10 gợi hứng của Thánh Inhaxio cho con người thời nay

Inhaxio Loyola là một trong những nhà linh đạo vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo. Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân, ngài đã để lại cho hậu thế những tác phẩm thiêng liêng quý báu mà đến nay, chúng vẫn không ngừng khơi nguồn cảm hứng cho bao người. Linh đạo của ngài được ví như một luồng gió mới thổi vào Giáo Hội, làm bừng lên một quan niệm mới về Thiên Chúa, khiến người ta phải nhìn lại con người mình và thay đổi bản thân.

Hãy cùng tìm lại 10 điều căn bản nhất mà có thể ngài sẽ tiếp tục chờ đợi nơi chúng ta.

 

  1. Để hết tâm trí vào Chúa

Đây là những lời được ngài nói đến trong bản Định Thức Thể Chế, ngay số đầu tiên, rằng mỗi Giêsu hữu [tu sĩ dòng Tên] phải “để hết tâm trí vào Chúa, sau đó mới là Dòng như con đường đưa tới Chúa”. Ý tưởng “xem Chúa là trên hết” này cũng được nói đến trong Linh Thao 23, 234 và nhiều nơi khác.

Có thể nói, với Inhaxio, nếu người ta muốn hạnh phúc và không lầm đường lạc lối, họ phải đặt để Chúa lên trên hết. Điều này chẳng có gì mới nhưng nó thức tỉnh chúng ta một lần nữa về mối tương quan giữa chúng ta với Chúa. Chúa phải là cùng đích, mọi sự khác chỉ là phương tiện giúp ta về với cùng đích này. Cái nào giúp, ta sử dụng; cái gì không, ta phải loại bỏ. Không có Chúa, cuộc đời của ta và sự hiện hữu của ta sẽ trở nên vô nghĩa. Điều cần hơn hết là “lòng mến Chúa và ân sủng Chúa”.

 

  1. Cho vinh danh Chúa hơn

Vinh quang Thiên Chúa từ đời đời đã là vô biên vô tận, không gì có thể làm cho Ngài được “vinh quang hơn”. Tuy nhiên, câu này dường như không có ý nói đến một kiểu vinh quang chói loà trong chính Thiên Chúa, nhưng là một sự mưu ích cho các linh hồn mà để có được, nó đòi hỏi một sự bỏ mình, hy sinh phục vụ của chính ta. Như lời thánh Ireneo nói: “Vinh quang Thiên Chúa là sự sống của con người”, hay như lời chính Chúa Giêsu khẳng định: “Điều làm Thiên Chúa được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ Thầy” (Ga 15,8). Thiên Chúa dường như để cho vinh quang của mình phụ thuộc vào sự hoàn thiện của con người, mà sự hoàn thiện đó lại hệ ở việc trở nên giống Đức Giêsu hơn trong tư cách là môn đệ Ngài.

“Cho vinh danh Chúa hơn” là một châm ngôn mà Dòng Tên vẫn hay sử dụng. Nó xuất phát từ việc Inhaxio đã rất nhiều lần sử dụng từ này trong Hiến Pháp, xem nó như tiêu chuẩn tối cao cho mọi cuộc nhận định và chọn lựa của người Giêsu hữu, đặc biệt trong hành trình sứ mạng: tôi sẽ chọn cái nào làm cho Chúa được vinh danh hơn.

 

  1. “Hoàn toàn”, “trọn vẹn”, “tất cả”, “hết thảy”…

Đây là những phó từ xuất hiện trong Kinh Dâng Hiến. Nó gợi lên trong chúng ta một sự dứt khoát, triệt để, không có sự nửa vời. “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả …  và trọn cả …, cùng hết thảy … Mọi sự ấy… Con xin dâng lại Chúa hết thảy…”. Đối với Thánh Inhaxio, Chúa đã đi bước trước và trao ban tất cả từ nơi Ngài cho chúng ta, thì chính chúng ta phải được thôi thúc để làm điều tương tự với Ngài. Trong hành theo Chúa, nếu người nào đó còn giữ lại cho mình điều gì, thì thật sự không xứng với tình yêu Ngài dành cho mình.

Những từ này dường như đánh vào sự ích kỷ, kém tin của chúng ta, vì nhiều lúc, sự dâng hiến của chúng ta chỉ là một kiểu máy móc, bằng lý trí hơn bằng trái tim, vẫn còn nhiều tính toán, cân đo đong đếm, giữ lại cho bản thân. Chúng ta sợ sự chênh vênh, bấp bênh… Điều này đã khiến cho hành trình kết thân giữa chúng ta với Chúa chẳng đâu vào đâu.

 

  1. Sống quảng đại

Rất nhiều lần Inhaxio nói đến sự “quảng đại”. Ngài dạy rằng “ai càng gắn bó với Thiên Chúa là Chúa chúng ta và càng tỏ ra quảng đại với Người thì càng thấy Người quảng đại với mình và càng được sẵn sàng đón nhận những ân sủng và ân huệ thiêng liêng lớn lao hơn” (HP 282). Ngài cũng mong các thao viên quảng đại với Chúa khi làm Linh Thao thì mới mong nghe được tiếng của Người (LT 5).

Ngày nay, người ta dường như rất ngại quảng đại vì họ sợ thiệt thòi. Ít ai còn có đủ niềm tin cho rằng càng cho đi mình mới nhận lãnh nhiều, và hơn hết, tự bản thân việc cho đi mà không tính toán làm nên sự cao quý của bản thân. Nếu có thời gian, các bạn hãy đọc và suy ngẫm lời Kinh Quảng Đại (lời kinh được cho là lấy ý tưởng từ thánh Inhaxio) để biết thế nào là “quảng đại”.

 

  1. Nhận định tìm ý Chúa

Lời kinh Quảng Đại kết thúc bằng câu “không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa”. Biết mình đang thi hành ý Chúa là phần thưởng dành cho những ai phụng sự Ngài. Tuân theo ý Chúa là đã sống trọn vẹn mục đích sự hiện hữu của mình. Bởi thế, thánh Inhaxio đã luôn đề cao việc phải tìm và thực thi ý Chúa và thánh ý ấy cứu độ chúng ta. Inhaxio đã để lại trong tập Linh Thao những phương pháp giúp chọn lựa, nhận định để tìm ý Chúa và chúng đã trở nên một khí cụ tuyệt vời cho con người mọi thời.

Hành vi nhận định phải luôn xuất hiện mọi nơi mọi lúc. Đây không phải là một kiểu thuần lý trí, máy móc, cứng nhắc, nhưng là một sự mềm mỏng để cảm thấy và nhận biết những tác động của Chúa trong lòng mình. Có như thế, mình mới được tỉnh táo, không bị những quyến luyến lệch lạc lừa gạt và có thể yên tâm vì biết mình “đang làm theo ý Chúa”.

 

  1. Tìm Chúa trong mọi sự

Cha Nadal đã diễn tả lại ý tưởng này của Inhaxio thành câu châm ngôn nổi tiếng “chiêm niệm trong hoạt động”. Nó xuất phát nhãn quan mới của Inhaxio về Thiên Chúa là Đấng vẫn luôn lao tác trong thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể gặp được Ngài đang khi hoạt động chẳng kém gì như khi ở trong nhà nguyện. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi để kết hiệp với Chúa ngay trong chính những việc chúng ta đang làm. Chỉ cần lòng trí hướng về Chúa, ấy đã là cầu nguyện đích thực, bất chấp người đó đang lao tác hay đang đọc Kinh Thánh.

Inhaxio dường như đang chỉ cho con người bận rộn thời nay một cách thế cầu nguyện: trong mọi sự, họ phải đi tìm Chúa, để đến một lúc nào đó gặp được Ngài; trong mọi sự, người ta thực hiện một cuộc hành trình “tìm Chúa”. Đây là một cách thế cầu nguyện mà cũng là một tình trạng thiêng liêng cao của người đã kết thân sâu xa với Chúa.

 

  1. Magis – hơn nữa

Nhắc đến Inhaxio, người ta sẽ nghĩ ngay đến cụm từ nổi tiếng này. Chắc là vì Inhaxio đã luôn dạy con cái mình về tinh thần luôn nỗ lực phấn đấu, luôn mở ra với Thánh Thần, với cái mới, luôn hướng về phía trước… và hơn hết, chính ngài cũng đã cho thấy mình là một con người hừng hực lửa tông đồ, con người đầy sáng kiến. Nơi thánh Inhaxio, không có chỗ cho sự tầm thường, nửa vời, nhưng phải luôn tìm cái gì hơn nữa. Có một sự sống dồi dào không ngừng nghỉ luôn chảy trong mình được Thánh Thần đặt để mà mình không được phép dập tắt.

Câu châm ngôn này như muốn đánh thức những ai sống mà chẳng còn tí năng lượng nào, sống cho qua ngày đoạn tháng, hay chỉ “tồn tại cách tối thiểu”. Sức sáng tạo của Thánh Thần là vô biên, nên con người phải luôn “hơn nữa” để khám phá những thực tại mới, như thế, họ mới thực sự sống.

 

  1. Chiến đấu dưới cờ thập giá của Vua Kitô

Xuất thân là một chiến binh can trường, Inhaxio cũng mang hình ảnh này vào trong đời sống thiêng liêng. Inhaxio vẫn luôn coi mình là một người lính, nhưng không phục vụ cho bất cứ vị vua nào ở trần gian. Ngài là người chiến sĩ của Vị Vua Hằng Sống là Đức Giêsu Kitô. Giêsu là vị thủ lãnh tối cao của ngài. Chính vì vậy mà nhóm bạn đầu tiên đã chọn tên “Đoàn Giêsu” là danh xưng chính thức cho nhóm mình. Đoàn quân Giêsu này luôn “nai nịt sẵn sàng”, “lao tác với Chúa ban ngày, tỉnh thức với Chúa ban đêm” để chống lại thế lực sự dữ đang hăm he hãm hại con người. Vũ khí của họ là thập giá, chứ không phải là bất cứ điều gì khác, sẵn sàng nghênh chiến với bất cứ thế lực thù địch nào ngay khi nghe lời hiệu triệu của Vua Hằng Sống.

Để cụ thể hơn tinh thần này, các Giêsu hữu đặt mình dưới sự sai phái của vị đại diện Đức Kitô là Đức Giáo Hoàng, sẵn sàng nhận bất cứ mệnh lệnh nào của ngài để ra đi mà không hề thoái thác hay chần chừ. Họ yêu mến Giáo Hội như mẹ mình, sống chết để bảo vệ và truyền bá đức tin. Tinh thần vâng lời và thuộc về Giáo Hội, hăng say cho sứ mạng cũng là điều mà Inhaxio dường như cũng đang nhắc nhở chúng ta.

 

  1. Quid Agendum?

“Tôi phải làm gì đây?” Đây là câu hỏi là Inhaxio đã luôn hỏi mình khi mới bắt đầu hành trình hoán cải, đặc biệt khi gặp những bế tắt trong chuyến hành hương. Câu hỏi này gợi lên trong chúng ta một thao thức tìm kiếm con đường, chứ không bao giờ chấp nhận để cho những khó khăn đè bẹp. Nó cũng nói lên một tinh thần luôn nhận định để tìm ra phương hướng sắp tới sao cho tốt đẹp nhất.

Ý hướng đằng sau câu hỏi này chắc chắn không phải là một kiểu tính toán vụ lợi cho bản thân nhưng là khao khát biết được điều Chúa muốn mình làm và tự hỏi bản thân phải làm gì để cộng tác với Chúa. Phó thác cho Chúa không phải là bỏ mặc mọi sự cho Chúa, rồi mình sống một thái độ thụ động, bất cần. Inhaxio luôn ý thức về sự kết hợp hài hoà giữa ân sủng và tự nhiên. Trước mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi mọi thứ dường như đi vào ngõ cụt, “quid agendum” giúp khai thông tất cả đề từ từ lần mò một con đường để tiếp tục tiến bước.

 

  1. Thấy mọi sự đều mới

Ý tưởng này xuất phát từ cuốn Tự Thuật của Inhaxio, khi ngài kể lại một biến cố quan trọng trong cuộc đời ngài, góp phần làm nên sự thay đổi lớn lao trong cái nhìn thiêng liêng của ngài: ơn soi sáng ở bờ sông Carnoner. Ngài đã nhận được một sự soi sáng đến độ mọi sự dường như trở nên mới đối với ngài. Một nhãn quan mới xuất hiện nơi ngài. Một cuộc gột rửa hoàn toàn tâm trí ngài, để từ đây, ngài bước vào một lộ trình mới với cái nhìn của đức tin, của hiến thân phục vụ, của việc kết thân với Chúa, thông phần vào sứ mạng của Đức Kitô.

Có lẽ chúng ta cũng rất cần xin Chúa ban cho mình một “cái nhìn mới” như vậy để chúng ta không còn bị kiềm kẹp bởi những cái tầm thường nhỏ bé của thế giới này. Nhìn thế giới bằng cái nhìn của Chúa sẽ giúp mình thấy được con đường, thấy tia hy vọng, thấy Nước Trời đang kiện toàn, thấy Thánh Thần đang hoạt động không ngừng nghỉ, thấy ơn cứu độ đang lan toả khắp nơi, thấy thế giới thần linh đang hiển hiện, thấy cái cũ đang qua đi và cái mới đang đến, thấy công trình tạo dựng mới đang đi đến chỗ thành toàn…

Xin Thánh Inhaxio luôn chuyển cầu cho chúng con!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *