Tính nghịch lý của sự phức tạp
Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều khả thể để lựa chọn, nhưng việc sinh tồn dường như không mấy giản đơn hơn là bao. Đây chính là cái gọi là “nghịch lý của sự phức tạp”. Chúng ta phát triển các hệ thống được cho là giúp cuộc sống dễ dàng hơn, nhưng sự tiến bộ cũng đồng nghĩa với việc phải học các kỹ năng mới, đôi khi là những kỹ năng cực kỳ phức tạp. Điều này làm phát sinh các hình thức mù chữ mới.[1] Nói cách khác, việc có hàng ngàn cơ hội không hẳn khiến cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Thật vậy, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng một bộ phận dân số thích có ít lựa chọn hơn để khỏi rơi vào tình trạng đưa ra những lựa chọn sai lầm.[2]
Do đó, hạnh phúc không nhất thiết hệ tại ở việc luôn phải đối mặt với những cơ hội mới hoặc vô số sản phẩm và món hời. Trên thực tế, sự phức tạp cũng tỷ lệ thuận với những lo âu và căng thẳng: đôi khi chúng ta tự hỏi liệu mình đã lựa chọn đúng đắn hay chưa sau khi mua một sản phẩm, vì có rất nhiều khả thể khác nữa.
Sự phức tạp của thị trường khiến chúng ta thay đổi cách nhìn nhận và tương tác với thực tại của cuộc sống. Chẳng hạn, nó có thể khiến chúng ta nhạy cảm hơn với về những chi tiết và sự khác biệt không đáng kể. Nó khiến chúng ta chỉ trích nhiều hơn về những hạn chế của một sản phẩm khi so sánh với sản phẩm khác. Nó khiến chúng ta nhạy cảm hơn mức cần thiết khi đối mặt với các quan điểm khác biệt trong các lĩnh vực văn hóa cũng như chính trị, và điều này thường tạo ra sự phân cực cách mạnh mẽ hoặc sản sinh ra một cơ chế phòng thủ. Chúng ta đặt mình vào một thái cực để tránh việc phải lựa chọn giữa các phương án thay thế.
Một trong những phản ứng thường gặp nhất khi đối mặt với sự phức tạp là cố gắng kiểm soát mọi thứ. Do đó, một sản phẩm được thèm muốn nhất sẽ bao gồm tất cả những đặc tính mà chúng ta cần, tức là sản phẩm cho phép chúng ta có thể sở hữu mọi thứ mà chẳng cần phải băn khoăn về việc phải từ bỏ một điều gì. Đây là điều được gọi là huyền thoại về hiệu quả trong thời đại đầy phức tạp này. Nhưng thật không may, yêu sách mang tính lý tưởng này lại lây lan sang cả các mối quan hệ giữa con người với nhau. Chẳng hạn, chúng ta yêu cầu đối tác của mình phải có tất cả những phẩm chất mà chúng ta mong muốn. Trên thực tế, điều này không bao giờ xảy ra, bởi đó, người hậu hiện đại thường giải quyết vấn đề bằng cách thay đổi đối tác của mình với một tần suất nhất định, trong một cuộc truy tìm vô ích về một yêu sách vốn chỉ tồn tại trong tưởng tượng của con người. Chúng ta cũng áp đặt huyền thoại về sự hoàn bị lên chính mình, khi chúng ta cố gắng duy trì các hình thức sống và hành vi không phù hợp với tuổi tác hoặc điều kiện sống.
Chúng ta muốn trải nghiệm mọi thứ mà không phải băn khoăn về việc từ bỏ bất cứ thứ gì.
Kẻ thù lớn nhất chính là thời gian, bởi vì những lựa chọn của chúng ta là ngẫu nhiên và không thể truy hồi.[3] Đúng là đôi khi một lựa chọn có thể thay đổi bởi một lựa chọn tiếp theo, nhưng kinh nghiệm chỉ ra rằng: thực tế là dấu ấn của lựa chọn đầu tiên sẽ không thể xóa nhòa; nó vẫn là một sự kiện mà chúng ta không thể phủ nhận. Nó giống như một hình xăm không thể xóa bỏ.
Gieo hành động – gặt nhân cách
Trong những thập kỷ gần đây, đã có sự gia tăng về các ấn phẩm cố gắng giải thích cách thức đưa ra quyết định, đặc biệt là trong lãnh vực kinh doanh. Thật vậy, chúng ta nói về việc “ra quyết định” theo ngôn ngữ thực dụng của phương Tây.[4] Chắc chắn có những yếu tố thú vị trong các lý thuyết này, nhưng hạn chế căn bản của chúng nằm ở việc lãng quên chủ thể của hành vi lựa chọn. Nghĩa là thông qua những quyết định của mình thì nhân cách của người thực hiện việc lựa chọn được định hình. Đây chính là vấn đề mà chúng ta sẽ tập trung xem xét trong bài viết này.
Các quy trình ra quyết định thường sử dụng cấu trúc hình cây: chúng ta bắt đầu từ một điểm đánh dấu tình huống ban đầu và tiến hành bằng cách xem xét các phương án thay thế, những phương án này sẽ tạo thành các nhánh cây, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được. Các nhánh khác nhau mở rộng từ các đốt cây chỉ ra các bước quan trọng của các quyết định tiếp theo hướng đến mục tiêu. Mỗi đốt dẫn đến một thế giới khả thi và chỉ một trong những thế giới này trở thành hiện thực ngay khi ai đó bước vào thế giới đó. Theo đó, không thể di chuyển từ thế giới này sang thế giới khác trừ khi vượt qua một đốt nhất định. Nhưng trên thực tế, đốt này lại đại diện cho một khoảnh khắc của cuộc sống khi tôi thấy mình phải đối mặt với nhiều khả thể của việc chọn lựa.
Rõ ràng là trong những lần chuyển đổi từ đốt này sang đốt khác, chủ thể đang để lại dấu vết, không chỉ trong cuộc sống của chính mình mà còn trong cuộc sống của tha nhân. Ví dụ, nếu Mario quyết định không kết hôn với Julia, anh ta sẽ để lại dấu vết không chỉ trong cuộc sống của chính mình mà còn trong cuộc sống của Julia, người sẽ không kết hôn với Mario. Đây không phải là một quan sát tầm thường, vì nó giúp chúng ta suy ngẫm về trách nhiệm đi kèm các lựa chọn của mình, điều này không bao giờ chỉ ảnh hưởng đến riêng người đưa ra quyết định. Đây là các mối liên hệ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh.[5]
Các mối liên hệ, trách nhiệm và việc tự lừa dối bản thân
Về lý thuyết, các mối liên hệ phát sinh trong quá trình đưa ra quyết định có thể được đọc lại dưới góc độ của lý thuyết trò chơi. Những người đầu tiên nghiên cứu về lý thuyết này là Neumann và Morgenstern.[6] Lúc đầu, câu hỏi chỉ đơn giản là làm thế nào để sử dụng trò hù dọa trong trò chơi poker. Trên thực tế, người ta phải cân bằng giữa hai trạng thái quá ít và quá nhiều. Việc hù dọa quá ít sẽ có nguy cơ khiến người chơi bị thua, còn việc hù dọa quá nhiều sẽ rất dễ bị phát hiện.
Một khía cạnh khác của lý thuyết trò chơi mang tên là tình thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân, tình huống này này mô tả rất rõ hậu quả của các quyết định của chúng ta, không chỉ liên quan tới bản thân chúng ta mà còn liên quan tới người khác. Tình huống này được diễn tả như sau: có hai nghi phạm phạm tội nghiêm trọng bị bắt, nhưng cảnh sát không có đủ bằng chứng để buộc tội họ. Để buộc họ thú nhận, cảnh sát đã nghĩ ra một chiến lược. Hai nghi phạm bị thẩm vấn riêng biệt và theo cách mà họ không thể giao tiếp với nhau. Cả hai đều được trao những kịch bản khác nhau. Kịch bản thứ 1: Nếu không ai thú nhận, họ sẽ được giảm án và bị kết án sáu tháng tù. Kịch bản thứ 2: Nếu một trong hai người thú nhận và người kia từ chối, thì người thú nhận sẽ được minh oan và người kia sẽ bị kết án 15 năm tù. Kịch bản thứ 3: Nếu cả hai đều thú nhận, cả hai đều sẽ bị kết án, nhưng với mức án được giảm nhẹ.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là quyết định của chúng ta luôn bị chi phối bởi sự thiếu hiểu biết về lựa chọn của người khác. Chúng ta thường có xu hướng cho rằng người kia có hành vi ích kỷ, điều này có thể gây bất lợi cho chúng ta. Trong tình huống của hai tù nhân trên đây, kết quả thường gặp nhất là cả hai bị cáo đều sẽ quyết định thú nhận, ngoại trừ lựa chọn đầu tiên vốn thuận tiện hơn nhưng đòi hỏi sự tin tưởng ngầm vào hành vi của đồng phạm.
Lý thuyết trò chơi có thể được coi là phép ẩn dụ cho những tiến trình ra quyết định mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống. Hơn nữa, trong các lý thuyết liên quan đến tiến trình ra quyết định này, chúng ta tiếp tục nhận thấy mối quan tâm hàng đầu là kết quả của sự lựa chọn chứ không phải chính các chủ thể xây dựng căn tính của họ. Thường thì một cách vô thức họ sẽ đi theo lối mòn vốn có trong tiến trình đưa đến quyết định.
Văn học cũng đã cố gắng mô tả các tương tác và hậu quả của tiến trình đưa ra quyết định của chúng ta. Ví dụ, Sartre trong vở kịch No Exit muốn nhấn mạnh những tình huống bất hạnh mà chúng ta quyết định ở lại vì sợ điều chưa biết, tức là sợ một sự thay đổi có thể xảy ra mà chúng ta không biết kết quả.[7] Đây chính là khái niệm về sự “tự lừa dối” bản thân.
Nhân vật chính của vở kịch là một người đàn ông tên là Garcin, người đến địa ngục sau khi lừa dối vợ đến mức cô ấy buộc phải phục vụ bữa sáng trên giường cho anh ta và tình nhân của hắn. Sau cái chết của Garcin, vợ anh ta đã tự tử. Khi đến địa ngục, Garcin mong đợi sẽ phải chịu sự tra tấn khủng khiếp; nhưng thay vào đó, anh ta thấy mình đang ở trong một căn phòng với hai người phụ nữ khác, sự tương tác với họ là nguồn gốc của nỗi đau khổ sâu sắc nơi anh. Trong bối cảnh này, chúng ta tìm thấy câu nói nổi tiếng của Sartre rằng “địa ngục là chính tha nhân”. Trong căn phòng mà Garcin ở, anh thấy có một cánh cửa mà anh ta tin rằng đã đóng, và chỉ đến phút cuối anh ta mới phát hiện ra rằng nó luôn mở. Garcin gõ cửa với hy vọng rằng có ai đó sẽ nghe thấy và cho anh ta ra ngoài. Ngay lúc đó, một người đưa tin đến để cho anh ta một lựa chọn thay thế, thay vì ở lại trong phòng anh ta có thể bước vào một khoảng không. Nhưng Garcin từ chối, và thích chịu đau khổ hơn là lựa chọn một kết quả không chắc chắn.
Sự khắc khoải lo âu trước các chọn lựa
Con người ở thời hậu hiện đại quen với việc kiểm soát và định lượng, tuy nhiên, cũng như ví dụ về tình thế tiến thoái lưỡng nan của hai tù nhân chứng minh, các quyết định luôn đi kèm một rủi ro. Thật vậy, chúng ta có ít nhiều thông tin về bản thân, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thực sự biết ý định thực sự của những người đang đùa giỡn với chúng ta là gì. Trong thời đại đầy phức tạp này, chúng ta có thể hiểu rõ rằng việc lựa chọn trở nên khó khăn hơn vì nó khiến chúng ta phải đối mặt với sự không chắc chắn mà con người thời hậu hiện đại có xu hướng tránh xa.
Những người muốn kiểm soát mọi thứ sẽ có xu hướng không lựa chọn hoặc trì hoãn quyết định của mình.
Cũng như Heidegger đã chỉ ra, chiều kích rủi ro và sự không trọn vẹn này sẽ phát sinh một cảm giác âu lo nơi con người. Con người mà Heidegger gọi là Dasein (“tại hữu”) liên tục phải đối mặt với những khả năng để lựa chọn. Sự sinh tồn của một người thực chất là một dự phóng. Thật vậy, chỉ có Dasein mới tồn tại đúng nghĩa với lời mời gọi đi đến quyết định này. Nghĩa là Dasein có thể thoát khỏi trạng huống mà cuộc sống đặt đẩy đưa. Ngược lại, các đối tượng, tức là tất cả các thực thể khác, chỉ đơn giản là tồn tại, bởi vì chúng vẫn ở trong tình trạng uyên nguyên. Trên thực tế, đối với Heidegger, thuật ngữ Dasein không chỉ biểu thị mối liên hệ độc đáo mà con người có với Thực Hữu (Being) do khả năng đặt câu hỏi về mục đích tồn tại của nó, mà còn ngụ ý rằng Dasein luôn ở “đó”(there) trong một trạng huống cụ thể. Trạng huống này đóng vai trò như là điểm khởi đầu và không bao giờ có hồi kết trong suốt cuộc đời của họ.
Bởi vì Dasein liên tục phải đối mặt với những khả thể khác để lựa chọn, nên nó sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái bởi không có trạng huống nào có thể được coi là cuối cùng. Đây là sự hoang mang làm phát sinh nỗi lo âu khắc khoải.[8] Do đó, nó không phải là một cảm giác tiêu cực, mà là một cảm giác hiện sinh, theo nghĩa là nó phù hợp với cuộc sống của Dasein; nó báo hiệu sự khác biệt của Dasein với các đối vật. Thật vậy, đó là những đối vật “trong tầm tay”, và Dasein đặt chúng vào chân trời ý nghĩa của mình để xây dựng dự phóng cho tương lai. Tuy nhiên, Heidegger nói rằng các lựa chọn không phải lúc nào cũng chân thực: trên thực tế, đôi khi Dasein lựa chọn bằng logic của công chúng khi chịu ảnh hưởng bởi những gì người ta làm hoặc người ta nói. Ngược lại, Dasein sẽ thực sự tồn tại chân thực khi nó lựa chọn những khả thể thuộc về riêng nó nhất. Tức là Dasein chọn lựa những khả thể đích thực của riêng nó. Nói cách khác, sự tồn tại chân thực (authentic existence) là một sự tồn tại hợp lệ.
Dù Dasein phải đối mặt với rất nhiều khả thể nhưng những khả thể đó không phải là vô tận. Sự ảo tưởng về việc phải đối mặt với những khả thể vô tận thậm chí có thể khiến một người trì hoãn quyết định hoặc không bao giờ nhận ra bản thân trong dự phóng của mình, hoặc là coi nó luôn diễn ra vô thời hạn. Các giả thuyết về sự bất tử, ví dụ như liên quan đến chủ nghĩa siêu nhân, như đã được chứng thực trong các tài liệu gần đây, có xu hướng theo hướng trên dây theo một nghĩa nào đó. Bởi vì, khi nại tới sự vô hạn của cuộc sống, những khả thể đó khiến một người không bao giờ quyết định về căn tính của mình. Thay vào đó, như Heidegger chỉ ra, có một khả thể khép lại tất cả các khả năng khác, đó là cái chết, bởi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Việc tiên liệu về cái chết có nghĩa là nhận thức được sự hữu hạn của chính mình. Chỉ khi thừa nhận về giới hạn này của tồn tại, con người mới đạt tới nhận thức chân thực về căn tính của mình. Việc tiên liệu về cái chết có nghĩa là nhận ra rằng tôi là những gì tôi đã lựa chọn, và căn tính của tôi chắc chắn sẽ là như vậy, nếu cái chết đến và đóng lại những khả thể lựa chọn tiếp theo của tôi.
Căn tính (bản sắc) của người ra quyết định
Nhờ sự phản tỉnh của Ricoeur, giờ đây chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu những gì diễn ra trong chúng ta thông qua quá trình đưa ra quyết định tất yếu mà chúng ta liên tục được mời gọi. Tiến trình này là chìa khóa cho sự tồn tại của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không thể không quyết định liên quan đến hoạt động của con người dù ở những cấp độ ý thức khác nhau.
Một khía cạnh đầu tiên phái sinh từ hiện tượng học về việc ra quyết định chính là mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Việc ra quyết định đánh dấu sự kết thúc của tính cô lập nơi ý thức. Ricoeur đi đến nhận định này bằng cách phân tích các động từ diễn tả quá trình ra quyết định. Trước hết, chúng ta thấy các động từ trạng thái (Tôi nhận thức, Tôi mong muốn, Tôi muốn…) thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng của quyết định. Tuy nhiên, trong hành động ra quyết định, chúng ta thấy các động từ bất định và phản thân (Tôi quyết định, Tôi thỏa hiệp, Tôi giải quyết…) lại nhấn mạnh rằng sự lựa chọn có ảnh hưởng đến chủ thể đưa ra quyết định.[9]
Xét như một tiến trình, quyết định sẽ có mối quan hệ với thời gian. Trước hết, tiến trình ra quyết định là một chọn lựa mang tính trống rỗng đối với tương lai: trên thực tế, đây là một quyết định để đi tới hành động chưa xảy ra và có thể sẽ chỉ được thực hiện sau này, liên quan đến những hậu quả vốn không có thật ở hiện tại mà chỉ là giả thuyết.
Mặc dù hướng đến tương lai nhưng việc ra quyết định bao gồm sự cam kết ở đây và bây giờ. Người đang lựa chọn tưởng tượng ra các kịch bản của tương lai vì tin rằng những khả thể đó nằm trong khả năng của mình ngày hôm nay. Chủ thể này nhận ra rằng bản thân họ đang tham gia vào hành động đó.
Tiến trình tự nhận thức này diễn ra trong tiến trình đưa ra quyết định cũng rất quan trọng khi xem xét việc chịu trách nhiệm. Tôi thấy mình trong hành động đó, bản ngã đang nghĩ về nó cũng chính là bản ngã cuối cùng sẽ là chủ thể thực hiện hành động tưởng tượng. Bản ngã ra quyết định nhận ra chính mình trong dự phóng mà bản ngã tham dự. Ví dụ, tôi sẽ tránh phạm tội giết người, vì khi tôi tưởng tượng, tôi nhận ra rằng mình sẽ là người chịu trách nhiệm cho hành động đó. Rõ ràng là, nếu khả năng tự nhận thức này không hoạt động cách đúng đắn, tôi sẽ thấy mình đang thực hiện các hành động mà không nhận ra hậu quả.
Quá trình chuyển đổi từ thì hiện tại của sự phân định sang thì tương lai của việc quyết định tương ứng cũng trải qua trải nghiệm về sự do dự, sự do dự này chính là không gian của sự phản ánh. Trong quá trình này, tôi nhận ra rằng trong tương lai tôi sẽ khác với những gì tôi đang là. Do đó, quyết định là một sự khuếch trương của hiện tại. Đó là một sự mất mát, bởi vì tôi đang tưởng tượng rằng tôi không còn là tôi ở thời điểm này nữa. Trong quyết định, tôi thỏa hiệp với chính mình; tôi thế chấp hình ảnh của mình; tôi ràng buộc mình với tương lai.
Việc quyết định cũng mở ra một nhận thức tích cực đối với tương lai. Trên thực tế, tôi nhận ra rằng vì tôi có thể quyết định, rằng tôi có một tương lai có thể xảy ra, nên tôi sẽ là gì thì vẫn chưa được trao tặng. Đồng thời, tôi cũng nhận ra sự hạn chế của hiện tại; hôm nay tôi là thế này, và từ đây tôi có thể bắt đầu. Sự hạn chế này của hiện tại được thể hiện một cách triệt để và rõ ràng thông qua cơ thể tôi, cơ thể gọi tôi trở lại với tình trạng hiện tại của mình. Theo nghĩa này, Ricoeur gọi cơ thể là “nơi của sự vô tình” (the place of the involuntary), bởi vì cơ thể là thứ tôi có thể lựa chọn, nhưng đồng thời đó là thứ tôi không thể tránh né hoặc loại bỏ như một điểm khởi đầu. Đó là thứ tôi không lựa chọn. Theo nghĩa này, cơ thể đôi khi được mô tả là một sự thất bại khởi đầu.[10]
Sự ham muốn và tính phức tạp của nó
Cơ thể cũng là rào cản của mối quan hệ. Chính cách tôi khẳng định bản thân trong mối quan hệ là cửa sổ mà tha nhân có thể nhìn vào tôi và là công cụ cho phép tôi bước vào mối quan hệ với họ. Cơ thể liên tục nhắc nhở tôi về chiều kích giới hạn vốn đánh dấu cấu trúc của con người. Chúng ta luôn có nhu cầu liên hệ với thế giới bên ngoài, chẳng hạn việc nuôi dưỡng bản thân.
Nhu cầu này ở cấp độ sâu hơn mang chiều kích của sự ham muốn, không chỉ đơn thuần là vở kịch của sự không trọn vẹn, mà còn là phương tiện cho phép bắt đầu quá trình ra quyết định. Khi chúng ta trải qua nhu cầu, chúng ta tìm kiếm đối tượng có thể lấp đầy sự thiếu hụt. Nhu cầu về cơ bản liên quan tới những nhu cầu về thể chất. Mặt khác, sự ham muốn trong khi có chung đặc tính với nhu cầu khi cùng diễn tả sự thiếu hụt. Tuy nhiên, sự ham muốn vượt qua đối tượng của nó và không bao giờ được thỏa mãn triệt để cho tới khi nó tìm thấy đối tượng của mình. Trên thực tế, sự ham muốn liên quan đến các giá trị mà chúng ta hướng tới: chúng ta mong muốn đạt được điều gì đó vì chúng ta coi nó quan trọng đối với mình. Chúng ta có thể nói rằng sự ham muốn có đặc tính của chủ nghĩa đi tìm hạnh phúc (eudaimonistic):[11] nghĩa là chúng ta tìm kiếm những gì chúng ta coi là tốt cho mình, không chỉ trong thế giới vật chất, nơi chúng ta trải nghiệm sự cần thiết phù hợp với nhu cầu, mà còn ở cấp độ sâu hơn của các giá trị.
Sự ham muốn có đặc tính dẫn hướng vì nó chỉ cho chúng ta một mục tiêu, và theo cách này, nó thúc đẩy chúng ta. Không có gì ngạc nhiên khi Aristotle sử dụng phép ẩn dụ về ham muốn để giải thích về động cơ thứ nhất (prime mover) theo nghĩa nó làm chuyển động các tầng trời bằng cách thu hút chúng về phía mình trong khi nó đứng yên.[12]
Thông qua khả năng tưởng tượng, sự ham muốn khiến chúng ta nhìn thấy những gì chưa có, và hình ảnh này khiến chúng ta chuyển động ở mức độ mạnh mẽ và sống động hơn. Nếu sự ham muốn phai nhạt hoặc biến mất, chúng ta sẽ đứng yên. Đó là lý do tại sao một cuộc sống không có sự ham muốn có thể khiến một người rơi vào trạng thái bất động của chứng trầm cảm. Do đó, nhận thức về sự ham muốn là điều kiện cần thiết để bắt đầu quá trình phân định. Điều này không có nghĩa là sự ham muốn là tiêu chí cho các lựa chọn, mà là thứ khởi động cho hành trình đi đến quyết định.
Con đường đưa ra lựa chọn luôn luôn khó hiểu.
Bởi những gì chúng ta đang xây dựng vẫn chưa tồn tại nên tiến trình đưa ra quyết định luôn hàm chứa những mảng tối của vấn đề. Trên thực tế, không bao giờ tồn tại những trạng huống giống nhau tới mức mà chúng ta chỉ cần sao chép là được. Mỗi lựa chọn là duy nhất và nguyên bản. Điều diễn ra nơi một chọn lựa là sự hội tụ của các khía cạnh tương đồng và một tình huống cụ thể. Các khía cạnh tương đồng hoặc phổ quát là các tiêu chí, các giá trị các và chuẩn mực tham chiếu. Một số yếu tố phổ quát bắt nguồn từ tính hợp lý, trong khi những yếu tố khác liên quan đến bối cảnh của cộng đồng mà nơi đó quyết định được đưa ra. Tuy nhiên, những khía cạnh phổ quát này phải kết nối với một tình huống ngẫu nhiên vốn luôn độc đáo và mới lạ. Nỗ lực phân định bao gồm việc duy trì và kết nối hai khía cạnh của thực tại lại với nhau.
Quyết định được đưa ra cũng phức tạp vì chúng ta thường phải đối mặt với những giá trị xung đột. Ví dụ, chúng ta có thể phải quyết định giữa tình bạn và công lý, giữa sự minh bạch và quyền riêng tư, hoặc giữa đam mê và nghĩa vụ. Thật vậy, Ricoeur coi quyết định là “một hòn đảo sáng lạng nhưng cô tịch trên nền biển mờ tối”. [13]
Bởi việc đưa ra quyết định là một quá trình mà tôi với tư cách là chủ thể được kêu gọi để nhận ra chính mình, nên tôi luôn kết thúc bằng sự đồng ý. Rốt cuộc, quyết định đó là của tôi. Sự đồng ý đôi khi cũng có nghĩa là chấp nhận một thực tế mà tôi không thể thay đổi: thay vì chịu đựng nó, tôi có thể nói “fiat”, nghĩa là “thì cứ vậy đi!” Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể thay đổi thực tại, chúng ta luôn phải chọn lựa cách thức để sinh tồn.
Tiến trình đưa ra quyết định kết thúc bằng một hành động. Kết quả của tiến trình đó luôn là một động thái. Trong các vòng tròn phân tâm học, người ta có thể nói về việc thực hiện hành động, hay nói cách khác hành động được thực hiện. Nhưng thuật ngữ “thực hiện”(execution) còn được sử dụng để ám chỉ án tử hình. Quyết định thực ra là thủ tiêu tất cả những tiếng nói khác trong việc tranh dành quyền lợi. Đó là một tiến trình mà chúng ta phải chọn một trong những khả thể, nghĩa là kết án tử hình tất cả những đối tượng khác. Nếu diễn tả theo một lối nẻo khác, chúng ta thấy rằng thuật ngữ “ra quyết định” (deciding) có cùng gốc với động từ “recidere” trong tiếng Latin, nghĩa là cắt bỏ:
Một người thực sự lựa chọn khi người đó dám cắt bỏ những khả thể khác để chọn một khả thể tương hợp với mình.
Bất kể sử dụng lối nói nào, chúng ta không thể phủ nhận rằng những từ này vẫn luôn hàm ý một chiều kích mang tính đau đớn của hành vi lựa chọn: cũng giống như việc sinh con, dù đau đớn nhưng phát sinh sự sống.
Cơ hội quý báu
Trước hết, khi duyệt xét về quá trình đưa ra quyết định chúng ta có thể thấy mối quan hệ của chủ đề này trong thời đại vốn được miêu tả bằng tính nghịch lý của sự phức tạp. Tính đa dạng của các khả thể không nhất thiết và ngay lập tức giúp chúng ta sống một cuộc đời hạnh phúc hơn.
Theo đó, chúng ta nên chú ý tới vai trò của chủ thể và sự tự hiểu của họ trong tiến trình đưa ra quyết định. Khác với các lý thuyết được áp dụng các lĩnh vực khác, đặc biệt trong lĩnh vực doanh nghiệp vốn chỉ tập trung vào việc vận dụng để đạt được mục tiêu tốt nhất, thì hiện tượng học về tiến trình đưa ra quyết định lại nêu bật sự biến chuyển diễn ra nơi chủ thể ra quyết định. Đây là sự điều chỉnh quan trọng vì nó liên quan đến việc xây dựng bản sắc cá nhân.
Khi mô tả về tiến trình dẫn đến sự lựa chọn, chúng ta cũng làm rõ lý do mà chúng ta không thể thoát khỏi đòi hỏi của việc phải đưa ra quyết định, và đây thực sự là đặc nét chỉ thấy ở nơi con người. Chúng ta là những hữu thể liên tục được mời gọi để đưa ra quyết định, dĩ nhiên là ở nhiều mức độ trách nhiệm và hậu quả khác nhau. Do đó, cũng giống như một vở kịch hay không thể thiếu những nút thắt cần gỡ giải, sự khó khăn trong việc đưa ra quyết định hóa ra lại là một cơ hội quý báu mà qua đó chủ thể có thể xây dựng và nhận ra bản sắc của chính mình.
Nguồn: La Civiltà Cattolica
Tác giả: Gaetano Piccolo, S.J.
Chuyển ngữ: Đào Anh Tuấn, S.J.
[1]. Cf. E. C. Rosenthal, The Era of Choice. The Ability to Choose and Its Transformation of Contemporary Life, Cambridge, MA – London, MIT Press, 2005, IX.
[2]. Cf. ibid. 42.
[3]. Cf. ibid. 9.
[4]. Cf. T. Connolly – H. R. Arkes – K. R. Hammond, Judgment and Decision making, Cambridge, UK, Cambridge University Press, 2002.
[5]. Cf. Francis, Laudato Si’, no. 117.
[6]. Cf. J. von Neumann – O. Morgenstern (eds), Theory of Games and Economic Behavior, Princeton, Princeton University Press, 1953.
[7]. Cf. J.-P. Sartre, Huis clos suivi de Les mouches, Paris, Gallimard, 1944.
[8]. Cf. M. Heidegger, Essere e tempo, Milan, Longanesi, 2020, §§ 28-30.
[9]. Cf. P. Ricoeur, Filosofia della volontà. 1: Il volontario e l’involontario, Turin, Marietti, 1990, 46.
[10]. Cf. Id., Finitudine e colpa, Bologna, il Mulino, 1970, 227.
[11]. Martha Nussbaum has extended the eudaimonistic character to the sphere of emotions as a whole: cf. M. Nussbaum, L’intelligenza delle emozioni, Bologna, il Mulino, 2004, 47.
[12]. Aristotle, Metaphysics, XII 1072 a 20 – 1072 b 10.
[13]. P. Ricoeur, Filosofia della volontà. 1: Il volontario e l’involontario, op. cit., 338.