Vác Thập Giá Mình Mà Theo Thầy

Nếu thập giá đã gắn liền với đời người, thì hoặc người ta vác nó trên vai như một phần của mình, hoặc họ phải kéo lê nó như một cái đuôi bất hạnh. Chúa Giê-su mời gọi những ai muốn theo Chúa, đừng kéo lê thập giá trong sự bất hạnh, nhưng hãy vác nó như một phần phúc của mình. Chúa Giê-su đã đón nhận thập giá như dấu chỉ của tình yêu – một tình yêu tinh tuyền với Cha và với con người. Phần chúng ta, khi đón nhận thập giá, chúng ta cũng được trở nên người môn đệ thân thiết bước theo chân Thầy Chí Thánh của mình; đồng thời, chúng ta cũng thấy mình là một thành phần thật sự trong kiếp sống nhân sinh cùng với bao người khác.

Download

Các bạn trẻ thân mến,

Cuộc đời có nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn, cuộc sống nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Niềm vui và thuận lợi thì chúng ta dễ đón nhận, còn nỗi buồn và khó khăn thì ai lại muốn nó. Vậy mà Chúa Giê-su muốn chúng ta mang lấy nó như hành trang để bước theo Ngài. Với ngôn từ của Đức Giê-su, hành trang đó được gọi là thập giá. Ngài đòi những ai muốn bước theo Ngài phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

Ngày nay người ta quen thuộc với thập giá mà không có một sự sợ hãi nào, vì người ta sử dụng nó để trang điểm và trang trí. Nhưng thực ra, quả là ghê rợn khi nghĩ đến thập giá với tên tử tội bị treo lủng lẳng và thân hình đầy máu me. Với thập giá như thế, nó chẳng có giá trị gì ngoài hình phạt cho những kẻ phạm những tội ác tày trời. Chúa Giê-su cũng đã bị treo lên hai thanh gỗ hình chữ thập như thế. Chúng ta biết rằng, lý do để Chúa Giê-su bị treo lên khác với lý do của những người khác. Chúa Giê-su bị treo lên đó như dấu chứng của Tình Yêu. Nhưng dù với lý do nào, thập giá vẫn thật khủng khiếp. Chính Chúa Giê-su cũng phải xin để được “cất chén này” (x. Mt 26, 39). Vì thế, nếu chỉ dừng lại ở thập giá mà Đức Giê-su hấp hối hãi hùng, chúng ta sẽ không thể thấy điều gì sáng sủa hơn. Tuy nhiên, Chúa đã chiến thắng sự hãi hùng ấy và thập giá giờ đây lại trở thành một biểu tượng của tình yêu.

Thập giá bên ngoài hữu hình là thế. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh này để nói đến một thập giá vô hình gắn liền với kiếp sống làm người. Nếu thập giá hữu hình chỉ dành cho những kẻ tử tội, thì thập giá vô hình lại dành cho tất cả mọi con cái Adam, không ai được hưởng luật trừ. Đôi khi người ta “đứng núi này trông núi nọ”, rằng sao thập giá của mình nặng thế trong khi thập giá của người kia lại nhẹ tơn. Người nghèo thì nhìn thập giá thiếu thốn của mình so với sự thong thả của người giàu. Người yếu kém thì mơ cho được cái khéo léo của người giỏi giang. Tuy nhiên, dù là ai, thập giá vẫn luôn có đó. Người giàu có thập giá của người giàu, người giỏi giang có cái khổ của người giỏi giang. Điều quan trọng không phải là chối bỏ thập giá của chính mình nhưng là mang lấy nó.

Nếu thập giá đã gắn liền với đời người, thì hoặc người ta vác nó trên vai như một phần của mình, hoặc họ phải kéo lê nó như một cái đuôi bất hạnh. Chúa Giê-su mời gọi những ai muốn theo Chúa, đừng kéo lê thập giá trong sự bất hạnh, nhưng hãy vác nó như một phần phúc của mình. Chúa Giê-su đã đón nhận thập giá như dấu chỉ của tình yêu – một tình yêu tinh tuyền với Cha và với con người. Phần chúng ta, khi đón nhận thập giá, chúng ta cũng được trở nên người môn đệ thân thiết bước theo chân Thầy Chí Thánh của mình; đồng thời, chúng ta cũng thấy mình là một thành phần thật sự trong kiếp sống nhân sinh cùng với bao người khác.

Tuy nhiên, chấp nhận thập giá thật không dễ. Nếu người ta cứ loay hoay với thập giá của riêng mình, họ không thể vươn xa hơn chỗ đứng u ám hiện tại của họ. Vì thế, điều kiện trước tiên giúp họ có thể nhìn thấy sự tích cực nơi thập giá là “từ bỏ chính mình”. Điều kiện này không hàm ý bắt con người phải vong thân, không coi mình ra gì; ngược lại, nó nhắc nhớ con người hãy chọn cho mình những gì xứng đáng với phẩm giá con người. Dù biết rằng cơm ăn, áo mặc, giải trí, nghỉ ngơi… thật tốt đẹp, nhưng nếu người ta chỉ dừng lại với những nhu cầu sơ đẳng ấy thì thật đáng tiếc. Con người sống còn có tương quan với đồng loại nữa, họ cần ra khỏi sự khép kín quy kỷ để đi đến gặp gỡ đồng loại. Chính khi bớt bận tâm cho mình, để bận tâm thêm cho người khác, thập giá của họ sẽ trở nên nhẹ hơn. Đó là một nghịch lý có thật mà chỉ những ai sống nó mới nghiệm thấy được.

Khi cắm cúi nhìn vào thập giá của mình mà không dám ngước lên để nhìn thấy thập giá của anh em, người ta tưởng chừng như trời sụp đến nơi rồi, vì sức nặng của thập giá. Nhưng nếu ai dám để mắt đến thập giá của người bên cạnh và ghé vai gánh đỡ một đoạn đường, họ sẽ thấy thập giá của người kia cũng không nhẹ hơn chút nào. Vác thập giá khác với vác một khúc gỗ trên vai. Nếu khúc gỗ trên vai mình quá nặng, mình không thể đỡ thêm cho ai nữa. Nhưng ngược lại, nếu thập giá trong đời mình đã nặng, mà mình còn muốn đỡ thêm người anh em thân cận đang kiệt sức, thì mình lại có nhiều sức hơn để vác lấy thập giá của chính mình.

Nhưng dù muốn hay không, dù có đỡ giùm thập giá cho người khác thì thập giá của chính mình cũng không thể bị bỏ quên. Chúng ta được mời vác thập giá mình mà theo Thầy. Cùng với thập giá chúng ta đến với Chúa và có thể thưa với Ngài: con theo Ngài với tất cả ý chí, nghị lực, con tim và cả con người của con, chứ con không chỉ theo Ngài như một “công tử bột”. Điều an ủi là, chúng ta vác thập giá và được theo Chúa. Ngài đã hứa rằng: “ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12, 9), đừng sợ hãi!

Bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta được mời gọi hãy theo Thầy cùng với bao thánh giá lớn nhỏ trong cuộc đời. Để cùng với những thánh giá ấy, chúng ta thanh luyện con tim của chính mình, chuẩn bị xứng đáng cho cuộc phục sinh với Chúa và với anh chị em.

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

Đời sống chứng tá của Kitô hữu trong xã hội thế tục

Nguồn ảnh: Christophe Olinger Chuyến tông du lần thứ 46 của Đức Thánh Cha Phanxicô …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *