Này Ông Giu-se, đừng ngại!

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

Bức tranh 1:

Một hoạ sĩ vô danh miền Antwerpener vào năm 1518 đã vẽ hai bức hoạ diễn tả biến cố thiên thần truyền tin cho thánh Giu-se và cảnh thánh Giu-se đón nhận Mẹ Maria. Hai tấm hình này đã được treo trong nhà thờ Đức Maria thuộc thành phố Luebeck, miền bắc nước Đức. Hiện nay hai bức hình này được trưng bày trong phòng triển lãm tranh ở Stuttgart (Staatgalerie), miền nam nước Đức. Một trong những nét đặc biệt của trường phái hội hoạ của các hoạ sĩ miền Antwerpener là những cử chỉ của các nhân vật trong tranh được diễn tả rất sống động và rất gần với thực tế cuộc sống.

Trong bức tranh thiên thần truyền tin cho thánh Giu-se có hậu cảnh là đồng quê với chân trời màu xanh nhạt cùng cảnh đồi chìm từ từ vào màn đêm. Đó là thời gian buổi chiều chuẩn bị bước vào hoàng hôn. Phía trước là một căn nhà với con đường dẫn ngang qua nhà và tiếp tục dẫn tới cảnh thánh Giu-se đang ngồi ngủ trên một phiến đá. Trên đường phía trước căn nhà chúng ta thấy hình ảnh một người nam với cây gậy trên tay và có thể hoạ sĩ miêu tả chính nhân vật Giu-se đang rời bỏ Đức Maria trong âm thầm và kín đáo (x.Mt 1,19), vì ngài không thể giải thích được việc Đức Maria mang thai, trước khi hai người về với nhau. Như thế, hoạ sĩ muốn diễn tả rằng, việc thánh Giu-se rời bỏ Đức Maria không chỉ nằm trong suy nghĩ, mà ngài đang thực hiện điều đó, nghĩa là trên đường rời bỏ Đức Maria. Vì thế, người thợ mộc Giu-se (x.Mt 13,55) đã khăn gói đồ nghề của mình trong một cái giỏ mây cùng cây gậy lên đường rời bỏ Đức Maria trong âm thầm, để tìm một nơi nào khác sinh sống và hành nghề.

 

Trên đường rời bỏ Đức Maria để tìm nơi sinh nhai mới, chàng thợ mộc Giu-se mệt mỏi và dừng bước. Đặt cái giỏ mây với đồ nghề cùng cây gậy xuống, chàng ngồi ngủ trên một phiến đá bên đường. Với chiếc áo choàng và khăn trùm che phủ đầu, Giu-se thả lỏng tất cả, đầu kề vào bày tay trái làm điểm tựa và nhắm mắt đi vào giấc ngủ say sưa. Đang say ngủ trong giấy mộng, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông. Hoạ sĩ đã diễn tả hình ảnh thiên thần với chiếc áo toả sáng cùng đôi cánh như đang bay tới và đến gần bên Giu-se. Trên tay của thiên thần cầm tấm khăn dài có ghi hàng chữ bằng tiếng La-tinh: ‘Joseph filie David noli timere accipere Mariam coniugem tuam – Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”.

Lời của thiên thần có làm cho Giu-se phải suy nghĩ không? Chúng ta thấy điểm đặc biệt hoạ sĩ chủ ý vẽ là Giu-se không nằm ngủ mà ngồi ngủ với bàn tay trái đang đặt trên đầu, không chỉ để tựa đầu mà còn diễn tả một điều “Giu-se đang ở trong tư thế suy nghĩ”. Ngắm kỹ khuôn mặt của Giu-se chúng ta nhận ra một điều, dù chìm trong giấc mộng nhưng trên khuôn mặt của ngài toả ra những giao động ở bên trong. Như thế, Giu-se được diễn tả trong biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su là một người luôn chú tâm và luôn hướng suy nghĩ và tâm hồn của mình về những hoạt động của Thiên Chúa. Vì thế, với sự truyền tin của thiên thần và với suy nghĩ của ông dưới sự soi sáng của Thiên Chúa, Giu-se đã nhận ra Đức Maria mang thai một cách siêu nhiên và do hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Hoạ sĩ vô danh miền Antwerpener đã diễn tả thật sống động cảnh thiên thần truyền tin cho thánh Giu-se trong giấc mộng. Qua đó, Giu-se trở thành chứng nhân sống động nhưng rất âm thầm về việc Đức Maria đồng trinh mang thai Chúa Giê-su do sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chiếc áo màu đỏ của Giu-se là biểu tượng cho tình yêu của Giu-se và tấm lòng của người công chính đang hướng về sự vâng phục hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa.

 

Bức tranh 2:

Bức tranh thứ hai cũng của hoạ sĩ vô danh miền Antwerpener và được vẽ vào năm 1518. Bức tranh cho chúng ta thấy, thánh Giu-se sau khi được thiên thần báo mộng, đã trở dậy và ngài thực hiện điều thiên thần truyền (x.Mt 1,24). Theo hoạ sĩ diễn tả, sau khi đã lên đường rời bỏ Đức Maria, giờ đây thánh Giu-se nhanh chóng trở về lại nhà. Chúng ta thấy hoạ sĩ diễn tả đôi chân đang bước vào nhà một cách thật sống động, và người gặp Đức Maria đang ngồi trên một cái gối. Với cuốn Thánh Kinh Cựu Ước trên tay, Đức Maria chìm sâu trong Lời Chúa và điều này miêu tả đời sống đạo đức của một trinh nữ Ít-ra-en luôn chú tâm đến huấn lệnh của Thiên Chúa và suy đi gẫm lại đêm ngày.

Giờ đây thánh Giu-se trở về, Mẹ Maria hướng nhìn lên thánh Giu-se. Tay phải của Mẹ giơ ra để nắm lấy tay của Giu-se như là để đón nhận ngài, trong khi đó tay trái của Mẹ vẫn tiếp tục cầm cuốn Thánh Kinh, như là lời mời gọi thánh Giu-se cùng Mẹ sống trọn vẹn tinh thần của hai người công chính. Đó là luôn đi tìm niềm vui nơi huấn lệnh của Thiên Chúa.

Ngoài ra, Đức Maria mặc chiếc áo thẫm mầu với chiếc khăn choàng đầu dài mầu trắng, mầu của sự trinh trong. Đàng sau Mẹ là hình bóng của một thiên thần. Một tay thiên thần như đang nâng niu chiếc khăn trắng của Mẹ, và tay khác đang giơ lên cao như muốn truyền một sứ điệp: Đức Maria đồng trinh và chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, tay phải của thiên thần cũng hướng về thánh Giu-se, để một lần nữa động viên ngài chuyên tâm thực thi sứ mạng và kế hoạch của Thiên Chúa trao cho người.

Chúng ta chiêm ngắm thánh Giu-se một lần nữa. Tay trái của ngài đang đặt trên trán như ngài muốn tự nói với mình rằng: “Làm sao tôi có thể rời bỏ Đức Maria được”. Tay phải của thánh Giu-se đưa ra để đón nhận bày tay của Đức Mẹ cũng diễn tả một lời xin lỗi của thánh nhân với cô trinh nữ mới thành hôn cùng người. Đáp lời thánh Giu-se, Mẹ Maria đã sẵn lòng nắm lấy đôi tay của người và sẵn lòng tha thứ cho người, dù trên khuôn mặt của Mẹ cũng tỏ một chút buồn.

 

Giờ đây chúng ta chiêm ngắm phần giữa của tranh, chúng ta thấy một cái tủ gỗ được trạm trổ. Ở phần dưới có một chiếc bình chứa nước và một khay, ở phía trên có một tấm khăn trắng được treo thật đàng hoàng. Theo truyền thống của trường phái hội hoạ cổ của Hà Lan, các dụng cụ này đều có ý nghĩa biểu tượng, nghĩa là hướng về sự đồng trinh của Mẹ Maria và đời sống gia đình trinh trong của Mẹ Maria và thánh Giu-se. Tương hợp với tấm khăn choàng đầu màu trắng của Đức Maria, tấm khăn được đặt cẩn thận trên tủ cũng màu trắng. Cả hai diễn tả sự đồng trinh của Mẹ. Nước được đựng trong bình và tấm khăn trắng dùng để lau cũng mang ý nghĩa sự trinh trong của hai Đấng.

 

Như thế với hai bức tranh diễn tả biến cố thiên thần truyền tin cho thánh Giu-se và cảnh thánh Giu-se đón nhận Mẹ Maria, hoạ sĩ vô danh miền Antwerpener vào năm 1518 đã diễn tả thật sống động câu truyện của thánh Giu-se và Mẹ Maria.

Kế bên những gì thánh sử Mát-thêu đã viết trong trình thuật này, hoạ sĩ trong cầu nguyện và suy niệm đã làm sống động sự trung thành và sự công chính của thánh Giu-se, khi người sẵn sàng đón nhận lời thiên thần truyền và chú tâm thực thi tất cả những gì Thiên Chúa muốn ở nơi người. Thánh Giu-se thật là một chứng nhân sống động và âm thầm của biến cố Giáng Sinh.

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *