Theo Plato, con người có thân thể và linh hồn. Thân thể thuộc về thế giới này, và thế giới này chỉ là biểu hiện, là vẻ bề ngoài của một thế giới thực – thế giới Ý Niệm (the Form). Tuy nhiên, linh hồn là trung gian giữa hai thế giới: thế giới khả giác và thế giới Ý Niệm. Từ quan niệm này, ông lý giải: tri thức là sự nhớ lại (recollection). Mặt khác, Aristotle cho rằng, thân thể và linh hồn không thể bị tách biệt trong cùng một con người. Vì thế, Aristotle đặt học thuyết của ông trên nền tảng là từng con người cụ thể (individual man); và từ đó, ông diễn tả quan niệm: tri thức là một sự nhận ra (recognition). Như thế, “sự nhận ra” có thể làm sáng tỏ “sự nhớ lại” hay không? Hơn nữa, trong chuyện này, Aristole và Plato có xung khắc với nhau không?
Trước tiên, trong tác phẩm Meno, Plato cho rằng, nếu một người đã biết, thì anh ta không cần tìm hiểu nữa; và nếu anh ta không biết gì, thì anh ta lại không thể tìm hiểu. Thế nhưng, trong thực tế, anh ta vừa biết một chút, vừa có khả năng tìm hiểu. Điều này có nghĩa là, anh ta đã biết rồi, nhưng bị quên; vì thế, anh ta có thể nhớ lại điều đã quên, tức tri thức. Như vậy, linh hồn của con người đã học tập, trước khi người ấy được sinh ra; nghĩa là linh hồn hiện hữu trước cả khi người ấy được sinh ra, và linh hồn cần nơi để ở khi nó chưa ở trong thân thể, nơi này ở trong thế giới Ý Niệm. Hơn nữa, linh hồn có khả năng nhớ lại, khi con người tương tác với vạn vật, là do mọi sự đều tham dự vào thế giới Ý Niệm. Một cách cụ thể, trong tác phẩm Republic, Plato đưa ra phúng dụ Cái hang (the Cave) và lý thuyết về Đường chia (the Divided Line) để diễn tả con đường đạt đến tri thức với bốn cấp độ: hình dung, tin tưởng, suy nghĩ, và tri thức. Thế nhưng, tri thức ở đây không được hiểu theo nghĩa là kiến thức hay tri thức thông thường, mà tri thức là đức hạnh. Nếu chân mà thiếu thiện, thì sẽ là giả; còn nếu thiện mà thiếu chân, thì thiện chưa tới nơi.
Thứ đến, trong tác phẩm Physics, Aristotle nói rằng, con người có bản tính người, và bản tính này có tiềm năng hiểu biết. Khi một người được sinh ra, anh ta không biết gì, nhưng thừa hưởng bản tính người từ cha mẹ. Vì thế, anh ta sở hữu khả năng này để học biết. Sau đó, trong cuộc sống, qua các kinh nghiệm, anh ta có thể gặt hái những bài học, những quy tắc, những nguyên lý; và làm cho tiềm năng của anh ta trở thành hiện thực bằng suy luận quy nạp. Điều này có nghĩa là, anh ta nhận ra tri thức. Từ những lập luận trên đây, không có lý do gì để nói về một linh hồn ở ngoài thân thể cả. Hơn nữa, để thực hiện được việc quy nạp, Aristotle phải thừa nhận rằng, có các nguyên lý phổ quát, chính là các nguyên lý điều khiển mọi thứ. Các nguyên lý này rất khác thế giới Ý Niệm, vì các nguyên lý hoàn toàn tồn tại trong thế giới khả giác. Cụ thể, Aristotle đưa ra học thuyết về bốn nguyên nhân (Four Causes) – hình thế (hình dáng gì?), chất thể (làm bằng gì?), tác thành (ai tạo nên?), và mục đích (để làm gì?) – để phân tích mọi thứ cũng như phân tích con người trong tiến trình của sự biến đổi.
Nếu học tập chỉ là sự nhớ lại như Plato nói, thì chúng ta không thể nói gì về việc sáng tạo ra giá trị mới. Tại điểm này, lập luận của Aristotle tỏ ra mạnh hơn của Plato, bởi vì các lập luận ấy dựa trên các cá nhân, khi họ nhận ra những điều mới mẻ từ thế giới này. Mặt khác, theo Aristotle, sự thay đổi đến từ động lực vĩnh cửu, và một người là chính mình khi anh ta đang sống; nhưng khi chết, cả thân thể và linh hồn đều bị phá hủy. Nếu thế, chúng ta không thể nói về cùng đích cao nhất của con người sau khi chết là gì, mà điều này luôn là một huyền nhiệm. Tại điểm này, “sự nhớ lại” dường như có ý nghĩa hơn “sự nhận ra” trong chiều sâu của bản tính người, vì con người không chỉ thuộc về thế giới khả giác và có thể cân đo này, nhưng còn có những khía cạnh khác mà chúng ta không thể nắm bắt. Trong khi Plato nghĩ rằng, khả năng đạt tới tri thức, đến từ thế giới Ý Niệm; thì Aristotle tin rằng, khả năng ấy là bản tính người, bản tính vốn tồn tại một cách tự nhiên qua các thế hệ.
Tựu trung, Plato và Aristotle đi theo những đường lối khác nhau để giải thích cách thức mà con người có thể học biết. Trong khi Plato gọi tiến trình này là sự nhớ lại, và đặt học thuyết của ông trên thế giới Ý Niệm; thì Aristotle gọi tiến trình ấy là sự nhận ra và đặt học thuyết của ông trên từng người cụ thể, vốn tồn tại theo bản tính. Để đạt được tri thức, Plato nhấn mạnh tới các khía cạnh nội tại và vai trò của chủ thể, trong khi Aristotle tập trung vào các đối tượng khả giác và vai trò của các khách thể. Như thế, sự nhớ lại chỉ ra tiến trình của học tập, trong khi sự nhận ra khảo sát từng điểm trên con đường ấy một cách chính xác; và sự nhận ra bằng quan sát rất gần với sự nhớ lại từ bên trong.
Vincent Vũ Tứ Quyết
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên