Kitô hữu là người yêu thương kẻ thù ?

Tựa đề của bài viết là một câu hỏi. Câu hỏi mở ra cho bạn và tôi những phản ứng cùng suy tư và câu hỏi cũng làm nảy sinh những câu hỏi khác:

 

  • Bạn sẽ trả lời thế nào về câu hỏi này, đồng ý hay không đồng ý và tại sao bạn lại trả lời như vậy?
  • Yêu kẻ thù có còn hợp với thời đại và xã hội “trí tuệ nhân tạo” của chúng ta hôm nay nữa không?
  • Yêu kẻ thù là điều chỉ dành cho những người yếu đuối, nhu nhược và nông cạn?
  • Yêu kẻ thù có phải là một điều gì nằm trong thế giới hoàn hảo (Utopie), và giới răn này là một sự đòi hỏi vượt sức con người?
  • Yêu kẻ thù có thật là điều cần có trong đời sống Đức Tin không?
  • Yêu kẻ thù là giới răn nền tảng Chúa dạy, nhưng tại sao Chúa Giêsu nhấn mạnh đến giới răn này và Chúa đã sống giới răn này trong hành trình dương thế ra sao?

 

Còn nhiều và nhiều câu hỏi về vấn nạn yêu kẻ thù. Không ai bắt ai khác phải trả lời tất cả và có lẽ cũng chẳng có ai trả lời được tường tận và làm hài lòng tất cả.

 

Trong suy tư đơn sơ dưới đây, chỉ xin chia sẻ vài nét về tinh thần yêu thương kẻ thù mà Chúa Giêsu dạy. Xin được bắt đầu với câu chuyện ngắn:

 

Một thanh niên trong làng bị lăng mạ cách thậm tệ. Anh vội vàng đến mục sư kể cho ông nghe và muốn đi trả thù ngay.

– Tốt hơn, con nên về nhà.

– Nhưng con bị nhục mạ.

– Vậy thì con càng nên về nhà ngay lúc này. Sự nhục mạ cũng giống như bùn.

– Đúng thế. Con sẽ làm sạch nó.

– Này con, có một điều con có thể học hỏi tốt ngay bây giờ và sau này: Bùn được gạt sạch dễ dàng khi nó khô.

 

Câu chuyện trên nêu bật tinh thần nền tảng trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu để lại cho mọi người tin vào Ngài: Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5,44).

 

Trước hết Chúa Giêsu đề cập đến luật xưa được viết trong sách Lêvi: Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA” (19,18). Như thế, yêu đồng loại theo tinh thần này trước hết là yêu thương những người cùng có niềm tin, những người cùng sống giao ước với Thiên Chúa, nghĩa là yêu thương những người ở trong cộng đồng niềm tin. Tiếp đến, tinh thần tình yêu này cũng được hướng đến những người ở bên ngoài đến với cộng đồng niềm tin.

 

Ngoài ra, luật này cũng nhắc nhớ rõ rệt là không được trả thù. Như thế, một cách nào đó Chúa đã nối kết luật này, và Ngài đã “kiện toàn” hơn nữa, bằng cách Ngài đưa luật yêu thương kẻ thù vào tinh thần sống dành cho người môn đệ và tín hữu: Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

 

Nhưng “kẻ thù” Chúa nhắc đến ở đây là ai và ta nên hiểu thế nào?

Về từ ngữ “kẻ thù”, trong mạch văn “kẻ thù” trước hết là kẻ ngược đãi, là những người đối xử cách bất nhân và làm tổn thương đến người khác. Trong ý nghĩa tôn giáo, là kẻ thù chống lại niềm tin của người tín hữu, người sỉ nhục, vu khống và bịa đặt mọi điều nói xấu và hãm hại các môn đệ của Chúa, cũng như kẻ thù chống lại Ki-tô giáo.

 

Trước những kẻ thù như vậy, theo thói thường thì chúng ta phản ứng lại với “ghét kẻ thù”, còn Chúa Giê-su lại nói “hãy yêu kẻ thù” như Cha trên trời là mẫu gương: “Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.

 

Như thế, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “cầu nguyện và yêu thương” kẻ thù. Hai hành động này đều phát xuất từ trái tim, từ sâu thẳm của tâm hồn và tràn ra bên ngoài, bao trùm toàn bộ cuộc sống con người.

Thật vậy, yêu thương kẻ thù là chóp đỉnh của cuộc sống người Ki-tô hữu. “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5,44). Chúa mời gọi mọi người thực thi và sống giới răn yêu thương kẻ thù cách triệt để. Điều này không chỉ mời gọi người môn đệ phải công chính hơn các người Pha-ri-sêu và các kinh sư, mà điều này tương hợp với lời mà Chúa mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

 

Chính Chúa Giê-su đã sống lời mời gọi của Ngài, khi Chúa cầu xin Thiên Chúa trên trời tha cho các người hành quyết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thật vậy, lời của Chúa Giê-su trên thánh giá là lời sống. Lời sống được nói từ Thánh Giá cho ta thấy một cách thật ngỡ ngàng tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu. Trước khi suy niệm về lời sống này của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, tinh thần yêu thương kẻ thù là một đòi hỏi khó khăn nhất mà Chúa Giê-su trao lại cho chúng ta.

 

Tuy nhiên tinh thần yêu thương kẻ thù lại là điều răn trung tâm nhất của Ki-tô giáo. Điều răn này được cấy rễ trong chiều sâu nhất của Giáo Lý Ki-tô giáo, và vì thế tinh thần này trở thành nét đặc biệt trong cách sống của người Ki-tô hữu. Theo ý kiến của các Giáo Phụ, thì giới răn yêu thương kẻ thù là một nét mới và đặc sắc của Ki-tô giáo đối với Cựu Ước và các triết lý ngoại giáo. Trong thư thứ hai của Clemen có nói: Ai không yêu thương kẻ thù của mình, thì người đó không phải là Ki-tô hữu. Giáo Phụ Tertullian gọi giới răn yêu kẻ thù là giới răn nền tảng, và đối với Chrystosomos thì yêu kẻ thù là tóm tắt toàn bộ các nhân đức.[1]

 

Nhưng dù vậy, thì việc yêu kẻ thù vẫn là một đòi hỏi rất khó thực hiện đối với tất cả mọi người. Đó là một lý tưởng mà ít người có thể đạt tới. Vì thế, mà một số người đã đặt ra vấn nạn, giới răn yêu thương kẻ thù có thực tế không? Giới răn yêu thương kẻ thù này có phải là một điều gì nằm trong thế giới hoàn hảo (Utopie), và giới răn này là một sự đòi hỏi vượt sức con người không?

Làm sao mà người mẹ có đứa con bị giết lại có thể yêu thương kẻ giết con của mình? Bà có thể tha thứ cho kẻ đó không? Chúng ta sẽ đi về đâu, nếu chúng ta không chống lại sự dữ; chúng ta sẽ đi về đâu, nếu chúng ta tha thứ cho kẻ thù thay vì chúng ta đòi hỏi một sự công bằng?

Heinrich Heine, Friedrich Nietzsche, Sigmund Freud và những người khác đã đặt ra những câu hỏi mang tính cách phê bình trên. Với Freud, thì giới răn yêu thương kẻ thù là một loại trong Credo quia absurdum est, nghĩa là là một điều vô nghĩa trong những thứ vô nghĩa.[2]

 

Kasper đã đặt lại vấn nạn chúng ta sẽ đi về đâu, khi chúng ta không nhân từ và không tha thứ, nếu chúng ta trả thù kẻ gây ra những bất hạnh cho chúng ta, bằng hành động xấu xa chúng ta – Mắt đền mắt, răng đền răng.

Với Kasper, khi nhìn những kinh nghiệm thật đau thương và ghê gớm của những hành động trả thù trong thế kỷ thứ 20, thì giới răn yêu thương cần được cập nhất hoá trở lại, và lòng thương xót nhân từ và tha thứ cần được mọi người nhắc đến như là những hành động khôn ngoan nhất. Chỉ có những ai vượt trên những nấm mồ cũ kỹ, và sẵn sàng đưa tay để bắt tay người khác, để xin được thứ tha, cũng như để sẵn sàng tha thứ, thì những xung đột gây ra nhiều đau thương và làm cho bao dòng máu phải chảy được đặt lại trên bàn để đi tìm hướng giải quyết.

 

Như thế, một tiến trình chữa lành cho biết bao vết thương gây khổ đau sẽ được bắt đầu. Tiến trình chữa lành này sẽ xuyên suốt qua cái vòng lẩn quẩn của bạo lực và dùng bạo lực để chống lại bạo lực, và cũng xuyên qua cái vòng tròn không lối thoát của tội ác và trả thù. Nói như thế, không phải là chúng ta sẽ giấu nhẹm hay quên khuấy những bất công, những hành động bất nhân. Thật vậy, chúng ta không được phép cất chúng vào trong những ngăn tủ bàn. Chúng ta cần phải thành thật với nhau, đặt những hành động bất nhân và bất công trên bàn, và chúng ta cần phải thú nhận tội lỗi mà chúng ta gây ra với tất cả sự hối lỗi xin thứ tha, cũng như chúng ta mở rộng lòng khoan nhân để tha thứ, để cùng hướng tới một tương lai mới hơn và tốt hơn. Có như thế, thì tinh thần tha thứ sẽ đến, tinh thần này sẽ tẩy trừ nọc độc của thù hận, và làm cho tương quan của chúng ta không còn vướng mắc hai từ ngữ kẻ thù. Như vậy, một sự khởi đầu mới sẽ lên đường, và một tương lai mới của chúng ta sẽ tìm thấy lối đi. Trong tinh thần này, thì giới răn yêu thương kẻ thù không còn là một thứ của credo quia absurdum est nữa, mà là một kiểu của credo quia rationabile est, nghĩa là giới răn yêu thương kẻ thù là một kiểu hành động của lý trí đầy khôn ngoan.[3]

Trong tinh thần của Phật Giáo, cũng nhắc tới lòng từ bi đối với kẻ thù. Trong cuốn Bát Chánh Đạo, con đường đưa đến hạnh phúc, Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana viết: “Lòng Từ Bi Đối Với Kẻ Thù. Có người sẽ tự hỏi làm sao mà họ có thể từ bi đối với kẻ thù. Làm sao mà họ có thể nói một cách chân thật, ‘Cầu cho kẻ thù của tôi được hạnh phúc, bình an, sức khỏe. Cầu cho họ không bị những khó khăn hay hoạn nạn’. Câu hỏi này phát khởi từ sự suy nghĩ sai lầm. Người với tâm đầy phiền não có thể cư xử, hành động xúc phạm hay làm hại đến ta. Do đó, ta coi họ là kẻ thù. Nhưng thực sự ra không có ai là kẻ thù của ta cả. Chỉ có trạng thái tâm tiêu cực của người đó gây ra vấn đề cho ta. Chánh niệm giúp chúng ta thấy rằng các trạng thái tâm không thường hằng. Chúng chỉ tạm bợ, có thể sửa đổi, có thể biến chuyển. Cách tốt nhất để ta được an vui, hạnh phúc là giúp kẻ thù của mình giải quyết các vấn đề của họ. Nếu tất cả các kẻ thù của ta đều được giải thoát khỏi khổ đau, bất mãn, sân hận, nghi ngờ, căng thẳng, bực tức, thì họ không có lý do gì để làm kẻ thù của ta cả. Một khi đã không còn những khổ đau, thì kẻ thù cũng giống như bao người khác – một chúng sinh tuyệt vời…Nếu tâm không trong sạch, thì hành động theo sau tâm ý đó sẽ không trong sạch và tai hại. Điều ngược lại cũng đúng. Như Đức Phật đã dạy chúng ta, ý nghĩ trong sạch về từ bi, tình thương thì mạnh mẽ hơn hận thù, mãnh liệt hơn vũ khí. Vũ khí tàn phá. Nhưng tình thương giúp con người sống trong hòa bình và hòa hợp. Vậy bạn thử nghĩ điều gì sẽ mạnh mẽ hơn và sẽ tồn tại lâu hơn?”[4]

 

Để có thể thực thi lòng từ bi đối với kẻ thù, với tinh thần của Phật Giáo, cần phải từ bỏ hận thù. “Rào cản lớn nhất đối với lòng từ bi là sân hận. Khi lòng ta tràn đầy sân hận, thì tâm không còn chỗ cho tình cảm thương yêu đối với bản thân hay đối với người khác, không còn chỗ cho hòa bình hay tự tại. Mỗi người phản ứng với sân hận theo cách riêng của mình. Người thì cố gắng để bào chữa cho các cơn giận của mình bằng cách tự nhủ, ‘Tôi có quyền được giận.’ Người khác thì chấp vào sự giận hờn của họ một thời gian dài, đôi khi hàng tháng hay hàng năm. Họ cảm thấy rằng sự sân hận đó khiến họ rất đặc biệt, rất nguyên tắc. Cũng có người lại biểu lộ lòng hận thù ra ngoài bằng những hành động chống báng lại kẻ mà họ giận ghét. Không cần biết cách bạn thể hiện lòng sân hận như thế nào, bạn có thể chắc chắn về một điều: tâm sân hận rút lại làm hại bạn nhiều hơn là nó hại người bạn giận.

 

Bạn có để ý mình cảm thấy thế nào khi giận dữ không? Bạn có cảm nhận được sự căng thẳng, khó chịu trong lồng ngực, bụng nóng bừng, mắt mờ đi không? Có phải là đầu óc bạn trở nên tối tăm, lời nói trở nên cộc cằn, khó nghe hơn không? Các bác sĩ bảo rằng thường xuyên biểu lộ sân hận mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta – máu cao, ác mộng, mất ngủ, đau dạ dày, hay ngay cả đau tim. Lòng sân hận cũng nguy hại cho tâm không kém. Nói một cách thẳng thắng là sân hận khiến thân tâm ta rất khổ sở.

 

Sân hận cũng làm rạn nứt các mối liên hệ tương quan với người. Bạn thường tránh gặp người bạn đang giận, có đúng không? Ngược lại cũng thế, khi biết bạn giận, người kia cũng tránh bạn. Không ai muốn quan hệ với người đang trong cơn nóng giận. Người tràn đầy sân hận có thể rất vô lý, nhiều khi còn nguy hiểm nữa.

 

Hơn thế nữa, sân hận thường không tác hại nhiều đến người bị giận. Trong nhiều trường hợp, ta nóng giận với người đã xúc phạm ta, nhưng họ không hề hay biết, nên không ảnh hưởng gì đến họ cả. Ngược lại, chính ta là người phải đỏ mặt, phải lớn tiếng và tạo ra một cảnh tượng khó coi, khiến ta cảm thấy rất khổ sở. Kẻ kình địch còn có thể diễu cợt sự giận dữ của ta…

 

Rõ ràng là sân hận có thể làm hại bản thân ta, vậy ta phải đối phó với nó như thế nào? Làm sao ta có thể buông bỏ sân hận và thay thế nó bằng tâm từ bi, tình thương yêu? Để đối phó với sân hận, trước hết chúng ta phải quyết định tự kiềm chế không hành động theo bản năng sân hận… Một phương cách khác để đối trị với sân hận là quan sát kết quả của nó. Chúng ta biết rất rõ rằng khi giận dữ, ta không thể thấy sự thật một cách rõ ràng. Do đó, chúng ta có thể phạm vào những hành vi bất thiện… Cách đối trị tốt nhất đối với sân hận là lòng kiên nhẫn. Kiên nhẫn không có nghĩa là để cho người khác lấn lướt ta. Kiên nhẫn có nghĩa là dùng chánh niệm để kéo dài thời gian, để ta có thể hành động một cách đúng đắn. Khi phản ứng lại với sự khiêu khích bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ nói lên được chân lý vào đúng thời điểm và dùng ngôn từ chính xác…”.[5]

 

Đó tinh thần của Phật Giáo, trở về lại với giới răn yêu kẻ thù mà Chúa Giê-su dạy, người Ki-tô hữu luôn có hình ảnh của Chúa Giê-su trước mắt, như là mẫu gương sống tinh thần này cách triệt để. Trên thánh giá, Chúa đã cầu nguyện với Cha trên trời: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Đó là lời đầu tiên trên Thánh Giá Chúa Giê-su nói. Lời này ở trong bối cảnh quân lính dẫn Chúa Giê-su tới Đồi Sọ, và chúng đóng đinh Ngài vào Thánh Giá. Với Ngài cũng có hai tên gian phi cùng bị đóng đinh, một tên bên trái và một tên bên phải (x.Lc 23,33-34). Sự kiện này được cả bốn Tin Mừng thuật lại.

 

Tuy nhiên, chỉ có Lu-ca nhắc đến câu nói của Chúa Giê-su Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm. Đồi Sọ gợi lên một đồi trọc, không cây cối. Nơi hành hình được định vị ngoài thành thánh. Vùng đất thánh được bao bọc chung quanh, là một khu vực thánh không được xác nạn nhân làm ô uế. Nhưng nơi hành hình này gần cửa thành Giê-ru-sa-lem, vì chính quyền muốn những khách bộ hành trông thấy những nạn nhân hấp hối để răn đe. Như thế, chúng ta có trước mắt một khung cảnh là Đồi Sọ. Chúa Giê-su chẳng có tội tình gì, lại bị đóng đinh giữa hai tên gian phi, hai tội nhân bị kết án tử. Điều này diễn tả về sự nhục nhã hết sức mà Chúa Giê-su phải chịu, nhưng đó là số phận của người tôi trung“đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Nếu chúng ta lắng nghe cả bài thương khó của Lu-ca, sẽ thấy Chúa đã nhắc lại sấm ngôn này cho các môn đệ, khi ở trên đường từ Bữa Tiệc Ly đến vườn Ô-liu: “Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Thánh Kinh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất” (Lc 22,37).

 

Chúa Giê-su bị liệt vào hàng phạm pháp. Nhưng tội gì? Không ai tìm thấy tội tình gì nơi Ngài để kết án được. Chính Phi-la-tô đã lên tiếng tất cả ba lần về sự vô tội của Chúa Giê-su trong Phúc Âm thánh Lu-ca. Lần thứ nhất: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23,4). Lần thứ hai: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo” (Lc 23,14). Và lần thứ ba: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra” (Lc 23,22). Dân chúng có đồng ý với Phi-la-tô để thả Chúa Giê-su không? Tin Mừng đã cho chúng ta thấy lòng hiểm độc của dân chúng, đến nỗi cuối cùng Phi-la-tô phải lên tiếng: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27,24), và sau đó thì sao? “Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,25).

 

Thật là dã man và bất nhân biết bao. Thay vì thả Chúa, một người vô tội và là một Ráp-bi tốt lành, thì dân chúng lại tha thứ cho một kẻ giết người, là Ba-ra-ba: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” (Lc 23,17). Tiếng la hét đầy bạo lực và đượm màu bất nhân, tiếng la hét của lòng người ác độc đẩy Đấng Cứu Thế tới thập giá chỉ dành cho kẻ phạm pháp. Tiếng la hét của thế giới đang bị thần dữ chế ngự và làm chủ. Tiếng la hét của một thế giới từ chối Chúa Giê-su, vị Vua đích thực, để theo một vị Vua trần thế: “Ông Phi-la-tô nói với họ: ‘Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?’ Các thượng tế đáp: ‘Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da’.” (Ga 19,15). Là nạn nhân của sự thù hằn của những người có thế giá trong xã hội và tôn giáo thời đó, Chúa đã bị đẩy vào mảnh đất đầy sỉ nhục và phải đón nhận án tử từ đám đông dân chúng, với sự hậu thuẫn và xúi giục của nhóm người có thế giá. Một mạng lưới bất nhân đã được dệt lên, để bắt cho được kẻ thù không đội trời chung, dù kẻ thù đó là một người vô tội, tốt lành và theo lẽ thường cần được trân trọng và yêu quý. Trước mạng lưới đầy bất nhân này, cả người nắm chính quyền thời đó, dù không thấy tội gì để kết án Chúa, cũng phải chào thua: “Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá” (Ga 19,16).

 

Thập giá trên đồi sọ. Chúa Giê-su bị đóng đinh treo lơ lửng trên đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay từ ngày đầu tiên khi chào đời đã ở trong cảnh nghèo nàn của nhân loại, và khi chết đi cũng ở trong cảnh thê lương của nhân loại. Ngài đã sẵn sàng đón nhận tất cả. Sự đón nhận của tình yêu và lời xin vâng. Theo ý Cha một cách triệt để, đến nỗi bằng lòng chết đi và chết trên cây thập tự. Cái chết trên cây thập tự là một cái chết nhục nhã, chỉ dành cho những kẻ gây ra tội ác. Cái chết đó không ai muốn chọn cả. Còn Chúa, dù biết là đau đớn, nhục nhã và bất công, nhưng Chúa vẫn không chạy trốn thập giá trên đồi cao kia. Chân tay Ngài sẵn sàng dang ra, để con người đóng đinh Ngài vào thập giá. Phải chăng Ánh Sáng là Ngài đã thực sự bị bóng đêm thổi tắt? Phải chăng bóng đêm của tội lỗi và của thần dữ đã cướp đi mất Ánh Sáng vĩnh cửu kia? Thập giá đứng sừng sững trên đồi cao. Trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giê-su vẫn lên tiếng: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm.

 

Đọc lại lần nữa lời cầu nguyện đầu tiên này, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng, Chúa Giê-su đã không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ cho họ. Đó chính là lô-gic của tình yêu Thiên Chúa. Lô-gic này ngược hẳn với tất cả mọi lô-gic của cuộc đời. Đúng thật, sự khôn ngoan của con người không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý nghĩ của Thiên Chúa không phải là ý nghĩ của loài người. May thay!

 

Tha cho họ. Vậy họ là ai? Họ chính là những tên lính La Mã, những người làm theo lệnh của Phi-la-tô đóng đinh Chúa Giê-su cho đến chết. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng những lời chế nhạo, những đòn roi đã thể hiện sự tàn bạo, sự hung tợn trong chính họ. Họ còn là những đám đông dân chúng bị lầm lạc, bị mê hoặc, những kẻ ấy đã bắt Chúa Giê-su phải chết và ép buộc Phi-la-tô giết Ngài. Bọn người ấy chỉ vài ngày trước đã tung hô Chúa Giê-su là Vua (x.Mc 15,6-14, Mc 11,8-10), còn giờ thì dã tâm giết Chúa trên thập giá. Thật tàn bạo, thật khủng khiếp và thật bất công! Nhưng tất cả mọi sự xấu xa đó không cản bước chân của Đấng Cứu Độ, không làm cho bản chất của Đấng Cứu Độ thay đổi. Bản chất đó là tình yêu tràn đầy tha thứ, mà Chúa Giê-su đã loan báo. Đối với thần học gia Ratzinger, Đức Benedicto XVI, thì: “điều mà Chúa đã rao giảng trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã thực hiện cách trọn vẹn. Chúa không biết ghen ghét là gì. Ngài không bao giờ hận thù cả. Ngài đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Ngài”.[6]

 

Và “lời cầu nguyện đầu tiên của Chúa Giê-su với Chúa Cha là lời cầu bầu, xin tha thứ cho những lý hình của Người. Với lời này, Chúa Giê-su thực hiện điều mà chính Người đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi khi Người nói ‘Nhưng Thầy bảo các con là những người đang nghe Thầy đây, hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét các con’ (Lc 6,27), và Người cũng đã hứa với những người có thể tha thứ rằng ‘Phần thưởng của các con sẽ thật lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao’ (Lc 6,35). Bây giờ, từ trên Thánh Giá, Người không những chỉ tha thứ cho những kẻ hành quyết Người, mà còn trực tiếp thưa với Chúa Cha để cầu bầu cho họ”.[7]

 

Tiếp đến, vế thứ hai của lời cầu nguyện là vì họ không biết việc họ làm. Nhưng làm sao Chúa Giê-su lại có thể nói họ không biết việc họ làm? Theo một góc độ nào đó thì họ phải biết việc họ đang làm, nhưng họ không nhận ra điều đó là tội ác tày trời. Đó chính là giết chết Con Một của Thiên Chúa. Nếu suy niệm kỹ lời này, chúng ta thấy, trong lời cầu xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho những kẻ quay lưng lại với Ngài, những kẻ thi hành án tử hình, Chúa Giê-su đã thực sự biện hộ cho họ, và đó cũng là một cách minh chứng hùng hồn nhất rằng, điều Ngài đã dạy là hoàn toàn có thể: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Biết bao nỗi tủi nhục và đau đớn mà bọn lính La Mã đã gây ra cho Ngài, Ngài vẫn tha thứ cho họ. Ngài thậm chí còn tha thứ cho những kẻ quay lưng lại với Ngài. Đức Benedicto XVI đã suy niệm vế thứ hai này như sau: “Thực ra, theo lời Người, thì với những kẻ đóng đinh Người không biết việc chúng làm (x.Lc 23,34), Người đặt sự thiếu hiểu biết, sự ‘vô minh’ của họ như động lực của việc Người xin Chúa Cha tha thứ, bởi vì sự thiếu hiểu biết này mở đường cho việc hoán cải, như trường hợp những lời mà viên đội trưởng sẽ công bố về cái chết của Chúa Giê-su: ‘Người này thật sự là người công chính! Người này là Con Thiên Chúa’. Vẫn là một sự an ủi cho mọi thời đại và cho mọi người rằng trong trường hợp những kẻ không thực sự biết Người, những lý hình của Người, và trong trường hợp những kẻ biết, những kẻ kết án Người, Chúa dùng sự thiếu hiểu biết như lý do để xin tha thứ cho họ: Người coi nó như một cánh cửa có thể mở lòng chúng ta ra mà hoán cải”.[8]

 

Khi chúng ta, các tín hữu ý thức sống lời sống này của Chúa Giê-su, lời sống yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, thì chúng ta đang bước vào không gian của Bài Giảng Trên Núi, nghĩa là chúng ta vượt ra khỏi tinh thần cũ “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24) của Cựu Ước, và sống tinh thần của Tân Ước, qua đó thực hiện sự công chính một cách hoàn hảo nhất:Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Đọc lại câu chuyện Tê-pha-nô bị ném đá, với sự hiện diện của Sao-lô, sau này trở lại và trở thành vị Tông Đồ dân ngoại, chúng ta thấy được tâm tình cao quý của Tê-pha-nô: Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con’. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này’. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7,59-60). Đức Benedicto XVI đã suy niệm biến cố này như sau: “Đây là lời cuối cùng của ông. Sự so sánh giữa lời cầu nguyện xin tha thứ của Chúa Giê-su với lời cầu nguyện của vị tử đạo là điều đầy ý nghĩa. Thánh Tê-pha-nô thưa chuyện với Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội cho những kẻ ném đá ông khi nói về việc người ta giết ông – một hành động được xác định rõ ràng bằng thuật ngữ ‘tội này’. Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su thưa cùng Chúa Cha và không những chỉ xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người, nhưng còn giải thích về những gì đang xảy ra”.[9]

 

Thánh Âu-tinh đã diễn tả rất hay về mẫu gương tha thứ đặc biệt của thánh Tê-pha-nô, và ngài khuyên bảo mọi người nhìn vào tấm gương thánh nhân, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình: “Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống”.[10] Lời của thánh Âu-tinh là một lời nhắc nhớ chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Ki-tô: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hoàn thiện là một con đường dài của đời người, cũng thế, tha thứ là bài tập cho cả cuộc đời.

 

Một mẫu gương của thời đại là mục sư Martin Luther King đã sống tinh thần bất bạo động và yêu thương kẻ thù như Chúa dạy. Chúng ta đọc lại một số tâm tình của mục sư : “Trong Tân ước, chúng ta thấy từ Agapè được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu hơn Chúa được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ, chính là ý nghĩa Lời Đức Giêsu Anh em hãy yêu thương kẻ thù. Phần tôi, tôi sung sướng vì Ngài đã không nói: “Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em” bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi, thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người ném bom vào gia đình tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người”.[11]

 

Một mẫu gương khác là thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Ngày 13.05.1981, tại quảng trường thánh Phê-rô, Ali Agca – một sát thủ người Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhắm vào Đức Thánh Cha và bóp cò. Một tiếng nổ chát chúa đã vang lên, Đức Thánh Cha đã bị trọng thương. Sau khi hồi phục, Đức Gio-an Phao-lô II nói: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”. Vào năm 1983, Đức Gio-an Phao-lô II đã đến tận nhà tù, để thăm viếng và tha thứ cho Ali Agca. Trong một lá thư định gửi cho anh Ali Agca, Đức Thánh Cha viết: “Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất”. Vào đại năm thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá. Thật vậy, Đức Gio-an Phao-lô II đã được mọi người nhắc đến với lòng thương xót, như là một nét đặc biệt của ngài.

 

Gương sáng của thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II và của Martin Luther King cùng của nhiều anh chị em khác trong việc yêu kẻ thù đã làm hiển lộ dung mạo tuyệt vời của Chúa Giêsu.

 

Hôm nay, dung mạo đầy lòng thương xót của Chúa, Đấng đã tha thứ cho kẻ thù, vẫn cần đến bạn và tôi cũng mọi người xung quanh, để nhờ đó chúng ta lại góp phân tô đẹp thêm nét yêu thương của Chúa ngay trong lòng thế giới.

Cuối cùng, thật phúc thay cho chúng ta, các Kitô hữu, khi chúng ta trở nên người yêu thương kẻ thù, như Chúa Giêsu là Thầy dạy tốt lành của chúng ta.

 

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

 

Tài liệu tham khảo.

 

  • BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.
  • RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II.
  • KASPER W., Barmherzigkeit
  • LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband.
  • Martin-Luther King, trong “Chỉ có một cuộc cách mạng”. Casterman, 1968
  • HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne.
  • Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc

 

 

Chú thích:

 

[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.139-140.

[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.141 và x. LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband, s.316-317.

[3] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.141-142.

[4] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.84-85.

[5] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t. 85-88.

[6] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.230.

[7] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện, ban hành ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>

[8] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[9] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.

[10] Trích bởi HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, t.63-64.

[11] Martin-Luther King, trong “Chỉ có một cuộc cách mạng”. Casterman, 1968, tr. 108-109.

Kiểm tra tương tự

Giới Truyền thông: Những người mang Hy Vọng và Sự Thật

  Nói về Năm Thánh của giới Truyền thông, diễn ra từ ngày 24 đến …

Thông điệp Truyền thông 2025: ‘Giải trừ vũ khí trong truyền thông’ để nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự hiệp nhất

Nhân Ngày Thế giới Truyền thông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp …