Bài Ca của Người Nằm Xuống – Nhớ về cha Giuse Vũ Kim Chính, SJ

Mấy bữa nay cha vội vã Về Nhà Cha, để cho người ở lại ngậm ngùi tiếc nuối, xót xa. Nhiều nơi, nhiều người quen biết cha hoặc con quen biết họ đều đăng tin đăng ảnh của cha với những dòng chữ thương tiếc, thương nhớ, biết ơn, và những hình ảnh cầu nguyện trong Thánh Lễ.

 

Ngẫm lại những lời của ông bà ta nói xưa kia thì đều đúng nơi cha: “Hùm chết để da, người chết để tiếng”. Hoặc như lời của một bài thơ ngắn (không rõ của tác giả nào) đã viết như thể đang nói về cha:

Người ta hữu tử hữu sanh,

Sống sao xứng phận, thác dành tiếng thơm.

Làm sao như quế trên non,

Trăm năm khô mục, vẫn còn thơm tho.

Cha ra đi để lại tiếng thơm cho đời, cho dòng tộc, cho cả anh em Dòng Tên. Nhiều người biết cha đã nói và viết khá nhiều về cha, kể lại những kỷ niệm đẹp giữa họ với cha, những hình ảnh ghi dấu không phai về một người cha đáng mến, người thầy đáng kính, cả đời dành trọn “tự do, trí nhớ, trí hiểu…” cho việc phục vụ sứ mạng tông đồ tri thức với sự đơn sơ, khiêm tốn, âm thầm….!

 

Bản thân con, khi hay tin cha bị tai biến, tâm hồn con bắt đầu trĩu nặng, con đã nhớ tới cha và cầu nguyện nhiều cho cha. Con cứ hy vọng rằng Y khoa ngày càng tiến bộ nên chắc chắn sẽ cứu được mạng sống cho cha. Nhưng không phải thế! Cuộc sống đầy bất ngờ! Chỉ vỏn vẹn một ngày sau, con thực sự đau lòng khi nhận được tin báo về sự ra đi của cha. Có lẽ cũng như nhiều anh em khác, tâm trí con bắt đầu lục lại những ký ức về cha, ký ức về một thời gian hơn 5 năm con được sống gần cha, được cha linh hướng và chỉ dạy nhiều điều, được cùng cha đi dâng lễ cho người sắc tộc thiểu số ở vùng núi của Đài Loan, được ăn cơm với cha bằng tiền bổng lễ khi trên đường trở về lại cộng đoàn sau giờ lễ.

 

Những dịp hai cha con mình đi dâng lễ ở nơi xa khoảng trên dưới 200 cây số thật đẹp và ý nghĩa. Bà con vùng núi đơn sơ, chất phác, nghèo khó…! Bổng lễ lúc ít lúc nhiều. Dù bổng lễ nhiều đi chăng nữa thì cũng chỉ đủ bữa cơm trưa cho hai cha con và thêm được hai ly cafe để uống chống buồn ngủ. Ngày nào bổng lễ ít thì ăn trưa cũng ít hơn, uống nước thì phải lấy thêm tiền túi.

 

Giờ này nghĩ lại con mới hiểu ra rằng cha muốn dạy con bài học về đời sống nghèo và tinh thần truyền giáo của Dòng Tên. Bổng lễ như ơn sủng Chúa ban tặng và hoa trái của ngày công làm việc, cũng là kinh nghiệm truyền giáo của thánh Phaolô: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20:34) và “khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật. Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước. Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:7-10).

 

Một kỷ niệm khó quên khác về cha đã trở thành một phần ký ức của đời con. Đó là kỷ niệm về một người cha giàu tình thương và lòng khiêm nhường, một người bạn đồng hành gần gũi và khôn ngoan. Quả thực, cha ở gần con nhưng chẳng khi nào tỏ ra là thầy dạy của con, cũng chẳng xem mình là “cha thiêng liêng” của con. Cha như một “người bạn trong Chúa” của con. Số là vào một buổi tối, trước ngày thi môn “Nghe Xưng Tội và Giải Tội”, sau khi ăn xong, cha “khều” con và nói nhỏ: “Tí nữa đi dạo nha!” Con trả lời: “Dạ vâng, thưa cha!” Con biết là cha có điều gì đó muốn nói với con. Thực thế, hai cha con đi dạo xung quanh sân trường đại học (Fujen campus), cha hỏi: “Con chuẩn bị xong chưa?” Con đã thưa: “Dạ, con sẵn sàng rồi ạ!” Cha nói tiếp: “Thường thì kỳ thi này không khó nhưng lại dễ rớt. Mình biết Bằng nắm vững kiến thức hết rồi, nhưng phải thận trọng khi trả lời. Hãy trả lời những gì trong sách dạy! Đừng nói nhiều về điều khác, như ‘theo mục vụ, thì phải thế này thế kia…’!” Con trả lời: “ Dạ, con hiểu rồi. Con sẽ cố gắng, cha ạ!”

 

Sau cùng, con còn một kỷ niệm khác với cha, có lẽ đúng hơn phải nói đó là một lời tâm sự, một ước ao của cha muốn chia sẻ với con. Cha nói rằng thời gian đi dạy học khá bận, chẳng có thời gian viết lách, nhất là viết bằng tiếng Việt, và cha ước ao khi nghỉ hưu thì có nhiều giờ hơn để viết, nhất là để cống hiến cho Giáo hội Việt Nam. Cha viết nhiều bài ngắn bằng tiếng Đức (articles) được đăng trên nhiều tạp chí Triết học và Thần học quốc tế. Cha nói rằng trong các ngôn ngữ, tiếng Đức là ngôn ngữ cha giỏi nhất. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi các bài nghiên cứu của cha thường viết bằng tiếng Đức. Mỗi lần có tiền nhuận bút, cha đưa cho con và dặn: Bằng giữ tiền này để anh em Việt Nam ăn liên hoan với nhau mỗi khi đi chơi chung. Cha không có tiền nào khác để ủng hộ các anh em trẻ nên dùng tiền nhuận bút mà thôi.

 

Cha ơi, một ước muốn sau cùng của cha là được về giúp sức cho anh em Việt Nam, nếu chết ở Việt Nam càng tốt, bây giờ đã thành hiện thực. Cha ra đi nhanh chóng và nhẹ nhàng, với con, đó là phúc lớn! Con xác tín cha là người công chính, không chỉ đơn thuần là công chính nhưng một sự công chính như ánh kim sáng chói, đúng như tên gọi của cha: Giuse Vũ Kim Chính.

 

Người Trung Hoa thường nói “sinh, lão, bệnh, tử”. Cha đã trải qua bốn cung bậc này, hoàn tất một đời người làm con Chúa nơi trần thế. Giờ đây, con lại xác tín một lần nữa, cha không chỉ trải qua bốn giai đoạn trên, nhưng với cha phải là “sinh, lão, bệnh, tử, và phục sinh”! Vâng, con tin rằng cha đang ở thiên đàng, đang cùng các thần thánh hát vang lời ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa, đang cùng dự bàn tiệc Nước Trời với Chúa Giêsu là người Bạn Đường của cha nơi dương thế và bây giờ là người bạn tri kỷ của cha trong Nước Trời.

 

Từ nơi xa, con xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến cha. Xin cha, khi ở trong cung lòng của Chúa Cha, hãy cầu thay nguyện giúp cho chúng con là con cái cha, là những người em “sinh sau đẻ muộn” của cha trong Dòng nhỏ bé mang tên Chúa Giêsu cũng biết sống một đời trung tín với ơn gọi Giêsu hữu và hết lòng vì sứ mạng Chúa trao để được đồng bàn với cha nơi bàn tiệc thiên quốc vào một ngày Chúa muốn chúng ta đoàn tụ.

 

Để tạm biệt cha, con xin phép được cùng cha hát lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa Cha như sau:

Trên trời vang tiếng hát

tiếng thiên thần tụng ca,

loa kèn hòa vang xa

như được ơn đại xá.

Con cũng ngợi khen Cha,

cảm tạ Cha trong tiếng ca

nhận lãnh từ nơi Cha

hồng ân tựa Man-na.

Cha không cần con tạ ơn Cha,

nhưng lời tạ ơn cho con hồng ân bao la:

Con được gần Cha,

được Cha thánh hoá,

được sống trong Cha,

được ân nghĩa với Cha.

 

 

Pleiku, đêm tưởng nhớ cha, 14/10/2023

Con,

Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

Kiểm tra tương tự

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

  Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta …