Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu

Các bạn thân mến!

Có thể nói Bài Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên hôm nay là Bài Tin Mừng nói về ơn gọi. Bài Tin Mừng khắc hoạ khuân mẫu về ơn gọi của người môn đệ. Người môn đệ là người lắng nghe lời mời, bước vào chiều sâu hiện hữu với Chúa và với chính mình, đồng thời là người vâng phục Thầy để chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới.

1.Chèo thuyền ra chỗ nước sâu bước vào chiều sâu của sự thánh thiện

Ơn gọi của Isaiah xuất hiện trong một bối cảnh vua Út-di-gia-hu băng hà. Ông là một vi vua đạo đức và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Israel. Trong khi đó, đế quốc Assyria đang đe doạ Israel ở Phía Bắc, toàn dân hoang mang. Trong sự hoang mang lo sợ ấy, Thiên Chúa sai sứ giả của Người nói với dân chúng về một Đấng giải phóng và thiết lập trật tự mới. Ơn gọi của Isaiah xuất hiện trong bối cảnh ấy. Ông có một thị kiến kỳ lạ về Thiên Chúa uy nghi cao cả. Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao ; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. 2a Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. 3 Các vị ấy đối đáp tung hô : “Thánh ! Thánh ! Chí Thánh ! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa !” (Is 6, 1-3) Đấng uy linh cao cả đó xuất hiện trước mắt Isaiah và ông bước vào tương quan với Ngài.

Cũng thế, đang khi đánh cá, Chúa Giê-su chọn chiếc thuyền của Phê-rô và các bạn mà ghé thăm. Đấng uy linh cao cả giờ hiện diện giữa các ông. Chúa Giê-su chọn lựa gắn bó với một ngư phủ và trao cho ông sứ mạng chăm sóc Giáo Hội. Điều tiên quyết khi các ông muốn đảm nhân sứ mạng của Thầy trao cho là các ông phải bước vào tương quan sâu xa với Chúa, là mang lấy trái tim và sứ mạng của Chúa. Chúa Giê-su chọn lựa bước vào trái tim và cuộc đời ông, để rồi ông trở thành kẻ lưới người. Khi ông chấp nhận để cho Chúa bước vào con thuyền cuộc đời mình, một chân trời và dự định mới mở ra trước mắt ông. Hãy ra chỗ nước sâu thực chất là chấp nhận thả mình vào trong chiều sâu của Thiên Chúa. Chiều sâu của tình yêu hiến thân và trao ban sự sống của Đức Giê-su Ki-tô. Chỉ khi được thả mình vào trong tương quan chiều sâu với Chúa, nơi mà vì nó Chúa đã sống và chết cho bạn, bạn mới ý thức khoảng cách sâu xa giữa bạn và Chúa, cũng như ý thức được rằng bạn phải trở về chiều sâu với chính mình và làm một cuộc hoán cải.

2. Chèo thuyền ra chỗ nước sâu ý thức về hoảng cách sâu xa giữ con người và Thiên Chúa

Khi bước vào chiều sâu và sự thánh thiện trong tương quan với Chúa, bạn và tôi ý thức được những giới hạn và tội lỗi của chính mình. Đây chính là khoảng cách vô biên giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự tội lỗi của con người. 5 Bấy giờ tôi thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh !” (Is 6, 5) Cũng thế, Phê-sô sau khi đụng chạm được mầu nhiềm của Thiên Chúa ẩn mình, ông liền kêu lên “‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !‘” (Lc 5,8) Tội lỗi làm con người xa cách Chúa và xa cách nhau. Đức Ki-tô nối kết sự xa cách đó bằng tình yêu và cái chết của Ngài trên Thánh Giá. Ơn cứu độ giúp chúng ta nối kết với Thiên Chúa và lấp đầy khoảng cách sâu xa giữa con người và Thiên Chúa.

Khoảng cách sâu xa giữa con người và Thiên Chúa được lấp đầy bằng tình yêu, lòng thường xót được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô. Ngang qua Đức Giê-su nhất là qua cái chết của Người, Ngài đã nối kết khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn xa cách con người nhưng Thiên Chúa đang ở giữa, ở trong và ở với con người. “3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.” Đức Giê-su bước vào cuộc đời bạn và tôi mời gọi bạn và tôi bước ra xa một chút. Ngài mời gọi bạn bước tới Ngài, Ngài mời gọi bạn bước tới anh anh chị em và Ngài mời gọi bạn bước ra khỏi chính mình.

Kinh nghiệm của các vị thánh khi bước vào trong tương quan sâu xa với Chúa cũng chỉ ra rằng có một khoảng tối trong đời sống con người và Thiên Chúa mà con người không thể vượt qua bởi sức tự nhiên nhưng bằng ân sủng của Chúa. Điều mà Thánh Gioan Thánh Giá gọi là đêm tối thiêng liêng và đêm tối linh hồn.  

Vả lại, người môn đệ khi bước vào trong tương quan sâu xa với Chúa và bước ra khỏi chính mình cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, sóng gió và nguy hiểm. Nguy hiểm đó được trả giá bằng niềm tin và sự sống. Tuy nhiên những hiểm nguy mà bạn đối diện sẽ vơi đi khi có Chúa ở cùng. Điều này làm cho người môn đệ sẵn sàng lên đường.  

3. Chèo thuyền ra chỗ nước sâu xác tín cách sâu xa vào Thiên Chúa để dấn thân cho Tin Mừng

Để có thể lên đường với Chúa, trước hết bạn phải là người được Thiên Chúa đụng chạm. Kinh nghiệm này biến đối sâu xa con người bạn để rồi bạn không còn sống cho chính mình nhưng sống cho Đấng đã kêu gọi bạn từ chốn tối tăm, tới nơi đầy sáng láng diệu kỳ. Isaiah là người được Thiên Chúa thánh hiến bằng than hồng. Chúa đặt Lời Chúa và Tin Mừng vào miệng ông.  7 Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: ‘Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.’ 8 Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán : ‘Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?’ Tôi thưa : ‘Dạ, con đây, xin sai con đi.'” Như thế, Chúa đã thánh hiến Isaiah bằng Lời Chúa , Lời có sức sáng tạo, biến đổi, và chữa lành để ông ra đi loan báo sứ điệp của Chúa.

Tương tự như thế, Phao-lô cũng là người được Thiên Chúa đụng chạm bằng một cú ngã ngựa trên đường Đa-mát. Sau cú té ngựa ông chạm được Áng Sáng Phục Sinh, đứng dậy và trở nên chứng nhân cho Tin Mừng. Sứ mạng của người môn đệ, của bạn và tôi là làm chứng cho Tin Mừng. “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, 4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.” (1 Cr, 15, 3-4)

Đây cũng là sứ điệp căn bản mà giáo hội, cũng như bạn và tôi đang dấn thân. Để dấn thân cho sứ mạng này, Chúa mời gọi bạn và tôi phải “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” (Lc 5, 4). Chỗ nước sâu ấy là chỗ sâu của địa lý và chỗ sâu của tâm linh và lòng người. Giáo hội trong sứ mạng thu phục lòng người luôn đối diện với những nguy hiểm và sự sợ hãi. Nhất là chỗ sâu ấy đụng chạm đến quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội, giá trị sống, lợi ích quốc gia, cơ cấu bất công, và nền tảng hôn nhân gia đình. Nơi mà tự do cá nhân và quyền lực xã hội chi phối đến việc thiết lập chính sách và thẩm quyền tôn giáo thì sự nguy hiểm càng gia tăng. Tuy nhiên Chúa Giê-su nói với các tông đồ “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5, 10) Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II trong bài giảng khai mạc triều đại giáo hoàng của ngài có nói: “Đừng Sợ.” ‘Anh em đừng sợ đón lấy Chúa Ki-tô và nhận lấy quyền năng của Ngài.”, “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.[1]

Bạn và tôi sợ bởi vì bạn và tôi yêu quá cuộc đời này. Chúng ta sợ vì chúng ra không có chỗ bám víu hay những bám víu của chúng ta không bảo đảm. Chúng ta sợ bởi vì chúng ta nghi ngờ. Chúng ta sợ đón lấy Chúa Ki-tô bởi vì khi Ngài bước vào cuộc đời của bạn, cuộc đời bạn sẽ bị xáo trộn. Cái đáng sợ nhất của người công chính là sợ xa cách vĩnh viễn với Thiên Chúa.

Như thế đời sống người môn đệ là người bước vào chiều sâu của Thiên Chúa, chiều sâu của lòng mình và tương quan với tha nhân. Việc bước vào trong tương quan với Chúa cũng là lời mời gọi bước ra khỏi chính mình để bước đến với thế giới. Thế giới nội tâm và thực tại xã hội luôn tra vấn bạn và tôi về nguồn gốc, căn tính và sứ mạng của mình. Chỉ khi bước vào thật sâu trong tương quan với Chúa, bạn và tôi mới bước vào chiều sâu trong tương quan nội tâm và trong lòng nhân thế.  

Gioan Phạm Duy Anh, SJ    

[1]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài Giảng Trong Ngày Nhậm Chức Giáo Hoàng, Chúa nhật, 22 tháng Mười 1978

Kiểm tra tương tự

Mười hai vị thánh đã kết hôn

  Không phải tất cả các thánh đều là các linh mục hoặc nữ tu; …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *