Chạm để chữa | Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 23 Thường Niên B

Tin Mừng thuật lại việc Chúa chữa cho người câm – điếc được khỏi.
Cách thức: Chúa dùng lời nói và hành động: Ngài không chỉ phán một lời, mà còn chạm vào tai và lưỡi anh! Có người thắc mắc: tại sao phải chạm, lời Chúa phán chưa đủ quyền năng và sự chữa lành sao? Hay Chúa có ý dạy ta điều gì qua sự đụng chạm này? Sau đây là một vài suy tư về cái chạm của Chúa, cũng như quá trình mà Ngài đã thực hiện để chữa lành một con người.

 

Đầu tiên là cái chạm của Chúa. Có ba lý do Chúa chạm vào người câm điếc

 

Lý do thứ nhất, Chúa chạm vì Ngài muốn như vậy!
Ngài muốn dùng ngôn ngữ thường ngày của anh mà giao tiếp với anh. Đối với những anh chị em khiếm thị, thì một trong những phương cách chính yếu để nhận dạng đồ vật là thông qua xúc giác. Họ chạm vào chữ hay hình nổi để diễn giải thông tin được viết hay vẽ ra và cảm nhận ý nghĩa của những điều ngón tay mình lướt trên đó. Cái chạm của Chúa là cách giao tiếp quen thuộc dành cho anh, điều này giúp Ngài đi vào thế giới của anh một cách bình thường, và không làm anh khó chịu khi bị đụng chạm bởi một người xa lạ.

 

Lý do thứ hai, chạm để đón nhận và chấp nhận.
Người câm điếc trong bài Tin Mừng hôm nay nhận được hai sự đụng chạm. Một là từ những người tốt bụng đã dẫn anh đến gặp Chúa Giêsu. Những người này không chỉ nắm lấy tay anh giữa tăm tối cuộc đời, nhưng còn nói thay cho anh: Thánh Maccô nói rõ: họ nài xin Chúa đặt tay trên anh! Chúa biết rõ tình trạng của anh. Ngài đi vào vào thế giới nơi anh đang là, đang cảm nhận: câm điếc giữa đám đông thời đó thật kinh khủng và không được nhiều sự trợ giúp như bây giờ. Chúa đã thở dài như thấu hiểu nỗi khổ của anh. Ngài đưa tay chạm vào tai và lưỡi anh. Tuy sự đụng chạm thứ hai này mới đem đến cho anh sự chữa lành hoàn toàn, nhưng có lẽ, sự đụng chạm thứ nhất đã cho anh một kinh nghiệm cá nhân khi cảm nhận được sự ấm áp của tình đồng loại, ngôn ngữ yêu thương tuy anh không được nghe, nhưng đã len lỏi vào tâm hồn anh niềm vui được đón nhận.

 

 

Và lý do sau cùng đó là sức mạnh của sự đụng chạm.
Khi được ai đó đụng chạm, ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng từ nơi họ:
Là an ủi cảm thông, hay tấn công gây hấn.
Là dấu chỉ yêu thương hay chỉ đơn thuần là xã giao
Là nâng lên hay hạ xuống…
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta rất nhiều lần đụng chạm và được đụng chạm vào cuộc đời nhau. Hãy cùng nhìn lại và chú tâm xem xét, rằng những đụng chạm đó đã đem đến cho cuộc đời ta những tác động như thế nào?
Sự vực dậy hay vấp ngã?
Hy vọng hay chán chường?
Niềm tin, tình yêu hay hận thù chất chứa?…

 

Thứ hai, chữa lành là một quá trình

 

Chúa quyền năng và Ngài chỉ cần phán một lời thì mọi sự sẽ trở nên tốt lành, hoàn hảo đến từng centimét. Tuy nhiên, Ngài không làm vậy trong trường hợp này. Hãy thử hình dung người bị câm điếc đã trải qua những gì trong quá khứ: bị loại trừ, khinh khi, khó khăn và khốn khổ ra sao trong những sinh hoạt hằng ngày với giới hạn của bản thân. Mọi giao tiếp điều không dễ dàng, cho đến khi Chúa chạm vào cuộc đời anh. Điều này nói lên điều gì? Phải chăng Chúa dạy anh đi vào sự kết nối riêng tư thân thiết với Ngài? Điều này đòi hỏi một quá trình.

 

Quả vậy, quá trình anh được chữa khỏi bệnh khởi đi từ việc một vài người bên cạnh anh dám cam đảm vượt qua ranh giới giữa một bên là văn hoá và luật tôn giáo và một bên là niềm tin vào quyền năng Chúa và giới luật yêu thương của Ngài. Kế đến là sự cởi mở từ phía anh: khiêm tốn để cho người khác đụng chạm vào giới hạn của mình và chấp nhận sự giúp đỡ. Và sau cùng, chính sự cảm thông và lòng trắc ẩn của Chúa đã đem lại cho anh ánh sáng và thanh âm trong trẻo của ân sủng và tình yêu thương trong thế giới hiện tại.

 

Tóm lại, qua cái chạm của Đức Giêsu, chúng ta thêm vững tin và xác tín hơn về quyền năng và lòng thương xót của Chúa, giá trị sự phục vụ của chúng ta dành cho anh chị em mình, và nhất là sự gặp gỡ cá vị của mỗi người trong tương quan với Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện

 

Lạy Chúa, xin Ngài đụng chạm vào những bệnh nhân đang đau khổ vì tật bệnh hôm nay, cho họ được ơn an ủi và can đảm.
Xin cho chúng con biết năng suy gẫm và lắng nghe Lời Chúa, đồng thời biết loan truyền Lời có sức mạnh chữa lành đến anh chị em mình. Lời xây dựng, chữa lành, chớ không huỷ diệt.
Và xin Lời Chúa đụng chạm con, nhất là vào những bệnh tật nơi tâm hồn con, để con được lành sạch! Amen.

 

Quỳnh Thoại, CĐM

Kiểm tra tương tự

Manna: Chuẩn bị sẵn sàng (19.12 Trước Lễ Giáng Sinh – Lc 1, 5-25)

Lời Chúa: Lc 1, 5-25 Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê, có một vị …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …