Thế nào là một linh mục và không phải là một linh mục?

Quả thực là một ân huệ cao cả khi đón nhận lời mời gọi trở thành một linh mục Công giáo, việc đòi hỏi lòng can đảm và sức mạnh to lớn để một người nam kiên trì vượt qua hành trình nghiêm ngặt kéo dài sáu đến tám năm trong Chủng viện, cuối cùng đánh dấu sự cam kết vĩnh viễn vào ngày thụ phong linh mục để phục vụ Chúa và Giáo hội. Lời gọi dâng hiến này cho thấy một con đường đặc biệt, đòi hỏi sự kiên trì với sự kiên định để sống đời sống linh mục dâng hiến, đặc trưng bởi sự từ bỏ quyền lực, lạc thú và danh vọng thế gian để phục vụ nước Chúa. Mặc dù là một lời kêu gọi rất vinh dự, đôi khi chúng ta hiểu sai về ơn gọi này khi lý tưởng hóa nó, và hiểu lầm về các linh mục, theo cách vô ích cho chúng ta và người khác.

 

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger mô tả bản chất của thiên chức linh mục trong cuốn sách của ngài “Called to Communion” [Được gọi vào sự hiệp thông]:

 

Bí tích này có nghĩa là: Tôi cho những gì tôi không thể cho; Tôi làm một việc không phải là công việc của tôi; Tôi đang thực hiện một sứ mệnh và đã trở thành người gánh vác chính sứ mệnh mà người khác đã giao phó cho tôi. Do đó, không ai có thể tự tuyên bố mình là một linh mục hoặc một cộng đồng không thể biến ai đó thành linh mục theo ý muốn của mình. Ai đó có thể nhận được điều thuộc về Thiên Chúa chỉ nhờ qua bí tích này, bằng cách bước vào sứ mệnh biến bản thân thành sứ giả và công cụ cho người khác. Tất nhiên, chính sự hy sinh bản thân, sự tự rời đi khỏi mình, sự tự tước đoạt và vị tha này là điều cần thiết cho thiên chức linh mục có thể dẫn đến sự trưởng thành và sự hoàn thiện đích thực của con người. Vì trong động thái rời xa cái tôi này, chúng ta quy theo Mầu nhiệm Ba ngôi; vì vậy, hình ảnh Thiên Chúa (Imago Dei) được hoàn thiện và hình mẫu nền tảng từ đó mà chúng ta được tạo ra được đưa vào cuộc sống mới. Bởi vì chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Ba Ngôi nên sự thật sâu sắc nhất về mỗi người chính là khi người ta làm mất đi chính mình mới có thể tìm thấy chính mình.

 

 

 

Ơn gọi thiên chức linh mục không phải dành cho tất cả mọi nam nhân. Đó là một cam kết nghiêm túc khi người đó cống hiến toàn bộ bản thân mình vì Đức Kitô và vương quốc của Ngài. Thánh Norbert đã nói:

 

Ôi Linh mục! Bạn không còn phải là bạn vì bạn là Chúa. Bạn không còn cho chính bạn vì bạn là tôi tớ và thừa tác viên của Ðức Kitô. Bạn không còn là của riêng bạn vì bạn là hôn phu của Giáo hội. Bạn không còn là chính bạn vì bạn là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Bạn không do bạn mà có vì bạn chẳng có gì cả. Vậy linh mục là gì? Là người không có gì cả và cũng là người có tất cả. Ôi linh mục! Hãy cẩn thận, đừng để những gì người ta nói về Ðức Kitô trên thập giá lại là điều nói với bạn: Hắn cứu được người khác, nhưng không cứu được chính mình!”

 

Mọi người thường nhìn nhận các linh mục theo những góc nhìn cực đoan: hoặc là những gã khờ vì đã chấp nhận cuộc sống độc thân, hoặc là những người đã nhận được vương miện vinh quang của sự thánh thiện. Tuy nhiên, nhiều người chưa thừa nhận bản tính loài người vốn có của một linh mục. Giống như bất kỳ ai trong số chúng ta, một linh mục được tạo nên từ máu và thịt. Có nghĩa là họ không miễn nhiễm với những hành vi sai trái; các linh mục cũng có thể bị cuốn vào những tật xấu của họ và khuất phục trước sự cám dỗ như bao người khác. Không ai trong chúng ta không có tội; các linh mục cũng vậy, họ phải chịu đựng bản chất con người sa ngã và phải vật lộn với dục vọng.

 

Điều này hoàn toàn không bào chữa cho những người lẽ ra đừng nên bao giờ trở thành linh mục ngay từ đầu, những người, ngay từ đầu hành trình linh mục của họ, chỉ có sự xấu xa và gian dối trong lòng. Họ có ý định xấu là làm ô nhục vai trò của linh mục và gây ra tai tiếng cho Giáo Hội và, theo lời của một linh mục mà tôi biết, là “những nỗi khiếp đảm”. Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói, “Nếu các linh mục phạm tội, mọi người đều bị dẫn lối đến tội. Do đó mỗi người phải giải trình tội lỗi của mình; nhưng các linh mục cũng phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của người khác.”

 

Theo Giáo lý của Giáo hội Công giáo, khi một người lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh, khả năng phạm tội của người đó vẫn còn; tuy nhiên, anh ta nhận được một dấu ấn không thể xóa bỏ hoặc ấn tích thiêng liêng được ban bởi Thánh Thần. Điều này cho phép người đó phục vụ Dân Chúa như một công cụ của Đức Kitô cho Giáo Hội (1581). Thánh Bernađinô thành Siêna từng nói, “Năng quyền của linh mục là năng quyền của ngôi vị thần linh; vì việc Biến đổi bản thể của bánh đòi hỏi nhiều quyền năng như việc tạo ra thế giới.” Một linh mục hành động “nhân danh Chúa Kitô” (in persona Christi) không phải bằng quyền hạn hay nhân danh mình, mà thông qua quyền năng do chính Chúa Kito ban cho. Quyền năng này cho phép linh mục biến đổi bánh mì và rượu thành Mình và Máu của Chúa Kitô lúc cử hành Hiến tế thánh trong thánh lễ và giải tội.

 

 

 

Khi chúng ta đặt một linh mục trên bệ vàng, cuối cùng chúng ta sẽ gặp phải sự thất vọng. Chúng ta không nên thần tượng hóa một linh mục và lẽo đẽo bước theo trong suốt đời linh mục của người ấy từ giáo xứ này sang giáo xứ khác. Người ấy là người của Chúa, chứ không phải ca sĩ Elvis Presley; linh mục ấy không cần “người hâm mộ”. Tôi không đề cập đến những người đã chuyển xứ hoặc theo các linh mục vì cần thoát khỏi những lạm dụng phụng vụ hoặc các linh mục thờ ơ. Đây chắc chắn là những ngoại lệ. Nhưng điều quan trọng vẫn là việc giữ Thánh lễ vì Chúa.

 

Các linh mục phải làm việc hướng tới sự phát triển trong sự thánh thiện và đi theo con đường của đời sống thiêng liêng, thanh luyện, soi sáng và thần hiệp. Họ không phải là những vị thánh được phong thánh vào ngày phong chức. Khi chúng ta mong chờ một linh mục hoàn hảo, không có bất kỳ thiếu sót nào, chúng ta đã đặt ra những kỳ vọng phi thực tế. Thực tế, linh mục là con người chứ không phải là một siêu nhân.

 

Hơn nữa, một linh mục Công giáo không chỉ đơn thuần là một “Cỗ máy làm Lễ”, cử hành một các bí tích một cách máy móc liên tục và không mệt mỏi ngày này qua ngày khác. Linh mục là con người. Khi được truyền chức tư tế linh mục, người đó không từ bỏ nhân tính của mình, cũng như không còn trải nghiệm những điểm mạnh và điểm yếu cá nhân. Một số linh mục có thể đã cảm thấy nỗi khát khao bước vào con đường linh mục khi còn trẻ, trong khi những người khác có thể nhận ra ơn gọi của họ sau này. Những kinh nghiệm sống của họ trước thời điểm được truyền chức sẽ không biến mất khi được đặt tay truyền chức; đúng hơn, những trải nghiệm này vẫn là một phần của toàn thể con người họ như là thành viên của hàng giáo sĩ, định hình nên căn tính của họ giống như cách mà hành trình cuộc sống của chúng ta vun đắp nên chúng ta ngày nay.

 

Chúng ta thường dễ bị cuốn vào việc chỉ trích các quyết định của linh mục về các vấn đề giáo xứ, tuy nhiên chúng ta hiếm khi chấp nhận một sự soi xét tương tự. Tôi nhớ lại câu trích dẫn của một trong những nhân vật chính trong bộ phim “Giữ vững đức tin” (Keeping the Faith), khi Cha Brian Finn nói, “người Công giáo muốn các linh mục của họ trở thành kiểu người Công giáo mà họ không muốn rèn luyện để trở thành.” Điều quan trọng cần nhớ rằng chúng ta có thể không nắm rõ toàn bộ câu chuyện đằng sau sự lựa chọn của một linh mục, và có lẽ chúng ta không cần phải hiểu đầy đủ. Điều này đặc biệt đúng đối với các linh mục của chúng ta, những người gánh vác những trách nhiệm quan trọng và phải đưa ra những quyết định vì hạnh phúc của toàn bộ cộng đồng giáo xứ giúp xây dựng Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Kitô. Họ sở hữu những hiểu biết và kiến thức vượt xa chính chúng ta, được giao phó để chăm sóc tâm hồn chúng ta, vì chúng ta không thể tự săn sóc linh hồn mình. Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói:

 

Bạn có muốn biết liệu người dân ở bất kỳ nơi nào có ngay chính không? Hãy nhìn xem họ có linh mục kiểu như thế nào. Nếu bạn thấy Ngài đạo đức, công chính, lành mạnh, hãy tin rằng dân chúng sẽ như vậy, vì họ được nêm muối khôn ngoan của Ngài.”

 

Chúng ta có vai trò của giáo dân trong Giáo hội và không nên cố gắng đảm nhận những gì thuộc về vai trò của thừa tác viên có chức thánh và vị Linh mục Thượng tế. Chúng ta được kêu gọi tập trung vào các ơn gọi của chính mình và sống với chúng một cách trung thành như những nhân chứng cho Chúa Kitô trên thế gian, điều đó sẽ mang lại cho các linh mục sức mạnh để kiên trì trong các ơn gọi của chính họ. Nếu không phải là vấn đề phạm thánh hay lạm dụng phụng vụ cần được giải quyết, thì chúng ta có thể cầu nguyện cho trí tịnh và tâm an với vấn đề hoặc mối quan tâm mà mình có.

 

Bất chấp những thách thức của sự hy sinh, sự khinh thường và sự vô ơn thường đi kèm với ơn gọi linh mục, vẫn có những người chọn cống hiến trọn vẹn bản thân cho Chúa và trở thành những linh mục Công giáo. Điều quan trọng là chúng ta phải cầu nguyện cho những linh mục này, vì họ rất cần sự hỗ trợ của chúng ta. Một lời cầu nguyện yêu thích của tôi dành cho các linh mục là của Thánh Têrêsa thành Lisieux:

 

Lạy Chúa Giêsu, vị Thượng Tế đời đời,
Xin gìn giữ các linh mục của Người trong Thánh Tâm Chúa, nơi không gì khác có thể chạm vào.
Xin gìn giữ đôi bàn tay được xức dầu của họ, vốn hàng ngày chạm vào Thánh thể Ngài, không bị vấy bẩn.
Xin giữ cho đôi môi của họ, vẫn ngày ngày thấm đẫm bởi Máu quý giá của Ngài, không hoen ố.
Xin gìn giữ trái tim họ tinh tuyền và thanh thoát, được niêm phong bằng dấu ấn cao cả của chức vụ linh mục.
Xin hãy để Tình yêu thánh thiện của Ngài bao bọc họ và bảo vệ họ khỏi những lây nhiễm thế trần.
Xin chúc lành cho lao nhọc của họ với hoa trái dồi dào, và cầu mong những linh hồn mà họ chăm sóc là niềm vui và an ủi của họ ở đây và trên thiên đàng là vương miện đẹp đẽ và vĩnh cửu của họ.

 

Chúng ta nên dâng những lời cầu nguyện và việc đền đội không chỉ cho các linh mục mà chúng ta yêu quý và trân trọng, những người bảo vệ đức tin mạnh mẽ, mà còn cho những người sống nửa vời với sự thật. Chức vụ linh mục đòi hỏi một đời sống hy sinh, vì mỗi ngày các linh mục sẽ phục vụ Hội thánh và Dân Chúa một cách không mệt mỏi. Chúng ta hãy hết lòng hỗ trợ ơn gọi thiêng liêng này bằng cách cầu nguyện một cách chân thành cho có nhiều người tốt lành, thánh thiện và trung thành hơn nữa để đáp lại lời kêu gọi trở thành linh mục Công giáo.

 

Nguồn: Catholic Exchange
Tác giả: Christina M.Sorrentino
Chuyển ngữ: Huyền Đào

Kiểm tra tương tự

Con đường của Đức Kitô, con đường đi xuống

Con đường của Đức Kitô, con đường đi xuống   Nhưng Đức Giêsu không muốn …

Kiên cường trong đức tin: Quan điểm thần học và mục vụ

Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt với giới trẻ thế hệ gen “Z”, khái …