Suy tư Tin mừng CN: Nguyên lý của đời sống mới

 

Các bạn thân mến!

Khi nói đến đời sống Ki-tô hữu, bạn hay nói đến đời sống mới. Đời sống mới nghĩa là gì và làm sao chúng ta có được đời sống mới? Đâu là nguyên lý của đời sống mới? Nguyên lý của đời sống mới dựa trên mối liên hệ trực tiếp và sâu xa với Đức Ki-tô.

Trước hết, khi nói đến đời sống mới, bạn và tôi hay so sánh với đời sống cũ, đời sống của con người làm nô lệ cho tội và cho lề luật. Đời sống cũ gắn liền với tình trạng và mối liên đới với Adam cũ. Còn đời sống mới là đời sống của ân sủng, của tự do, của việc tràn ngập ơn cứu độ. Đời sống mới đến từ và nhờ mối liên đới với Adam mới đó chính là Đức Giê-su Ki-tô. Nói cách khác, nguyên lý của đời sống mới dựa trên mối liên hệ với Đức Ki-tô. Đức Ki-tô là Đấng khởi nguồn cho sự sống mới. Khi Ngài chết Ngài cũng mang cái chết vào trong thân thể mình. Khi Ngài sống lại, Ngài đem lại sự sống mới cho bạn và tôi. Chính mối liên hệ và sự gắn bó của bạn với Đức Ki-tô làm nên giá trị và sự sống cho cuộc đời bạn. Khi Đức Ki-tô sống, bạn cũng sống với Ngài. Thánh Phao-lô chỉ cho bạn và tôi rằng: 8 Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. 9 Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. 10 Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. 11 Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.”[1]

Một mặt bạn ý thức rằng chính mối liên hệ của bạn với tội hay ân sủng là yếu tố thiết yếu làm nên đời sống của bạn. Gắn bó với tội dẫn đến sự chết, còn gắn bó với ân sủng sẽ dẫn đến sự sống. Nhưng mặt khác bạn cũng nên biết rằng mục đích của đời sống này là bạn không còn sống cho chính mình nhưng là sống cho Đấng đã sống và chết vì bạn. Nói cách khác, chính Đấng đã chết và sống cho bạn là lý do để cho bạn sống.  

Cũng vậy, chính mối liên hệ của bạn và tôi với Đức Ki-tô làm nên giá trị của niềm tin và niềm hy vọng của đời sống Ki-tô hữu. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Hơn ai hết, chính các thánh tử đạo là người đã xác tín vào điều này. Sự sống con người ai mà chẳng quý. Tuy nhiên các vị tử đạo sẵn sàng chấp nhận cái chết vì các ngài tin rằng đằng sau cái chết là sự sống. Sự sống mà Đức Ki-tô đem đến có giá trị gấp ngàn lần cuộc sống hiện tại. Nếu đọc lại những trang sử bi hùng của Đạo Côn Giáo Việt Nam, chúng ta thấy có rất nhiều gương trung kiên theo Chúa. Tiêu biểu là Thánh Giu-se Hoàng Lương Cảnh (1763 – 1838), trùm họ và lương y. Dù bị đòn vọt, dụ dỗ, chịu trăm ngàn thử thách, ngài vẫn quyết theo Chúa đến cùng. “Tôi đã giữ đạo từ nhỏ, nay các quan bảo bỏ thì dứt khoát là không thể được. Dù phải trăm ngàn sự đau đớn bởi đòn vọt hay phải chết thì tôi xin sẵn lòng cam chịu.”[2] Chính Thánh Giu-se Nguyễn Lương Cảnh đã sống điều mà Chúa Giê-su mời gọi. “39 Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”[3]

Thứ hai, nguyên lý của đời sống mới mời gọi người môn đệ biết vượt qua những trở ngại. Có rất nhiều những trở ngại nơi đời sống người môn đệ: trở ngại do chính mình, do người khác, do hoàn cảnh, trở ngại trong tương quan tình cảm cá nhân, sự gắn bó. Người môn đệ theo Chúa cần vượt qua những trở ngại này. Theo Chúa để có được chính Chúa và có được sự bình an. Tuy nhiên sự bình an đôi khi mời goi bạn vượt qua sự giằng xé, sự từ khước những tình cảm tự nhiên và ngay cả chính bản thân mình.

Theo Chúa là mang lấy bình an của Chúa. Chính bình an này là điều gây ra những xung đột. Nguyên nhân của sự xung đột là do sự khác biệt về tình trạng của tâm hồn và hệ thống giá trị. Nếu tình trạng tâm hồn của bạn và giá trị mà bạn theo đuổi là chính Tin Mừng và người thân của bạn cũng theo đuổi cùng giá trị thì tương quan của bạn với những người thân sẽ có sự bình an. Ngược lại nếu tình trạng tâm hồn và hệ thống giá trị của bạn và những người thân của bạn có sự khác biệt thì tất nhiên sự xung đột và sự chia rẽ sẽ xảy đến. Sự chia rẽ và gươm giáo mà Đức Ki-tô muốn nói đến không phải là do giá trị mà Đức Ki-tô đem đến nhưng là do tình trạng tâm hồn và hệ giá trị của những người chúng ta tiếp xúc và ngay cả bản thân chúng ta có sự xung đột. Chính giá trị mà Đức Ki-tô đem đến cho thấy bạn là ai, bạn đang thuộc về đâu và điều gì chi phối trái tim và tâm hồn bạn.

Cũng thế, nguyên lý đời sống mới mời gọi bạn cần phải vượt qua tình cảm cá nhân, ruột thịt và ngay cả bản thân mình. Một cách tự nhiên con người chúng ta gắn bó với những người mà chúng ta quý mến. Điều đó không sai nhưng đôi khi chính điều đó lại thay thế và không làm cho chúng ta vươn đến Thiên Chúa. Do lòng chúng ta quá vướng bận và gắn bó với tình cảm này. Ngày cả bản thân và sự sống của bạn cũng thế. Sự sống là điều quý giá bạn chỉ có thể trao tặng sự sống ấy nếu dựa trên một tình yêu vị tha và lòng quảng đại bao la. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.” [4] Theo Chúa đôi khi cần một cuộc đánh đổi giữa những giá trị và tình cảm tự nhiên để đạt đến giá trị siêu nhiên nếu những giá trị và tình cảm này đi ngược lại hoặc không tương hợp với giá trị siêu nhiên.

Nên nhớ rằng khi bạn đi theo Chúa, Chúa không bảo bạn phải ghét bỏ cha mẹ hay người thân của mình nhưng thay vì đó bạn cần phải gia tăng lòng yêu mến và đặt tình cảm đó đúng trật tự sao cho mối tương quan đó giúp bạn được tự do và thêm gắn bó với Chúa. Đôi khi bạn nghĩ rằng tình yêu của Thiên Chúa có vẻ ích kỷ và có vẻ độc chiếm. Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối, cho nên bản chất của tình yêu của Ngài là trao ban tuyệt đối và đòi hỏi việc nên một cách tuyệt đối. Sở dĩ bạn nghĩ tình yêu của Thiên Chúa ích kỷ là bởi vì bạn muốn trái tim mình thuộc về và được chia sẻ cho một ai đó ngoài Chúa. Điều này có vẻ làm cho bạn vui nhưng kỳ thực nó làm cho bạn cảm thấy mất tự do và bị lệ thuộc.     

Cuối cùng, nguyên lý của đời sống mời mời gọi họ mở rộng con tim và cõi lòng đối với những kẻ bé mọn. Khi được đồng hóa với Đức Ki-tô, bạn trở nên một với Ngài trong con người, trong ý nghĩ và hành động. Một mặt bạn được mời gọi trở nên một Ki-tô khác, nhìn mọi sự theo cái nhìn và con tim của Chúa. Chính cái nhìn này giúp bạn khám phá ra hình ảnh Chúa Giê-su nơi những con người nhỏ bé. Chúa Giê-su tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ. Nơi đó bạn có thể bắt gặp hình ảnh của Đức Ki-tô. Cũng như Đức Ki-tô là hình ảnh của Thiên Chúa Cha. 40 Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.[5]  Chính khi bạn và tôi đón tiếp những người mà Chúa gửi đến là đón tiếp chính Chúa. Sự đón tiếp này bắt nguồn từ việc mỗi người chúng ta đã được Chúa đón nhận và việc nhận ra tình yêu của Ngài. Thực ra câu hỏi về nguyên lý của đời sống mới, không chỉ là câu hỏi về nhận thức, tôi có hiểu biết gì, nhưng là câu hỏi tôi sẽ sống ra sao? Làm sao tôi có được hạnh phúc? Tôi có được tự do không và Đức Ki-tô có vị trí nào trong sự tự do và niềm hạnh phúc của tôi? Lạy Chúa xin ban thêm cho con ơn đức tin và cặp mắt siêu nhiên để con biết nhận ra và chọn lựa những giá trị tương hợp với lối sống của Đức Ki-tô!

Gioan Phạm Duy Anh SJ

[1] Rm 6, 8-11

[2] Nguồn: hdgmvietnam.com

[3] Mt 10, 39

[4] Mt 10, 37-38

[5] Mt 10, 40

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

Phút hồi tâm cuối năm: Những người bạn trong Chúa

  Những Người Bạn Với Chúa – Những Người Bạn Trong Chúa Phút Hồi Tâm …