Video – Bài giảng Thánh lễ tuyên khấn lần đầu của cha Giám tỉnh

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Khi biết tin bà Isave có thai được sáu tháng (Lc 1:36), đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng bà Isave (Lc 1:39.40). Mẹ đã ở lại với bà khoảng ba tháng (Lc 1: 56), để giúp đỡ, và mang Chúa tới cho bà Isave và hài nhi trong lòng bà.

DSC_0267

1. Thăm viếng để giúp đỡ và mang Chúa tới cho người ta

Cuộc thăm viếng bà Isave dường như hơi nguy hiểm, thân gái dặm trường, thế nhưng vì tình yêu thúc đẩy, Maria vẫn vượt đường xa gian khổ để tới thăm bà Isave, người họ hàng với Mẹ.

Bà Isave đã có thai được sáu tháng, Đức Maria mới biết để đi thăm viếng (Lc 1: 36). Mẹ ở lại đó khoảng ba tháng (Lc 1: 56). Phải chăng sau khi bà Isave sinh con, sau khi Gioan Tẩy Giả được đặt tên (tám ngày sau khi sinh), Đức Maria mới trở lại Nadarét?

Đức Maria là người tinh tế, Mẹ biết người ta cần gì. Một phụ nữ lớn tuổi, mang thai, hẳn vất vả nhiều. Dường như Đức Maria có sự cảm thông, thấy được nhu cầu của người chị họ, và muốn giúp đỡ. Mẹ biết bà Isave cần được giúp đỡ trong thời điểm mang thai và sinh con, vì thế Mẹ hiện diện.

Trong tiệc cưới Cana sau này, Mẹ tinh tế nên biết người ta thiếu rượu: “họ hết rượu rôi!” Mẹ đã can thiệp một cách rất tế nhị. Mẹ không xin Chúa Giêsu Con Mẹ làm phép lạ. Mẹ chỉ trình bày, và tùy Chúa (Ga 2:1-12). Mẹ là Đấng Hằng Cứu Giúp: chưa từng có ai chạy đến cùng Mẹ mà không được Mẹ cứu giúp!

Mẹ Maria hiện diện, giúp đỡ bà Isave trong những gì bà cần. Có lẽ không phải làm những gì to lớn, nhưng là những chuyện bình thường của cuộc sống, chuyện trong nhà! Mẹ làm những việc bình thường với nhiều tình yêu, Mẹ làm những việc bình thường cách phi thường. Giúp đỡ, để người được mình giúp cảm thấy nhẹ nhàng hơn, vui sống hơn, hạnh phúc hơn. Chắc Maria đã làm được như thế cho bà Isave. Qua Mẹ, phải chăng tôi cũng được mời gọi để giúp đỡ tha nhân như Mẹ?

Mẹ Maria có Chúa. Với tiếng Xin Vâng trước đề nghị của Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong dạ Mẹ. Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa trong lòng. Khi đi thăm bà Isave, Mẹ đã trở thành người mang Chúa đến cho tha nhân: cho bà Isave và cho người con trong dạ bà.

Mang Chúa tới cho bà Isave, giúp bà Isave nhận ra hồng ân của Thiên Chúa. Bà Isave không chỉ nhận ra hồng ân Chúa ban cho bà, mà nhận ra cả hồng ân Thiên Chúa đã ban cho người khác, cho Mẹ Maria: Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm (Lc 1: 43)! Em thật có phúc vì đã tin Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì người đã nói với em (Lc 1:45). Có Chúa, bà Isave hạnh phúc dường bao. Không chỉ người mẹ hạnh phúc, nhưng hài nhi trong lòng người mẹ cũng hạnh phúc: Vì tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhẩy lên vì vui sướng (Lc 1:44). Niềm hân hoan hạnh phúc bà Isave nhận được, không chỉ bởi sự giúp đỡ vật lý của Đức Maria, nhưng chính yếu và đặc biệt vì Mẹ mang Chúa tới cho bà Isave. Phải chăng qua Mẹ Maria, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để mang Chúa tới cho tha nhân?

IMG_9109

2. Đức Giêsu được sai tới để ở với và cứu độ con người

Trong bài thánh thi ca tụng Thiên Chúa, ông Dacaria đã nói: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1: 78). Thiên Chúa đã thăm viếng Dân Người qua các tiên tri. Khi một tiên tri xuất hiện, đó là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện, Thiên Chúa quan tâm tới Dân của Ngài, Thiên Chúa thăm viếng Dân Ngài.

Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa không chỉ thăm viếng Dân Ngài, nhưng Thiên Chúa đã ở với loài người chúng ta: Emmanuel (Mt 1:23). Ở với, để chia sẻ thân phận con người, Đức Giêsu đã bị đói bị khát (Mt 21: 18; 12: 1; Ga 4: 6-7), bị cám dỗ như ta mọi đàng (Mt 4:1-11; Dt 4: 17; 2: 15; Mc 15: 34). Đức Giêsu ở với, mang thân phận con người. Đức Giêsu sinh ra là người Do Thái, Ngài không là người Việt Nam. Đức Giêsu sống ở Nadarét, Ngài rao giảng ở đất nước Do Thái, Ngài không sống ở Việt Nam. Chấp nhận nhập thể, là chấp nhận giới hạn vật lý như bao người. Chấp nhận thân phận con người, hàm chứa, Đức Giêsu không thể vừa là người Do Thái vừa là người Việt Nam cùng một lúc. Ngôi Lời đã chọn nhập thể là người Do Thái, thì không thể là một người dân tộc khác nữa.

Tương tự như Ngôi Lời nhập thể, một Giêsu hữu khi được sai tới với một dân tộc, phải chăng họ cũng được mời gọi để đón nhận dân tộc, văn hóa, địa dư và hoàn cảnh của dân tộc đó, dù là dân tộc K’Ho, dân tộc Mường, dân tộc Eđê, hay dân tộc Nhật, Trung Hoa, Cambodia, Lào, v.v.

Thiên Chúa đã không sai Con Ngài tới để luận phạt con người, nhưng để cứu con người (Ga 3: 17). Là một người giữa con người, là người Do Thái giữa bao dân tộc, để yêu thương và cứu độ con người. Đức Giêsu đã nói/rao giảng bằng tiếng Do Thái, đã truyền tải sứ điệp Tin Mừng qua văn hóa Do Thái. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho những dân tộc chúng ta được sai đến bằng nền văn hóa, với cung cách suy tư của họ.

Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và làm giá chuộc muôn người (Mc 10: 45). Đức Giêsu đã động lòng thương con người: Ngài cho kẻ đói được ăn, chữa bao người bệnh hoạn tật nguyền, Ngài trừ quỷ, rao giảng Tin Mừng cứu độ, và đã chết cho con người được sống.

Thiên Chúa đến, để cứu con người, để sống chia sẻ thân phận người với con người, để chỉ cho con người con đường cứu độ. Ngài mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài để cứu thế gian này.

IMG_9113

3. Linh đạo Giêsu

Không có con đường cứu độ nào khác ngoài con đường Giêsu. Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống (Ga 14: 6). Ngoài danh Giêsu, không có một danh nào khác được ban cho con người, để nhờ đó con người được cứu (Cv 4: 12).

Linh đạo Inhã, là linh đạo Giêsu. Con đường thiêng liêng thánh Inhã đi, chính là con đường Đức Giêsu đã đi. Linh Thao, con đường Thiên Chúa dẫn thánh Inhã đi, là con đường dõi theo bước chân Giêsu. Yêu mến Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Ngài, là bắt đầu được ơn cứu độ. Đó là lý do tại sao thánh Inhã muốn giúp tha nhân qua Linh Thao, và đó cũng là lý do tại sao ngày nay anh em Giêsu hữu cũng sẵn sàng giúp người khác biết Chúa qua Linh Thao.

Mục đích của Dòng Chúa Giêsu là truyền bá và bảo vệ đức tin (ĐT 1). Việc truyền bá đức tin, rao giảng Tin Mừng, là sứ mạng của mọi tín hữu: “Anh em hay đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần. Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19). Việc truyền giảng Tin Mừng, giúp con người nhận biết Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu Kitô, là sứ mạng đặc biệt của người Dòng Tên. Lịch sử Dòng Tên cho thấy, bao nhiêu nhà truyền giáo Dòng Tên đã miệt mài rao giảng Tin Mừng cho con người. Ngay ở Việt Nam, ngày 18/01/1615 các nhà truyền giáo Dòng Tên cũng đã đến Việt Nam loan báo Tin Mừng. Hôm nay tất cả chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng Chúa truyền, noi gương các bậc cha anh, nhiệt tâm gắng sức loan báo Tin Mừng cho bao người chưa nhận biết Thiên Chúa và Đức Kitô của Ngài.

DSC_0253

Bảo vệ đức tin, đòi chúng ta phải sẵn sàng giải thích về đức tin của mình, và chúng ta phải làm một cách hiền hòa và kính trọng (1Pr 3: 15-16). Chúng ta phải sẵn sàng hội nhập văn hóa và đối thoại với các tôn giáo, để làm sáng danh Đức Giêsu Kitô cũng như làm sáng lên nét đẹp của Thiên Chúa làm người, để giúp con người nhận ra Chân Thiện Mỹ, để họ được cứu độ. Hội nhập văn hóa, đối thoại tôn giáo, cũng là những chuẩn bị để người ta đón nhận Tin Mừng.

Như Đức Mẹ thăm viếng, để giúp đỡ và đem Chúa đến cho bà Isave. Mọi người chúng ta, đều được mời gọi để thăm viếng và sẵn sàng giúp đỡ con người hôm nay, và đem Chúa đến cho họ, bằng cách loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa. Để rồi, một khi họ tin nhận Đức Giêsu, họ được ơn cứu độ: được bình an hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.

Xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các khấn sinh hôm nay, để những anh em này quảng đại để Thiên Chúa thực hiện những gì Ngài đã khởi đầu. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta ý thức và thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng như Mẹ Maria đã thực hiện khi thăm bà Isave.

Nghi thức tuyên khấn sẽ được thực hiện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Giờ đây chúng ta cùng tiếp tục dâng Thánh Lễ.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *