Nhật ký KAKUMA (5): Hạt giống trên cánh đồng

_NVY3571
Khung cảnh một buổi chia sẻ

Mới 7 giờ mà trời tối đen như mực. Có lẽ tôi đã quen với những con đường với đèn điện sáng trưng hoặc nếu ở quê thì ít nhất cũng có những ánh đèn từ nhà người này người kia phát ra. Còn ở đây, cả nơi có nhà dày đặc lẫn chỗ thưa thớt, chẳng nhà nào có lấy một ánh đèn dù leo loét, nên trời tối cảm giác còn tối hơn.

Bình thường, vì lý do an ninh, mọi nhân viên làm việc bên ngoài đều phải trở về compound trước 6 giờ chiều, nhưng tôi đến đây không phải để làm việc như một nhân viên, cũng không phải để làm từ thiện, nhưng để sống với họ như một người anh em trong đức tin. Vì thế tôi không thể bỏ đi khi nhiều người họp nhau cầu nguyện. Tôi thường đến các gia đình để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa với họ đến khoảng 7 giờ tối rồi một mình đi bộ về thay vì đi bằng xe đưa đón nhân viên rời chỗ làm việc lúc 5 giờ chiều. Trước đây có một linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha đồng hành với họ, nhưng cha đã đi lên vùng biên giới để phục vụ những người mới tị nạn, họ cần được nâng đỡ cấp thiết hơn. Vì thế, hiện tại tôi là tu sĩ Dòng Tên duy nhất cùng chia sẻ cuộc sống với họ.

Hôm nay Kakuma có trận mưa thật lớn, một trận mưa lạ thường và hiếm hoi. Đường trở nên lầy lội. Sau buổi chia sẻ, dù tôi vẫn khăn khăn là tự mình về được, nhưng người ta nhất quyết phải đưa tôi về. Đường chẳng xa xăm gì, chỉ gần hai cây số nhưng hôm nay đi về trên con đường thỉnh thoảng xảy ra những vụ bắt cóc nên người ta nhất quyết phải tiễn tôi với lý do: “dù thầy không cùng dân tộc với chúng tôi nhưng thầy đến với chúng tôi, chúng tôi coi thầy như người cùng dân tộc với chúng tôi. Chúng tôi không thể để thầy gặp nguy hiểm được.” Dĩ nhiên, làm sao người ta có thể bảo vệ tôi mọi lúc được, tôi lang thang khắp nơi, nhưng ít nhất với tấm lòng của họ tôi không thể có một an ủi nào hơn. Khi ra về, chị chủ nhà còn gói cho tôi một miếng bánh tự làm. Tôi vẫn biết nếu tôi nhận miếng bánh này thì đồng nghĩa với gia đình chị phải bớt đi một phần vốn đã chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng tôi nhận như vậy họ sẽ vui hơn vì họ thấy mình dù nghèo vẫn còn có cái gì đó để cho và tấm lòng của họ không bị từ chối. Dẫu sao, tôi cũng mượn cớ là nhỏ con ăn ít nên cắt để lại một nửa. Họ bằng lòng còn tôi thì ấm lòng!

Được đón nhận như một người anh em ở giữa họ, tôi liên tưởng đến các nhà truyền giáo đến Việt Nam. Họ đã hoà mình vào nền văn hoá Việt và đã sống chết với người Việt. Hẳn nhiên tôi chỉ có thể liên tưởng để tỏ lòng kính phục chứ không thể so sánh mình với họ. Tôi có một nơi ở an toàn và tiện nghi tạm coi là đầy đủ, còn họ ra đi ngay cả tính mạng cũng không biết sẽ giữ được bao lâu. Tôi chỉ đi trong 2 tháng hè còn họ không cần ngày trở về, còn hơn thế, được chết giữa đàn chiên là mong ước lớn nhất của họ. Tôi có phương tiện liên lạc hiện đại, điện thoại và internet, còn họ gởi một lá thư ba năm sau chưa chắc đã đến nơi. Và một điều chắc chắn là, dẫu tôi đã rất vui vì sứ mạng này nhưng niềm vui của họ ắt hẳn lớn hơn của tôi gấp bội lần. Nhìn về Giáo Hội Việt Nam bây giờ, người ta không thể không nghĩ đến họ. Trong tâm thức nhiều người, họ không phải là những ân nhân đã tặng những vật phẩm nào đó, nhưng đích thực họ là những người cha, những người thầy trong đức tin – điều sâu thẳm nhất của một con người. Hoặc ít ra, họ cũng được nhớ đến như những người đã cống hiến nhiều công sức để ươm trồng nơi lòng người Việt những giá trị nhân văn, lòng vị tha, tình yêu thương, sự tha thứ… hoặc cụ thể hơn là chữ quốc ngữ hay những công trình kiến trúc. Nhưng họ không cần được nhớ đến như một biểu tượng nào. Đối với họ, và tôi cũng thế, được xem như một người anh em giữa cộng đoàn, điều đó đã là quá đủ rồi!

Hôm nay nhóm chia sẻ Tin Mừng về sự tha thứ. Một chị đã chia sẻ về chuyện xảy ra tuần trước với cậu bé con nuôi của chị. Cậu bé với chị có bà con xa. Khi chạy loạn cậu đã lạc mất cha mẹ, sau đó cha mẹ chết, nên cậu bé đã ở với chị. Tuần trước, có một người đàn ông dẫn cậu bé đi khi cậu bé đang chơi. May là người ta đã phát hiện và giữ người đàn ông này lại. Khi cảnh sát đến, ông này nói là khi còn ở quê ông cũng có một đứa con giống với cậu bé này, ông nghĩ đây là con ông nên ông dẫn nó đi. Dĩ nhiên, mọi người trong làng đều biết và làm chứng về xuất thân của cậu bé và ông này chẳng có liên hệ gì với cậu. Cảnh sát muốn bắt người đàn ông này và truy tố về tội bắt cóc trẻ em, nhưng chị (người đang nuôi cậu bé) đã tha cho ông. Chị chia sẻ rằng, biết đâu ông có một đứa con như vậy và ông mong muốn tìm nó thật. Chị chỉ muốn cảnh sát ghi lại danh tánh của ông để nếu ông là người bắt cóc thật, thì cảnh sát có thêm bằng chứng. Còn việc truy tố thì chị tha cho ông. Vì với chị, tha thứ mới có thể giúp người ta thành người; và đặc biệt, vì Chúa đã dạy chị phải tha thứ như thế. Nếu không, án bắt cóc này chẳng nhẹ tí nào, đặc biệt với một người đang ở trong tình trạng tị nạn. Chị đã quá thấm thía với chiến tranh và hận thù. Vì nó mà chị và những người ở đây phải chịu cảnh tị nạn này.

Đôi khi nghe bàn về chuyện tha thứ, người ta cứ tưởng đó là chuyện xa xỉ nào đó. Nhưng khi sống và thấm thía hậu quả của hận thù thì một sự tha thứ thôi cũng quý giá đến dường nào. Tình cảnh bi đát của những người tị nạn ở đây là hậu quả trực tiếp của hận thù sắc tộc và đảng phái. Người ta trông ngóng sự tha thứ, đối thoại và cảm thông từ những nhà cầm quyền lẫn từ những người dân của họ. Vì dù sao, những đứa trẻ được sinh ra trong cảnh hận thù và bạo lực, thật khó để dạy cho chúng về tình thương và sự tha thứ. Vì thế, những cộng đoàn nhỏ những Ki-tô hữu trở nên những nơi ươm mầm để nẩy sinh những gương sống về tình thương và sự tha thứ như thế, dù không ít lần họ phải chịu hy sinh và thiệt thòi. Nhưng họ chọn sống như thế vì đó là cách duy nhất Thầy Chí Thánh đã dạy họ: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12), và “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Nói về sự tha thứ không hẳn đã dễ, nhưng vẫn còn dễ hơn nói lời tha thứ. Bài học này có lẽ mỗi người đều đã được học từ thuở nước mắt còn giọt ngắn giọt dài những ngày đầu bước chân đến trường. Nhưng bước vào cuộc sống thật với những hoàn cảnh thật, lời tha thứ không dễ được thốt ra nếu tôi chưa cảm được “chính mình đã được tha thứ và được đổi đời nhờ sự tha thứ ấy”! Ước gì thế giới này biết nhận mình đã nhiều lần được tha thứ để sẵn sàng nói lời thứ tha!

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *