“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vảo lòng các ngươi.
Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt”.
(Ê-dê-ki-en 36,26).
Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ.
Dân được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập là một dân cứng đầu cứng cổ, lòng chai dạ đá từ ban đầu. Mấy lần Thiên Chúa đã toan tiêu diệt họ trong hoang địa, chỉ nhờ lời can thiệp của Mô-sê, dựa trên lòng thành tín của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã để cho họ tồn tại. Ngay trong sách Đệ Nhị Luật, khi từ biệt dân để lên núi Ne-bô và chết theo lệnh của Thiên Chúa, Mô-sê đã phải thốt lên sự thật : “Cho đến ngày hôm nay, Đức Chúa đã không cho anh em lòng để biết, mắt để thấy, tai để nghe” (Đnl 29,3).
Sau này các ngôn sứ rát cổ bỏng họng kêu gọi họ vâng theo đường lối của Thiên Chúa nhưng vô hiệu. Ngôn sứ Hô-sê-a đã phải ví họ như một người vợ bất trung đi làm điếm (3,4-15); ngôn sứ I-sai-a thì ví họ ngu hơn con bò con lừa, đánh từ đầu đến chân, không còn chỗ nào để đánh mà cũng chẳng kết quả gì (I,2-6). Quả là bất trị. Tai họa mà chính Mô-sê đã loan báo (Đnl 28,47-68) ập xuống trên họ với cảnh lưu đầy.
Đến lúc này thì Thiên Chúa lại ái ngại vì bị “mất mặt”, bị các dân ngoại khi dể, coi là không đủ sức bảo vệ dân của Chúa, đất của Chúa: “Ta đã tung chúng đi các dân và gieo chúng và giữa các nước. Ta đã căn cứ vào lối sống và các hành vi của chúng mà xét xử. Nhưng Ta ái ngại cho thánh danh Ta đã bị nhà It-ra-en xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến”. Đó là lý do khiến Thiên Chúa ra tay hành động để lấy lại thể diện cho mình: “Vì thế ngươi hãy nói với nhà It-ra-en: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà It-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì Danh Thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến… Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa… Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ qui tụ các ngươi lại từ khắp các nước… Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.”
Câu hỏi quan trọng là lời hứa này được thực hiện khi nào, cách nào?
Đọc lại sách các ngôn sứ thời sau lưu đầy, chúng ta thấy đám dân lưu đầy trở về cũng chẳng khác gì dân cư trước lưu đày, và ngay cả sau khi gia đình Mac-ca-bê dành độc lập từ tay người Hy Lạp, cung hiến lại Đền Thờ, đời sống tôn giáo và xã hội cũng chẳng tốt hơn. Chúa Giê-su cũng lấy lại những lời của các ngôn sứ thời trước lưu đầy để nói về người đương thời. Tiêu biểu hơn cả là với chính các môn đệ của Chúa, Chúa cũng phải lấy lại lời Mô-sê để diễn tả tình trạng tâm hồn của họ:
“Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao?… Anh em chưa hiểu ư? “ (Mc 8,17-21).
So với lời Mô-sê:
“Cho đến ngày hôm nay, Đức Chúa đã không cho anh em lòng để biết, mắt để thấy, tai để nghe” (Đnl 29,3).
Các Sách Tin Mừng Mat-thêu, Mac-cô và Lu-ca kể việc Chúa chữa người câm, điếc, mù, bất toại trước khi kể việc thánh Phê-rô tuyên xứng đức tin. Sách tin Mừng Mac-cô kể việc Chúa Giê-su chữa người mù tại Bết-xai-đa, sinh quán của thánh Phê-rô, ngay sau những lời quở trách nặng nề vừa kể trên, rồi kể đến việc thánh Phê-rô tuyên xưng : “Thầy là Đấng Ki-tô”. Mac-cô không có lời giải thích tại sao từ chỗ ngu muội, không thấy, không nghe, không nhớ, không hiểu bỗng dưng thánh Phê-rô lại lóe sáng như thế.
Tin Mừng Mat-thêu thì kể lời Chúa Giê-su giải thích : “Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 16,17)
Thế nhưng liền sau khi lóe sáng với lời tuyên xưng và được Chúa Giê-su cho biết là ông đã nhận được một ơn mặc khải đặc biệt, thì thánh Phê-rô lại để lộ cái ngu khi Chúa Giê-su nói về con đường Chúa phải đi, khiến Chúa phải quở trách ông thậm tệ hơn nữa: ‘Xa-tan, lui lại đàng sau thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (Mt 16,23). Tình trạng của thánh Phê-rô lúc này giống như người mù đã được Chúa chữa tại sinh quán của ông: Chúa đặt tay lần thứ nhất thì anh ta nói: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại. Chúa lại đặt tay trên mắt anh thì anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.” (Mc 8,24-25).
Khi nào Chúa mới đặt tay trên mắt ông Phê-rô lần thứ hai để ông thấy tỏ tường mọi sự? Khi nào Chúa mới cho các môn đệ lòng để hiểu, mắt để thấy, tai để nghe?