Một người bạn chia sẻ với tôi rằng bạn có một người quen đang vướng vào một mối tương quan sai trái. Bạn ấy phân vân có nên góp ý cho người đó hay không. Ở trường, nếu thấy bạn của mình làm bài không đúng, chúng ta có thể giúp bạn sửa bài. Trong công ty, khi thấy một đồng nghiệp làm sai một công việc được giao, chúng ta có thể góp ý cho người đó để họ có thể làm việc tốt hơn nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho công ty. Trong cuộc sống hàng ngày, góp ý về chuyện học hành hay công việc là điều bình thường. Tuy nhiên, khi thấy bạn bè hay người thân của mình có những sai trái liên quan đến đời sống đức tin hay đời sống luân lý, chúng ta thường cảm thấy khó góp ý hơn nhiều.
Có nhiều nguyên nhân làm chúng ta cảm thấy ngại góp ý cho người khác. Thứ nhất, nói về những điều tốt, tích cực nơi người khác thì dễ hơn nói về những điều xấu, tiêu cực. Ai cũng có xu hướng “tốt khoe, xấu che”. Có mấy ai muốn nghe người khác nói về cái xấu của mình, nhất là khi nó liên quan đến vấn đề luân lý. Thứ hai, chúng ta ngại góp ý vì sợ mất lòng. Chuyện luân lý là chuyện tế nhị và thường là bí mật mà ai cũng muốn giữ kín. Người ta dễ có phản ứng tiêu cực khi bí mật của mình bị người khác biết được. Do vậy, chúng ta thường không muốn đề cập về cái sai luân lý của bạn bè, người thân vì sợ rằng họ sẽ giận ghét chúng ta hoặc tương quan của chúng ta với họ sẽ không được như trước.
Thêm nữa, nhiều người còn cho rằng chuyện luân lý là chuyện cá nhân riêng tư của mỗi người. Chúng ta không muốn can thiệp vào chuyện cá nhân của người khác vì tôn trọng sự riêng tư của họ. Chúng ta cũng thường nghĩ rằng việc góp ý cho họ không phải là trách nhiệm của chúng ta nhưng là trách nhiệm của những người khác, chẳng hạn như ông bà, cha mẹ của họ.
Có một nghịch lý là chúng ta ngại góp ý cho đương sự nhưng lại thích nói cho người khác nghe về chuyện của đương sự. Nói xấu sau lưng thì dễ hơn góp ý chân thành. Vậy có phải góp ý cho người khác không? Chúng ta cần góp ý như thế nào? Chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng cho những câu hỏi trên trong đoạn Tin mừng Matthêu của Chúa Nhật 23 TN[1].
Trong đoạn Tin mừng Matthêu, Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ rằng “nếu người anh em của anh phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.”[2] Ngài không bảo các môn đệ trừng phạt người phạm tội. Ngài bảo các ông đi sửa lỗi cho họ. Sửa lỗi là để giúp người phạm tội biết ăn năn sám hối về những lỗi lầm của họ, nhờ đó mà họ được cứu thoát. Trong con mắt của Chúa Giêsu, người phạm tội là người cần được quan tâm đặc biệt. Họ cần được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng tội lỗi của mình. Sứ mạng của Chúa Giêsu là đi tìm và cứu thoát các tội nhân như người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc đàn.[3] Sửa lỗi hay góp ý là để cứu người phạm tội.
Chúng ta có bổn phận góp ý cho bạn bè người thân của mình khi chúng ta biết họ đang ở trong tình trạng tội lỗi. Chúng ta cần phải góp ý cho họ để giúp họ thay đổi. Ai cũng có những ô mù trong tâm hồn. Họ sai mà không hề biết mình đang sai. Những góp ý của chúng ta có thể giúp họ nhận ra cái sai và biết sửa sai. Hơn thế nữa, những sai trái luân lý hay tội lỗi có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc vĩnh cữu của một người. Vì thế, nếu thấy người khác sai mà chúng ta không góp ý để họ sửa đổi thì chúng ta cũng chịu trách nhiệm trong cái sai của họ. Đức Chúa đã từng cảnh cáo ngôn sứ Ê-dê-ki-en về hậu quả của sự thờ ơ trước cái sai của người khác:
Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.[4]
Như thế, khi thấy bạn bè người thân của mình phạm tội, chúng ta cần góp ý cho họ. Góp ý là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Trong đoạn Tin mừng, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ trước hết nên gặp riêng người phạm tội để giúp họ sửa lỗi. Nếu họ cứng lòng không chịu nghe, người môn đệ mới nhờ đến một vài người nữa với hi vọng rằng nhiều người nói sẽ có hiệu quả hơn. Nếu nhiều người nói mà người phạm tội vẫn không chịu nghe, người môn đệ mới nhờ đến sự tham gia của cả cộng đoàn. Như vậy, chúng ta cần phải góp ý làm sao để người được góp ý không cảm thấy bị mất mặt. Giúp người khác sửa sai khác với việc làm hạ thấp uy tín hay làm nhục người khác. Nhiều người trẻ ngày nay có thói quen “ném đá” người khác trên mạng xã hội. Họ biện minh rằng họ đang góp ý cho người khác. Thực chất, họ đang làm nhục người khác một cách công khai.
Tóm lại, khi thấy bạn bè người thân của mình sai, chúng ta cần phải kiên trì góp ý cho họ một cách khéo léo và tế nhị. Những góp ý chân thành của chúng ta giống như những tia sáng giúp cho người đang lạc bước trong bóng đêm tội lỗi có thể tìm thấy đường đi. Rất có thể chúng ta sẽ bị căm ghét khi dám góp ý về những sai trái của họ. Nhưng đó là những hi sinh xứng đáng vì chúng ta đang nói sự thật và chúng ta tin rằng sự thật sẽ giải phóng mọi sự.
Nguyễn Quang Tuấn, SJ
……………..
[1] CN 23 TN A. Ed 33,7-9; Mt 18,15-20.
[2] Mt 18, 15
[3] Mt 18, 12-14.
[4] Ed 33,8