Kết Hiệp Mật Thiết Với Chúa

Cầu nguyện với thánh Inhã (bài 5)

Chủ đề: Thánh I-nhã có một đời sống kết hợp khăng khít với Thiên Chúa.
Ngài có một tình bạn cả vị với Đức Giêsu. Khi đã được hoán cải,
mỗi ngày trong suốt cuộc đời của ngài là sự đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô: “hãy ở với ta.”

Nhập nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin cho con luôn nghe được tiếng của Ngài trong tâm hồn con và biết đáp lại lời mời gọi nên một với Ngài: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào.” (Dc 2,10).

Đôi Nét về I-Nhã

Khi thánh I-nhã lên Rôma lần thứ hai, và cũng là lần cuối cùng, ngài không còn rời Rôma bao giờ. Thiên Chúa đã đổ đây tràn tình yêu của Ngài lên tâm hồn thánh I-nhã.

The vision at La Storta: “I will be propitious to you at Rome.” November 1537

“Sau khi thụ phong linh mục, kẻ ấy đã quyết định không dâng Thánh lễ trong vòng một năm để dọn mình và khấn xin Đức Mẹ thương đặt mình với con của mẹ. Một hôm, trong khi kẻ ấy đang cầu nguyện trong một nhà thờ (ở La Storta) cách mấy dặm nữa là tới Rôma, kẻ ấy cảm thấy có một sự biến đổi trong tâm hồn và thấy rõ Thiên Chúa Cha đặt mình với Đức Kitô là Con của Người, đến nỗi kẻ ấy không bao giờ dám nghi ngờ việc Thiên Chúa Cha đã đặt mình với con của Người.” (Tự Thuật, số 96).

“Với một cảm nhận sâu sắc, thánh I-nhã đã cho thấy chính ngài như là người đã kết hiệp trọn vẹn với Đức Kitô; và ngài cũng khát khao rằng, Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên), một dòng do ngài thành lập, cũng sẽ được dâng hiến hoàn toàn cho Đức Giêsu và mang danh thánh Giêsu.

Kinh nghiệm về sự ưng thuận và xác chuẩn cách mầu nhiệm ở La Storta sẽ luôn mãi có ý nghĩa quan trọng đối với thánh I-nhã. Ngài đã liên tục đề cập kinh nghiệm đó trong nhật ký và những tài liệu viết tay khác. thị kiến giữ vai trò như là một khung tham chiếu và nguồn an ủi. Ví dụ, trong nhật ký, khi viết về quyết định xem xét việc thực hành đức khó nghèo đối với cộng đoàn Giêsu hữu, thánh I-nhã đã nói rằng: ngài đã đạt được một sự tin tưởng hoàn toàn từ thị kiến.

“Việc Đức Giêsu tỏ mình ra cho kẻ ấy hoặc để cho kẻ ấy cảm nhận được Ngài, dường như đối với kẻ ấy một cách nào đó là công việc của Chúa Ba Ngôi chí thánh, và kẻ ấy nhớ lại lúc Chúa Cha đặt kẻ ấy với Chúa Con. Những ý nghĩ này không ngừng lớn mạnh và dường như là một xác chuẩn, cho dù kẻ ấy không nhận được an ủi nào về việc này.”

Thánh I-nhã đã ghi nhận mục đích chính yếu này bằng cách khoanh tròn chúng lại như ngài đã từng làm với tất cả những đoạn ngài cho là quan trọng.

Phản tỉnh: Gương thánh I-nhã có làm bạn khát khao kết hiệp mật thiết với Đức Kitô không?

Trích Lời Thánh I-nhã

Trong việc huấn luyện các thành viên mới của Dòng Tên, thánh I-nhã đã nói như sau:

“Điều rất giá trị và tối quan trọng là… nhận lấy và hết sức ước ao tất cả những gì Chúa chúng ta là Đức Ki-tô yêu mến và tha thiết. Vì như người đời theo đuổi những gì phàm tục, yêu mến và mãi mê tìm kiếm vinh dự, danh thơm tiếng tốt trên đời, như thế gian dạy bảo họ, thì những ai bước đi trong thần khí, và thật sự theo Chúa chúng ta là Đức Ki-tô, cũng phải mãnh liệt yêu mến và ao ước… mặc lấy cùng thứ quần áo và trang phục hạng tôi tớ mà Người đã thừng mặc, vì kính trọng và yêu mến Người. Thậm chí nếu không vì thế mà Thiên Chúa chí tôn bị xúc phạm hoặc gây dịp tội cho tha nhân, thì họ khao khát chịu sự lăng mạ, cáo gian, sỉ nhục, cùng muốn bị coi và đối xử như kẻ điên dại (nhưng không tự ý gây dịp để bị coi như thế), vì ao ước nên giống và bắt chước phần nào Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, bằng cách mặc lấy quần áo và trang phục hạng tôi tớ của Người. Vì chính Người đã mặc lấy để mưu ích thiêng liêng cho chúng ta hơn. Người đã làm gương cho chúng ta, để nhờ ơn Người trợ giúp, chúng ta muốn hết sức bắt chước và theo chân Người trong mọi sự, vì Người là đường dẫn đưa con người đến sự sống.” (Hiển Luật, 101)

Suy gẫm

Đức Giêsu Kitô luôn mời gọi các tín hữu kết hiệp với Ngài. Thiên Chúa trao ban cho chúng ta những hồng ân tương tự như đã ban cho thánh I-nhã ở La Storta: đó là mặc lấy Đức Kitô, sống trọn đời theo đường lối của Ngài và hướng tất cả mọi hành động của chúng ta theo gương Đức Giêsu trong Tân Ước và ngang qua hành động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Ngay ban đầu thánh I-nhã đã chọn danh xưng Đoàn Giêsu cho những người sống theo linh đạo của ngài. Danh xưng này được bắt nguồn từ sự tín thác của thánh I-nhã: ngài và những người bạn của ngài được mời gọi để sống “một đời sống phục vụ Thiên Chúa cùng với Đức Kitô, nhờ Đức Kitô, trong Đức Kitô và như Đức Kitô”.

Tất cả chúng ta được mời gọi để trở nên bạn đường của Đức Giêsu. Thiên Chúa đã chọn chúng ta ở trong sự bao bọc yêu thương của Thiên Chúa như Đức Giêsu. Mặc dầu chúng ta, cũng giống như thánh I-nhã, có thể cũng phải chịu những đau khổ từ những chống đối nhỏ hay lớn, nhưng cuối cùng Thiên Chúa cũng sẽ nuôi dưỡng chúng ta nếu như chúng ta nhận ra và đón nhận sự nâng đỡ của Ngài.

***

Chiêm ngắm một bức ảnh Đức Giêsu Kitô với các bước sau:

Để cho cơ thể trong trạng thái thoải mái nhất. Hít thở thật sâu. Đặt tâm điểm vào bức ảnh Đức Kitô. Nhìn sâu vào đôi mắt của Ngài. Lắng nghe một khát vọng sâu thẳm nhất trong tâm hồn bạn. Suy gẫm lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ: “người ta bảo thầy là ai?” (Mc 8,28).

Bạn trả lời Đức Giê-su như thế nào? Cuộc sống của bạn chứng thực Đức Giêsu là ai?

  • Trong tuần thứ hai của linh thao, thánh I-nhã mời gọi các thao viên thế hiện rõ khát khao của mình để kết hiệp hoàn toàn vào Đức Kitô. Trong bài “Hai Cờ hiệu”, chúng ta được hướng dẫn để suy xét những cách thế mà Đức Giêsu dẫn đưa con người tới cuộc sống hoàn thiện trái ngược với cách của Satan kẻ thù của bản tính con người chúng ta, trói buộc và bắt chúng ta làm nô lệ chúng.
  • Để biểu lộ khát khao nên một với Đức Kitô, hãy cầu nguyện theo cách thức như sau:
  • Bắt đầu bằng việc xin Thiên Chúa ban cho chúng ta hiểu và khao khát cuộc sống mà Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta.
  • Chú ý thật kỹ những câu chuyện, những dụ ngôn trong Tân Ước, khám phá ra những bài học Chúa Giêsu đã dạy cho những người bước theo ngài, Chúa Giêsu đã mời gọi dân chúng hướng tới điều gì? Cách Người mời gọi như thế nào?
  • Xin Đức Maria cầu thay nguyện giúp cho bạn để bạn được ơn sống lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Hãy xin cho bạn luôn được ơn dám dứt bỏ tất cả mọi sự đến mức bạn có thể sẵn sàng đặt tất cả tài năng, của cải, và những thành quả của bạn vào việc phục vụ Chúa Kitô. Cầu xin để được bước theo mẫu gương của Đức Giêsu cho đến tận cùng. Miễn là không được gây dịp tội cho tha nhân và nếu là ý Chúa thì hãy xin cho bạn, giống như Đức Kitô, có được can đảm và sức mạnh để chịu đựng sự nghèo khó và bách hại đối với bản thân. Sau đó, đọc kinh Kính Mừng.
  • Hiệp thông với Đức Maria, bạn hãy tiến gần đến với Chúa Giêsu, là dâng lên Chúa lời nguyện tha thiết tương tự như trên để Chúa thương ban cho bạn những ân sủng mà bạn đang kêu xin. Cuối cùng, thật chậm rãi, dừng lại để suy niệm ý nghĩa của mỗi câu văn trong lời kinh “Lạy Linh Hồn Chúa Kitô”

Lạy linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con
Lạy xác thánh Chúa Kitô, xin cứu thoát con
Lạy máu thánh Chúa Kitô, xin làm cho con say mến
Lạy nước bởi nương long Chúa Kitô, xin tẩy rửa con
Lạy sự thương khó Chúa Kitô, xin thêm sức cho con
Lạy Chúa Giê-su nhân ái, xin nhận lời con
Xin giấu ẩn con trong các vết thương Chúa
Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa
Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù tinh quái
Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi con, và cho con đến cùng Chúa
Để con được cùng các thánh ca tụng Chúa muôn đời. Amen.

  •   Trong sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Maria, nhờ lời chuyển cầu của các ngài, hãy tiến đến gần với Thiên Chúa. Một lần nữa, hãy lặp lại ơn xin ở trên là được kết hiệp trọn vẹn với Đức Kitô. Đọc Kinh Lạy Cha.

Suốt ngày sống, hãy cầu nguyện những lời sau của thánh I-nhã: “nhờ Đức Kitô, trong Đức Kitô, và như Đức Kitô”.

Lời Chúa (Cl 3,9-15)

9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi,10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu.11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

Kết nguyện: “Lạy Cha hằng hữu, xin chuẩn nhận con; Lạy Chúa Con hằng hữu, xin cũng cố con; Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng vĩnh cữu, xin thêm sức cho con; Lạy Ba Ngôi cực thánh, xin đón nhận con; Lạy Thiên Chúa duy nhất, xin cũng cố con”

 

Kiểm tra tương tự

Ngày Lễ Các Thánh: Lời nhắc về niềm hy vọng

Tất cả những tin xấu cũng không thể ngăn cản ân sủng và lòng thương …

Trả lại Halloween cho trẻ em

Hãy trả lại Halloween cho bọn trẻ và giữ ngày này khỏi nỗi sợ hãi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *