Người Chứng Thứ Nhất – Chương 1: Quê Xưa

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

Chương I: Quê Xưa

AnrePhuYen2Trên đường quốc lộ về miền Trung, sau khi vượt qua Nha Trang ngoài 80 cây số, du khách thấy sừng sững trước mặt, một dãy núi chạy dài từ tây sang đông, với mũi đá lấn sâu vào đại dương. Đó là dãy núi Đại lãnh đèo Cả, với mũi Nai, mà người Tây phương từ thế kỷ XVII, đã đặt tên là “Cap Varella”.

Dãy Hoành sơn phương Nam này, xưa kia đã có lúc dùng làm biên giới thiên nhiên giữa hai nước Chiêm Thành và Việt Nam, ngày nay còn dùng làm địa giới cho hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Muốn vào đất Phú Yên, du khách phải vượt qua 12 cây số đường đèo quanh co, lúc vào thẳm rừng sâu, khi chênh vênh mé biển, chỗ cao nhất lên tới 800 thước, quanh năm gió táp mưa sa, mây mù dày đặc. Nếu đi xe lửa, du khách phải chui qua 1296 thước đường hầm nghẹt thở, tối tăm.

Vừa đặt chân vào đất Phú Yên, du khách khoan khoái ngắm nhìn một thắng cảnh lịch sử: Núi Đá Bia (705 thước), ghi dấu cuộc Nam tiến của dân tộc. “Chiều chiều mây phủ Đá bia”: một tấm bia khổng lồ cao vút mây xanh, do Thợ Trời tạo dựng, như để ghi nhận chí kiêu hùng của nòi Việt luôn luôn thắng vượt để sinh tồn.1

Từ đây đường thiên lý băng qua một vùng đồng bằng rộng rãi, phía tây giáp dãy Trường sơn, phía đông ăn ra Nam hải, xa xa trước mặt là thị xã Tuy Hòa trong một khung cảnh nên thơ: núi Nhạn Tháp, sông Đà Ràng. Sông này, còn gọi sông Ba, là con sông lớn nhất miền Nam Trung, phát nguyên từ Kontum, chảy ngang tỉnh Phú Yên, đổ ra cửa Đà Diễn, dài 300 cây số.

Sau Tuy Hòa, du khách vượt qua một vùng núi non hiểm trở rồi bỗng thấy hiện ra trước mắt một cánh đồng phì nhiêu, với những dòng sông lớn. Đó là đồng Tuy An, ở châu thổ sông Cái. Phát nguyên từ miền núi Cà Lố, sông này chảy xuống Tuy An, chia làm nhiều nhánh đổ ra vũng Xuân Đài và đầm Ô Loan. Mắt nhà địa lý xưa, nhìn mấy nhánh sông uốn khúc, đã tưởng đến một vực rồng, nên một làng quan trọng ở đây được đặt tên là Long Uyên và được chọn làm nơi lập tỉnh đường dưới thời quân chủ. Một đồi đất đỏ, vài ngọn núi lam, mọc lên giữa cảnh đồng ruộng tốt tươi, xóm làng sầm uất sau luỹ tre xanh, càng tô thêm nét thắm cho cảnh thiên nhiên tại đây, khiến một vị đường quan đời Tự Đức đã không ngần ngại tâu về Triều: “Thần quan Phú Yên nhất tỉnh, sơn thuỷ chi thắng vô du Long Uyên” (Tôi thấy toàn tỉnh Phú Yên, thắng cảnh núi sông không đâu bằng Long Uyên). 2

Cảnh thiên nhiên đã lạ lùng, bàn tay nhận tạo càng làm cho thêm khởi sắc: chính giữa phong cảnh ngoạn mục ấy, một ngôi nhà thờ đồ sộ với hai ngọn tháp cao vút màu trắng, nổi bật trên nền xanh của cảnh vật. Đó là nhà thờ Mằng Lăng, ở xã An Ninh, trên hữu ngạn sông Cái, xây từ đầu thế kỷ nay, và là ngôi nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất trong cả miền Nam Trung phần.

Du khách theo đường Quốc lỗ số 1, nếu không có thì giờ dừng chân, vẫn có thể tha hồ ngoạn cảnh vì tàu khi qua bến đò Ngân Sơn (trên sông Cái) con đường thiên lý cứ chạy vòng chung quanh, theo sườn núi Đá Trắng và núi Gành Đỏ, trên một khoảng dài hơn mười cây số. Đèo càng lên cao, du khách càng bao quát được cả miền: sông núi, bể khơi, đồng ruộng, xóm làng và ở chính giữa, ngôi thánh đường trắng: cảnh đẹp thật hiếm có vậy!

Tôi vừa nói đến hòn Đá Trắng: màu đất và khí lành nơi triền núi sản xuất ra một giống cây xoài có trái thơm ngon không đâu bằng. Xưa kia, mỗi năm đến tiết Đoan Ngọ, quan Tổng đốc Bình Phú 3 phải mua xoài Đá Trắng tiến nhà vua. Trong dân gian cũng có ca dao:

Rủ lên Đá Trắng ăn xoài,

Muốn ăn tương ngọt, Thiên thai thiếu gì.

Đã có mỹ quan lại thêm mỹ vị, phong cảnh nơi đây hình như còn ảnh hưởng đến cả tài nghệ con người. Quả thực, khắp Việt Nam, duy làng Ngân Sơn có nghề dệt gấm, từ bao đời cha truyền con nối, sáng tạo những thứ gấm vóc tinh xảo và mỹ thuật hơn cả gấm Thượng Hải, được các vua chúa Việt Nam xưa vẫn ưa dùng.4

Nếu du khách từ miền Bắc đi vào, sau khi vượt dãy núi Cù Mông ngăn cách Bình Định với Phú Yên, đường quốc lộ sẽ dẫn bạn thẳng tới Sông Cầu, một cửa bể với những bãi dừa vô tận, một thị xã được chọn làm tỉnh lỵ dưới thời Pháp thuộc. Từ Sông cầu xuống Tuy An, đường dài hơn hai chục cây số chạy theo ven biển, đẹp không kém những khúc đường “Côte d’Azur” của Pháp hay bờ biển Ý Đại Lợi. Chính đường đó đưa bạn đến vùng thắng cảnh Tuy An, ở giữa khoảng đường dài 116 cây số ngăn cách đèo Cả với đèo Cù Mông.

Địa linh nhân kiệt: cảnh trí vô song này ở trung tâm tỉnh Phú Yên, chính là nơi chôn rau cắt rún của vị Anh hùng tử đạo đầu tiên Việt Nam: Thầy giảng Anrê Phú Yên.

Tự bao đời xưa đến bây giờ, cảnh thiên nhiên vẫn y nguyên không thay đổi, nhưng đời sống xã hội đã trải biết bao thăng trầm!

Vài hàng lịch sử Phú Yên

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Phú Yên nguyên là đất Việt Thường, đời nhà Tần gọi là Tượng Quận, đời Hán gọi là Nhật Nam, sau bị Lâm Ap chiếm, đến khi Chiêm Thành diệt Lâm Ap, miền đất này thuộc châu Vijaya của Chiêm quốc, có tên là Bà Đài, nay còn danh từ Xuân Đài đặt cho vùng Phú Yên.

Năm Hồng Đức thứ nhất (1479) vua Lê Thánh Tôn cử đại binh chinh phạt Chiêm Thành, phong ông Phạm Nhữ Tăng, cháu ba đời ông Phạm Ngũ Lão, làm Trung quân Đô thống, lãnh mười đạo tinh binh đi trước, nhà vua ngự giá tập hậu. Vua Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành đến tận sông Phan Rang, lấy đất lập ra Thừa Tuyên thứ 13 gọi là Quảng Nam Thừa Tuyên, gồm sáu phủ: Thăng Ba (nay là Quảng Nam), Tu Ngãi (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Quy Nhơn), Phú An (Phú Yên), Thái Ninh (Khánh Hòa), Hòa Thuận (Phan Rang), đặt dưới quyền cai trị của ông Phạm Nhữ Tăng, tước Phụ chánh Tham tướng phủ Quảng dương hầu5. Nhờ công khai sáng của vua Lê, nhân dân Phú Yên lập đền thờ ngài tại Long Uyên, quận Tuy An, hiện còn câu đối như sau:

Giang sơn khai thác hà niên,

Phụ lão tương truyền Hồng Đức sự.

Trở đậu hinh hương thử địa,

Thanh linh trường đối Thạch Bi cao. 6

Dịch:

Giang sơn khai thác năm nào,

Phụ lão còn truyền công Hồng Đức.

Lễ kính hương thơm đất ấy,

Danh thiêng muôn thưở ngọn Đá bia.

Nhưng cuộc chiếm cứ này chưa được vĩnh viễn, vì khi ông Nguyễn Hoàng kiêm lãnh tổng trấn Thuận Hóa và Quảng Nam (1570), uy quyền của ông dừng lại nơi đèo Cù Mông, nghĩa là tới hết tỉnh Bình Định mà thôi.

Năm mậu dần (1578), ông Nguyễn Hoàng sai ông Lương Văn Chánh làm trấn biên quan, đuổi lui quân Chiêm Thành, rồi chiêu tập lương dân đến ở đất Phú Yên7. Đến năm tân hợi (1611) quân Chiêm mưu phản, chúa Nguyễn Hoàng sai quan chủ sự Văn Phong vào đánh dẹp, lập ra phủ Phú An gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, cho lệ thuộc dinh Quảng Nam và giao cho Văn Phong cai trị, chức gọi là lưu thủ. 8

Năm kỷ tỵ (1629) đến lượt Văn Phong toa rập với quân Chiêm làm phản, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên sai quan Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh vào đánh dẹp, trừ được loạn Văn Phong. Bấy giờ chúa Nguyễn sai đắp đồn luỹ, lập thành dinh Trấn Biên (sau gọi là dinh Phú An), giao cho Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ, cho phép dùng ấn son. 9

Thầy giảng Anrê chào đời

Chính trong khung cảnh ấy, thầy giảng Anrê Phú Yên đã mở mắt chào đời, một ngày trong năm 162510, đời vua Lê Thần Tôn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ sáu, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cai trị xứ Nam (Đàng Trong) năm thứ 12.

Lúc ấy Phú Yên mới gia nhập vĩnh viễn đại gia đình Việt Nam được 14 năm, công cuộc khai phá, xây dựng còn đang bắt đầu. Ông cha của Anrê tất nhiên cũng là một trong số các gia đình từ các miền Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Quy Nhơn, theo trào lưu Nam tiến, di cư đến đây lập nghiệp.

Sử liệu không nói rõ về gia thế, thì cho biết rằng ông có nhiều anh em mà ông là út; cha ông chết sớm, mẹ là người công giáo rất đạo đức, tên thánh là Gioanna, chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ đàn con.11

Còn sinh quán của ông, thực ra tài liệu của giáo sĩ Đắc Lộ chỉ ghi là tỉnh “Ranran” ở giáp với Chiêm Thành về phía nam 12 mà không chỉ rõ địa phương nào. Nhờ bản đồ của giáo sĩ Đắc Lộ vẽ tỉnh “Ranran” này ở bên dưới Quy Nhơn và bên trên núi Nai – đèo Cả, nên ta biết đó là tỉnh Phú Yên, có lẽ do tiếng Chàm “Đà ràng” (hoặc Rà ràng?) 13 nay còn dùng để chỉ con sông Ba chảy qua Tuy Hòa. Chính nhờ các chi tiết liên hệ đến cuộc tòng giáo và lễ Rửa tội của ông, mà ta tìm được sinh quán của ông.

Quả thực, như chúng tôi sẽ nói rõ ở chương hai,14 thầy giảng Anrê được rửa tội năm 1641, tại chính nơi đóng Dinh của quan trấn Phú Yên, cùng với 90 người khác trở lại đạo trong vòng bốn ngày, nhân dịp cha Đắc Lộ viếng thăm địa hạt này. Xét vì cuộc viếng thăm của giáo sĩ chỉ thâu hẹp trong các làng phụ cận dinh Trấn Biên, mà phương tiện truyền tin và giao thông thời ấy lại rất hạn chế, người ta có lý do để tin rằng những giáo hữu tân tòng kia không phải từ ở nơi xa đến mà chính là những người ở ngay chỗ Trấn lỵ và phụ cận. Vậy dinh trấn Phú Yên lúc ấy đặt ở chỗ nào?

Xét địa lý lịch sử tỉnh Phú Yên, ngừơi ta thấy ba miền quan trọng, kẻ từ bắc xuống nam: Sông Cầu, Tuy An và Tuy Hòa.

Tuy Hòa xưa là chỗ đồng bãi hoang vắng, mới trở nên một thị xã đông đúc từ khoảng 50 năm trở lại đây, nhất là từ khi thiết lập cầu và ga xe lửa trên đường xuyên Việt Nam, và xây dựng đập Đồng Cam, tạo nên thịnh vượng cho cả vùng. Mặc dầu có tháp Chàm trên núi Nhạn và di tích thành cổ Chiêm Thành (Hồ Thành) ở làng An Nghiệp, nhưng không thể nào nghĩ rằng quan ta xưa đã lập dinh trại ở đó vì hai lý do: Một là quan niệm phong thuỷ của ta khác hẳn với quan niệm phong thuỷ của người Chàm, nên không khi nào ta đóng thủ phủ tại thủ phủ cũ của Chàm15. Hai là lúc ấy chúa Nguyễn mới chiếm đất Phú Yên, còn phải đề phòng sự phản công của Chiêm Thành, nên không thể đóng quân quá xa đường tiếp tế từ Quy Nhơn đến và quá gần tầm chiến đấu của địch.

Ở phía bắc, thị xã Sông Cầu cũng mới có từ đời Pháp thuộc, và được lập thành tỉnh lỵ từ năm 1888 mà thôi.

Còn lại Tuy An: đây chính là thủ phủ tỉnh Phú Yên trước đời Pháp thuộc như đã nói trên, hiện còn di tích một nếp thành cũ tại An Thổ – Long Uyên16, nay thuộc xã An Dân. Thành này, cùng một lối xây đắp kiểu Vauban như các thành Huế, Quảng Nam, Bình Định… mới xây từ đời Minh Mạng mà thôi.

Cách An Thổ độ hai cây số về phía đông nam, bên kia con sông Cái, và sát bở sông, trong địa hạt làng Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh), chúng tôi nhận thấy một thôn nhỏ có tên là thôn “thành cũ”; ông già bà cả trong làng, nhìn nhận xưa kia, rất lâu đời, ở đấy có một nếp thành cũ, không rõ nguyên lai thế nào.

Tra cứu bản đồ của giáo sĩ Đắc Lộ, chúng tôi nhận thấy một thị trấn mệnh danh là “Dinh Phoan” được vẽ trên bờ một con sông ở giữa hai con sông khác thuộc tỉnh “Ranran”, mà chúng tôi nhận định được đích xác là con sông Cái. Đối chiếu di tích kia với bản đồ này, chúng tôi nhìn nhận đây chính là thành cũ của Dinh Trấn Biên do chúa Sãi lập năm 1629 tại đất Phú Yên và sau gọi là Dinh Phú An vậy. 17

Sau khi vua Minh Mạng bỏ thành này để dời sang Long Uyên An Thổ, các quan tỉnh có lập ở đó, vào đầu thế kỷ này, một “nghĩa trũng” để kỷ niệm các chiến sĩ văn thân. Ngày nay thành xưa đã lở hết xuống dòng sông Cái, chỉ còn lại ít chút di tích nghĩa trũng và ít chút di tích nền móng của thành. Phía đông thành, cách độ 1.500 thước, gần cửa bể có một di tích gọi là “trại thuỷ”, tức là căn cứ thuỷ quân hoặc tiền đồn của quan trấn thủ.

Như vậy sinh quán của anh hùng Anrê Phú Yên, không đâu khác ngoài các làng Hội Phú và lân cận là Long Uyên, Diêm Điền, Hội Tín, Phú Thọ, Minh Chính… Tại Long Uyên ngày nay có một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá, với một họ đạo non vài trăm nhân danh, gọi là họ “Lò giấy”. Theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân. Phải chăng đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê? Dầu sao thì tất cả miền này đều thuộc địa sở (họ chính) Mằng Lăng, một địa sở tôn giáo rất quan trọng, gồm 12 họ nhánh, 3000 giáo hữu, với ngôi nhà thờ nguy nga đẹp đẽ nhất tỉnh. Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội.

Định rõ được nguyên lai xuất xứ của thầy giảng Anrê rồi, bây giờ ta hãy bước chân theo dõi vị anh hùng trên quãng đường đời ngắn ngủi nhưng vinh quang của người.

Chú thích

(1) Tục truyền khi vua Thánh Tôn đuổi quân Chiêm Thành đến đèo Cả, thấy hòn đá đứng sững như một tấm bia lớn, ngài liền sai khắc hai chữ “Hồng Đức” (niên hiệu của ngài) để ghi cuộc chiến thắng. Đó là sự tích núi Đá bia hay Thạch bi sơn. Vào năm 1937 ông tri phủ Tuy Hòa Nguyễn Văn Thơ có phái người trèo lên trên đỉnh để tìm kiếm bút tích, song không thấy gì cả (xem: B.A.V.H 1937 tr.71). Như vậy hoặc là bút tích đã mờ đi vì mưa gió, hoặc câu truyện khắc bia trên núi chỉ là truyền thuyết, mặc dầu đích thực vua Thánh Tôn có đặt chân tới đây.

(2) Tương truyền tại địa phương, câu này của ông Bố chánh Đinh Nho Quang tâu trình vua Tự Đức.

(3) Trước đây, chức Tổng đốc chung cho hai tỉnh Bình Định, Phú Yên.

(4) Vì ảnh hưởng của thời cuộc, từ năm 1945, nghề dệt gấm ở Ngân Sơn, đến nay, vẫn chưa hoạt động trở lại. Thật là điều đáng tiếc nếu tài nghệ ấy phải mai một.

(5) Theo gia phả dòng dõi Phạm Ngũ Lão, hiện còn giữ tại xã Quế Hương, quận Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cùng với nhiều bằng sắc do vua Thánh Tôn cấp cho Phạm Nhữ Tăng (xem bài: Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân, của Nguyễn Lê Thọ, trong tập san hội Cổ học Quảng Nam từ số 5 đến số 8, 1958). Chúng tôi cũng có một bản dịch tập gia phả lịch sử này.

(6) Đôi câu đối này của ông Đinh Nho Quang, Bố chánh Phú Yên, đề năm Tự Đức tân tị (1881). Khi ngôi đền bị Việt cộng tàn phá, ông từ cất giấu được bài vị và đôi câu đối, nay đều xây lại, mới đem ra bày.

(7) Liệt truyện, quyển III, tờ 10.

(8) Tôn Thất Hân: Généalogie des Nguyễn avant Gia Long trong B.A.V.H, 1920, từ trang 295.

(9) Thực lục q.II, tờ 14.

(10) Có nhân chứng (Smmarium, num 1) nói ông sinh khoảng 1624. Song cha Đắc Lộ quả quyết nhiều lần rằng ông tử đạo lúc 19 tuổi. Vậy ông sinh năm 1625 mới đúng.

(11) A.R. Glorieuse mort, tr.75 – Tên thánh bà mẹ được ghi bằng tiếng Bồ Đào Nha “Juana” trong “Relacao”. Đối chiếu: Philipphê Bỉnh: Truyện Đàng Trão, trang 46.

(12) A.R. Glorieuse mort, tr.75 – Relation Progrès Foi, trang 58 – Ph.B, Truyện Đàng Trão, trang 46.

(13) Xem dưới đây.

(14) Tiếng Chàm: “Đà” nghĩa là nước, khe, sông.

(15) Trừ thành Bình Định (nơi ông Võ Tánh hỏa thiêu) xưa là kinh đô Chà Bàn của Chiêm Thành, có một thời gian do Nguyễn Nhạc chiếm đóng, sau ông Võ Tánh, tướng của chúa Nguyễn, mới đánh lấy lại và tự hỏa thiêu ở đó. Sau khi lên ngôi vua, Gia Long lại bỏ thành đó lập thành Bình Định mới ở Vĩnh Phước, sau vua Minh Mạng xây lại và gần đây bị Việt cộng phá huỷ.

(16) Xưa kia là đất Long Uyên, sau mới tách ra gọi là An Thổ. Dân địa phương gọi thành này là Phủ cũ, vì sau khi tỉnh đường dời ra Sông Cầu, thành đó dùng làm trụ sở phủ Tuy An.

(17) Muốn rõ thêm chi tiết, xin xem bài: Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII của chúng tôi trong tập san của Viện Khảo cổ.

Kiểm tra tương tự

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …

3 Bình luận

  1. Đây là tài liệu Giáo Sử Việt tuyệt vời mà tôi tìm mãi nay mới có cơ duyên đọc được.
    Ước mong tìm được sách.

  2. NẾU BẠN MUỐN MUA SÁCH, XIN GHÉ 171 LÝ CHÍNH THẮNG, P7 Q3

  3. Daniel Trinh Thien Dai

    Toi muon mua sach “ Nguoi Chung Thu Nhất “ vA “ Minh Dục Vuong Thai Phi “ nhung khong thay co !

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *