Làm giầu trước mặt Thiên Chúa (17.10.2016 – Thứ hai, sau CN XXIX Thường Niên)

Làm giầu trước mặt Thiên Chúa
(Lc 12, 13-21)

 

13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? “15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!18 Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

  1. Tranh chấp

Những tranh chấp về quyền lợi hay của cải là điều thường xẩy ra trong cuộc sống, không chỉ giữa các nhóm hay các gia đình, nhưng còn giữa những người trong cùng một gia đình, như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”.

Những tranh chấp như thế cần được giải quyết bằng đối thoại trực tiếp hoặc qua trung gian; nhưng trong thực tế, đôi khi người ta phải nại đến pháp luật. Nhưng, nại đến pháp luật là điều không nên, bởi vì luật thì công minh, nhưng người thi hành luật thì không luôn luôn công minh. Hơn nữa, trước pháp luật, tương quan huynh đệ sẽ đổ vỡ, vì người ta buộc phải biện hộ cho mình và để biện hộ cho mình, thì phải tố cáo người khác, mà người khác lại là chính người thân của mình. Chính vì thế, trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công” (Mt 5, 25). Đức Giê-su mời gọi chúng ta hành động theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, được ghi khắc trong nhân tính của chúng ta.

Lời Chúa còn mặc khải cho chúng ta điều bí ẩn này: tố cáo và lên án chính là những hành vi đặc trưng của Sa-tan; bởi lẽ “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi khác của Satan theo sách Khải Huyền (x. Kh 12, 10). Vậy mà, trong thực tế, chúng ta cứ nghĩ mình hành động vì sự thật và sự thiện, hành động cho sự thật và sự thiện, khi dựa vào lề luật, nội qui, hiến pháp và những bằng chứng ít nhiều hiển nhiên về sự sai phạm, để tố cáo và lên án người anh em hay chị em. Sự tương phản giữa Sự Thiện đi đôi với thinh lặng, hiền lành và bao dung và Sự Dữ đi đối với tiếng la ó tố cáo đòi mạng, sẽ trở nên sáng tỏ tuyệt đối trong cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Sự Thiện rạng ngời như thế nơi khuôn mặt của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua có sức mạnh chữa lành chữa lành cho ta khỏi Sự Dữ và mọi biểu hiện của Sự Dữ một cách khôn ngoan (x. 1Cr 1, 22-24).

  1. Sứ mạng của Đức Giê-su

Trở lại với bài Tin Mừng, chúng ta có thể hình dung ra tình cảnh của người đến xin Đức Giê-su phân giải: anh thật đáng thương, vì chắc là cha mẹ đã khuất, và bị người anh ăn hiếp, chiếm lấy hết gia tài. Anh cần được giúp đỡ. Thế nhưng, tại sao Đức Giê-su lại từ chối giúp đỡ anh ta?

Bởi vì, đó không phải là sứ mạng của Đức Giê-su: sứ mạng của Ngài không phải là giải quyết những tranh chấp về quyền lợi và của cải, bởi lẽ, con người có thể tự giải quyết được, hoặc bằng sự hòa giải, hoặc bằng luật pháp. Sứ mạng của Ngài liên quan đến những vấn đề tận căn của con người, và chỉ có Thiên Chúa mới làm được, đó là giúp con người tự do với quyền lợi và của cải, giải phóng con người khỏi tương quan nô lệ đối với quyền lợi và của cải, khỏi lòng tham và ham muốn, bằng cách hướng chúng ta về sự sống và niềm vui vừa đích thật vừa bền vững, về nguồn gốc và cùng đích, là chính Thiên Chúa. Như sách Giảng Viên đã nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2); vì thế, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta:

Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới (Cl 3, 1-2).

Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng (c. 5).

Đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là trong ơn gọi tu trì, chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho “những thực tại thuộc thượng giới”.

 

  1. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Chính vì thế, Đức Giê-su nói: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Và dụ ngôn về người phú hộ giàu có, mà Đức Giê-su kể trong bài Tin Mừng, mời gọi chúng ta hãy khôn ngoan, nhìn ra sự thật về đời sống con người: đời sống con người không chỉ mau qua, nhưng còn có thể qua đi bất cứ lúc nào, như Thiên Chúa nói với ông phú hộ trong dụ ngôn:

Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

Lời nguyện Thánh Vịnh cũng nói lên cùng một sự thật về đời sống con người, bởi vì, lời của Đức Giê-su và lời nguyện Thánh Vịnh đều là Lời Chúa:

Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài,
hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu,
vì khi chết, nó đâu mang được cả,
kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.
Lúc sinh thời, nó tự hào tự đắc:
“Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình!”
Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp,
chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương!
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không hiểu biết gì;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết.

(Tv 49, 17-21)

* * *

Thay vì, làm giàu trước mặt người đời và trước mặt bản thân mình, Đức Giê-su mời gọi chúng ta “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, bằng cách lắng nghe và sống theo lời của Ngài, như Ngài mời gọi: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24-25), bằng cách trở nên môn đệ của Ngài để sinh nhiều hoa trái cho vinh danh Thiên Chúa (x. Ga 15, 8).

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Mến Yêu Hằng Ngày, 22-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 6, 22-11-2024 (Lc 19,45-48)  Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *