Trò hỏi thầy: thầy ơi, sao học khó thế? Thầy đáp lại: này trò, dạy đâu có dễ. Trò tròn mắt: học là gì thưa thầy? Thầy nheo mày: dạy là gì, thầy còn không chắc. Người ta thường quan tâm đến công việc, nhưng giáo dục có con người là trọng tâm, nên thầy trò mà không quan tâm tới con người, thì còn ai quan tâm. Con người sống cùng nhau, nên học nơi nhau là chuyện khỏi bàn. Nếu thế, ai là thầy, ai là trò đây?
Thầy tự trách lòng: tại sao mình không chịu tìm hiểu thấu đáo những gì là then chốt để có thể trao tặng trò? Tại sao mình chỉ lo… cho bản thân, mà không chịu tập trung vào trò, vào môn học. Trò tự nhủ lòng: em chẳng lo học hành, nên cứ ăn xổi ở thì, chẳng màng chi tương lai của bản thân và cộng đồng. Thế là, thầy trò nhìn nhau cười ra nước mắt: chúng ta có trí mà chưa khôn, có con tim mà chẳng học yêu thương.
Đành dằn lòng lại, gác sự tự ái qua một bên, thầy thử đi tìm: học hành có mấy mức độ? Lòng thầy chợt sáng ra… bốn cấp độ. Về cơ bản, học phân biệt đúng sai, tốt xấu. Cách thấu suốt, học phân biệt cái đúng với đúng hơn, tốt với tốt hơn. Để làm chủ, học đối diện với khó khăn khi lựa chọn cái hơn, cho dù phải cực khổ. Để sáng tạo, học để đạt được niềm vui ngay trong cực khổ. Nói thế, thầy chợt sợ, trò chợt sờn lòng.
Trò biết không, khi trò buồn chán, thầy ra sức động viên trò, ngay cả chia sẻ kinh nghiệm xương máu với trò; thế mà, có lúc trò đâu cần. Nhiều lần, thầy có lỗi, khi chỉ dẫn lộn xộn, làm trò nặng lòng rối trí. Lần khác, trò bị gạt, thầy trăn trở bận tâm suy tính: làm thế nào để trò thấy được ý xấu đằng sau những gì tưởng chừng là tốt đẹp kia.
Thầy biết không, em chưa tập trung vào từng mối quan tâm cụ thể. Em cho là có nhiều thứ quan trọng một lúc. Em cũng chưa quan tâm tiến trình trước sau gì. Em biết, phải có đủ thời gian cần thiết cho từng môn học cụ thể, nhưng em thích đi tắt đón đầu hơn. Thử hỏi, học như thế, thất bại là lẽ đương nhiên.
Trò nói tới ham vui, thầy thấy có nhiều cái vui tốt. Nhưng mỗi khi trò vui, đôi khi vui quá, thầy thêm lo, vì khi ấy, trò dễ làm nhiều chuyện dại dột. Thầy cũng không vội khuyên trò nên làm gì, vì trò có thể cho rằng, thầy lợi dụng trò. Trò nghĩ thế, cũng có phần đúng, vì thầy có thể lạm dụng, điều khiển trò, thay vì giúp trò tự lập.
Thầy ơi, còn bao nhiêu bạn khác không thông minh, ham học, khỏe mạnh, có điều kiện như em thì sao? Trò biết quan tâm người khác, quả là đáng quý. Nhưng trò giỏi mà khinh trò kém, thì chưa là giỏi; trò kém mà tủi thân thì sẽ càng tự thui chột khả năng. Vì thực ra, giỏi là giỏi ở phương diện nào đó thôi, kém thì cũng tương tự thế, vơ đũa cả nắm thì thật nguy hiểm. Do vậy, trò đừng quá vì lời khen tiếng chê mà đánh mất những giá trị cao quý nơi bản thân. Trường học quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Thầy trò tâm sự: giáo dục vừa cần sinh động như cuộc sống vốn có, vừa cần ít tạp nham hơn cuộc sống, vừa cần định hình cho cuộc sống. Nhưng làm thế nào để thực thi sứ mệnh cao cả này, nếu thầy trò chưa tin tưởng nhau, chưa biết đối thoại và cộng tác với nhau. Trò bí ẩn nhìn thầy, thầy đăm chiêu nhìn trò: thôi, nói về nền giáo dục thì rộng quá, cứ bắt đầu từ thầy trò ta; chúng ta không sợ phải thay đổi chính mình. Thầy huých trò: kìa mặt trời đang lên!
Vũ Tứ Quyết, S.J.