[Radio Người Trẻ] Phúc thay ai xây dựng hòa bình

Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến,

Nếu có một lúc nào đó chúng ta thử đặt mình như một người đứng bên ngoài để quan sát thế giới sống của con người, chúng ta sẽ thấy gì? Thế giới con người đa dạng và khác biệt biết bao. Có người trắng kẻ đen, người giàu kẻ nghèo. Có người cười người khóc, có kẻ hạnh phúc có kẻ khổ đau. Có người đang sống trong hòa bình an nhàn, có người đang ở trong chiến tranh tang tóc… Xã hội loài người dường như là một tập hợp của nhiều mảng đối lập nhau.

Giữa những khác biệt và đối lập ấy, từ rất lâu cả nhân loại đều có một giấc mơ chung: giấc mơ hòa bình. Trải qua quá nhiều đau khổ tan thương của chiến tranh bạo lực, con người mọi thời đại luôn khát khao xây dựng hòa bình. Thế mà cho đến tận ngày nay, giữa xã hội của loài người vẫn còn đầy dẫy những dấu ấn của bạo lực. Càng ngày càng có thêm nhiều hình thức khác nhau của chiến tranh: chiến tranh bằng vũ khí hủy diệt trên chiến trường, chiến tranh lạnh trên chính trường, chiến tranh ngầm trong những quan hệ ngoại giao… Càng ngày càng có thêm nhiều biến chứng khác nhau của bạo lực như bắt bớ tôn giáo, đàn áp chính trị, đánh bom khủng bố, bắt cóc tống tiền… Tại sao lại như thế? Trong những đổ vỡ ấy, con người đáng thương hay đáng tội? Con người là nạn nhân, hay là thủ phạm?

Bạo lực là xu hướng ngấm ngầm và tiềm tàng rất sâu trong mỗi con người. Xu hướng ấy bộc lộ rất rõ trong những truyền thống văn hóa lâu đời. Với người Do thái ngày xưa chẳng hạn, xã hội được xây dựng trên nguyên tắc công bằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta được phép dùng bạo lực để đáp lại bạo lực trong mức độ tương xứng. Trong các văn hóa khác, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều điều tương tự. Những câu chuyện dân gian được gọi là có hậu khi người hiền lành được ân thưởng, và kẻ gian ác bị trừng phạt. Chứng kiến kẻ ác bị trừng trị, thâm tâm người ta tìm thấy một sự thỏa mãn nào đó. Họ gọi đó là công bằng, công minh, công thẳng… Thật đáng ngạc nhiên, người ta vẫn chấp nhận một cách mặc nhiên việc sử dụng bạo lực như một cách để xây dựng và ổn định cuộc sống. Hòa bình có thể có được thực sự nhờ vào chủ trương bạo lực chăng?

Những người hay dùng bạo lực để khẳng định mình thật ra không phải là những người mạnh mẽ. Người ta chỉ dùng bạo lực để tìm kiếm sự bình an và một sự tự vệ nào đó. Người ta sử dụng bạo lực để khẳng định mình, vì cảm thấy một sự thiếu hụt yếu kém nào đó khi cảm thấy mình bị đe dọa. Tất cả những cách thể hiện bằng bạo lực hung hăng đều là những hình thức diễn tả của một nội tâm bất an. Sự bất an nội tâm luôn có thể lây lan và để lại những hậu quả thê thảm cho thế giới sống chung quanh. Hòa bình của thế giới chỉ có thể bền vững khi mỗi con người mang trong mình một con tim bình an thật sự. Xây dựng hòa bình cho thế giới phải khởi đi từ chính con tim bình an của mỗi con người.

Trong cuộc sống hiện đại, xây dựng hòa bình càng trở nên khó khăn hơn. Người ta nghĩ rằng vì cuộc sống dữ tợn, mình phải trở nên dữ tợn để có thể sống. Họ không nhận ra rằng trong sự dữ tợn của cuộc sống, có cả việc dự phần của chính họ. Có những người cảm thấy bất mãn khi phải chứng kiến bao nhiêu là bất công gian trá đang diễn ra quanh mình, họ muốn kiến tạo lại một xã hội tốt đẹp, họ muốn xây dựng lại hòa bình. Thế nhưng sau một thời gian dấn thân mạnh mẽ với nhiều sự ấm ức và bất an, một cách ngây ngô, người ta trở nên những khí cụ của chia rẽ, của hiềm khích và của bạo lực.

Đem sức mạnh ra để cân đọ với nhau, con người trở về với những luật lệ rừng rú của loài động vật, và đánh mất phẩm giá con người của mình. Bạo lực là vũ khí của sự dữ. Không ai có thể xây dựng hòa bình bằng vũ khí của sự dữ. Làm như thế, người ta chỉ tiếp thêm nhiên liệu để ngọn lửa sự dữ bùng lên dữ dội hơn mà thôi. Có vô lý chăng khi người ta nhân danh hòa bình để dự phần vào vòng xoáy của bạo lực? Có đáng thương chăng khi mang trong mình khát khao xây dựng hòa bình công lý mà người ta lại hiến mình thành một cuồng đồ của bạo lực?

Đức Giêsu có một chủ trương xây dựng hòa bình rất đặc biệt. Người dạy các môn đệ của mình xây dựng hòa bình qua cung cách sống hiền lành: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.” (Lc 6, 27-29).

Đã không ít lần, những lời giáo huấn trên của Đức Giêsu bị cười cợt như thể đó là cung cách sống của kẻ nhu nhược hèn kém. Thế nhưng, quả thực đó là cách tốt nhất để xây dựng hòa bình. Để là người thực sự tranh đấu cho hòa bình, tôi phải đảm bảo rằng mình không dự phần vào với những bất công, gian dối, bạo lực… là những vòng luẩn quẩn trói buộc và giết chết hòa bình của con người. Nếu cho phép mình trả lại một cái tát bằng một cái tát khác, chắc gì người ta không cho phép mình trả lại sự gian dối bằng một sự gian dối khác, chắc gì người ta không trả lại một mạng người bằng một mạng người khác… Rốt cục, người ta để cho mình bị cuốn vào trong vòng sự dữ và góp phần tích cực khuếch trương sự dữ trong thế giới.

Đức Giêsu muốn kiến tạo một thế giới của tình huynh đệ, trong đó mỗi người được sống trọn vẹn là mình, có tương quan tốt đẹp với người khác, và có tình thân thiết với Thiên Chúa. Đức Giêsu cần đến chúng ta, như những người tiếp bước trong công trình ấy. Sống và xây dựng hòa bình, chúng ta trở nên những người con cái đích thực của Thiên Chúa. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Để xây dựng một thế giới không còn hận thù và bạo lực, trước hết, chúng ta cần phải loại bỏ xu hướng của bạo lực và thù hận ngay chính trong con người của mình. Để trở nên khí cụ bình an của Thiên Chúa, chúng ta cần có một con tim yêu chuộng hòa bình thật sự. Con tim ấy cần được đổ đầy bởi sự bình an và lòng kiên nhẫn. Con tim ấy cũng cần được đổ đầy bởi sự can đảm và khôn ngoan, mềm mại và kiên định. Với con tim bình an, chúng ta có thể bước đi như những chiến sĩ xây dựng vương quốc hòa bình của Thiên Chúa.

Lạy Chúa,
Thế giới chúng con khao khát hòa bình.
Đã có biết bao nhiêu hiệp ước hòa bình được ký kết.
Đã biết bao lần cánh chim bồ câu được tung lên giữa trời
như biểu tượng đẹp đẽ của hòa bình,
như mơ ước về một thế giới đại đồng huynh đệ.
Thế mà vẫn còn đó trong thế giới chúng con
biết bao là đau thương tan nát
từ chính xu hướng bạo lực trong lòng con người.
Thế giới chúng con cần biết bao
những con người dấn thân xây dựng hòa bình
theo lối đường hiền hòa và nhẫn nại của Chúa.

Lạy Chúa,

Chúng con tin rằng Chúa là Đấng làm chủ lịch sử
và không ngừng dẫn đưa thế giới chúng con
tiến đến sự thành toàn viên mãn.
Xin dạy chúng con biết cộng tác với Chúa,
xây dựng một thế giới ngày một nhân bản hơn
khởi đi từ việc xây dựng tâm hồn mình
thành một thế giới an bình thiện tâm.
Để chúng con trở nên những khí cụ hữu hiệu
xây dựng nên vương quốc hòa bình của Chúa. Amen

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *