Tháng 12 là tháng cuối cùng của năm, nhưng theo lịch Công Giáo lại là tháng khai mở một năm phụng vụ mới[1]. Tháng này chắc hẳn ai cũng nhận thấy bầu không khí bên ngoài đang rộn ràng lễ hội. Bên cạnh đó, nhiều nơi chờ mong những ngày Giáng sinh để nghỉ ngơi và chào đón năm mới. Với người Công Giáo, đây không chỉ là thời gian của niềm vui, nhưng còn là những ngày của Mùa Vọng.
Vọng là chờ mong, ngóng đợi. Chờ gì? Chờ Ai? Và tại sao phải chờ? Từ khi con người sa ngã, Thiên Chúa hứa ban một Đấng để đem con người trở về vườn địa đàng. Đó là khoảng thời gian dài vô tận mà con người chờ mong, van xin và hy vọng. Nếu tính lịch sử dân Chúa từ thời tổ phụ Abraham năm 1900 TCN, họ đã trải qua chừng ấy năm đợi và chờ[2]. Có thể tóm tắt tâm tình chờ mong của người xưa qua lời nguyện của tiên tri Isaia (sống 700 năm trước Chúa Giáng Sinh): “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ.” (Is 45,8).
Tạ ơn Thiên Chúa, vì ơn cứu độ ấy đã đến với dân người. Lịch sử ghi nhận vào khoảng giữa năm 7 TCN và 4 SCN, có một Hài Nhi Giêsu chào đời. Từ đó, nhân loại bước sang thời Tân Ước. Để tưởng niệm biến cố trọng đại ấy, Giáo Hội hằng năm mừng kính lễ Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12. Gọi là tưởng nhớ vì Chúa Giêsu đã sinh ra vào một đêm giá lạnh. Ngài đã trải qua cuộc đời dương thế, đã chết, đã sống lại và lên trời. Chính Chúa Giêsu sẽ trở lại lần thứ hai trong ngày tận thế. Như vậy, chờ mong không chỉ là tưởng nhớ biến cố Giáng Sinh, nhưng còn hướng về ngày Chúa Giêsu khải hoàn.
Thực ra lời Đức Giêsu trong Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng hôm nay[3] cũng nhắc mỗi người tỉnh thức đợi chờ. Đức Giêsu kể rằng có người kia phải đi xa, nên ông ấy để lại nhà cửa cho người làm coi sóc. Mỗi người một việc. Vấn đề là họ không biết khi nào ông chủ về. Thật buồn cho những ai không chu toàn phận vụ của mình, phớt lờ ngày ông chủ về. Đức Giêsu kết thúc câu chuyện trên bằng một lời dặn, như kim chỉ nam cho Mùa Vọng của chúng ta: “Phải canh thức!”
Để chuẩn bị tâm hồn chiêm ngắm Thiên Chúa nơi thân xác con người, Giáo hội dành 4 tuần, được gọi là 4 Chúa Nhật mùa Vọng. Tại nhiều nước, 4 Chúa Nhật này được biểu hiện bằng 4 ngọn nến thắp sáng cho thấy lòng mong chờ của con người được diện kiến Hài Nhi Giêsu. Theo lễ nghi Rôma, Giáo Hội trình bày những chủ đề khác nhau:
- Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng: chúng ta chờ mong Thiên Chúa đến lần thứ hai. Đó là ngày cánh chung, là ngày tận thế.
- Chúa Nhật thứ hai: các bài đọc gợi nhớ cho chúng ta đến những lời giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài kêu gọi người ta chuẩn bị con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Đấng Thiên Sai đến.
- Chúa Nhật thứ ba: nhắc đến niềm vui của ngày Đấng Cứu Độ đến trần gian.
- Chúa Nhật thứ tư: nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện của Đức Mẹ và Thánh Giuse liên quan đến cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu.
Chắc hẳn ai cũng dễ dàng nhận ra những rộn ràng bên ngoài của tháng đặc biệt này. Nào là hang đá đèn giăng, nào là cây thông ánh nến và những buổi tập dợt, biểu diễn văn nghệ đêm Giáng sinh. Trong những tuần này, các bạn trẻ dễ dàng nghe được nhiều từ thật ý nghĩa: Hy vọng, Hòa bình, Vui mừng, Tình yêu, Chuẩn bị, Thiên sứ, Ba vua, Thánh gia, và đỉnh cao là Đêm Giáng Sinh, v.v.
Có lẽ đối với nhiều người, dạo phố đêm những ngày này xem hang đá cũng là điều thú vị. Tôi biết nhiều bạn rủ những bạn không cùng tôn giáo đến thánh đường trong đêm Giáng Sinh. Thật đẹp! Nhiều mối tình cũng đơm hoa, kết trái trong những tuần lễ này. Nhiều tấm thiệp cũng được gởi tặng nhau với dòng chữ: Merry Christmas! Mừng Chúa Giáng Sinh! Nhiều bữa tiệc tùng cũng được tưng bừng mừng lễ, v.v. Bởi đơn giản, đó không chỉ là ngày lễ của người Công Giáo, nhưng đã trở nên một văn hóa lễ hội ở nhiều nơi. Ước gì Hài Nhi Giêsu nối kết muôn người!
Chút lượt qua như thế để cho thấy đây là tháng có thể là vui nhất trong năm. Vui vì Hoàng Tử hòa bình đã đến với trần gian. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”[4]. Đó là ước vọng của mỗi người chúng ta trong tháng cuối năm này. Để ước gì không chỉ hào nhoáng bên ngoài, nhưng mỗi người còn tìm được niềm vui của Chúa Hài Đồng trong chính tâm hồn mình. Được như thế, chúng ta tiễn biệt một năm với lòng biết ơn Thiên Chúa; đồng thời, qua Đêm Giáng Sinh, chúng ta chuẩn bị bước vào một năm mới. Trong hành trình ấy, chắc chắn Chúa Hài Đồng sẽ luôn là ánh sáng rọi chiếu cho mỗi người trên bước đường đời.
Lạy Chúa Giêsu, tháng 12 về, Mùa Vọng đến là lòng chúng con rộn mừng chờ mong Chúa đến. Mừng sinh nhật Chúa! Mỗi mùa Vọng là thời gian để mong, để chờ và để nhớ. Xin Chúa đến với từng người chúng con. Nhất là những ai đang thiếu vắng bình an, những bệnh nhân và người nghèo khó, những tâm hồn lạnh lẽo, v.v. Xin cho chúng con chuẩn bị tâm hồn mình để đón Chúa Giáng Sinh. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
…………………..
[1] Mùa phụng vụ là thời gian trong năm Giáo Hội cử hành và tưởng niệm các khía cạnh của mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chẳng hạn, Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Thường Niên 1 và 2.
[2] Theo ước tính của các nhà khoa học, khoảng 40 ngàn năm trước đây, Người hiện đại hay Người tinh khôn (Homo Sapiens) đã ra đời. Homo Sapiens có cấu tạo cơ thể phát triển như người ngày nay. Nói chung sau khi ông bà Tổ Tông phạm tội, Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ con người.
[3] Mc 13,33-37.
[4] Câu thánh vịnh về mùa Giáng Sinh này đã khơi nguồn cho Hàn Mạc Tử : “Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước! Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang. Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước. Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.” (Nguồn Thơm)
Trong Kinh Thánh dùng chiên biểu tượng cho người tốt, dê biểu tượng cho kẻ xấu. Xin giải thích giúp, cảm on