Truyện ngắn: Quà sinh nhật

(Truyện ngắn)

1.

Thành đặt hai bàn tay nhỏ xíu trên khung của sổ, hai tay chống cằm. Nó đợi ba về. Đã gần mười giờ rồi mà vẫn chưa nghe tiếng xe máy của anh. Theo lẽ thường thì giờ này cha con nó đã ăn cơm tối với nhau và đang nằm trên giường ôm nhau ngủ. Lấy bàn tay che miệng, Thành không quên để lại tiếng “hới” sau cái ngáp dài, chợt nó lo lắng: “không biết ba có chuyện gì không nhỉ?”

Sáng hôm nay anh Tiến đã hứa với Thành sẽ về sớm, vì hôm nay là ngày sinh nhật của nó, và hứa sẽ mua một chiếc bánh kem và đãi nó một bữa thật ngon. Thành ngó lên bầu trời đêm nay có vẻ tối hơn mọi khi, không chút ánh sao và trăng trên đó. Lòng nó chợt buồn và có chút giận anh vì sự thất hứa. Nhưng ngẫm lại Thành cũng thương ba vì nỗi vất vả mà anh đã gồng gánh suốt mười mấy năm trời để nuôi một đứa con tật nguyền như nó. 

2.

Chị Thanh đã bỏ anh ngay khi Thành mới chào đời. Chị nghe theo tiếng gọi của một người đàn ông khác giàu có hơn. Chị chê anh Tiến nghèo quá! Chị thích có xe hơi, nhà lầu và nước hoa để xịt lên cho thơm người. Gắn bó với anh Tiến được chừng ba năm, chị không chịu nổi cái nghèo và thiếu thốn của gia đình. Thành là đứa con ngoài ý muốn, chứ chị cũng chẳng tha thiết gì chuyện có thai. Thế nên, cậu chào đời được gần một tháng thì chị vứt áo ra đi vĩnh viễn. Chị theo chồng khác chưa một lần về thăm anh và bé Thành. Anh cứ trông và nhớ chị hoài, một mình nuôi con chờ vợ về, nên anh đặt tên con là Thành, để mỗi lần anh gọi nó thì nhớ tới chị Thanh.

Vậy là mình anh lo cho Thành mọi chuyện. Khổ nhất là những ngày còn quá nhỏ, thằng bé khát sữa mẹ khóc quấy cả ngày, nhà thiếu hụt nên anh đành chạy vạy khắp nơi mua sữa cho con bú. Nửa đêm nhìn con quờ quạng tay chân như thể tìm hơi người mẹ để bám víu, anh muốn rơi nước mắt. Dù khó khăn trăm chiều, nhưng tình thương mà anh dành cho con không hề vơi. Anh chấp nhận thiếu ăn thiếu mặc miễn Thành được no ấm, và anh cũng sẵn sàng làm bất cứ việc gì người ta thuê, miễn có tiền lo cho con. 

3.

-“Bác sĩ ơi! Còn cách nào cứu con tôi không?”. 

Anh Tiến lo lắng hỏi bác sĩ ngay sau khi thăm khám cho bé Thành xong. Đáp lại sự lo lắng của anh là cái lắc đầu từ bác sĩ, đành bó tay vì anh đưa Thành vào bệnh viện quá trễ. Vì anh đi làm không về kịp, nên cơn sốt cao đã khiến nó liệt phần chi dưới, chỉ có thể ráng cứu nó sống đã là mừng.

Lúc đó, Thành mới hai tuổi, chưa biết chuyện gì đang xảy ra với nó. Anh choàng tay ôm con từ giường bệnh, bồng con về nhà mà lòng tê dại. Anh câm nín chẳng biết phải nói làm sao. Nhiều lúc anh đã muốn trách trời, nhưng anh hiểu bệnh tật ai đâu mà muốn, ông trời cũng vậy thôi. Rồi nghĩ tới chị Thanh, anh cũng lắc đầu tự nhủ: “tại mình nghèo quá mà!”. Cuối cùng, anh tự trách mình. Ôm con trong tay, anh hôn lấy hôn để, vừa khóc vừa nói với thằng bé hai tuổi còn say giấc ngủ chưa hiểu chuyện gì:

-“Thôi! Về với ba nè con! Hai cha con mình nương nhau mà sống!”

4.

Đậu xe bên lề đường, anh Tiến móc tiền chạy xe ôm ra đếm. Thoáng ngó qua đồng hồ đã điểm mười giờ tối, anh lặng lại một chút rồi tiếp tục đếm tiền. Cả ngày chạy xe, kiếm được gần hai trăm ngàn, mới đủ mua cái bánh kem nhỏ, còn mua thêm vài món ăn ngon nữa thì chưa đủ. Anh tự nhủ: “Ráng cuốc nữa! Chắc lần này sẽ đủ. Thành ráng đợi ba về nghen con!”

Tiếng điện thoại tổng đài Grab báo có khách, anh mở ra thì thấy chỗ khách cần đón gần ngay chỗ anh đậu xe. Anh vội nhận cuốc khách đó. Chuyến xe ôm cuối ngày đã giúp anh đủ tiền mua thức ăn ngon và bánh kem cho Thành. Vừa thả khách xuống, nhận tiền, anh Tiến chạy thật nhanh về nhà, không quên tấp ngang tiệm đồ ăn mua những món mà con anh thích nhất. Dù đã mệt lừ người, nhưng nghĩ tới nụ cười trên môi Thành khi thấy món quà sinh nhật này, anh thấy vui làm sao. 

5.

Rướn người từ giữa tấm phản, Thành dùng hay tay bấu thành cửa sổ, lết ra ngó lần nữa. Đồng hồ đã mười một giờ bốn mươi lăm, chưa thấy anh về, nó chợt khóc. Nó khóc vì sợ anh gặp chuyện mà không về với nó nữa. Nó khóc hối hận vì lúc nãy đã mang suy nghĩ hận anh đã lỗi hẹn với nó. Nó khóc vì muốn anh quay về với nó, chỉ cần anh thôi, không cần quà sinh nhật nữa.

-“Ba ơi! Ba về với con đi ba! Con chỉ cần ba thôi! Con không cần bánh sinh nhật nữa đâu.” Thành khóc một lúc rồi kêu lên trong đêm tối. 

6.

“Tránh ra! Làm ơn tránh ra!”, anh Tiến kêu mấy người đi đường né sang một bên, tiếng kêu của anh còn đi trước cả tiếng còi xe, anh nôn về với con biết chừng nào. Chợt giật mình khi bánh xe trợt sang một bên vì cán phải vũng sình trên con đường đất vào nhà, anh suýt té, nhưng may mắn kịp tỉnh táo và giữ thăng bằng, nên anh tiếp tục một mạch chạy tiếp. 

Thành nghe thấy tiếng xe xa xa, thêm đèn xe pha từ nhỏ dần tới lớn dần, tạo nên một vệt vàng trên đất, làm bừng lên màu tối đen sợ hãi của trời đêm. Nước mắt Thành vẫn rơi ràng rụa, hai bàn tay đập lên khung cửa sổ, nó kêu từ xa:

-“Ba ơi! Ba về rồi!”

Vừa dựng xe, nghe tiếng con khóc, chưa kịp cởi chiếc áo khoác Grab và nón bảo hiểm, anh chạy một hơi bung cửa vào, ôm Thành, anh cũng khóc nức nở.

-“Ba xin lỗi con! Ba về trễ!”

Thành bấu vai ba thật chặt bằng sức lực của đôi tay, thay cho đôi chân què quặt của nó. 

-“Ba! Ba đừng bỏ con! Con chỉ cần ba thôi! Con không cần quà sinh nhật nữa! Đừng bỏ con nghen ba!”

Anh ôm Thành rồi hôn nó liên tục. Anh thương nó vô ngần. Tình cảm cha con không chỉ thắp sáng cả căn nhà lụp xụp tối đen, mà còn làm bừng dậy cả bầu trời tối như mực nữa. 

-“Ba mua bánh kem cho con, mua đồ ăn ngon mà con thích nữa! Cha con mình ăn sinh nhật với nhau nghen con trai!”

Thắp cây nến trên chiếc bánh kem nhỏ xíu, anh hát: “Hẹp bi bớt đề tú du! Dẹp bi bớt đề tú du! Hẹp bi bớt đê…”, anh không hát được nữa, anh khóc. Thành đang chắp tay cầu nguyện, thấy ba khóc nó không thổi nến nữa, mà quay sang ôm anh thật chặt. Nó cũng khóc. Chiếc bánh kem nhỏ xíu phủ đầy nến, chẳng còn ăn được nữa. Cha con vẫn ôm nhau mà khóc.

Little Stream

.

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *