Ở những nơi và giờ phút long trọng, chúng ta thường nghiêm trang chỉnh tề. Với người Châu Phi, họ cũng trang nghiêm nhưng với một khoảng rất nhỏ so với thời gian dành cho ca hát và nhảy múa. Lễ của người ta đi đôi với hội. Trong phần dâng lễ của những ngày Chủ Nhật, họ dâng tất cả những gì cần cho sinh hoạt hằng ngày, từ muối, đường, gà, vịt cho đến giấy vệ sinh. Đoàn dâng lễ thường khoảng 30-40 người, chẳng cần phải chọn trước. Người ta cứ tự nhiên đến chỗ lấy đồ để dâng, nếu không còn thì vẫn đi lên, vừa đi vừa ca hát và nhảy theo điệu nhạc. Sau khi vị linh mục nhận tất cả, ngài chúc lành cho mọi người và họ về lại chỗ ngồi. Àh quên, cầm của lễ là việc của người lớn, còn các bé gái mặc đồ màu sắc đẹp thì múa dẫn đường đi trước. Ở phần hát Kinh Vinh Danh và Thánh Thánh Thánh, các bé gái mặc đồ đẹp này cũng múa đi vòng quanh qua các dãy ghế, còn mọi người thì vỗ tay theo điệu nhạc. Đặc biệt là phần rước sách Lời Chúa, họ không để sách trên bục trước, nhưng những người đọc sách sẽ rước Lời Chúa từ bên dưới lên, cũng dẫn đường bởi các bé múa. Khi Lời Chúa đến trước bàn thờ, vị chủ tế tiến ra nhận lấy và giơ cao lên, cả nhà thờ cùng vỗ tay và nâng cao cùng với nhịp nâng sách Lời Chúa của vị chủ tế. Lễ Chủ Nhật thường hơn 2 tiếng nhưng cả nhà thờ lúc nào cũng sinh động nên cảm thấy nhanh.
Sự đón tiếp có vẻ là điều dễ nhận ra giữa các nền văn hoá. Ngay trong nước Việt Nam thôi cũng có sự khác nhau giữa nam và bắc. Nhưng dù sao, khi vượt khỏi biên giới châu lục thì những khác biệt ấy chẳng là bao so với nhiều sự tương đồng. Tại Âu Châu, người ta có thể cãi nhau nẩy lửa về những vấn đề liên quan đến công việc, nhưng những vấn đề cá nhân, họ rất tế nhị và tôn trọng. Đơn giản là sự phân biệt giữa công việc và đời tư. Họ cũng chọc ghẹo nhau, nhưng nếu người bị chọc tỏ ra không thích, họ liền coi đó là điều cần tôn trọng. Ngay cả giữa nhóm nhóc hướng đạo sinh tôi cũng nhận thấy như thế. Tại Châu Phi, may mắn là ở trại tị nạn có nhiều dân tộc khác nhau, nhưng với thời gian ngắn, tôi chỉ có thể ghi lại một cảm nhận ban đầu. Họ cởi mở với khách như những người bạn lâu năm. Khi họ đã coi bạn là bạn (dù là thời gian ngắn), họ cư xử với bạn chẳng cần phải khách sáo và nói với bạn tất cả những gì họ đang nghĩ. Với người Á Châu, phải công nhận là họ rất ân cần với khách, dù họ là những người của miền Viễn Đông hay Ấn Độ. Những nhu cầu của khách được quan tâm rất chu đáo. Ngôn ngữ không thể diễn tả hết sự phong phú của một nền văn hoá, và tôi cũng không phải là nhà nghiên cứu về văn hoá nên chỉ ghi lại những cảm nhận chủ quan khi đến nơi này nơi khác với những con người cụ thể mà tôi gặp thôi. Nếu chỉ diễn tả bằng một câu ngắn gọn thì, với tôi “Châu Âu tế nhị, Châu Phi niềm nở và Châu Á ân cần”.
Với người Việt, cơm là món căn bản của bữa ăn, đến nỗi đã đi vào ngôn ngữ. Khi còn ở gia đình, trước bữa ăn chúng tôi đều “mời ba má dùng cơm” dù hôm đó ăn bún hay mì. Còn ở đây, ít nhất là Kenya, cơm dành cho trẻ em (không hẳn là như vậy nhưng trong tâm thức họ vẫn nghĩ thế, nên nếu có cơm họ cũng chỉ lấy rất ít), món chính của họ là Ugali, được nấu bằng cách đun sôi nước, đổ bột vào và khuấy đều cho đến khi bột đặc lại thành khối và họ cắt thành những miếng nhỏ. Bột họ dùng thường là bột bắp, bột đậu hay những loại không quá dính. Dĩ nhiên, cách nấu những món mặn cũng khác với chúng ta. Không ít lần tôi phải ôm bụng chạy nhưng với họ đó là những món ăn thường ngày. Có lẽ nếu họ gặp một vài món của chúng ta, chắc họ cũng sẽ thế! Cách ăn cũng khác, tôi cùng ăn với họ như trong một gia đình. Với họ, để bữa ăn tự nhiên và thú vị thì phải dùng tay, dĩ nhiên là rất gọn.
Mỗi văn hoá đều có những nét đặc sắc không thể lẫn lộn. Khi tôi đến một gia đình vùng quê ở miền nam nước Ý, nhà của họ treo rất nhiều loại tranh vẽ khác nhau, tôi nhận ra có một tranh vẽ cô gái mặc áo dài. Tôi đứng nhìn thì chủ nhà liền hỏi: “có quen không?” Hoá ra con của ông là hoạ sĩ, và áo dài là hình ảnh ấn tượng nhất đối với anh trong chuyến du lịch Việt Nam nên đã đi vào tranh vẽ của anh. Tại Roma, dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, mấy anh em Việt Nam được yêu cầu tổ chức Tết cho cộng đoàn gần 50 người với 23 quốc tịch. Những dịp như thế là cơ hội để chúng tôi giới thiệu văn hoá cho nhau. Bánh chưng bánh tét thật không có, chúng tôi gói giả để trang trí. Hoa mai không có chúng tôi nhờ người gởi hoa mai giả từ Paris sang. Một video được chuẩn bị với lời dẫn công phu về chợ Tết, chợ hoa xuân, múa lân, canh nồi bánh tét, chúc tết gia đình, tảo mộ, Tết ở chùa, nhà thờ… Dĩ nhiên đây là những cảnh quen thuộc với Việt Nam, nhưng với thế giới thì không đụng hàng! Món ăn đầu tiên được những người khá biết Việt Nam đề nghị là phở – một món đậm chất Việt (dù không phải đặc trưng của ngày Tết). Vì cha quản lý khá “chịu chơi” nên đồng ý lì xì từng người với một phong bì đỏ. Sau bữa Tết này, anh em trong nhà vẫn thú vị đùa với nhau: họ trang trí rồi mời anh đến ăn, vào bàn ăn họ phục vụ anh, đến cuối buổi họ còn trả tiền cho anh nữa…! Đó là văn hoá, là thứ mà người ta chỉ có thể cảm nhận được khi được tiếp xúc với bầu khi ấy. Sách vở chỉ có thể cho họ thông tin chứ không thể cho họ sống trong văn hoá ấy được.
Con cháu sẽ sống trong văn hoá thế nào nếu cha mẹ không gìn giữ và truyền lại cho chúng. Thời nay với những tiện lợi của dịch vụ, chỉ cần nhấc điện thoại hay vài cú click chuột là bánh chưng bánh tét sẽ đến tận nhà. Không ít người vẫn lưu luyến những ký ức tuổi thơ về cảnh rộn ràng thú vị của ngày Tết, từ việc chăm hoa cho đến cảnh ngồi pha trò bên ánh lửa hồng canh nồi bánh tét. Nếu chúng ta chỉ chọn tiêu chí tiện lợi và nhanh chóng, điều gì sẽ lưu lại trong ký ức trẻ thơ về một lễ hội lớn nhất năm của dân tộc, chẳng lẽ những cú điện thoại hay vài cái click chuột? Văn hoá là điều gì đó đòi người ta phải dấn thân, đồng thời vui hưởng cuộc sống ngang qua sự dấn thân đó. Còn bao nhiêu văn hoá rất đẹp khác từ những di tích lịch sử đến tương quan gia đình đang bị phai mờ cách vô ý hay phá huỷ cách hữu ý. Thật không lạ khi người ta có được nhiều thứ hơn nhờ sự nhanh chóng và tiện lợi, nhưng họ lại cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt và buồn chán hơn, chỉ vì họ có vật chất mà không có văn hoá!
Nước Việt Nam vẫn tự hào với 4000 năm văn hiến. Nhưng nếu ngồi ngẫm nghĩ, chúng ta giữ lại và phát triển được gì qua 4000 ngàn năm ấy! Những ngôi nhà đẹp và hiện đại mọc lên ngày càng nhiều, nhưng con cháu thì lại ít được biết về cuộc sống của cha ông; chỉ vì với những cái cũ thì tiện nhất là đập đi xây mới. Nếu được đặt chân đến những thành phố của đế quốc Roma cổ từ Tây sang Đông, bạn sẽ được nghe con cháu của họ thời nay kể về cha ông họ 2000 năm trước với những gì nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay. Có những trang phục mà thời nay đã quá lỗi thời, nhưng con cháu họ vẫn biết những trang phục ấy có ý nghĩa thế nào, vì những lễ hội và bảo tàng là dịp để trẻ thơ sống lại ký ức của cha ông.
Mỗi dân tộc đều có những nét riêng để tự hào. Để có tiếng nói tại một miền đất khác, anh cần được coi là thành viên của họ. Để được đón nhận như một thành viên, trước hết anh phải tôn trọng và hội nhập vào văn hoá của họ. Điều này cũng đúng với mảnh đất tâm hồn của từng người. Hãy khoan xét đoán hay cho người ta lời khuyên nếu anh chưa bước vào văn hoá riêng của họ. Người ta chỉ có thể nghe anh khi họ xem anh là thành viên trong tâm hồn của họ! Để hiểu được một văn hoá, người bên ngoài cần rất nhiều thời gian với sự tôn trọng tương xứng; để hiểu được tâm hồn một con người, cần không ít thời gian và sự tôn trọng hơn gấp nhiều lần. Vì tâm hồn mỗi người là nơi thánh thiêng, trước khi bước vào xin anh vui lòng tháo giày và bước đi nhẹ nhàng!
Văn Yên, SJ