[Nhật Ký Cách Ly] Cuộc sống mới

Ảnh minh họa

Sài Gòn, ngày… tháng… năm 2021

Mở mắt ra, ngơ ngác một lúc mình mới nhớ ra là đang ở trong khu cách ly. Đã có người dậy, đang lóc cóc gì đó trong toilet. Chiếc quạt trần phành phạch suốt đêm, thi thoảng thốc tung tấm bạt chia đôi căn phòng. Một nửa bên này ba chị em mình ở, bên kia là một ông chú và một chị gái. Ban quản lý khu cách ly cố gắng xếp mỗi phòng năm người theo hộ gia đình trước, nếu không đủ thì mới ghép với hộ khác. Nhóm mình thuộc diện sau.

Khu cách ly này vốn là kí túc xá của một trường đại học. Đang mùa hè, sinh viên nghỉ hết nên kí túc xá được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Từ phòng mình nhìn ra, trước mặt là thành phố ngút ngàn nhà cửa, còn sau lưng thì giống y chang miền tây sông nước; một con kênh chạy dài, ghe thuyền qua lại, dừa nước xanh um. Khung cảnh làng quê làm dịu cái oi bức ngày hè và mở rộng không gian chật hẹp. Căn phòng mình ở khoảng 20m2, có một toilet, một phòng tắm và một khoảng nhỏ để phơi đồ. Ban quản lý cho biết cơm ăn nước uống sẽ được đưa tới phòng và miễn phí. Điều họ yêu cầu là luôn đeo khẩu trang kể cả khi ngủ và không được ra khỏi phòng trong bất kỳ tình huống nào. Trong vòng 21 ngày, họ sẽ xét nghiệm năm lần. Nếu dương tính thì họ sẽ chuyển đi bệnh viện điều trị, còn không thì được về nhà cách ly thêm bảy ngày nữa. Trước cửa phòng có dán số điện thoại hotline, họ dặn nếu có gì thì cứ gọi cho số này.

Lúc bước vào khu cách ly, mình có cảm giác như trở lại thời sinh viên, cũng giường tầng, cũng cơm hộp, chỉ có điều khác là mình không thể bước ra ngoài để đón ánh mặt trời hay gặp gỡ ai. Có rất nhiều thứ bị giới hạn lại để chỉ còn những gì là thiết yếu nhất được vận hành. Tuy nhiên, chuyện này xảy ra nhanh quá làm mình chưa kịp thích nghi và nỗi lo F0, F1, F2… gì đó vẫn treo lơ lửng trên đầu. Giữa tất cả những xáo trộn này, có lẽ điều an ủi mình nhất đó là những lời cầu nguyện và động viên của gia đình, bạn bè thân hữu xa gần. Có người còn bày cách khò họng, thể dục, uống cái này cái kia. Có người còn chọc: “Sướng, được đi tĩnh tâm 21 ngày!”. Ừ thì 21 ngày phép, còn sướng hay khổ thì mình không dám chắc. Qủa thực khi “bị bốc” vào đây, mình cảm thấy hụt hẫng, chênh vênh như người bị cắt ngang cuộc sống. Công việc dang dở để lại cho người khác, lịch sinh hoạt bị đảo lộn, và những tháng ngày sắp tới gần như vô định. Tình cảnh này làm mình nhớ tới một đoạn trong sách Isaia: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ. (Is 38, 12) Chúa ơi, hẳn là Ngài có điều gì muốn nói với con khi đưa con đến đây phải không? Bây giờ con không hiểu những chuyện này xảy ra có ý nghĩa gì, nhưng xin ban cho con đôi mắt đức tin để con đọc ra được thông điệp của Ngài.

Từ Tâm

Còn tiếp

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

https://dongten.net/2021/07/13/nhat-ky-cach-ly-chuong-1-khoi-phat-ngay-thu-nhat/

 

https://dongten.net/2021/07/15/nhat-ky-cach-ly-chuong-1-khoi-phat-ngay-thu-hai/

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *