Chút sẻ chia của người đầy tớ: Chỉ mong chẳng là gì !

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

“Chỉ mong Ngài lấy đi,

mong chẳng còn gì thuộc về con,

mong  chẳng còn gì là của con.”

 

Lời bài hát trên như là lời cầu nguyện sâu thẳm được cất lên trong một đêm thanh vắng.

Đêm thanh vắng chỉ có Chúa và tôi, chỉ có Chúa là chủ và tôi là đầy tớ vô dụng, bất xứng và tội lỗi.

Là đầy tớ theo Chúa, nên mong mình chẳng là gì,

là đầy tớ đơn hèn, nên mong Ngài lấy đi tất cả nơi tôi,

là đầy tớ nhỏ bé xin không còn gì thuộc về bản thân.

 

Tất cả xin dâng lên Ngài, tất cả xin Ngài sử dụng theo ý Ngài. Tất cả xin được sống phục vụ như chính Ngài phục vụ. Một sự phục vụ không tính toán, một sự phục vụ nhưng không, một sự phục vụ không chờ đáp trả, và một sự phục vụ không đợi sự công nhận, và không mong lời khen ngợi.

 

Nhưng làm sao có thể phục vụ cách vô vị lợi như thế?

Một buổi trưa trời âm u kéo mây, vừa làm xong nghi thức tẩm liệm trong nhà quàng, là một đầy tớ của Chúa, tôi cùng với những người thân của người mới nằm xuống, thật thinh lặng bước đi sau xe quan tài, để đưa người quá cố về vời lòng đất mẹ. Đến huyệt mồ, đợi cho mọi người tề tựu đông đủ, tôi chuẩn bị bắt đầu nghi thức làm phép huyệt, và cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho người vừa qua đời.

Chính lúc tôi vừa giở cuốn sách nghi thức an táng mới toanh vừa mua hôm qua, và đọc được hai hàng chữ, thì trời đổ mưa thật nặng hạt. Tất cả người thân của người quá cố đứng đối diện với tôi vội vàng căng dù và che cho nhau. Lúc này, tôi chờ đợi và hy vọng một ai trong nhóm người đang đứng kia sẽ đến bên tôi và che dù cho tôi, để tôi có thể tiếp tục nghi thức. Nhưng chẳng có ai bước ra khỏi hàng lối của họ. Một thân một mình đứng cạnh quan tài, tôi chịu trận dưới cơn mưa lớn đang trút đổ. Và cùng đua với những hạt mưa thật nặng đang rơi xuống cuốn sách cầm trên tay, tôi cố gắng cầu nguyện thật lớn tiếng như có thể, để hy vọng lời cầu nguyện có thể xuyên suốt qua âm thanh của cơn mưa nặng hạt, đến được với mọi người đang hiệp thông cầu nguyện cho người thân của họ.

 

Rồi cứ tiếp tục nghi thức cho đến hết, mặc kệ cho những hạt mưa như đang đùa giỡn trên những trang sách, trên mái tóc trần, trên dây Stola màu tím, trên chiếc áo Alba của một đầy tớ nhỏ bé và đơn hèn này.

 

Rời khỏi nghĩa trang, lên xe về nhà mà tôi cảm thấy thế nào ấy. Tôi không hiểu thái độ dửng dưng của nhóm người Đức kia giành cho tôi. Trong khi tôi, với vị trí là Linh Mục, hết lòng phục vụ, cầu nguyện và làm nghi thức an táng cho người thân của họ, thì họ lại chẳng màng chi đến tôi. Không lẽ họ không muốn đáp lại sự phục vụ của tôi bằng một cử chỉ nhỏ bé, là che dù tránh mưa cho tôi, để tôi có thể yên tâm làm nghi thức an táng cho đàng hoàng? Chẳng biết nữa.

 

Thật lòng, nghĩ đến chuyện này  tôi cũng hơi buồn buồn, nhưng suy đi và nghĩ lại, thì đó lại là một bài học thật hay cho tôi, một Linh Mục trẻ vừa mới bước ra đời để phục vụ.

 

Hai trang sách của cuốn sách nghi thức an tang, thấm những giọt mưa nặng hạt đã rời khỏi đường chỉ của cuốn sách. Hai trang sách đó như nói với tôi rằng: „chúng tôi không thể phục vụ cho đúng nghĩa, nếu chúng tôi không ra khỏi chính mình. Chúng tôi không thể phục vụ đúng cách, nếu chúng tôi cứ nấp mình vào trong „vỏ ốc an toàn“ của mình. Chúng tôi không thể phục vụ cách hữu hiệu và nhanh chóng, nếu cứ được giữ chặt trong cuốn sách kia. Nhưng chúng tôi cũng không có khả năng hoàn thành trách nhiệm phục vụ, nếu chúng tôi đánh mất đi vị trí thứ tự của mình được sắp sẵn trong cuốn sách. Vâng, dù không được đường chỉ giữ chặt chúng tôi vào trong cuốn sách, nhưng chúng tôi phải luôn luôn được kẹp vào đúng vị trí đã giành cho chúng tôi.

 

Hơn nữa, nếu cứ khăng khăng chăm sóc vẻ đẹp cho riêng mình, và lo sợ những giọt mưa nặng hạt có thể làm cho chúng tôi bị ướt và hoen vàng, thì đời chúng tôi chẳng có giá trị gì, vì khi chúng tôi được làm ra thành những trang sách với những nghi thức được viết trên đó, thì chúng tôi cần được sử dụng, cần được đọc lên để phục vụ cho mọi người, phục vụ dưới bất cứ điều kiện nào, không kể trời mưa hay trời nắng, lúc buồn hay lúc vui. Thật vậy, giờ đây bị hoen vàng chút đấy, và không còn mang dáng vẻ tươi đẹp như những trang sách khác, nhưng chúng tôi cảm thấy đời mình mang một giá trị cao quý nhất định.  Giá trị cao quý này được đóng ấn bởi những giọt mưa nặng hạt của ngày phục vụ tại huyệt mồ ngày nào. Thật vậy, chúng tôi được làm ra không phải cho riêng mình, đích đến của cuộc đời chúng tôi không là chính chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi chỉ đạt được đích đến của đời mình, và tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống của mình, khi chúng tôi đồng ý phục vụ và để cho người khác sử dụng trong việc phục vụ“.

 

Cám ơn lời tâm tình thật chân thành và sâu sắc của hai trang sách, tôi trở về lại với lòng mình, và thầm cầu xin Chúa: „Chỉ mong Ngài lấy đi tất cả những đợi chờ trong con khi phục vụ, đợi chờ phần thưởng và công trạng, đợi chờ lời khen và công nhận. Chỉ mong Ngài lấy đi tất cả những gì con có, để giành mọi sự cho yêu thương và phục vụ. Yêu thương và phục vụ hết lòng, hết sức và hết linh hồn của con, để không còn gì thuộc về con, và để chẳng còn gì là của con. Vâng, tất cả những gì con có đều do ân sủng của Chúa. Xin Chúa hãy nhận lấy và thực hiện theo ý của Ngài.“

 

Tập sống dâng hiến và tập sống theo ý Ngài, tôi tiếp tục xin cho được phép:

 

“Để con được trắng tay,

con chỉ còn Ngài để giữ lấy,

con được chọn Chúa mãi là của con.”

 

Trắng tay như ngày đầu tiên tôi chẳng có gì khi bước vào cuộc đời này. Lúc đó đôi bàn tay tôi chỉ nắm được đôi bàn tay của tình yêu Cha Mẹ và tình yêu Thiên Chúa. Nhưng cái trắng tay này giờ đây có ý nghĩa gì đối với tôi, một Linh Mục, một đầy tớ bất xứng của Chúa?

 

Nhớ lại ngày chịu chức Linh Mục. Khung cảnh của buổi lễ sao mà trang nghiêm đến thế. Và xúc động biết bao, khi đôi tay tôi giơ cao để đón nhận Lời Chúa, đón nhận chén lễ Đức Giám Mục trao ban, như là trao cho tôi trách nhiệm của người Linh Mục. Và xúc động không kém, khi Đức Cha xức dầu trên lòng bàn tay nhỏ bé của tôi, để xin Chúa thánh hiến đôi tay đơn hèn này trở nên đôi tay được Chúa sử dụng cho công việc phục vụ, yêu thương và cứu độ của Ngài. Với tôi, cử chỉ giơ cao tay đón nhận đó như là dấu hiệu nói rằng từ đây tôi hoàn toàn trắng tay, và từ đây tôi không còn bám vào gì cả, ngoài bám vào Chúa, bám vào Lời của Ngài, bám vào Đấng yêu thương.

 

Khi dâng Thánh Lễ mở tay, thánh lễ đầu tiên của tôi tớ vô dụng, tôi vui sướng được phép cộng tác với Thiên Chúa chuẩn bị bàn tiệc cho dân Ngài. Nhưng tại sao tiếng Việt lại gọi thánh lễ đầu tiên của đời Linh Mục là thánh lễ mở tay và thánh lễ đó có ý nghĩa gì? Thú thật tôi cũng chẳng hiểu hết thâm ý sâu xa của các cụ ngày xưa khi dùng từ ngữ „mở tay“. Nhưng bản thân tôi, giây phút cử hành thánh lễ đầu tiên ghi một dấu ấn sâu xa. Dấu ấn về đôi tay tôi lúc đó cần phải trở nên trắng tay như thuở ban đầu khi tôi bước vào cuộc đời.

 

Đôi tay tôi cần phải trắng hoàn toàn, cần phải trống không thực sự, để khi giơ cao đôi tay và chào mọi người lúc đầu lễ: “Chúa ở cùng Anh Chị Em“, thì lời chào đó thực sự là lời chào trao ban Thiên Chúa đến cho mọi người, chứ không trao chính bản thân tôi là Linh Mục, không trao vẻ đẹp cao sang của người Linh Mục mà nhiều người đã thần thánh hóa, cũng chẳng trao những gì thấp hèn và dễ vỡ của đời tôi, một đầy tớ bất xứng. Vâng, xin cho đôi tay tôi được trắng tay thực sự, để ngoài Chúa ra tôi không trao gì cho anh chị em cả.

 

Đôi tay lại được giơ lên khi đọc những lời cầu nguyện trong thánh lễ, đặc biệt lời nguyện Thánh Thể Tạ Ơn. Nhưng trước khi đọc lời nguyện Thánh Thể, tôi giơ đôi tay mình ra để xin Chúa thanh tẩy: „Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy“. Vâng, xin thanh tẩy đôi bàn tay hoen úa biết bao lỗi tội, và xin thanh tẩy con, một Linh Mục của Chúa, một đầy tớ đơn hèn và vô dụng, một tôi tớ tội lỗi và bất xứng. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho đôi tay nhơ nhớp và đen đúa của con trở nên trắng ngần, một đôi tay hoàn toàn trắng tay thật sự. Và chỉ khi đó, con mới xứng đáng để tiếp tục giơ cao đôi tay cầu nguyện lời kinh Tạ Ơn mà Chúa Giê-su Kitô, là Thượng Phẩm cao vời nhất đã cầu nguyện.

 

Cử chỉ của đôi tay giơ cao lúc cầu nguyện kinh Tạ ơn này, như là cử chỉ của Thầy Chí Thánh đã giơ cao tay trên thập tự. Một cử chỉ hiến dâng tất cả không giữ lại gì cho bản thân mình. Một cử chỉ của hiến thân và của yêu thương đi đến tuyệt đỉnh, là dám hoàn toàn đồng ý mất trắng tay, mất cả bản thân mình cho người mình yêu. Còn phần tôi, là đầy tớ vô dụng, cũng xin cho đôi tay tôi giơ cao trong lúc thánh thiêng đó, ý thức hiến dâng tất cả những gì tôi có, để giờ đây đôi tay này không còn giữ gì cho riêng mình, đôi tay trở nên trống không thực sự. Cái trống không hoàn toàn của đôi tay người đầy tớ vô dụng, để nhờ đó Thần Khí Chúa sử dụng và thánh hóa của lễ bánh và rượu trên bàn thờ trở nên Mình và Máu của Đức Kitô cho dân Chúa hưởng dùng.

 

Thánh lễ tiếp tục, đôi tay tiếp tục giơ cao khi tôi cùng cộng đoàn dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha. Lời kinh thật quen thuộc. Lời kinh nhắc nhớ tôi có một người Cha trên trời. Chính Cha sẽ luôn đưa bàn tay của Ngài nắm lấy bàn tay của tôi. Và nếu đôi tay tôi đang chất chứa nhiều khổ đau, nhiều bất an, nhiều lỗi tội thì Ngày sẽ rửa sạch đôi tay tôi, để tôi trở nên trắng tay thật sự. Một trắng tay của con trẻ vào ngày đầu tiên được nắm lấy bàn tay tình yêu nhân hậu của Cha trên trời.

 

Và cũng lại đôi bàn tay trống không đó, người đầy tớ vô dụng lại được phép trân trọng trao ban bình an của Đức Kitô cho mọi người. Một cử chỉ thật đẹp của đôi tay trống không, đôi tay trắng thật. Nhờ đó bình an của Đức Kitô mà anh chị em đang cần đến, có thể tuôn chảy qua đôi tay đơn hèn và trống không của người đầy tớ vô dụng, để đến với anh chị em, mà không vướng phải bất cứ chướng ngại nào, chướng ngại của kiêu căng tự đắc, chướng ngại của danh vọng và tiền bạc, chướng ngại của tự ty và mặc cảm, chướng ngại của giận hờn và thù ghét, chướng ngại của lười biếng và ích kỷ, chướng ngại của đam mê và hưởng thụ…Vâng, xin cho đôi tay tôi trở nên trắng tay hoàn toàn, để bình an của Đức Kitô qua đôi tay đơn hèn này có thể đến được với anh chị em đang sống trong đau khổ và bất an.

 

Tay tôi lại giơ cao để đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. „Xin cho đôi tay con trở nên trắng tinh Chúa ơi, xin cho con trở nên trắng tay hoàn toàn, để nhờ đó con mới có thể đón nhận Chúa vào lòng con, vào nhà con“. Không chỉ giơ cao tay kính cẩn đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, mà Chúa còn trao trách nhiệm cho tôi trao ban chính Mình Máu Thánh Chúa cho anh chị em. Trao ban Mình Thánh Chúa. Nhìn sao mà đơn sơ quá. Đơn sơ thật đấy, nhưng cũng thật thánh thiêng. Cầm Mình Thánh Chúa lên cao trước mặt anh chị em tôi nói: „Mình Thánh Chúa Kitô“ . Một cử chỉ trao ban của hai đôi bàn tay của hai con người, và món quà hai bên trao cho nhau chính là Mình Thánh Chúa. Ai trong con người chúng ta có thể mường tượng là mình xứng đáng được đón nhận món quà này?!  Ai trong con người chúng ta lại không chuẩn bị làm cho tay mình trắng tay hoàn toàn, sự trắng tay của thanh sạch, để kính cẩn đón Chúa vào lòng với tất cả tấm lòng biết ơn?!

 

Để kết thúc bữa tiệc tạ ơn này, đôi tay kia lại được phép giơ cao. Tôi chào anh chị em:“Chúa ở cùng Anh Chị Em“. Mong sao lời chào này vẫn là lời chào lúc đầu lễ, nghĩa là lời chào đó thực sự là lời chào trao ban Thiên Chúa đến cho mọi người, chứ không trao chính bản thân tôi là Linh Mục, không trao vẻ đẹp cao sang của người Linh Mục mà nhiều người đã thần thánh hóa, cũng chẳng trao những gì thấp hèn và dễ vỡ của đời tôi, một đầy tớ bất xứng và tội lỗi. Xin cho đôi tay tôi được trắng tay thực sự, để ngoài Chúa ra tôi không trao gì cho anh chị em cả.

 

Đi theo lời chào đó là đôi tay giơ cao để ban phúc lành cho anh chị em, cho cộng đoàn dân Chúa. Làm sao đôi tay của tôi tớ bất xứng này có thể trao ban phúc lành được đây, nếu không có Chúa ở bên, nếu chính Chúa không hoạt động, hay nói đúng hơn nếu chính Chúa không dùng đôi tay của Chúa, qua đôi tay của tôi tớ bất xứng và tội lỗi, ban phúc lành cho dân Ngài. Vì thế, đôi tay tôi chỉ xin là đôi tay thật trắng tay, một đôi tay thật trống không, để Chúa dùng và ban phúc lành cho dân của Ngài, phúc lành của tình yêu đến từ bàn tay yêu dấu và đầy thánh thiêng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Thật tuyệt vời biết bao bàn tay đầy tràn tình yêu và thánh thiêng của Chúa.

Thật có phúc biết bao bàn tay đầy tràn trống không và trắng tay của người đầy tớ tội lỗi.

 

Khi ý thức mình tội lỗi, tôi lại tiếp tục cầu xin với Ngài:

 

“Chỉ mong Ngài xóa đi,

mong chẳng còn gì để chiếm hữu,

mong chẳng còn gì ràng buộc con.”

 

Lời cầu nguyện này dẫn tôi đi vào trong tòa giải tội, một chỗ trong đời sống Linh Mục của tôi. Nhớ lại ngày xưa đó, khi còn là một chú giúp lễ tại một giáo xứ ở quê nhà, nơi có hai thánh lễ vào buổi sáng. Tôi thường hay đi lễ nhất để giúp lễ. Sau đó cũng ở lại lễ thứ hai để giúp dọn phòng thánh, và để gặp gỡ vui với các bạn giúp lễ. Một điều tôi vẫn nhớ như in, đó là cha phó của chúng tôi, mỗi buổi sáng cha đều chăm chỉ ngồi tòa giải tội. Nếu cha làm lễ nhất, thì cha ngồi tòa giải tội trong lễ nhì, và ngược lại giống như vậy. Lúc đó tôi chẳng hiểu tại sao cha lại chăm chỉ ngồi tòa giải tội đến thế. Phải chăng đời Linh Mục của cha, cha chỉ mong sao xin Chúa xóa đi tất cả những tội lỗi của anh chị em, xin Chúa xóa đi tất cả những gì nặng nề, u tối đang ám ảnh những phận người, và xin Chúa hãy lấy đi tất cả những dấu vết thần dữ đang muốn chiếm hữu từng con người.

 

Khi trở thành Linh Mục, phục vụ trong một giáo xứ người Đức hơn 3 năm, một trong những việc tôi rất thích làm, đó là bí tích hòa giải. Dừng ở nơi đây, tôi xin dành vài giây phút để cám ơn cha phó của tôi ngày xưa, và giờ đây là cha bố của tôi, người đã đồng hành và nâng đỡ tôi trong đời sống ơn gọi dâng hiến, và chính Ngài cũng đã giúp tôi thích ngồi tòa giải tội giống như Ngài. Vâng, trong tòa giải tội, là đầy tớ vô dụng và tội lỗi của Chúa, tôi được phép lắng nghe tất cả những chuyện mà người ta vẫn thường nói là chuyện rác rưởi trong cuộc đời. Và cũng không thiếu những giọt nước mắt đã đổ xuống trong tòa giải tội.

 

Trong mỗi một trường hợp, dù nặng hay nhẹ, tôi đều cầu xin Chúa hãy “dung cành hương thảo rảy nước thanh tẩy” anh chị em đang hiện trước mặt tôi, xin Ngài hãy thay nước mắt của anh chị em bằng nguồn nước mang lại ơn cứu rỗi và nguồn nước hằng sống của Ngài. Nguồn nước mang lại ơn cứu rỗi, cùng với máu, chảy ra từ cạnh sườn của Ngài (x.Ga 19,34). Nguồn nước hằng sống mà Ngài đã hứa ban phát cho chị phụ nữ Sa-ma-ri ở bờ giếng Gia-cóp ngày xưa (x.Ga 2, 1-42).

 

Mỗi lẫn tôi thấy anh chị em bước ra khỏi tòa giải tội với một khuôn mặt mới, cái mới của ánh sáng thay thế cho bóng đêm không còn ràng buộc, cái mới của an bình thế chỗ cho nặng nề bất an, cái mới của nụ cười thay thế cho vẻ buồn rầu thất vọng, thì lòng tôi lâng lâng một nỗi vui mừng sâu thẳm. Nỗi vui mừng khi nhìn thấy người Mục Tử nhân lành tìm lại được con chiên lạc đàn, nỗi vui mừng ấy cũng nhảy nhót tôn vinh Thiên Chúa, khi thấy Mục Tử vui mừng vác chiên trở về nhà, và nỗi vui mừng ấy cũng mở tiệc ăn mừng, khi vị Mục Tử mời gọi mọi người hàng xóm cùng đến để cùng ngồi vào bàn tiệc của lòng thương xót, bàn tiệc của mất nay lại tìm thấy, bàn tiệc của chết nay sống lại (x. Lc 15, 4-7). Thật tuyệt vời biết bao!

 

Nhưng cái tuyệt vời này có trọn vẹn trong lòng tôi chưa, nỗi vui mừng kia có “nở hoa” trong tâm hồn tôi, một Linh Mục, một đầy tớ thấp hèn và tội lỗi chưa?

 

Trở về với đời mình, rời tòa giải tội, tôi Linh Mục của Chúa cũng cần phải chạy đến tòa giải tội với sự ý thức “Tôi cũng là con người tội lỗi như anh chị em.” Vâng, tôi cũng cần phải xin Chúa xóa đi tất cả những gì là bóng đêm đang ràng buộc tôi.

 

Cái nhớ này dẫn tôi đến cái nhớ khác. Cái nhớ khác là một lần tôi đến tòa giải tội. Là Linh Mục nhưng cũng là hối nhân. Đứng ngoài tòa giải tội, đợi đến lượt mình, sao tôi thấy thời gian lâu đến thế. Lâu không phải kim đồng hồ chạy chậm. 60 giây vẫn là 60 giây không chậm và cũng chẳng nhanh hơn chút nào. Lâu là vì lòng tôi có gì đó ám ảnh. Và lúc đó Chúa làm cho tôi nhớ đến hình ảnh của anh phong hủi chạy đến với Chúa, xụp lạy xuống chân Ngài và cầu xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (x.Mc 1, 40-45). Tự nhiên lời cầu nguyện này giờ đây trở thành lời cầu nguyện của riêng tôi. Tôi chờ đợi với tấm lòng hướng về Chúa Thánh Thể, miệng tôi bắt đầu đọc lời cầu nguyện trên. Vâng, tôi cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho thân phận Linh Mục tội lỗi của tôi, một phận người đang mang biết bao phong và biết bao hủi, một đời người thấp hèn đang bị nhiều thứ đam mê ràng buộc.

 

Chính trong lúc cầu nguyện như vậy, tôi bị cám dỗ đừng chờ nữa, vì lâu quá. Lâu lâu tôi lại nhìn trộm tòa giải tội, xem đã vơi người chưa và bước chân tôi đã đến gần đó chưa. Nhưng cái lâu kia vẫn muốn thúc giục tôi hãy về nhà đi, đừng đợi nữa. Cái lâu kia lúc đầu mang dáng vẻ của thời gian, nhưng nhìn kỹ thì cái lâu đó đội lốt thần dữ và bóng đêm, chúng đang muốn tiếp tục ràng buộc và làm chủ đời tôi, chúng không muốn tôi gặp Chúa từ nhân trong bí tích giàu lòng thương xót này. Chần chừ, chân tôi định rảo bước ra khỏi nhà thờ để lấy xe ra về, nhưng khi nhìn lên Thánh Thể Chúa, tôi cảm thấy Ngài như nói với tôi hãy nán lại nơi này thêm một chút.

 

Trong thinh lặng, tôi suy đi nghĩ lại và vâng lời nán lại và chờ. Nhưng sao tôi lại thấy cái chờ này chẳng dễ thương chút nào với tôi cả, vì tôi chờ mà sao lòng mình nặng trĩu. Nhìn kỹ lại, thì không phải cái chờ không dễ thương, mà hình như tâm hồn tôi thiếu trông cậy cũng như thiếu niềm tin vào lòng nhân hậu của Chúa. Hình như tôi nghi ngờ gì đó. Lúc này tôi thầm nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Lời cầu này làm cho tôi liên tưởng đến anh phong hủi. Dù biết phận mình tội lỗi nhiều, dù phải đau khổ biết bao nhiêu về chứng phong hủi là dấu hiệu của tội lỗi ràng buộc đã biết bao năm trời, nhưng anh vẫn không mất đi niềm tin và niềm hy vọng. Niềm tin của anh đã thúc đẩy anh chạy đến để xin Chúa chữa lành cho anh. Nhưng điều thú vị ở đây là, lời cầu xin của anh lại chỉ có một chữ tôi và có hai chữ Ngài. Điều này nói cho tôi sứ điệp gì vậy?

 

Phải chăng, khi ý thức thân phận tội lỗi và thấp hèn của mình và khi tin tưởng tuyệt đối về lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, nên anh đã tín thác đời anh, cơn bệnh của anh và những ràng buộc của chứng phong hủi đang bám trên anh, vào trong bàn tay của Chúa và thánh ý của Ngài, để giờ đây với thái độ bình tâm, anh được phép cầu xin ơn chữa lành, ơn tha thứ. Nhưng Chúa có chữa lành cho anh hay không là tùy ở nơi Chúa hoàn toàn. Với một chữ tôi anh không muốn ép buộc Chúa theo ý anh, với hai chữ Ngài anh xin vâng hoàn toàn theo ý Chúa. Vì thế, anh tiếp tục bị phong hủi hay được trở nên lành mạnh, chuyện đó không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là điều Chúa muốn nơi anh.

 

Thầm suy nghĩ đến đây, lòng tôi bồi hồi xúc động, những ám ảnh của tội lỗi vẫn còn, nhưng chúng không còn làm chủ tôi nữa. Trước Chúa tôi đứng đó với ý thức phận người tội lội của mình, của một Linh Mục, và tôi đồng ý đón nhận tất cả những gì Chúa muốn nơi tôi trong tòa giải tội. Lúc này, cái chờ và cái lâu kia không còn là sức nặng trì kéo tôi nữa, chúng trở thành một cơ hội để tôi hối lỗi cho thật lòng mình. Và rồi giờ của tôi cũng đã đến, bước vào tòa giải tội, không chần chờ tôi nói rõ ràng tôi là Linh Mục, và tôi xưng thú ngay tội lỗi đang núp kỹ và đang như muốn trốn tránh trong góc tối của căn nhà tôi.

 

Sau khi lắng nghe lời khuyên nhủ và tha tội của Linh Mục, một người anh em, lòng tôi trở nên hoàn toàn khác hẳn. Lúc đó giống như lúc Chúa nói với anh phong hủi “Tôi muốn anh sạch đi.” Cái sạch đem lại niềm vui sâu thẳm. Thật vậy, niềm vui khi thấy Chúa tìm thấy anh chị em và vác anh chị em lên vai để đưa về đã lớn rồi, nhưng giờ đây niềm vui đó đối với tôi lớn hơn, vì tôi là người trong cuộc, một Linh Mục lạc bước, cảm được niềm hạnh phúc được Chúa thứ tha, được Chúa tìm thấy và đưa về, được Chúa cho sống lại và được ăn mừng như thế nào. Cảm tạ Chúa biết bao, tri ân Chúa dường nào.

 

Bước ra khỏi tòa giải tội, sao bình an và nhẹ nhàng đến thế! Vâng, lạy Chúa, chỉ mong Ngài xóa đi tất cả những gì ràng buộc con, chỉ xin Ngài xóa đi tất cả những gì con đang chiếm hữu cho chính mình, chiếm hữu anh chị em làm của riêng, chiếm hữu lời khen ngợi, chiếm hữu quyền lực, chiếm hữu tiền tài và của cải, chiếm hữu cả chức vị thánh thiêng này để làm lợi ích cho riêng mình.

Với tất cả lòng khiêm nhường tôi cầu xin Chúa như vâỵ.

 

Qua đó tôi lại khấn xin:

 

Để con được ngước lên,

con tìm được Ngài là chân lý,

con được cùng với Chúa đồng hành luôn.”

 

Giờ đây, ơn chữa lành Chúa ban trong bí tích hòa giải đã giúp tôi có thể ngẩng cao đầu. Vâng, tôi không còn phải mắc cở và mặc cảm về thân phận của tôi nữa, vì phong hủi đã về lại chỗ của nó, và trả lại cho tôi sự trong sạch của ngày đầu tiên. Và tôi không còn phải cúi gằm mặt nhìn đất thấp  hèn hạ nữa, vì như người phụ nữ bị quỷ ám làm cho còng lưng 18 năm, đã được đôi mắt của Chúa Giê-su nhìn đến, kêu bà lại và chữa lành cho bà, trả lại cho bà sự tự do, cho bà có khả năng đứng thẳng lên (x. Lc 13, 10-17), thì giờ đây Chúa cũng cho tôi đứng thẳng lên.

 

Thật vậy, đôi mắt Chúa dõi nhìn tôi, mà tôi lại không đáp lại và hướng mắt nhìn Ngài, chỉ vì cái lưng còng đè nặng thân tôi, thì Ngài không thể chấp nhận được. Vì thế, Ngài muốn tôi giờ đây phải đứng thẳng lên. Vâng, tôi phải trở về lại tư thế thẳng của ngày Chúa thánh hiến tôi, để giờ đây đầy tớ bất hèn ngước lên nhìn Chúa từ nhân, ngước lên dõi mắt đi tìm chân lý của đời người, chân lý đó chính là Ngài, Đấng yêu tôi. Và khi có chân lý trong lòng và trong đời mình, tôi vui tươi bước đi, vì từ đây tôi được Chúa đồng hành luôn.

 

Vì thế, tôi không còn phải sợ gì, vì

 

“khi tôi có băng qua nước, Chúa sẽ ở cùng tôi,

tôi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn;

tôi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì,

ngọn lửa không thiêu rụi tôi được.

Vâng, tôi không còn phải hãi sợ,

vì Chúa luôn ở cùng tôi.

(theo Is 43, 2 và 5).”

 

Được đi bên Chúa lòng tôi an vui. Nhưng vì ý thức sự yếu đuối của mình và tính dễ vỡ của bản thân người Linh Mục, mỗi ngày tôi lại tha thiết xin Ngài:

 

“Chỉ mong Ngài cất đi,

mong chẳng còn gì để nắm giữ,

mong chẳng còn gì mà tự tôn.”

 

Lời cầu nguyện này vang lên đã đưa tôi trở về với một kinh nghiệm mới. Trong một dịp đi giúp tĩnh tâm tôi đã dọn bài kỹ lưỡng, và khi vào khóa tĩnh tâm tôi hăng say giảng, cách nghĩa và gợi ý Lời Chúa cho anh chị em cầu nguyện. Khi khóa tĩnh tâm kết thúc, một số người đã thích thú về những gì họ nghe. Trong nhóm đó có một người quen thân, nên tôi mạnh dạn hỏi cô cảm thấy thế nào? Thú thật rằng trong câu hỏi đó, tôi chờ đợi cô ấy sẽ khen ngợi tôi, vì tôi tự nghĩ rằng tôi giảng hay và trong lời giảng của tôi chứa đựng nhiều điều khôn ngoan.

 

Đáp lời tôi cô nói, tất cả những gì tôi nói và giảng đều do sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngài là Đấng khôn ngoan và Ngài biết mỗi người đang cần gì. Tôi nghe cô nói mà ngỡ người ra. Một chút bất ngờ, một chút buồn buồn, vì câu trả lời không đúng theo điều mình chờ đợi. Nhưng suy đi nghĩ lại thì tôi đã thấy cô ấy nói hoàn toàn đúng. Vì thế, tôi đã chân thành cám ơn cô. Thật vậy, làm sao tôi, một đầy tớ bất xứng đầy giới hạn, có thể giảng về Lời Chúa, nếu Thánh Thần Chúa không hoạt động và soi sáng cùng hướng dẫn tôi, làm sao tôi có thể chia sẻ và đồng hành với anh chị em, nếu Thánh Thần Chúa không ban ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh cho tôi. Vì thế, tất cả những gì tôi có đều là do bởi Chúa Thánh Thần, tôi có gì đâu để mà tự tôn.

 

Nên lạy Chúa, xin Ngài cất đi tất cả những cao ngạo, những kiêu căng tự đắc, những cảm giác làm cho con, một Linh Mục bất xứng và tội lỗi, coi mình hơn anh chị em. Tất cả những gì con học hỏi được trong những năm thần học và triết học, tất cả những gì nhà Dòng yêu thương và ban tặng cho con, tất cả những gì mà bao người thân yêu và anh chị em giáo dân cho con, đều là những món quà của tình yêu thật thanh cao, một tình yêu mong muốn con không vênh vang tự đắc, một tình yêu mong chờ con khiêm nhu và hiền hậu.

 

Vì thế, xin cho con ý thức để học nơi Thầy Chí Thánh lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11, 29). Xin cho con mặc lấy tâm tình của Thầy Giê-su, tâm tình trút bỏ mọi vinh quang, tâm tình tự hạ mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân (x. Ph 2, 6-8), để phục vụ và yêu thương, yêu thương đến nỗi hy sinh chính bản thân mình cho bạn hữu của mình (x. Ga 15, 13).

Yêu, đó là điều mà tôi, một đầy tớ bất xứng của Chúa, cần phải tập sống mỗi ngày.

 

Vì thế, tôi khẩn khoản nài xin Ngài:

 

“Để con chỉ biết yêu,

Yêu một mình Ngài trọn đời của con,

Con nhìn nhận Chúa chình nguồn tình yêu.” 

 

Yêu, từ ngữ thuộc về đời người. Ngay từ đầu con người đã được tạo dựng trong tình yêu, và tình yêu đó đồng hành với con người trên từng chặng đường con người bước đi, bước nặng nhọc cũng như bước nhẹ nhàng, bước vất vả cũng như bước thảnh thơi. Và tình yêu không bao giờ tách rời con người. Nếu tình yêu chia tay với con người thì đời người sẽ trở nên vô nghĩa. Khi tình yêu hiện diện ở bên, đời người sẽ tìm thấy hạnh phúc. Vì thế, ai làm người đều cần phải học chữ yêu, để yêu và để biết đón nhận tình yêu. Đức Kitô, Linh Mục thượng phẩm bước vào cuộc đời này và Ngài đã làm cho chữ yêu thăng hoa và đạt tới cao điểm của nó.

 

Cái cao điểm nằm ở hiến dâng thân mình, cái cao điểm được gạch dưới bởi tính hy sinh cách nhưng không và vô điều kiện cho người mình yêu. Vâng, hy sinh đến nỗi dám chết đi chính mình. Và cái cao điểm được đóng ấn bởi ước ao thật đơn sơ nhưng rất mãnh liệt: “Chỉ mong sao cho người tôi yêu được hạnh phúc và bình an”, như một câu ngạn ngữ của Đức: “Hạnh phúc của bạn chính là điều tôi mong muốn”.

 

Sau khi sống lại và trước khi về trời, Chúa đã hỏi Phê-rô đến ba lần, anh có yêu mến thầy không? Và anh có yêu mến thầy hơn những anh em này không? Ba lần xác định tình yêu của Phê-rô giành cho Thầy đang phải đối diện với ba lần bội phản và chối thầy của Phê-rô trước đó. Thú vị thật. Phê-rô đã trả lời thế nào? “Thầy biết con yêu mến thầy mà”. Và sau mỗi lần đó Chúa Giê-su đều lên tiếng trao sứ vụ cho Phê-rô. Và tiếp đến Ngài đã nói với Phê-rô rằng: “Hãy theo Thầy” (x.Ga 21, 15-19).

 

Bước chân đời Phê-rô ngày xưa và bước chân của tôi, một đầy tớ tội lỗi, chỉ có thể theo bước Giê-su, khi mỗi bước chân đều để lại dấu ấn của tình yêu. Và điều đặc biệt trên hết là tình yêu giành cho Giê-su.

 

Vì thế, lạy Chúa, xin cho cả cuộc đời của đầy tớ bất xứng nhỏ bè và tội lỗi này luôn ý thức mỗi giây phút của đời Linh Mục được biết ở lại trong tình yêu của Chúa, như chúa mời gọi, và như cành nho luôn gắn liền với thân nho là chính Chúa,. Để nhờ đó mỗi bước chân con đi, mỗi trao tay con giang ra, mỗi lời nói con thốt lên, mỗi cách hành xử con tỏ ra, mỗi ánh mắt con trao đi và mỗi suy nghĩ con suy tưởng đều tìm thấy nhịp đập của con tim tình yêu của Chúa. Và khi con tim của con tìm thấy con tim Chúa (Karl Rahner), thì lúc đó con có thể nói rằng: “Con sống nhưng không còn là con sống, mà là chính Đức Kitô sống ở trong con.” (Gl 2, 20a).

 

Để kết thúc vài hàng chia sẻ này, tôi xin được dùng lời kinh của Thánh I-Nhã để dâng lên Chúa như là lời cầu nguyện khao khát dâng lên Chúa mỗi ngay của tôi, một Linh Mục bất xứng, đơn hèn và tội lỗi của Chúa:

 

Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ,

trí hiểu và trọn cả lòng muốn của con, 

tất cả những gì con có và sở hữu. 

 

Chúa đã ban cho con mọi sự đó,

lạy Chúa, con xin hoàn lại Chúa. 

Tất cả là của Chúa,  

xin Chúa hãy sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Xin Chúa ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng của Chúa, 

vì con được ân sủng này là đủ

 

(LT. 234).

 

(Trích từ “Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ., Bước nhìn lại. NXB. Hồng Đức. 2014. Trang 380-397).

Kiểm tra tương tự

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Các tham dự viên Thượng Hội đồng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ gì?

  Trong khi Chúa Thánh Thần nói trực tiếp vào tâm hồn mà không cần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *