Xuân vui bước Tin Mừng đến vùng ngoại biên

Ảnh minh hoạ

Vùng ngoại biên, rất xa mà cũng thật gần.

Đó là vùng đất của những cảnh đời cách xa ta về ngôn ngữ, lối sống.

Khoảng cách giữa quyền lực, giầu sang với nghèo hèn, trơ trụi.

Thế nhưng trong quyền năng của Thiên Chúa giầu lòng thương xót thì đã mấy ai hơn ai:  có những cảnh đời thoạt nhìn không bình thường lại trở thành phi thường; ngươc lại, những cảnh đời cao sang lại tầm thường hèn hạ.

Bạn hãy thử cùng tôi theo chân một chàng trai trẻ được sai đến làm quen với cảnh đời của một xóm nghèo. Anh được gửi vào trong một mái nhà chỉ có 2 mẹ con,  trúng ngày em bé bệnh nặng phải đưa đi bệnh viện.

Hấp dẫn đấy, ngay khoảnh khắc đầu tiên, anh toàn quyền làm chủ ngôi nhà xa lạ. Trong cái không gian thinh lặng của cảnh nghèo, anh đưa mắt ngó trước nhìn sau: Chẳng có gì ngoài mấy bao thóc và nửa thùng gạo. May mắn có cơm ăn nhưng món canh chiều nay chỉ là gáo nước lạnh với muối trắng. Thói quen no đủ đã làm anh cứ liên tưởng tới đồ ăn chứ mấy cháu bé trong làng cơm chan nước là chuyện thường hằng: Trong nhà chỉ cần có nồi cơm nấu sẵn, đói lúc nào thì thò tay bốc, ăn vậy mà vẫn mập mạnh mới lạ đời chứ.

Thực tế đối với một chàng trai thành phố thì làm sao có thể hòa nhập vào được cảnh này. Anh muốn đánh bài chuồn! Không hẳn là khổ qúa, nhưng trong căn nhà vắng vẻ, anh thấy lẻ loi, đi tới đi lui mà chẳng biết làm gì.

Trong cái khó đã ló cái khôn. Giữa khoảng không thinh lặng của căn nhà đã trở thành hoang vắng trước mắt anh, khuôn mặt của Con Thiên Chúa làm người thấp thoáng đâu đây, nhắc anh nhớ mình đang có mặt giữa những con người như bị bỏ rơi: “Anh cũng muốn bỏ đi sao?”.

Dễ lắm, việc của anh nơi đây không phải làm gì mà là làm quen. Nhưng trước tiên hết anh phải  biết mình là ai. Anh đã quen với cuộc sống nề nếp, mỗi thứ có chỗ của nó. Nay gặp cảnh nhà cửa nhếch nhác, nước cống rãnh tràn lan khắp nơi, trong khi lũ trẻ cứ hồn nhiên chơi đùa lăn lóc trên con đường đầy đất bụi. Biết làm gì bây giờ?

Chuyện trước mắt là anh bạn trẻ của chúng ta phải làm quen với cái đói, vì gạo có đó nhưng không quen bếp củi. Tức cười thật, nói ra xấu hổ lắm vì nỗi bận tâm của anh bây giờ là cái bụng… Cuối cùng, anh đánh bạo lân la qua nhà hàng xóm xin ăn. Anh không biết đó thôi, chứ người nghèo tiếc gì bữa ăn. Ngược lại, bà con nơi đây ân cần lắm, cho ăn và trò chuyện vui vẻ. Nhờ vậy anh thấu hiểu và dễ dàng đi vào cảnh sống của bà con.

Hôm sau, anh có thể kiếm được chút đồ ăn qua ngày và lối xóm tới lui cũng giúp thêm cái ăn. Thế nhưng anh vẫn quay quắt không biết phải làm gì.

Sang ngày thứ ba thì cô chủ nhà về, ngôi nhà trở nên ấm áp hơn vì được “ăn cơm mẹ nấu”.  Cuộc sống cũng vui hơn vì có thể theo mọi người đi rẫy dọn cỏ, và đi thăm khắp xóm, bọn trẻ quen dần cũng tới chơi nhiều hơn. Vui nhất là mỗi chiều ngồi bên hiên nhà giữa bà con nghe đủ thứ chuyện, từ chuyện cưới hỏi cho tới phong tục tập quán cũng như kỷ cương của làng, rồi chuyện làm ăn sinh sống hằng ngày, và đặc biệt chuyện những ngày đầu dắt nhau tới nhà thờ xin vào đạo, những ngày Chúa nhật cùng nhau đi tham dự thánh lễ…

Những câu chuyện đưa người bạn trẻ lội ngược dòng thời gian, bước vào một vùng đất chứa đầy những khuôn mặt và những tấm lòng của những con người đã từng sinh ra và lớn lên trong xóm nhỏ này: Bình dị và chân thành đến ngạc nhiên, làm cho người bạn trẻ ngay từ những ngày đầu đã mến thương đất này như nhà mình.

Những con ngõ  đầy nước từ cống rãnh, bầy em bé chơi dỡn lăn lộn trên mặt đường lấm lem. Đó là những hình ảnh anh bắt gặp ngày đầu làm anh ngại không muốn gần, thì nay đã trở thành thiết thân. Lạ thật, cũng những con người đó, cùng với những con đường mòn, nhưng nay anh thấy mến thương quá. Anh đã bắt gặp nhiều khuôn mặt cùng với một khuôn mặt, đúng hơn, nhiều khuôn mặt phản ánh cùng một khuôn mặt: Đó là khuôn mặt của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta. Anh đang ở giữa một vùng đất với những cảnh đời như bị lãng quên, nơi đã từng là xóm đạo, trước kia mỗi Chúa nhật bà con dắt dìu nhau tới nhà thờ, nay thì nhà thờ vắng bóng họ, nhưng Thiên Chúa vẫn chưa bao giờ rời bỏ họ.

Vì thế khi biết anh là những người được cha xứ gửi đến, mọi người đã xin anh dạy kinh cho các cháu nhỏ, tổ chức giờ kinh trong gia đình. Thế là từ việc làm quen, anh đã có việc của riêng mình để góp phần gây dựng lại đời sống đạo.

Từ nay, để chơi với bọn trẻ, anh không còn phải đứng gọi và tìm kiếm, nhưng hễ các trẻ em thấy  bóng anh về nhà là chạy tới. Có gì hấp dẫn bọn nhỏ đến vậy: các em tới, không chỉ là để chơi, mà là để học kinh và nghe kể chuyện Giê-su. Hình ảnh về một hài nhi đã sinh ra giữa đàn súc vật, đã lớn lên giữa xóm nghèo Nagiaret,  sao mà giống cảnh đời của các em thế! Cũng những chén cơm đơn nghèo được mẹ nấu, cũng những đồng tiền ít ỏi của nghề mộc. Thế nhưng, mẹ cha nuôi nấng và chăm sóc con lớn lên không chỉ bằng công sức của đôi tay, nhưng là cả tấm lòng, để Hài Nhi “hay ăn chòng lớn”,  khôn ngoan và đức hạnh.

Chuyện về Giê-su  những năm tháng ấu thơ và cuộc sống của các em nhỏ trong xóm nghèo hôm nay có khác lạ và xa cách chi đâu, vì Con Thiên Chúa làm người vẫn đang ở giữa chúng ta, các em có thể vui chơi sinh hoạt với Giê-su, cùng với Giêsu biến đổi xóm nhỏ thành vùng đất đầy tràn ân nghĩa. Từ nay, mỗi lần họp nhau không chỉ học kinh, mà còn chung tay dọn dẹp nhà cửa xóm ngõ, để không còn những đường nước cống rãnh chảy ngang đường cùng với rác rưởi bừa bãi. Tuyệt vời chưa! Xóm nhỏ tươi màu từ bàn tay của các em nhỏ!

Bầu khí trong các gia đình cũng rộn rã vui tươi, không còn cảnh im lìm hay tiếng cãi cọ vọng ra giữa đêm trường lạnh lẽo, mà là tiếng cầu kinh vang lên, nay nhà này mai nhà khác. Đã lâu lắm rồi mới lại thấy được cảnh này.

Hơn chục năm trước, vào buổi đầu mới tin theo Chúa, bà con đi lễ mỗi Chúa nhật, rồi sau đó bỏ dần. Có gì ngăn cản bước chân bà con đâu! Chỉ là chuyện khoảng  cách, chuyện bất đồng về ngôn ngữ và cảnh sống gây cảm giác lạc lõng…

Thật vậy, mỗi lần đi tham dự thánh lễ, bà con chỉ là một nhóm co cụm, đã vậy còn không thuộc kinh. Phụng vụ Lời Chúa với bài giảng bà con cũng chả hiểu là bao… Nhập cuộc kiểu đó khác gì ngoài cuộc.

Tuy nhiên, niềm tin vào Thiên Chúa vẫn không nhạt phai. Đúng hơn, Thiên Chúa vẫn chưa bao giờ rời bỏ họ, Người vẫn có đó, trong mọi cảnh đời.

Ẩn sâu trong đời sống của những con người nơi đây là hạt giống đức tin, là tiếng gọi Cha ơi, Abba, thầm lặng, thầm lặng như chính đời sống hằng ngày của họ.

Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.

,

Kiểm tra tương tự

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …