chúa Giê-su, Đấng yêu thương mặc lấy xác phàm của chúng ta, để cứu độ chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta tuyên xưng Ngôi Con với việc đưa bàn tay phải đặt vào trái tim mình, để tri ân cảm tạ về tình yêu bao là và tuyệt vời của Thiên Chúa, để tiếp tục xin Chúa cho trái tim của chúng ta được gặp trái tim của Chúa.

 

Ngôi Ba là Chúa Thánh Thấn, do Cha trên trời và Chúa Giê-su trao tặng cho chúng ta, để Ngài nâng đỡ chúng ta với tư cách là Đấng Bảo Trợ. Chúng ta tuyên xưng Ngài với bàn tay phải đặt trên hai vai (bên phải và bên trái) của chúng ta, như là lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, cùng gánh vác với chúng ta những lo âu của cuộc sống.

 

Như thế, toàn thân xác và cuộc đời của chúng ta được đóng ấn bởi dấu Thánh Giá, bởi chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, đi đâu thì đi, làm gì thì làm, dấu Thánh Giá và hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện cách sống động trong mỗi con người tin.

 

Hạnh phúc cho những ai khám phá và nếm hưởng được sự sống tuyệt vời trong Thiên Chúa Ba Ngôi, như chân phước Êlisabeth Chúa Ba Ngôi thốt lên:

Ôi Thiên Chúa của con, con thờ lạy Ba Ngôi,

xin giúp con quên hẳn mình đi để ở trong Chúa,

bất động và bình an

như thể hồn con đang sống trong vĩnh hằng;

xin đừng để điều gì quấy phá sự bình an của con,

và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Đấng Bất Biến của con.

Nhưng xin cho mỗi phút đem con

vào sâu hơn trong mầu nhiệm của Chúa!

Xin cho tâm hồn con được bình an

và trở thành thiên đường của Chúa,

nơi cư ngụ Chúa yêu thích,

nơi Chúa nghỉ ngơi.

Xin cho con đừng bao giờ để Chúa một mình,

nhưng luôn có mặt trọn vẹn,

tỉnh thức trong đức tin,

hết lòng thờ kính,

hiến dâng trọn vẹn để Chúa tác tạo”.

 

(Trích từ sách GLHTCG số 260).

 

Thật vậy, được sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi là diễm phúc nhất.

Được có Chúa ở cùng là hồng phúc lớn lao nhất.

 

Bước chào nhau với lời “Chúa ở cùng”.

 

“Chúa ở cùng anh chị em!”

Linh mục chào Cộng Đồng Dân Chúa như vậy.

 “Và ở cùng cha!”.

Thật đẹp, khi linh mục được đón nhận lời chào đáp lại của Cộng Đồng Dân Chúa.

 

Cộng đồng dân Chúa và linh mục có trách nhiệm cử hành bí tích cao trọng nhất với một ý thức thật quan trọng và nền tảng, đến nỗi thiếu điều này cả Cộng Đồng Dân Chúa và vị linh mục sẽ trở nên tiếng loa phóng thanh phát ra những âm thanh rỗng tuếch không có chút gì là “tin vui”. Đó là nền tảng của lời chào nhau chất chứa lời ao ước dành cho nhau “Chúa ở cùng”.

 

Karl Rahner nói: “Người ta chỉ có thể đi tìm Chúa, khi người ta đi với Chúa. Và chúng ta không tìm kiếm Chúa được, nếu Chúa không để cho chúng ta tìm thấy Ngài trong mỗi ngày sống của chúng ta”.

 

Chúa ở cùng cũng là danh thánh của Chúa “Em-ma-nu-en”.

Chúa ở cùng cũng là phúc lành tuyệt hảo mà Mẹ Maria đã được đón nhận: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28).

Chúa ở cùng là điều mà các Thánh hằng luôn mong ước.

“Đừng để điều gì làm cho bạn xao xuyến;

Đừng để điều gì làm cho bạn lo sợ.

Mọi sự đều qua đi, Thiên Chúa không thay đổi!

Kiên nhẫn sẽ được tất cả.

Ai có Thiên Chúa, người ấy chẳng thiếu gì:

Chỉ có Thiên Chúa, là đã đủ” (Thánh Tê-rê-sa Avila).

 

Có Chúa ở cùng là đủ rồi. Có Chúa ở cùng thì không còn gì phải xao xuyến. Có Chúa ở cùng thì đời người luôn thanh thoát và an bình, dù cuộc sống phải đối diện với biết bao lo toan và thử thách.

 

Có Chúa ở cùng là điều kiện cần và đủ cho chính công việc tông đồ có thể sinh hoa kết trái: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,8). Thật vậy, khi có Chúa ở cùng, khi ý thức sống với Chúa và trong Chúa, thì người tín hữu hoàn toàn tín thác đời mình, việc tông đồ của mình cho Chúa. “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”, cũng có nghĩa là không có Chúa, thì chúng ta không thể cử hành Thánh Thể được. Nói như Karl Rahner, thì chúng ta không thể đi tìm Chúa nếu chúng ta không đi với Chúa. Cũng thế, nếu chúng ta không có Chúa, không cậy dựa vào Chúa như cành nho cậy dựa vào Thân Cây Nho, thì mọi sự sẽ rã rời, mọi sự sẽ luôn luôn có nguy cơ suy sụp, sẽ trở thành tiều tuỵ. Không còn phấn khởi, không còn hoạt động, không còn sự sống.

Cha Paul de Jeagher, Dòng Tên viết trong tác phẩm “Niềm Tín Thác”: “Nếu chúng ta không có một niềm tin tưởng tín thác thật lớn lao và vững vàng nơi Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể sống èo ọt. Nếu thay vì tìm kiếm nơi Chúa những ân sủng, những sự trợ giúp, những thức ăn thiêng liêng, chúng ta lại chỉ dựa vào sức mình và tính cách sống tự lập, thì chúng ta sẽ như những trẻ sơ sinh đã mất mẹ. Vậy, điều hết sức quan trọng là chúng ta phải lo gia tăng, lo cho đức cậy trông, niềm tín thác của chúng ta nơi Thiên Chúa lớn thêm mãi lên. Đức Cậy càng vững vàng, càng mãnh liệt, thì đời sống thiêng liêng của chúng ta càng tươi nở, càng tròn đầy, nhịp tim của chúng ta càng phấn khởi và tình mến yêu Chúa càng bừng cháy trong tâm hồn chúng ta”.

 

Như thế, chúng ta bắt đầu cử hành Bí Tích cao trọng, Mình Máu Thánh Chúa, bằng cách chúng ta có Chúa ở cùng. Chúng ta bước vào một hành trình Phụng Vụ 60 phút với một cuộc gặp gỡ thật mật thiết với Chúa, 60 phút  sống nhờ Chúa nghĩa là hoàn toàn tín thác vào Chúa, sống với Chúa nghĩa là sống kết hiệp nên một trong tình yêu với Chúa và sống trong Chúa nghĩa là hoàn toàn mở lòng ra để đón nhận nhựa sống và ân sủng Chúa ban từ chính Thân Mình Cao Trọng của Chúa.

 

Đức Thánh Cha Phanxico nói như sau: “Một cuộc cử hành có thể được coi là hoàn hảo và xinh đẹp theo nhãn quan bên ngoài, nhưng nếu không dẫn chúng ta đến gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, thì không thể đem một chất bổ dưỡng nào đến cho tâm hồn và đời sống chúng ta”.

 

Hơn nữa, nói rằng “chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể” còn mang ý nghĩa là chính Chúa là người chủ động, chính Chúa là chủ của bữa tiệc Thánh Thể này, chính Chúa là thân mình và tất cả chúng ta là chi thể của Chúa. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa tự hiến chính mình; Người đã hiến dâng thân xác mình và đã đổ máu mình ra. Với cách thức này, Người ban tặng trọn vẹn cuộc sống của mình và mạc khải nguồn mạch nguyên thủy của tình yêu này (x. Tông Huấn Sacramentum Caritatis số 7). Trong tình yêu tuyệt vời và cao trọng, Chúa Giê-su lại trao cho các tông đồ và cho chúng ta một huấn lệnh: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11,25) .

 

Với huấn lệnh này, chúng ta chỉ có thể cử hành Bí Tích cao trọng nhất khi có Chúa ở cùng, khi có Chúa Thánh Thần hoạt động ở trong toàn bộ con người chúng ta, từ tâm hồn cho đến những cử chỉ diễn tả trong phụng vụ, đến các lời kinh tiếng hát thốt ra từ môi miệng để ca tụng, tôn vinh, cảm tạ tri ân và xin ơn cùng cầu khẩn.

 

Thật vậy, giây phút quan trọng nhất trong Thánh Lễ là giây phút truyền phép Thánh Thể. Lúc đó, Cộng Đồng Dân Chúa cùng vị chủ tế tập trung hoàn toàn và hướng về Chúa Thánh Thần, để chính Ngài hoạt động và biến đổi tấm bánh đơn hèn bình dị của con người trở nên Mình Thánh, biến đổi chén rượu của đất thấp thành Máu Thánh của Chiên Thiên Chúa.

 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Trong kinh Epcilesis, Hội Thánh khẩn cầu Chúa Cha sai Thần Khí của Ngài xuống trên bánh rượu để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa Giê-su Ki-tô, và để những ai tham dự Bí tích Thánh Thể được trở thành một thân thể và một tinh thần duy nhất” (số 1353).

 

“Thánh Xyrilô thành Giêrusalem trong quyển Giáo lý của mình nhắc nhớ rằng chúng ta “khẩn cầu Thiên Chúa nhân từ sai Thánh Thần của Người đến trên lễ vật đây, để Người biến bánh trở thành Thân Thể Đức Kitô và rượu trở thành Máu của Đức Kitô. Những gì Thánh Thần đụng chạm tới đều được thánh hóa và hoàn toàn biến đổi”.

 

Thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh rằng vị chủ tế khẩn cầu Chúa Thánh Thần, khi ngài cử hành hy tế; thánh nhân nói tiếp: như ngôn sứ Êlia, người tôi tớ Chúa, vị chủ tế kêu cầu Chúa Thánh Thần đến để “khi ân sủng xuống trên lễ vật, linh hồn mọi người nhờ đó được bừng cháy lên sốt sắng” (Tông Huấn Sacramentum Caritatis số 13).

 

Ngoài ra, Chúa ở cùng cũng là ao ước của muôn muôn người, vì có gì có thể phủ lấp lòng khao khát của đời người, nếu không phải là chính Chúa.

 

Thánh Augustino đã thốt lên trong sách Tự Thú của ngài: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”( TT 1,I,1).

 

Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Avila cũng có tâm tình tương tự: “Tôi thấy mình mỏi mòn vì khát khao được hưởng kiến Thiên Chúa, và tôi không biết làm sao để tìm được sự sống ấy ngoài con đường phải chết”.

 

Còn thánh Gioan Thánh Giá thì diễn tả lòng khao khát của ngài qua lời cầu nguyện: “Con sẽ không yên nghỉ cho đến lúc được hoan lạc trong vòng tay Chúa; và bây giờ, lạy Chúa, con nài xin Chúa đừng bao giờ bỏ con cô đơn một giây phút nào, kẻo linh hồn con héo hon tiều tuỵ”.

 

Thánh Ignatio Antiochia nói rằng: “Tình yêu của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá; … Một mạch nước đang sống và đang nói ở trong tôi, nói với tôi tự bên trong rằng: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”. Còn chị thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su viết: “Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống”.

 

Dù sống hay chết, có Chúa ở cùng là có tất cả. Đó là điều nền tảng cho cuộc sống, cho mọi cử hành phụng vụ, cho mọi công việc tông đồ, cho hành trình của đời sống tâm linh của mỗi người chúng ta.

 

Ngoài ra, lời chào có Chúa ở cùng còn tương hợp hoàn toàn với Lời Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Khi hai hay ba người tụ họp vì danh ta, có ta hiện diện ở đó (Mt 18,20).

Như thế, lời chào này diễn tả một Giáo Hội sống trong sự hiệp thông có Chúa ở giữa.

 

Hiệp thông trong Cộng Đoàn.

 

Giáo Hội sống trong sự hiệp thông có Chúa ở giữa. Đó là communio trong ý nghĩa đúng đắn của nó, có nghĩa là những người tín hữu thuộc về Hội Thánh Công Giáo hiệp nhất với nhau, liên kết với nhau cử hành và dự phần vào bữa tiệc Thánh cao trọng nhất với lương thực là Mình và Máu Thánh Chúa.

 

Như thế, Cộng Đồng Dân Chúa hiệp thông bên Chúa và với Chúa. Đó là hình ảnh bữa ăn hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa. Tính hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa thể hiện qua giao ước hằng mong đợi của chính Thiên Chúa “chúng sẽ là một dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr 24,7). Ngày ấy, đoàn dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Mô-sê, đang lưu đày trong sa mạc, bỗng dưng dân chúng kêu đói và khát. Họ kêu cầu và trách cứ Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào trong sa mạc này để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16,3).

 

Trong bài giảng ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa năm 2006, Đức Benedicto XVI giải thích ý nghĩa Bánh và Rượu như sau: “Bánh được làm với nhiều hạt lúa mì hợp lại với nhau qua bột mì; bột do bởi nhiều hạt lúa làm nên. Chúng ta là cộng đoàn, gồm nhiều người, phải trở thành một ổ bánh, một thân thể như thánh Phaolô nói. Bởi chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1Cr 10,17)”.

 

Henri Nouwen suy tư về sự hiệp thông Thánh Thể như sau: “Khi hai, ba, mười, một trăm hoặc một ngàn người ăn cùng một bánh và uống cùng một chén, và như thế cũng là trở nên hợp nhất với cuộc sống bị bẻ ra đổ ra của Chúa Ki-tô, thì những người ấy cũng khám pha ra rằng cuộc sống của họ là một phần của một cuộc sống duy nhất và như thế, họ cũng nhìn nhận nhau là anh, chị, em. Trên thế giới này chỉ có rất ít nơi con người có thể giơ cao và cử hành bản tính chung của con người, nhưng cứ mỗi lần ta đến với nhau chung quanh những dấu chỉ đơn sơ của bánh và rượu, là mỗi lần ta phá đổ nhiều bức tường ngắn, thành chắn và đạt được một ý niệm mơ hồ nào đó về ý định của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Và cứ mỗi lần chuyện ấy xảy ra là mỗi lần ta được mời gọi không chỉ quan tâm tới hạnh phúc của nhau, mà còn quan tâm tới hạnh phúc của mọi người trên thế giới này”.

 

Như thế, cử hành Bí Tích cao trọng này luôn là cuộc cử hành của toàn thể Hội Thánh, của Giáo Hội vây quanh Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng tự hiến Mình Máu để biểu lộ tình yêu cao vời của Thiên Chúa dành cho nhân trần.

 

Ngoài ra, để có thể xứng đáng cử hành mầu nhiệm cao trọng này, là phận người chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn và đời sống. Sự chuẩn bị quan trọng là tinh thần thần ăn năn sám hối.

 

 

Ăn năn, thái độ bình thường nhưng thật cần thiết.

 

Sau phần chào và lời cầu chúc cho nhau: “Chúa ở cùng”, vị chủ tế và cả Cộng Đồng Dân Chúa bắt đầu tâm tình sám hối ăn năn: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em…” Lời kinh Cáo Mình của mỗi người trước tôn nhan Thiên Chúa và trước cả Cộng Đồng Dân Chúa diễn tả sự khiêm tốn của mỗi tín hữu. Tất cả đều là những người tội lỗi và tin tưởng vào lòng thương xót vô bờ của Chúa, để xin Chúa thứ tha. Nói khác đi mỗi tín hữu bắt đầu Thánh Lễ với tâm tình của người thu thuế bước vào đền thờ: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

 

Về ý nghĩa của việc sám hối ăn năn lúc đầu Thánh Lễ, Đức Thánh Cha Phanxico chia sẻ như sau: “ở đầu Thánh Lễ, chúng ta cùng nhau thực hiện cử chỉ sám hối qua một công thức thú tội chung, được nói lên ở ngôi thứ nhất số ít. Mọi người đều thú tội với Thiên Chúa và với các anh chị em rằng mình “đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Vâng, ngay cả trong sự thiếu sót, nghĩa là đã không làm những điều tốt mà tôi có thể làm. Chúng ta thường cảm thấy tốt bởi vì – chúng ta nói – “Tôi đã không làm tổn thương ai cả”. Trong thực tế, chỉ không làm tổn thương người khác thì chưa đủ, cần phải chọn để làm điều tốt bằng cách nắm lấy những cơ hội để làm chứng tốt rằng chúng ta là các môn đệ của Chúa Giêsu.  Thật tốt khi nhấn mạnh rằng chúng ta thú nhận với cả Thiên Chúa lẫn anh chị em rằng mình là những kẻ tội lỗi: điều này giúp chúng ta hiểu được chiều kích của tội lỗi là điều, trong khi tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa, cũng chia cách chúng ta với anh chị em mình và ngược lại. Tội lỗi cắt đứt: cắt đứt mối liên hệ với Thiên Chúa và cắt đứt mối liên hệ với anh chị em, mối liên hệ trong gia đình, ngoài xã hội và trong cộng đồng: Tội lỗi luôn cắt đứt, phân cách và chia rẽ.

 

Các lời chúng ta nói qua miệng của mình đi kèm với cử chỉ đấm ngực của mình, nhìn nhận rằng tôi đã phạm tội do lỗi của chính tôi, chứ không phải của người khác. Thường xảy ra là chúng ta chỉ ngón tay để tố cáo người khác vì sợ hoặc xấu hổ. Nhìn nhận có tội như thế này, nhưng thật tốt khi thú nhận nó với lòng chân thành. Chúng ta hãy thú nhận tội lỗi của mình.

 

Đôi khi có người hỏi, ‘Tại sao chúng ta phải đi đến nhà thờ, bởi vì những người tham dự Thánh Lễ thường xuyên cũng là những người tội lỗi như những người khác’.  Đã bao lần chúng ta nghe câu ấy!  Thực ra, những người cử hành Thánh Lễ không làm thế bởi vì họ tin rằng mình hoặc muốn được coi là tốt hơn những người khác, nhưng bởi vì họ luôn nhận ra nhu cầu cần được chấp nhận và được tái sinh bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã làm người trong Đức Chúa Giêsu Kitô.  Nếu mỗi người chúng ta không cảm thấy cần lòng thương xót của Thiên Chúa, không cảm thấy mình là kẻ có tội, thì tốt hơn đừng đi Lễ!  Chúng ta đi Lễ bởi vì chúng ta là những người tội lỗi và chúng ta muốn nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, tham dự vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, ơn tha thứ của Người.  “Kinh Cáo Mình” mà chúng ta đọc ở đầu Lễ không phải là một “ước lệ”, mà là một hành vi sám hối thật sự!  Tôi là một kẻ tội lỗi và tôi thú nhận nó, Thánh Lễ bắt đầu như thế! Chúng ta không bao giờ được quên rằng Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu đã diễn ra “trong đêm Người bị nộp” (1Cr 11,23).  Mỗi lần chúng ta tụ họp chung quanh bánh và rượu mà chúng ta dâng tiến thì hồng ân Mình và Máu Đức Kitô để tha tội cho chúng ta được nhắc lại trong đó.  Chúng ta phải đi Lễ một cách khiêm nhường, như những kẻ có tội, và Chúa giao hòa chúng ta”.

 

“Xin Chúa thương xót con, xin Chúa thương xót chúng con”. Lời cầu nguyện thật đẹp của những phận người ý thức và khiêm tốn. Như thế, chúng ta đến với Thánh Lễ là đem theo tất cả, nhất là tội lỗi của chúng ta, sự bất xứng của chúng ta, sự biếng lười của chúng ta, sự kiêu hãnh của chúng ta và tất cả những gì xấu xa trong con người của chúng ta.

 

Tất cả những gì là xấu nhất, tệ nhất mà chúng ta mong muốn chúng lìa bỏ khỏi thân xác, tâm hồn và cuộc đời chúng ta, chúng ta dâng lên Chúa, để chính Chúa tha thứ cho chúng ta.

 

Trong lời truyền phép chén rượu, có câu: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Chúa Giê-su chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và Đấng Yêu Thương đã tự ý hiến thân mình đổ máu ra trên bàn thờ để cứu độ chúng ta. Đó là một hành động thật tuyệt vời của tình yêu và thương xót.

 

Thánh Augustino làm nổi rõ cách thế Đức Kitô đồng hóa chúng ta với Người: “Tấm bánh mà anh chị em thấy trên bàn thờ, được thánh hiến nhờ lời Thiên Chúa, là mình Đức Kitô. Bằng những dấu chỉ này Đức Kitô đã muốn trao phó cho chúng ta mình và máu Người, đã đổ ra cho chúng ta để được ơn tha tội. Nếu anh chị em lãnh nhận cách sốt sắng, thì chính anh chị em trở thành điều mà anh chị em đã lãnh nhận” (Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 36).

 

Thánh Ambrosio thì nói: “Mỗi lần chúng ta rước lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết. Nếu chúng ta loan truyền cái chết của Chúa, thì cũng loan truyền ơn tha tội. Nếu mỗi lần Máu Người đổ ra, là đổ ra để tha tội, thì tôi phải luôn lãnh nhận Máu Người, để Người luôn tha tội cho tôi. Tôi là kẻ luôn phạm tội, nên tôi luôn phải có một phương dược” (x. SGLHTCG. Số 1393).

 

Còn thánh Fulgentiô Ruspensê thì viết: “Vì yêu thương Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta, nên mỗi khi tưởng niệm cuộc tử nạn của Người trong Thánh Lễ, chúng ta xin Người ban tình yêu cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần ngự đến; chúng ta khiêm tốn khẩn nguyện rằng, nhờ tình yêu mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, và nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta có thể coi thế gian như đã bị đóng đinh, và chúng ta bị đóng đinh cho thế gian;… khi đã lãnh nhận hồng ân tình yêu, chúng ta hãy chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa” (x. SGLHTCG. Số 1394).

 

Với cha Paul de Jeagher, “đó là phép lạ đang diễn ra từng giờ, từng phút, một phép lạ vượt xa vô cùng tất cả các phép lạ Chúa đã làm để chữa lành các bệnh nhân và cho kẻ chết sống lại. Chúa đã làm phép lạ này vì yêu thương tôi và để chiếm lấy tôi…

Chúa Giê-su Thánh Thể còn là Đấng rất đầy đủ để giúp ta đền tạ tội lỗi, và đó là kho tàng quý giá cho ta, vì chúng ta luôn luôn và rất cần phải đền tạ Chúa vì những lỗi phạm của chúng ta. Chúng ta đã lỗi phạm rất nhiều, đã phạm tội rất nhiều trong đời sống của mình. Đường đời của chúng ta đầy những tội lỗi, ấy là chưa kể những lỗi phạm mà mình không ý thức, như lời Thánh Vịnh đã kêu xin Chúa: ‘Xin Chúa tẩy rửa con khỏi những lỗi phạm mà con không hay biết’ (Tv 18,13). Những lỗi lầm của chúng ta nhiều hơn tóc trên đầu chúng ta, và mỗi ngày con số những lỗi phạm vẫn tăng thêm. Ôi nếu chúng ta không có Chúa Giê-su để tha thứ và đền tạ các tội lỗi của ta, thì chúng ta sẽ khốn nạn dường nào.

 

Phúc cho chúng ta, vì Chúa Giê-su đã hy sinh chuộc tội và đền tội chúng ta. Chỉ một giọt Máu Thánh của Ngài cũng đủ tẩy rửa hết mọi tội của thế giới… Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Giê-su lại giang hai tay ra trên thập giá để cứu chuộc chúng ta: Ngài lại chịu chết cách mầu nhiệm để đền tội lỗi chúng ta. Ngài đưa cho Cha Ngài thấy chân tay Ngài bị đóng đinh để xin ơn tha thứ cho chúng ta và cả thế giới…

Chắc chắn chúng ta phải chịu trách mình về trăm ngàn lần đã bất trung với Chúa… Nếu chúng ta tìm những lý do chống chữa những lỗi phạm của mình, hoặc để tự nhủ rằng mình không có lỗi gì hết, thì chúng ta sai lầm lắm… Điều chúng ta phải làm là thú nhận sự bất trung và bất xứng của mình, và đặt tất cả niềm tin tưởng tín thác nơi Chúa Giê-su Thánh Thể, của lễ đền tội vô cùng trong trắng của chúng ta. Hãy đổ tất cả mọi tội lỗi chúng ta, những tội chúng ta nhận ra và những tội không nhận ra, trong máu châu báu của Con Chiên vẹn sạch đã tự hiến tế cho tất cả chúng ta”.

 

Như thế, cử hành Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa là cử hành tình yêu và lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta, là những phận người yếu đuối và tội lỗi. Lòng thương xót và tha thứ được thực hiện qua Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, Đấng hằng thương xót chúng ta và ban cho chúng ta bình an của Ngài.

 

Nói khác đi, Bí Tích Thánh Thể là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa người Cha Nhân Hậu và đứa con hoang đàng ăn năn hối lỗi trở về. Khi người con trở về, thì mọi người chúc tụng và tôn vinh Cha, Đấng giàu lòng thương xót tha thứ cho con mình, để con mình tìm lại được chỗ ngồi trong mái nhà của tình yêu.

 

Chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

 

Sau khi sống tinh thần sám hối ăn năn và đón nhận lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta bước vào bầu khí của tâm tình tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa.

“Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Trong mọi hành vi của đời sống, người Kitô hữu được mời gọi bày tỏ việc phượng tự đích thực dành cho Thiên Chúa. Chính trong việc phượng tự đích thực mà căn tính Thánh Thể của đời sống Kitô hữu bắt đầu hình thành” (Tông huấn Sacramentum Caritatis số 71).

 

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương. Vinh Danh, vinh danh Chúa. Vinh danh, vinh danh Chúa…”.

 

Thiên Chúa thật đáng vinh danh biết bao. Các thiên thần đã tấu lên lời ca vinh danh trong đêm Chúa Giê-su giáng sinh như là lời mở đầu và tiếp nối theo là tất cả các bài ca vinh danh Thiên Chúa của con người trong mỗi ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, ngày con người được nghỉ ngơi dành thời gian để chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, vinh Danh, vinh danh Chúa”.

 

Theo Ratzinger “điều vinh quang trên trời cao nhắm đến, chỉ muốn xác định Thiên Chúa vinh quang, Thiên Chúa là chân lý vĩnh cửu, Thiên Chúa tốt đẹp nghìn trùng. Đó là điều căn bản của niềm tin chúng ta”.

 

Còn đối với ĐTC. Phanxicô thì: “Vinh danh Thiên Chúa! Trên hết, đây là những gì Giáng sinh mời gọi chúng ta thực hiện: đó là tung hô Chúa, vì Ngài tốt lành, thành tín, và đầy lòng thương xót. Hôm nay tôi nói lên hy vọng là tất cả mọi người nhận biết thiên nhan đích thật của Thiên Chúa, là Chúa Cha, Đấng đã ban cho chúng ta Chúa Giê-su. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa, sẽ sống trong sự hiện diện của Ngài, yêu mến và thờ lạy Ngài”.

 

Và theo tâm tình của ĐHY. Walter Kasper: “Chúng ta cùng cất cao lời ca vượt trên mọi điều bình thường của ngày sống và nêu bật sứ điệp cao quý: Ôi Thiên Chúa vĩ đại, Người thật tốt lành, vì Người đang hiện diện ở đây, ở trong Chúa Giê-su Người đã trở nên một Con Người, qua đó Người đã ban tặng cho chúng con một ý nghĩa sống, một định hướng, một niềm hy vọng. Điều đó làm cho chúng con vui mừng. Vì thế chúng con muốn tri ân Chúa, vì thế chúng con muốn ca tụng Chúa và vì thế chúng con muốn hát mừng Chúa…

Ai ca tụng Chúa như vậy, người đó cầu nguyện gấp đôi rồi!”

 

Nối tiếp với lời vinh danh Chúa là lời ca ngợi và chúc tụng Chúa:

Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa” (Br 3,6; Tv 145,2);

là tâm tình thờ lạy và tôn vinh Chúa:

“chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa” (Kh 4,11; Rm 11,36; 1Cr 6,20);

là lòng cảm tạ Chúa và tuyên xưng Chúa là Vua trên trời, là Cha toàn năng:

“chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa” (1Bns 16,24; 2Cr 4,15)

“lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời” (Kh 4,8; Tb 13,7; Dn 4,37), và

“là Chúa Cha toàn năng (St 17,1-2; 2Cr 6,18).

 

Có thể nói, đời sống đức tin người tín hữu được kết nối với các thái độ sống thật tích cực đối với Thiên Chúa. Đó là vinh danh Chúa, là ca ngợi, chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ Chúa trong mỗi Thánh Lễ, trong mỗi lần cử hành Bí Tích cao trọng Mình Máu Thánh Chúa. Thật vậy, Thánh Lễ chất chứa hành vi ngợi ca, chúc tụng cực kỳ thiện hảo mà con người dâng lên Thiên Chúa vì Đấng dâng lời chúc tụng thay cho con người chính là Đấng Toàn Thiện. Không hình thức thờ phượng nào sánh được với Thánh Lễ.

Như thế, tất cả các bài Thánh Ca trong Thánh Lễ phải diễn tả được những tinh thần thờ lạy, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa.

 

Hơn nữa, các lời vinh danh chúc tụng Thiên Chúa trong các bài Thánh Ca hay Thánh Vịnh được tấu lên cần phải chú ý đến điều mà thánh Bê-nê-đíc-tô nói trong luật của ngài về cầu nguyện: “mens concordet voci  – tinh thần phải hòa hợp với giọng nói”. Nghĩa là tâm lòng chúng ta dành cho Thiên Chúa cần phải hoà điệu và lời ca tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa của chúng ta, trong cách nói khác thì cần có được sự hòa hợp giữa những gì chúng ta nói bằng đôi môi của mình với những gì chúng ta mang trong tâm hồn.

 

Để được như vậy, thì theo Đức Bê-nê-đíc-tô thứ XVI, “Chúng ta phải đi vào các lời, đi vào ý nghĩa của chúng, nhận chúng vào chính mình, trở nên đồng điệu với những lời ấy; như thế chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, giống Thiên Chúa. Như Concilium Sacrosanctum nhắc nhở, để đảm bảo những hiệu quả trọn vẹn của việc cử hành Phụng Vụ “điều cần thiết là tín hữu đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm hồn mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên cao, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích” (số 11)”.

 

Khi tâm hồn đã được chuẩn bị thật tốt, để tâm hồn hoà điệu với đôi môi, thì các bài ca mới tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa được vang lên thật đẹp. Thánh Augustin nói rằng: “con người mới hát bài ca mới. Hát là biểu hiện của niềm vui và, nếu chúng ta suy nghĩ một chút về việc này, thì hát còn là một biểu hiện của tình yêu”. Tình yêu từ tâm hồn dành cho Thiên Chúa và niềm vui hoà điệu với tâm hồn được diễn tả cách sống động trong lời tôn vinh chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa.

 

Tạ ơn Thiên Chúa, điều làm đẹp lòng Chúa.

 

Cử hành Bí Tích cao trọng Mình Máu Thánh Chúa luôn mang tâm tình tạ ơn. Trước hết là lời tạ ơn của Chúa Giê-su. Chúa Kitô tạ ơn Chúa Cha vì ý định yêu thương giải thoát con cái Ngài khỏi sự chết và tội lỗi, cho họ được cứu rỗi cách nhưng không qua chính hiến lễ dâng hiến và giao hoà đền tội cho nhân loại của Chúa Giê-su.

 

Cầm lấy bánh, Chúa Kitô đọc lời chúc tụng và tạ ơn. Hành động này được trực tiếp quy chiếu vào khái niệm dân Hipri về berakah. Khái niệm này gồm hai phương diện bổ túc. Trong thì thứ nhất, người ta lạ lùng và mến yêu tưởng niệm những can thiệp phi thường của Thiên Chúa vào lịch sử dân Ngài và của loài người. Thì thứ hai, tâm hồn con người hết lòng tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa về bấy nhiêu kỳ công của Ngài.

 

Tạ ơn trong tiếng Hy-lạp là Eucharistia. Trong các thư của thánh Inhaxiô tử đạo (viết vào đầu thế kỷ II), thuật ngữ Eucharistia được dùng để ám chỉ hành vi tạ ơn cũng như việc tưởng niệm điều Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly.

Như thế, “Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn. Trong Chúa Giêsu, trong hy tế của Ngài, qua lời “xin vâng” vô điều kiện trước thánh ý Chúa Cha đã hàm chứa lời “xin vâng”, “cám ơn” và lời “amen” cho toàn thể nhân loại.

 

Sứ mệnh của Giáo Hội là nhắc nhớ cho người thế này sự thật lớn lao ấy, đặc biệt giữa một thế giới trần tục ngày nay, một thế giới cố tình quên sự hiện hữu của Thiên Chúa, tự cho mình là cùng đích và tự mãn. Kế hoạch Thánh Thể hóa công ăn việc làm cho cuộc sống thường nhật, trong gia đình, trường lớp, công xưởng và trong mọi cảnh sống của chúng ta để chứng minh rằng loài người thụ tạo chúng ta không thể tồn vững nếu không có Đấng Hóa Công: “Không có Chúa mọi loài sẽ bị hủy diệt“. Điểm siêu việt này không ngừng nhắc nhở chúng ta cảm tạ Chúa về mọi sự chúng ta có và hiện hữu – nói khác đi, chúng ta có thái độ “Thánh Thể” là thái độ tạ ơn trước mọi thực tại trần thế hữu hình và giới hạn này” (Tông thư về năm Thánh Thể, số 26).

 

Như thế, trong mỗi lễ Tạ ơn, Chúa Kitô cảm tạ về việc cứu rỗi mà Cha trên trời không ngừng hiện thực, qua sự hiến dâng Chúa Con.

 

Hiệp lời tạ ơn của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích cao trọng Mình Máu Thánh Chúa.

 

Giáo Hội dâng Thánh Lễ trên các bàn thờ để tạ ơn Thiên Chúa, vì muôn ơn lành Chúa hằng ban cho mọi người. Trong các ơn lành đó, chúng ta có thể nhớ đến ơn được tạo dựng, ơn được tha thứ và được cứu chuộc và ơn được đón nhận của ăn thiêng liêng cao trọng là Mình Máu Thánh Chúa. Chỉ cần dừng ở ba ơn này thôi, lòng người chúng ta đã bừng lên những tâm tình tạ ơn khôn xiết.

 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Bí tích Thánh Thể là hy tế để tạ ơn Chúa Cha, là lời chúc tụng qua đó Hội Thánh diễn tả lòng tri ân của mình đối với Thiên Chúa, vì mọi điều Ngài ban, vì mọi điều Ngài đã thực hiện trong công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Bí Tích Thánh Thể trước hết có nghĩa là tạ ơn” (số 1360).

 

Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng: “Con người không thể nào tạ ơn Thiên Chúa cho xứng được, bởi vậy Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su Chúa chúng ta, đã đặt mình làm việc đó thay cho chúng ta: Ngài đã làm tất cả mọi điều cần thiết để làm việc này thay cho chúng ta”.

 

Vì thế, chúng ta ý thức thường xuyên chạy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, xin Ngài cảm tạ Cha trên trời thay cho chúng ta.

 

“Hôm nay anh chị em muốn tạ ơn Thiên Chúa điều gì trong Thánh Lễ?”

Đó là một câu hỏi thật hay giúp chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn tạ ơn Chúa. Có rất nhiều điều trong cuộc sống thúc đẩy chúng ta tạ ơn Chúa.

 

Từ việc ngắm tầng trời với các tinh tinh tú, đến việc nhìn chính bản thân mình với sự sống Chúa ban tặng, rồi còn tình yêu đồng hành chở che của Chúa, như cánh phượng hoàng luôn giang rộng để chở che bóng dáng bé nhỏ của người con rảo bước trên muôn nẻo dương gian, bước nguy nan qua vực sâu núi cao, bước nhẹ nhàng thanh thoát bên đồng lúa thơm, vâng càng nhìn ngắm chúng ta càng nhận ra biết bao hồng ân Chúa ban.

 

Mỗi Thánh lễ là giây phút tuyệt vời để cùng với Hội Thánh chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những phúc lành Thiên Chúa ban cho nhân loại nói chung, như tất cả những gì Người đã thực hiện qua việc sáng tạo, Cứu chuộc và thánh hoá con người. Hoà vào đó là những hồng ân riêng mà mỗi người chúng ta đón nhận được. Vì thế, thật đẹp khi “trái tim” của mỗi người “bừng cháy lên lửa của lòng biết ơn trong Thánh Lễ”.

 

Mỗi lần đến với Chúa để tạ ơn Chúa trong Thánh Lễ, như là giây phút chúng ta là người mù được Chúa chữa lành, đã trở lại với Chúa để tạ ơn Chúa về ân sủng Chúa ban. Lời cám ơn của anh kết hiệp với niềm vui sâu xa, và niềm vui đó thúc giục anh ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa. Theo François Bovon, nhà chú giải Thánh Kinh người Thụy Sĩ, thì thái độ biết ơn này giúp cho anh ghi sâu ơn chữa lành vào trong lòng, làm cho niềm tin của anh vào Chúa được mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Vâng, niềm tin trưởng thành luôn đi đôi với lòng biết ơn và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng giúp cho anh hoán cải hoàn toàn, để giờ đây anh được sống trong tương quan gần gũi với Chúa. Thật vậy, ai học sống biết ơn, thì họ sẽ được chữa lành và mạnh khỏe trở lại. Mạnh khỏe trong thân xác và tinh thần, cũng như “mạnh khỏe”. trong tương quan với Thiên Chúa và với mọi người.

 

Johann Kaspar Lavater, triết gia người Thụy Sĩ đã nói rằng: “Mỗi ngày tôi muốn cám ơn về tất cả những gì tôi nhận được, về những gì tôi được phép tận hưởng trước cả vạn người. Luôn luôn sống biết ơn. Đó là đức hạnh đầu tiên tôi cần cố gắng tập”. David Steindl-Rast, một tu sĩ Biển Đức, viết trong cuốn sách Sự chú ý của con tim: “Từ sáng tới tối, trong từng khoảnh khắc của thời gian, chúng ta nhận được vô vàn món quà và hồng ân. Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng ta. Nhưng chúng ta có chú ý đến những món quà và hồng ân đó không? Đây chính là câu hỏi đặt ra cho chúng ta”. Câu hỏi này cũng chính là động lực giúp mỗi người ý thức biết ơn và mở lời cám ơn.

 

Một linh mục cao niên đã qua đời để lại một lời cầu nguyện cám ơn Chúa thật đơn sơ nhưng sâu lắng. Lời này cha đã đọc trong mỗi Thánh Lễ cha dâng:

 

Lạy Chúa,
không bao giờ con cám ơn Chúa đủ.
Mỗi hơi thở của cuộc đời,
con xin cám ơn Chúa.
Mỗi nhịp đập của trái tim,
con xin cảm tạ Ngài.
Cảm tạ Chúa
cho đến giây phút cuối cùng của đời con.
Cám ơn Chúa
là điều đầu tiên con ấp ủ mỗi ngày.
Lạy Chúa,
con xin cám ơn Ngài.

Amen.

 

Vì thế, chúng ta xin Chúa dạy dỗ chúng ta biết học cách “tạ ơn Thiên Chúa luôn luôn và ở mọi nơi”.

 

Cuối cùng chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Thánh Thể theo gương thánh nữ Giêtrude: “Lạy Chúa Giê-su con yêu mến, xin Chúa cảm tạ Cha Ngài thay cho con, vì chỉ mình Chúa có thể làm việc này cách xứng đáng và tuyệt hảo. Amen”.

 

Lời kêu xin của đất thấp trước Mình Máu Thánh Chúa.

 

“Hôm nay đến nhà thờ dâng Thánh Lễ, con muốn cầu xin điều gì?” Có lần Mẹ tôi đã hỏi tôi như vậy? Lời dạy của Mẹ đi với tôi trong đời và ngày ngày trong Thánh Lễ tôi cố gắng dâng lên những lời khẩn nguyện của tôi, của gia đình tôi, của cộng đoàn Dòng Tu, của anh chị em, của Giáo Hội và của thế giới lên Thiên Chúa.

 

Thật vậy, thật đẹp khi chúng ta chuẩn bị cho mỗi lần đến để cử hành Bí Tích cao trọng:

“Nhìn lại đời sống hằng ngày, đời sống trong tuần qua, nhín đến ngày mai và chuỗi ngày trước mắt, tôi và gia đình tôi đang mong ước Chúa ban cho điều gì vậy?”

 

Chúng ta được mời gọi dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin khấn nguyện của chúng ta được gói gọn trong bánh và rượu mà chúng ta chuẩn bị để dâng lên bàn thờ, và của lễ cùng lời khấn xin đó sẽ được Chúa đón nhận, thánh hoá, biến đổi trở nên điều đẹp lòng Chúa và hữu ích cho con người chúng ta.

 

Trong kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta cũng dâng lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho các Mục Tử, cho Cộng Đoàn dân Chúa và cho cả những người đã qua đời. Đó là những lời kêu xin khấn nguyện thật đẹp. Lời thánh Mônica nói với con mình là thánh Augustino là một điều thật đẹp: “Các con hãy chôn xác này ở bất cứ nơi đâu: đừng lo lắng gì về chuyện đó; mẹ chỉ xin các con điều này, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ tới mẹ nơi bàn thờ Chúa” (x. GLHTCG. Số 1371).

 

Thánh Lễ là lời khẩn cầu cao trọng nhất vì Đấng nguyện cầu là chính Đức Giêsu. Không ai làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha bằng Con Chí Ái của Ngài. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong Thánh Lễ là lời nguyện xin mạnh mẽ nhất. Và Chúa Giê-su chính là Đấng chuyển cầu cho chúng ta cách tuyệt vời nhất.

 

Cha Paul de Jeagher nói rằng: “Chúng ta hãy nhớ Chúa Giê-su là Đấng chuyển cầu rất mạnh thế và đầy lòng thương xót của chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Đúng như lời thánh Phao-lô dạy: ‘Ngài có thể cứu vớt nhữung kẻ nhờ Ngài mà đến với Thiên Chúa, bởi vì Ngài hằng sống để chuyển cầu cho họ’ (Dt 7,25). Ngài là trạng sư rất tốt lành của chúng ta, nếu chúng ta cậy nhờ Ngài cầu xin và bênh vực chúng ta, chúng ta chắc chắn không sai lầm trong sự mong chờ của mình. Ngài vô cùng mạnh mẽ nơi Thiên Chúa và luôn đạt được những gì chúng ta cậy nhờ Ngài…

Chúng ta tin rằng, nếu chúng ta gõ cửa thì Chúa sẽ mở cho ta, miễn là ta phải cầu xin nhân danh Chúa Giê-su, và đầy lòng tin tưởng vào lời hứa của Ngài”.

 

Trong tâm tình khiêm tốn, chúng ta có thể cầu nguyện như sau: “Lạy Cha hằng hữu, con xin Cha ban cho con ơn này… vì công nghiệp vô cùng của Con Cha. Cha hãy nhận lấy phần con mắc nợ Cha về ơn trọng này, bởi vì công nghiệp của Chúa Giê-su Con Cha thì vô cùng”.

 

Thật vậy, khi chúng ta khiêm tôn và chân thành cầu xin Chúa Giê-su điều gì, thì Chúa sẽ đón nhận chúng ta, và ngược lại Ngài cho chúng ta cũng được đón nhận Ngài và kết hiệp với Ngài. Đó là hạnh phúc tuyệt vời mà Mình Máu Thánh Chúa ban lại.

 

Đón nhận và hạnh phúc kết hiệp.

 

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mt 8,8). Lời khiêm tốn của viên đại đội trưởng xin Chúa Giê-su dủ thương nhìn đến người tôi tớ đang đau yếu của ông ấy trở thành lời cầu nguyện của mọi tín hữu trên thế giới tại bàn tiệc của Bí Tích cao trọng.

Lời này diễn tả sự khiêm hạ của phận người.

Lời này biểu lộ lời khẩn nguyện kêu xin lòng thương xót của Chúa.

Lời này tin tưởng vào quyền năng vô biên của Chúa.

 

Trước lời này Chúa Giê-su đã “động lòng”. Ngài đã không chần chừ đáp ứng lòng mong đợi của viên đại đội trưởng tốt lành. Vâng, đầy tớ của ông ấy đã được khỏi.

 

Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta cầu nguyện với lời này và điều quan trọng là môi miệng cầu nguyện lời này của chúng ta phải hoà điệu với chính tấm lòng của chúng ta, tấm lòng khiêm tốn, tin tưởng vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Khi cầu nguyện như vậy, chúng ta thật xứng đáng để đón nhận Mình Máu Thánh Chúa vào lòng mình.

 

Giây phút rước Chúa vào lòng vừa xong, chúng ta nên làm gì?

Mẹ tôi dạy rằng: “Sau khi rước Chúa, về chỗ ngồi con phải quỳ xuống, sốt sắng nhắm mắt lại và âm thầm cám ơn Chúa”.

Lời Mẹ dạy chính là bài Giáo Lý tuyệt vời nhất. Nhắm mặt lại và làm như lời Mẹ dạy.

“Con cám ơn Chúa

cho con được đón nhận Chúa,

được kết hiệp với Chúa,

được ở với Chúa.

Đó là hạnh phúc đời con”.

 

Henri Nouwen viết như sau: “Chúa Giê-su là Thiên Chúa cho ta, Thiên Chúa ở với ta, Thiên Chúa ở trong ta. Chúa Giê-su là Thiên Chúa trao ban trọn vẹn con người Ngài cho ta, dốc cạn mình cho ta. Chúa Giê-su không giữ lại cũng không bám vào những sở hữu của Ngài. Ngài cho tất cả những gì Ngài có thể cho. ‘Hãy ăn và hãy uống, này là Mình và Máu Thầy… này là Thầy bị nộp vì anh em”.

Thật vậy, trong chiều sâu tâm linh và với ơn Chúa, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc kết hiệp với Thiên Chúa qua Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa. Sự kết hiệp đến từ lòng khao khát của Thiên Chúa và lòng khao khát của chúng ta.

 

Đọc tiếp lời của Henri Nouwen: “Chính ước vọng sâu thẳm muốn đi vào trong mối tương quan mật thiết nhất của Thiên Chúa với ta này đã hình thành nên cốt lõi của việc cử hành Thánh Thể và cuộc sống Thánh Thể. Thiên Chúa không chỉ muốn đi vào trong lịch sử nhân loại bằng cách trở nên một con người sống trong một thời điểm đặc biệt và một quốc gia nào đó thôi, mà Thiên Chúa còn muốn trở nên của ăn, của uống hằng ngày của ta mọi nơi mọi lúc…

 

Kết hiệp là điều Thiên Chúa muốn và cũng là điều chúng ta muốn. Đó là tiếng kêu sâu thẳm nhất của lòng Thiên Chúa và của lòng ta, bởi ta được tạo dựng bằng một trái tim chỉ có thể được thoả mãn bởi Đấng tạo dựng nên nó. Thiên Chúa đã tạo nên trong trái tim ta một khát vọng hiệp thông mà không ai trừ Thiên Chúa mới có thể và muốn thoả mãn. Thiên Chúa biết điều ấy. Đôi khi ta cũng biết. Nhưng ta lại luôn tìm kiếm kinh nghiệm của sự được thuộc về ấy ở chỗ khác… Tuy nhiên, nếu ta khóc than vì những mất mát của ta, nếu ta lắng nghe Ngài trên đường, và mời Ngài đi vào trong cõi thẳm sâu của ta, ta sẽ biết rằng sự hiệp thông ta đang đợi chờ đón nhận cũng chính là sự hiệp thông Thiên Chúa đang đợi chờ trao ban”.

 

Chúa chờ ta và ta chờ Chúa. Khi cả hai đều nói lời xin vâng với nhau cho cuộc gặp gỡ tuyệt vời, thì hạnh phúc trào dâng. Đó chính là trải nghiệm tuyệt vời của Mẹ Maria. Với lời xin vâng của mình, Mẹ đã đón nhận và cưu mang Chúa Giê-su trong lòng.

 

Khoảnh khắc tuyệt vời này của Mẹ phải chăng cũng là khoảnh khắc của mỗi người chúng ta, khi được đón nhận chính Chúa Giê-su, Mình Máu Thánh của Ngài vào lòng chúng ta?

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”.

Lời chúc mừng của thiên thần dành cho Mẹ phải chăng cũng là lời thiên thần gởi đến chúng ta:

“Ôi anh chị em thật diễm phúc, vì Chúa Giê-su đang ở cùng anh chị em, ở trong chính thân xác và tâm hồn anh chị em”.

 

Dừng bước để cảm nghiệm, để nếm hưởng và say sưa trong hạnh phúc khôn siết và vô cùng lớn lao này, chúng ta sẽ cảm thấy Chúa tuyệt vời biết bao.

Ôi Đấng cao trọng lại trở nên thật gần gũi trong đời sống bình thường của chúng ta.

Giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện với chân phước Ruy Broeck:

 

Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói ;
càng uống, con càng khát ;
càng sở hữu, con lại càng ước ao.

 

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con
hơn cả tầng mật ong,
vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

 

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
vì con không sao múc cạn được Chúa.

 

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?
Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,
con cảm thấy cả hai.

 

Chúa đòi con nên một với Ngài,
đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,
vì con không muốn từ bỏ
những thói quen của con
để ngủ yên trong tay Chúa.

 

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
ca ngợi và tôn vinh Chúa,
bởi đó là sự sống đời đời cho con.

 

Lời cầu nguyện tri ân cảm tạ về hồng ân Thánh Thể, hồng ân kết hiệp với Chúa không dừng lại ở tại Thánh Đường, mà sẽ trao ra trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

 

Sống điều cao trọng trong đời sống bình thường.

 

Sống điều cao trọng trong đời sống bình thường nghĩa là sống Thánh Thể trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

 

Lời của bài hát sau đây như là lời lời cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta biết sống Thánh Thể cao trọng trong đời sống của chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện với bài Thánh Ca.

 

“Chúa ơi ! Thân con là thân lúa miến,

gieo vào lòng đời và mục nát với thời gian.
Bông lúa vàng kết thành tấm bánh và

thân con trở thành hiến vật

nguyện dâng Cha như lễ toàn thiêu.
Đây thân con đây trí lòng con,

bao ưu tư vui buồn cuộc sống,

xin dâng Cha như một hiến vật.
Nguyện Chúa trời thánh hóa đời con.

 

Lời bài hát này đã vang lên trên môi miệng chúng tôi, những chàng thanh niên ấp ủ một lý tưởng theo Chúa, khi chúng tôi miệt mài lao động giữa những cánh đồng oi bức ở quê hương. Đó là thời gian để “thử lửa”, thử sức người trẻ trên hành trình chập chững kiếm tìm Chúa và nung nấu lý tưởng trở thành linh mục của Chúa, trở thành những tấm bánh bẻ ra cho người khác, như chính Chúa Giê-su đã sống.

 

Chúng ta chỉ có thể đi tìm Chúa, khi chúng ta có Chúa ở cùng.

Cũng thế, chúng ta chỉ có thể sống động bí tích cao trọng trong đời sống bình thường, khi chúng ta có Chúa cùng đi chung.

 

“Ite, Missa est – Thánh Lễ đã xong chúc Anh Chị Em lên đường bình an. “Hãy đi, hãy lên đường Thánh lễ trong nhà thờ đã xong, giờ đây hãy sống Bí Tích Thánh Thể ở phố phường, ở bất cứ nơi nào chúng ta rảo bước chân tới. Vâng, hãy đi và sống với những gì chúng ta đã cầu nguyện, ca hát và lắng nghe. Hãy đi phục vụ Thiên Chúa và bà con hàng xóm láng giềng.

 

Trước sự cao cả của mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa, thánh Augustino đã thốt lên: “Ôi bí tích tình yêu! Ôi dấu chỉ hợp nhất! Ôi mối dây bác ái” (x. SGLHTCG số 1398).

 

Tương hợp với tâm tình của thánh Augustino, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhớ chúng ta: “Giờ đây, khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta gặp nhiều người nam nữ đủ loại: già trẻ, giàu nghèo, người bản xứ và những người ngoại quốc, đi cùng gia đình hay đi một mình…  Nhưng Thánh Lễ mà tôi cử hành có đưa tôi đến việc thật sự coi tất cả mọi người như anh chị em không?  Nó có làm lớn lên trong tôi khả năng vui với người vui và khóc với người khóc không?  Nó có thúc đẩy tôi đến với những người nghèo khó, bệnh tật và bị bỏ ra ngoài lề xã hội không?  Nó có giúp tôi nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu trong họ không? Tất cả chúng ta đi tham dự Thánh Lễ vì chúng ta yêu mến Chúa Giêsu và muốn chia sẻ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người trong Bí Tích Thánh Thể.  Nhưng chúng ta có yêu thương những anh chị em túng thiếu như Chúa Giêsu muốn không?”

 

Tâm tình của Đức Thánh Cha tương hợp với cái nhìn Thánh Thể của Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta. Với Mẹ Tê-rê-sa chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Giê-su trong người nghèo được, trừ phi chúng ta thấy Ngài trong Thánh Thể.

Chúng ta đọc tâm tình của Mẹ: “Đức Giêsu đã tự biến mình thành Tấm Bánh ban Sự Sống, hầu làm thỏa mãn nỗi đói khát của chúng ta về tình yêu. Và như thể việc này vẫn không đủ đối với Người, nên Người còn tự biến mình thành một kẻ đói khát, trần truồng, khiêm tốn nhất, hầu bạn và tôi có thể làm thỏa mãn niềm khao khát của Người về tình yêu nhân loại. Đây là điều thật tuyệt vời – những người đau yếu, nghèo khổ, không được ai cần đến, không được yêu thương, những kẻ phong hủi, nghiện ma túy, nghiện rượu, các cô gái điếm – Đức Kitô ẩn mình trong nỗi đau khổ của họ”.

 

Trong cùng bài diễn văn này trước Hội Nghị Quốc Tế về Thánh Thể, Mẹ Têrêsa đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của sự hy sinh cá nhân, qua việc làm cho tình yêu dịu hiền và thương xót của Thiên Chúa hiện diện trong thế giới ngày nay: “Hy sinh chính là tình yêu trong hành động. Thiên Chúa đã cử Đức Giêsu đến dạy cho chúng ta tình yêu này, mà bạn sẽ khám phá được trong cuộc đời mình. Có bao giờ bạn cảm nghiệm được niềm vui khi yêu thương không? Có bao giờ bạn chia sẻ điều gì đó cho những người đau yếu, cô độc, cùng với việc làm điều gì đó thật tốt đẹp cho Thiên Chúa không? Đây là điều đến từ bên trong chúng ta. Đây là nguyên nhân tại sao Đức Giêsu đã tự biến mình thành Tấm Bánh ban Sự Sống – hầu tạo ra tấm bánh này trong cuộc đời chúng ta”.

 

Đối với Mẹ Têrêsa, Thánh Thể chính là tình yêu hy tế mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, để được ăn vào và tiêu hóa, và trở thành một phần trong con người chúng ta. Khi chúng ta đón rước Thánh Thể, thì chúng ta được Thiên Chúa ban sức mạnh để yêu mến những người khác, với cùng tình yêu mà Đức Kitô đã bày tỏ cho chúng ta. Bằng cách này, bí tích Thánh Thể giúp chúng ta mang tình yêu của Đức Kitô đến với người nghèo, và cảm nhận được sự hiện diện của Người vẫn có ở trong họ.

 

Tôi tớ Chúa, cha Pedro Arrupe, Dòng Tên, cũng đã để lại trải nghiệm sống Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa thật đặc biệt.

 

Trái bom nguyên tử đầu tiên đã nổ tại Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945. Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, một thánh lễ được cử hành ở ngoại ô thành phố giữa những nạn nhân nằm la liệt.

 

Linh mục giám đốc tập viện Dòng Tên mở cửa nguyện đường đón nhận họ và tìm cách săn sóc họ. Về sau, khi đã trở nên Bề Trên Cả Dòng Tên, cha giám đốc tập viện Pedro Arrupe kể lại cảnh tượng sáng hôm đó như sau: “Nguyện đường tập viện chúng tôi phân nửa đã bị tàn phá, khi ấy tràn ngập những người bị thương do bom nguyên tử. Họ nằm la liệt bên nhau trên nền nhà, co quắp lại, bị đau khủng khiếp. Tôi khởi sự dâng thánh lễ, ráng tập trung trong một thế giới chẳng hiểu biết gì về những điều đang thực hiện trên bàn thờ. Họ là người ngoại đạo chưa hề dự một thánh lễ. Tôi không thể nào quên được cử chỉ tôi làm khi hướng về họ và nói: Chúa ở cùng anh chị em, giữa cảnh họ đang chịu đau đớn. Tôi hầu như bị tê liệt với hai tay giang ra mà tôi nghĩ tới thảm kịch con người dùng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để tiêu diệt loài người. Đáp lại là những cặp mắt của những nạn nhân đang chờ nguồn an ủi nào đó từ bàn thờ giữa cảnh họ đang hấp hối và tuyệt vọng (…)

 

Sáu tháng sau, tất cả các nạn nhân được chữa trị đều trở về nhà, chỉ trừ hai người đã chết. Nhiều người trong số họ đã chịu Phép Rửa và ai thì cũng được biết thế nào là đức Ái Kitô giáo (…)

 

Một mẫu gương sống Thánh Thể khác cũng nên nhắc đến. Đó là anh Charles de Foucauld, người chuẩn bị được phong hiển thánh. Đối với Anh Charles, Thánh Thể là sự hiện diện thực tế, xác thực của Chúa Giêsu: “Thánh Thể, chính là Chúa Giêsu, là tất cả Chúa Giêsu”.

 

Nhưng Anh Charles cũng khám phá Thánh Thể không chỉ là bí tích của sự hiện diện sống động, thực tế và xác thực của Chúa Giêsu, nhưng còn là bí tích của hy tế thập giá. Và do vậy Anh chấp nhận ý tưởng mà Anh đã từng từ chối nhiều lần, đó là sẵn sàng “mang Chúa Giêsu, trong thinh lặng, tới những dân tộc ngoại giáo và thánh hóa họ một cách âm thầm bằng sự hiện diện của Nhà Tạm như Đức Thánh Trinh Nữ đã thánh hóa ngôi nhà của Gioan khi mang Chúa Giêsu tới đó” .

 

Khi đến Sahara, Anh sẽ có một khám phá nữa liên quan đến Thánh Thể : Anh Charles chuyển từ “bí tích bàn thờ” sang “bí tích người nghèo”, bởi Anh hiểu rằng việc phục vụ Thánh Thể và phục vụ người nghèo đều là sự tôn thờ đối với Thân Thể Đức Kitô. Anh làm chứng về điều này một vài tháng trước khi qua đời, khi Anh viết cho L.Massignon, như thể một di chúc:

 

“Tôi nghĩ rằng, không có một lời nào trong Tin Mừng đã đem lại cho tôi một ấn tượng sâu xa hơn và đã biến đổi đời sống tôi nhiều hơn cho bằng câu này : “Tất cả những gì anh em làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây là anh em đã làm cho chính Thầy vậy”(x.Mt 25,40). Nếu chúng ta nghĩ rằng những lời này là lời của Chân lý không do ai tạo ra, nhưng lời từ miệng Đấng đã nói : “Này là Mình Thầy…này là Máu Thầy…”, thì chúng ta sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ để đi tìm và yêu mến Chúa Giêsu trong những “người bé nhỏ”, những tội nhân, những người nghèo hèn này, mang theo tất cả những phương tiện vật chất của Ngài để làm nhẹ đi những khốn cùng hiện tại”.

 

Thánh Thể không còn là một việc tôn thờ đơn giản, nhưng đúng hơn là một hình thức sống, một cách thức sống, được học và sống từ và bởi Đấng là Thánh Thể, do vậy đây là việc tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vì ơn cứu độ của thế giới. Từ Ngài, Anh cũng sẽ học để cho đi cuộc sống mình. Cái chết ngày 1.12.1916 có một cái gì đó của Thánh Thể, đó sẽ là máu đổ ra hợp với hy tế của Chúa Giêsu. Đó là điều Cha Huvelin đã viết cho Anh khi Anh lên đường đi Algérie : “Xin Thiên Chúa đồng hành với con và cho con làm điều tốt, hòa lẫn việc của con với việc của Ngài, máu của con với máu của Ngài”.

 

  • Thay cho lời kết.

 

Điều cao trọng nhất lại bình thường nhất. Đó là công trình tuyệt vời của Đấng Quyền Năng. Chỉ có Ngài mới có thể làm được.

 

Nhờ tình yêu và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa, mỗi ngày chúng ta được phép cử hành mầu nhiệm của sự sống vĩnh cửu trong một thời gian đầy giới hạn, vâng mỗi ngày đấy!…

 

Nhờ tình yêu và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa rất gần gũi với chúng ta, gần đến độ chúng ta có thể thấy Thiên Chúa bằng con mắt của chúng ta, nghe tiếng Thiên Chúa bằng lỗ tai chúng ta, đụng chạm được Thiên Chúa bằng đôi tay chúng ta; gần đến độ chẳng có gì ngăn cách chúng ta với Ngài, chẳng có gì chia cắt, chẳng có gì có thể tạo nên khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa.

 

Ôi thật tuyệt vời, Thiên Chúa cao trọng nhất nhưng luôn khiêm tốn, Ngài ẩn mình, Ngài nhập thể vào trong những gì rất bình thường của chúng ta. Càng hiểu được điều này, chúng ta càng cần phải ý thức chuẩn bị đến với Mình Máu Thánh Chúa bằng tất cả tâm hồn và thân xác chúng ta, để nhờ đó mà cuộc gặp gỡ giữa Chúa Thánh Thể và mỗi người chúng ta mới có thể trở nên cuộc gặp gỡ quý báu nhất trong ngày thường của cuộc sống.

 

Ôi thật cao vời, Bí Tích cao trọng nhất cũng lại là bí tích của đời sống bình thường hằng ngày của chúng ta.

 

 

Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa 2020.

Đại dịch Corona 2020.

 

  • Tài liệu tham khảo

 

  • 15 Ngày Cầu Nguyện Với Anh Charles de Foucauld.
  • Henri Nouwen, Những tâm hồn bừng cháy.
  • Karl Rahner SJ., Fest des täglichen Brotes.
  • Augustine SJ., Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô ngày 02.06.2002.
  • Mẹ Teresa, Fr. Roger – Cầu nguyện, dòng suốt mát trong.
  • MARK LINKS SJ., Mình Thánh Chúa.
  • Phan Tấn Thành OP., Thần học về Bí Tích Thánh Thể trải qua các thời đại.
  • Công Đồng Vatican II.
  • 14 bài Giáo Lý về Thánh Lễ của ĐTC. Phanxico.
  • Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
  • TÔNG HUẤN SACRAMENTUM CARITATIS.
  • Tông Thư Về Năm Thánh Thể.

 

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *