Dịch tới…

 

(Truyện ngắn)

-“Bà con ơi, dịch tới rồi! Chết rồi! Chết hết cả làng cho coi!”

Con Bảy với khuôn mặt lấm la lấm lét chạy từ đầu xóm tới cuối xóm, miệng kêu ỏm tỏi báo tin. Thường ngày nó vẫn là người thông tin cho cả xóm như thế. Cả xóm nghèo ở cái hốc nhỏ xíu, người dân suốt ngày chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chẳng bao giờ biết tới báo chí hay được thông tin kịp thời, chỉ có mấy cái đài dò nghe cải lương lúc rảnh rang buổi trưa hay tối. Cả xóm nháo nhào nhìn ra coi sự tình gì xảy ra. Con Bảy vẫn cứ thất thanh kêu to:

-“Dịch tới! Dịch tới bà con ơi!”

-“Nè con Bảy! Vô biểu!”

Đang định hô lên một lần nữa, nhưng nghe ai đó gọi tên mình. Nhòm vô thấy ông già Năm đang nằm tréo ngoe hai chân trên võng chợp mắt buổi trưa. Chiếc võng mắc vô hai chạc ba của hai cây lớn trước nhà. Chiếc đài kêu rè rè những bài cải lương không rõ lời:

-“Dịch gì? Nói rõ tao nghe!”

-“Ông Năm nghe đài miết mà không biết gì hả? Dịch Cô-dít (Covid) trên Sài Gòn tùm lum rồi kìa! Sớm muộn gì cũng xuống tới xóm mình!”

Ông Năm ngồi bật dậy khi nghe tin dữ, nói xong nó vội vàng đứng lên chạy đi báo tin trong xóm.

Bán tín bán nghi. Tay móc chiếc điện thoại di động cũ trong túi áo, da mắt dúm lại như cố để nhìn cho rõ thông tin hiển hiện lên trên màn hình điện thoại. Miệng lẩm bà lẩm bẩm “Thằng Thiện! Đừng bị gì nghen con!”. “Tít… Tít… Tít…! Số máy quý khách vừa gọi….” Bàn tay gầy còm của ông Năm chợt run lên từng cơn, trống tim đập thình thịch, gió vẫn thổi bên hè mát rượi mà mồ hôi trên trán và gò má ông nhễ nhại “Trời! Đang làm gì rồi con?”

-“Loa! Loa! Loa! Bà con chú ý! Bà con chú ý!”

Sau màn thông báo của con Bảy không lâu, chiếc xe thông tin của xã xuất hiện từ xa. Mấy đứa nhỏ chạy sau xe um sùm giành nhau coi đứa nào chạy theo xe trước. Mọi hôm chiếc xe ấy chỉ xuất hiện khi có dịp lễ hội gì lớn. Loại xe thùng có căng biểu ngữ hai bên. Trên xe có bốn cái loa phóng thanh cho bốn phía đều nghe rõ. “Lạ! Mắc gì tự nhiên xuất hiện!” Ông tự thắc mắc với lòng mình, miệng không quên bâng quơ đưa ra một lý do “chắc mấy ổng rảnh rang lắm sao bày đủ thứ trò! Chán!”. Trở về với nỗi lo cho thằng Thiện, chợt ông nhớ lại, bình thường xe này hay đi buổi sáng, nhất là tầm bảy hay tám giờ sáng. Nhưng giờ quá trưa, “nó chạy đi đâu?” trong bụng thấy bất an, ông dóng tai lên nghe thông báo:

-“Bà con chú ý! Dịch Vi-rút Cô-rô-na đang diễn biến phức tạp. Cách riêng, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều ca nhiễm và tử vong. Bà con trong xã chú ý, cần…”

Một nùi thông tin dài lê thê phía sau là những tin về loại vi-rút và cách phòng ngừa. Ông Năm chẳng nghe tới đó, ông mới nghe tới khúc “thành phố Hồ Chí Minh” thì hai lỗ tai đã lùng bùng ai có ai nhét cái gì vào trong đó. “Chết mẹ! Thằng con tui ở trển!”

Bàn tay run run nắm chắc chiếc điện thoại. Hai mắt dúm lại xem cho tỏ tên của Thiện – con trai ông – trong danh bạ điện thoại. Bấm gọi mà miệng cứ lẩm bẩm: “Vái trời! Phù hộ thằng con của tui! Vái trời!”. Bên trong điện thoại vẳng lên mấy tiếng “Tít… Tít… Tít…” đều đặn và kéo dài. Hồi sau lại là giọng nói quen thuộc: “Số máy quý khách vừa gọi…” Ông Năm quăng điện thoại trên võng, nhấc mông khỏi võng, hai tay chấp sau đi tới đi lui, chân gạt cái đài qua một bên. “Thiện ơi! Mày sao rồi con? Sao hổng trả lời tía?”

-“Chú Năm! Chú gọi được cho thằng Thiện chưa?”

Cô Chín nhà cặp vách hớt ha hớt hải chạy qua hỏi thăm ông Năm. Nhà cô Chín cũng có một đứa con trạc tuổi Thiện, tên là Luyện, cũng đang đi làm trên Sài Gòn. Nghe tin cô Chín nóng lòng chạy qua mượn điện thoại ông Năm gọi cho thằng Luyện hỏi thăm, chứ giờ chạy bộ ra tiệm tạp hóa cũng mất mười phút, mà trong bụng đánh trống quá trời, chịu không thấu.

-“Alô! Luyện! Luyện hả con? Sao rồi… ờ… ờ…!” Cô Chín cúp máy, trả điện thoại cho ông Năm:

-“Cám ơn chú Năm! Thằng Luyện nhà con ổn. Nó đang ở nhà trọ. Trên trển phong tỏa hết rồi, ở ru rú trong nhà. Nó biểu nhiều người bị đưa đi cách ly và nhiều người chết lắm, may là nó vẫn chưa bị gì! Còn thằng Thiện nhà chú Năm có tin gì không?”

Ông Năm lắc đầu thở dài, miệng bập bập điếu thuốc rê, đôi mắt buồn xa xăm.

-“Tao gọi mà nó hổng trả lời! Hổng biết có chuyện gì không nữa! Cầu trời cho nó bình an!”

Cô Chín an ủi ông Năm:

-“Thôi mà chú! Đừng lo quá! Chắc nó không sao nên mới không gọi về đó. Có sao thì nó đã báo rồi!”

-“Ờ! Chắc vậy!” rồi ông Năm lại bập bập điếu thuốc trên tay đã hút gần hết, thở ra làn khói trắng kèm theo tiếng thở dài: “Hới!”. Nghe buồn não ruột.

Cách tầm vài chục phút, ông Năm bấm gọi cho thằng Thiện. Tiếng “Tít…Tít…Tít…” vẫn đều đặn, đều đến độ ông sợ cái tiếng quái quỷ ấy. Ông ước gì nghe tiếng thằng Thiện còn sống, chứ không phải cái thứ tiếng máy móc vô hồn. Trước giờ cơm chiều, ông bới tô cơm trắng chan ít nước lạnh, cầm theo vài cục muối trắng ra võng ngồi. Để tô cơm xuống, ông Năm cầm điện thoại gọi tiếp: “Thằng Thiện! Nghe máy tía đi con! Mày đâu rồi?” Điện thoại “Tít… Tít… Tít…” tầm chục tiếng rồi nín bặt. Ông giật mình kéo điện thoại dí sát mặt, màn hình điện thoại tối thui, ông không biết tại ông không thấy đường, hay trời tối, hay điện thoại hư, đưa mấy ngón tay bấm liên hồi điện thoại không động tĩnh gì. “Rồi! Điệu này hết pin!”

Bỏ vội tô cơm xuống đất, mấy hột cơm nở thè lè, mấy hột muối tan trong cơm mất tăm hình hài trắng nõn ban đầu. Trời chạng vạng đỏ loét rồi tối dần. Ông năm chọt vội chiếc quần dài với chiếc áo sơ-mi cũ ố vàng máng đầu giường, với tay cầm đèn pin trên đầu tủ thờ, kéo hộc tủ cầm theo cục sạc. Ông chạy đi nước một bỏ mặc nhà cửa toang hoác. Đoạn đường từ nhà ông tới tiệm tạp hóa đầu xóm, nơi duy nhất có điện kéo tới, tầm một đoạn mười phút đồng hồ, nhưng trời lem nhem và tuổi già chậm chạp nên ông Năm lết thết từng bước. Ông lo lắng cho thằng Thiện trên Sài Gòn. Cà nhắc một đỗi tới tiệm tạp hóa đầu xóm, trời tối thui, mũi vo ve nghe rõ mồn một. Ông tấp thẳng vô tiệm, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở khó khăn, miệng kêu:

-“Kiều! Con sạc điện thoại giùm ông Năm cái!”

Ông chìa chiếc điện thoại và cục sạc cho cô chủ tiệm tên Kiều. Chợt thấy lồng ngực căng tức, khó thở. Mặt xay xẩm đứng không vững.

-“Kiều! Con có bán thuốc huyết áp không?”

Thấy mặt ông Năm có vẻ mệt nhiều, hơi thở gấp, hai tay vịn tủ hàng cứng ngắc không dám buông ra. Kiều trả lời vội:

-“Chú… Chú Năm sao vậy? Con hổng có bán, nhưng má con có, để con lấy cho chú.”

Kiều đỡ ông Năm lại ngồi tạm trên chiếc ghế đá trước tiệm. Chạy vô nhà lấy viên thuốc ra đưa ông Năm, kèm theo ly nước. Ông Năm nuốt vội viên thuốc rồi ực một hơi hết ly nước đầy, ụp mặt xuống chiếc bàn đá nghỉ mệt hồi lâu. Hồi sau ông tỉnh dù vẫn còn mệt, ông ngước lên kêu yếu ớt, gọi:

-“Kiều! Sạc xong chưa con?”
-“Chú Năm khỏe chưa? Sạc chưa xong! Nhưng gọi được rồi! Chú Năm cần gọi gấp hả?”

Ông Năm đứng lên, loạng choạng, tay nắm gờ bàn đá, lấy đà tiến tới chiếc tủ tạp hóa, cầm điện thoại. Bấm gọi lần nữa. “Tít… Tít… Tít…”. Ông lẩm bẩm trong bụng: “Thiện ơi! Mày nghe điện thoại giùm tía! Đừng làm tía sợ!”

-“Tít… Tít… Tít… Alô! Tía!…”

Ông Năm thở một hơi thật mạnh như trút mọi lo lắng khi nghe tiếng bên kia.  

Little Stream

Kiểm tra tương tự

5 vị thánh có thể giúp chị em vượt qua những khó khăn

Dù bạn đang đối diện với những thử thách nào, những người “chị gái” khôn …

Suy Tư Tin Mừng CN 5PS: Anh em hãy sinh nhiều hoa trái

Bạn thân mến! Bạn có bất ngờ không, nếu Thiên Chúa ngỏ lời với bạn: …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *