Môn đệ tại gia

Các bạn trẻ thân mến,

Khi nhắc đến môn đệ Đức Giê-su, người ta thường nghĩ đến nhóm Mười Hai hoặc ít ra là cũng nhóm bảy hai mà Chúa Giê-su đã sai đi rao giảng. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không giới hạn số môn đệ trong một nhóm thân tín của Ngài, Ngài còn muốn những ai tin vào Ngài đều trở thành môn đệ. Đức Giê-su có những môn đệ thân tín để sai họ đi rao giảng khắp nơi, nhưng Ngài cũng có những môn đệ khác “tại gia” để sai họ làm chứng cho Ngài ở chính nơi họ đang sống.

Thánh Mac-cô đã kể về chuyện anh thanh niên bị quỷ ám sống trong đám mồ mả. Suốt đêm ngày anh tru tréo và lấy đá đập vào mình. Không ai có thể kìm chế anh được. Kể cả gông cùm và xiềng xích anh cũng bẻ gãy. Chúa Giê-su bước ra từ trên thuyền và gặp anh từ chốn mồ mả này. Ngài đã trục xuất đạo binh quỷ đã trói buộc anh từ lâu. Anh trở nên một người bình thường và xin đi theo để được ở với Ngài. Nhưng Đức Giê-su lại muốn anh ở lại để “về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh thế nào.” Anh ta đã ra đi và rao truyền khắp cả miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh (x. Mc 5, 2-20).

Trước tiên đây là tình thương của Chúa Giê-su dành cho anh. Để được gặp anh, Chúa Giê-su đã phải bắt các môn đệ chèo thuyền từ bờ bên này sang bờ bên kia. Đêm hôm đó các ông phải vất vả chèo chống với trận cuồng phong trên biển. Đặc biệt hơn, dường như Ngài qua bên kia bờ giữa đêm hôm như thế chỉ vì anh. Sau khi chữa lành cho anh, Ngài liền xuống thuyền và quay trở lại bờ hôm trước. Chúa Giê-su đã không tính toán đến số lượng Ngài sẽ gặt hái, đối với Ngài tình thương mới quan trọng.

Giê-su đã thương một con người không thể tự làm chủ chính mình. Anh thanh niên bị bao nhiêu quỷ ràng buộc. Thay vì bảo vệ mình, anh lại đi tru treo và lấy đá đập vào mình. Anh trần trụi trước mắt mọi người, chỉ riêng anh lại không nhận ra điều đó. Mọi người thấy anh dại dột trong khi nó chẳng thành vấn đề gì đối với chính anh. Anh là một con người giữa bao người, nhưng anh lại bị cô lập với thế giới nhân sinh để làm bạn với sự chết. Đức Giê-su muốn trả lại cho anh một con người lành lặn với một nhân cách đẹp đẽ như Thiên Chúa đã ban cho anh.

Cuộc gặp gỡ giữa anh và Đức Giê-su trước khi anh được chữa lành là một cuộc gặp gỡ đối đầu. Anh không muốn Ngài đụng tới. Ngược lại, cuộc gặp gỡ sau cuộc chữa lành là một cuộc gặp gỡ giữa thầy và trò. Anh muốn đi theo Đức Giê-su để chia sẻ cuộc sống với Ngài. Giê-su đã biến cuộc gặp gỡ tình cờ trở nên một cuộc gặp gỡ lòng với lòng, để rồi anh thanh niên cảm nhận được tình thương của Ngài dành cho anh. Nhiệm vụ của anh bây giờ là đi nói cho người khác biết về “Chúa đã thương anh thế nào”. Anh đã trở thành một môn đệ thật sự, cùng chia sẻ sứ mạng với Thầy của mình: làm chứng về tình yêu Thiên Chúa.

Chắc hẳn anh đã không biết nhiều về giáo lý của Chúa Giê-su. Điều duy nhất mà anh nhận được từ Chúa là “tình thương”. Và như thế là đủ để anh có thể trở thành một môn đệ thực thụ. Anh chỉ cần đi kể cho người khác biết về Chúa đã thương anh thế nào, điều đó cũng đã đủ để anh thi hành sứ mạng người môn đệ suốt cả đời anh. Anh đã vâng lời và đã đi rao truyền. Kết quả anh mang lại thật quá bất ngờ. Hôm nay, khi chứng kiến việc anh được trừ quỷ với hơn hai ngàn con heo lao xuống biển mà chết hết, dân làng đã đến để xin Đức Giê-su đi khỏi vùng đất của họ. Nhưng sau đó vài hôm, chính tại vùng đất này, Chúa đã rao giảng và có hơn năm ngàn người đến nghe, và Ngài đã làm phép lại hóa bánh ra nhiều để nuôi họ. Ắt hẳn dân làng đã được cảm hóa nhờ lời chứng sống động của anh.

Giê-su đã không cho anh đi theo Ngài, vì những người trong làng và đặc biệt là gia đình cần đến anh để biết tình thương của Thiên Chúa. Dù anh ở lại, anh vẫn là môn đệ đích thực của Đức Giê-su. Để trở thành môn đệ, anh không phải bỏ bàn thu thuế như Mat-thêu, cũng không bỏ thuyền và cha lại như Gioan và Gia-cô-bê, nhưng việc làm môn đệ của anh không phải dễ dàng, đôi khi còn khó hơn cả những người bỏ hết mọi sự mà theo Thầy, vì anh phải sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Anh làm chứng cho tình yêu Chúa cũng đồng nghĩa anh phải chấp nhận chịu thiệt thòi trước những mối lợi không do bởi tình yêu.

Các bạn trẻ thân mến,

Ngày nay chúng ta cũng được mời gọi để trở nên một “môn đệ tại gia” của Đức Giê-su. Một số người được kêu gọi bỏ hết mọi sự để chuyên chăm sống với Chúa và lo công việc của Chúa, nhưng phần lớn trong chúng ta được mời gọi để làm chứng cho mọi người biết “Chúa đã thương tôi thế nào” ngay tại chính môi trường sống của chúng ta.

Việc làm chứng của những “môn đệ tại gia” không giới hạn vào bất cứ lãnh vực cụ thể nào. Có thể đó là môi trường học tập, môi trường công việc, và ngay cả trong chính gia đình hay trong chính phòng trọ ở chung của chúng ta. Điều quan trọng là làm sao để cảm nhận được tình thương chính Chúa đã giải thoát chúng ta. Không ai không thấy mình mang ơn cha mẹ trong cuộc đời này, nhưng để thấy được tình thương ấy cách sâu xa và để có thể kể cho người khác nghe về tình thương đó, thì người con ít nhất phải có thời gian ngẫm nghĩ về cha mẹ. Cũng thế, đâu ai dám xưng mình tự hiện hữu mà không cần đến Thiên Chúa, nhưng để kể cho người khác về “Chúa đã thương tôi thế nào”, thì ta phải ngẫm nghĩ về Ngài và về tình thương mà Ngài dành cho ta. Hơn thế nữa, các môn đệ không chỉ được sai đi chỉ để kể, nhưng còn được sai đi để sống những gì mình đã kể.

Tình yêu không dừng lại ở một giới hạn nào, đó chính là lý do Chúa muốn chúng ta nối dài cánh tay của Ngài để mang tình yêu đến cho người khác. Vì tình yêu, Chúa không nỡ để con người bị bao nhiêu loại quỷ khác nhau ràng buộc: quỷ của bất công và thù hận, quỷ của dối trá và tham lam, quỷ của đam mê và biếng nhát. Nếu không muốn để Chúa giải thoát, chúng ta trở nên tự bất công với chính mình mà chính chúng ta cũng không biết; như anh thanh niên đã tự lấy đá đập vào mình, mà chính anh cũng không thấy đó là vấn đề. Hãy để Giê-su giải thoát chúng ta.

Một khi có kinh nghiệm được Chúa giải thoát, chúng ta sẽ mạnh dạn làm chứng một cách hùng hồn về tình thương mà Chúa là làm cho chính tôi. Ơn gọi môn đệ là thế. Chúa chữa lành cho chúng ta và sau đó sai chúng ta mang sự chữa lành đó đến cho người khác. Ước gì cuộc sống thường ngày của chúng ta trở nên một lời chứng mạnh mẽ về “Chúa đã thương tôi thế nào”. Và chúng ta có thể tự xưng mình là một “môn đệ tại gia” hay “môn đệ nằm vùng” của Chúa Giê-su.

DOWNLOAD MP3

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *