VÀI NHẬN XÉT MỞ ĐẦU
Tác giả sách Tin Mừng thứ hai dùng nghệ thuật kể chuyện để đưa người nghe/ đọc vào mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa. Do đó Mc lặp đi lặp lại nhiều lần lệnh “cấm nói”: Chúa cấm quỉ nói ra Chúa là ai và cấm cả những người đã được chữa lành, cứu sống không được nói ra, thậm chí cấm cả nhóm Mười Hai không được nói ra rằng Ngài là Đấng Ki-tô sau khi ông Phê-rô tuyên xưng điều đó. Đơn giản là phải để cho người nghe tự mình hiểu ra và đi tới chỗ tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa. Đang kể chuyện mà có kẻ “mách lẻo” tiết lộ đoạn kết thì người kể và người nghe đều mất hứng, người nghe cũng không cảm nghiệm được cái sâu sắc, thâm thúy của câu chuyện, và không xác tín về cái kết luận do người khác nói giùm. Những người được chữa lành, được cứu mà nói ra thì người ta sẽ chỉ có cái nhìn phiến diện, tức là chỉ thấy một khía cạnh của Đức Ki-tô. Khi ông Phê-rô tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô” thì cũng mới chỉ thấy một nửa sự thật, nên Chúa cấm nói ra. Rồi lập tức Chúa bắt đầu tiết lộ cho Nhóm Mười Hai biết “Hồi thứ hai” của câu chuyện: cuộc đời Chúa trên trần gian sẽ kết thúc như thế nào… Vừa nghe thế ông Phê-rô đã kéo Chúa ra một bên mà cằn nhằn! Nhưng đó cũng là lúc Chúa bắt đầu nói về điều kiện làm môn đệ: “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà đi đàng sau Chúa”. Chúa còn phải lặp lại hai lần (9,30-31 vả 10,33-34) lời loan báo về “Hồi thứ hai”, mỗi lần lại “bắt quả tang” các môn đệ đang đi ngược chiều với Chúa: trong khi Chúa đi tới thập giá thì họ chỉ lo cãi cọ, tranh giành ngôi thứ, địa vị, và Chúa thẳng thắn sửa dạy. Dù các ông chưa hiểu, nhưng cũng bắt đầu run: “Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông sững sờ, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (10,32).
Cách kể chuyện của Mc giống cách vẽ tranh ảnh (icon) của phương Đông. Các yếu tố diễn tả chủ đề được trải lên mặt phẳng với những đường nét, màu sắc và cách phối trí giúp người xem có thể tự mình nối kết mà tìm ra ý nghĩa. Không chỉ những yếu tố hiển lộ trên mặt phẳng gợi lên ý nghĩa, mà còn có những yếu tố tiềm ẩn trong văn hóa, tâm thức người xem, được gợi lên từ những yếu tố hiển lộ này. Với người Ki-tô hữu đã thấm nhuần Cựu Ước những nét hiển lộ trên mặt tranh của Mc, gợi lên những cảnh tương ứng trong Cựu Ước. Sự đối chiếu này mới giúp người nghe đi sâu vào ý nghĩa của “câu chuyện” đang nghe. Ta có thể tạm ví như người đọc chuyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm… mà không biết điển tích trong văn học Trung Hoa thì cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Nói “tạm ví”, bởi lẽ tương quan giữa Tân và Cựu Ước sâu xa hơn nhiều, theo cách nói của các Giáo phụ: “Tân Ước ẩn tàng trong Cựu Ước, Cựu Ước sáng tỏ trong Tân Ước” (Novum in Vetere latet, Vetus in Novo patet). Tác giả sách Phúc Âm thứ nhất thì hay nói rõ: “chuyện ấy xảy ra để ứng nghiệm lời này…” Còn Mc thì vạch vài nét làm cho người nghe/ đọc phải liên tưởng tới chuyện, hay lời nào đó trong Cựu ước, chứ không cắt ngang câu chuyện để giải thích.
Theo cách kể chuyện này thì ta có thể nhận ra ngay trong chương đầu, với cách thức Chúa chữa người phong cùi và hậu quả, Mc đã gợi cho ta nghĩ tới người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách Isaia 52,13-53,12. Chúa Giê-su giơ tay ra chạm vào người cùi và cho ông ta được lành sạch. Ông ta đi rao việc này khắp nơi khiến “Chúa Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người” (1,40-45). Vậy là Chúa đã thế chỗ cho người cùi. Nhưng ngược lại, người ta lại kéo ra với Chúa ở nơi hoang vắng. Người Tôi tớ mang lấy tội lỗi của dân, trở nên như người phong cùi, nhưng lại “được đám đông làm phần gia nghiệp” (theo bản Hy Lạp). Việc đám đông kéo ra với Chúa ở nơi hoang vắng còn gợi lên chuyện trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa đưa dân ra khỏi Ai-Cập vào nơi hoang địa, tại đó Thiên Chúa lập Giao Ước, ban Lề Luật để họ sống làm dân của Chúa.
Ngay sau chuyện người phong cùi, Mc kể chuyện người bại liệt, trong đó Chúa Giê-su tuyên bố Ngài có quyền tha tội. Sau đó Ngài đi ra bờ hồ, gọi một người thu thuế tên là Lê-vi làm môn đệ, rồi vào nhà ông này ngồi ăn uống với những người bị nhóm Pha-ri-sêu coi là “phường tội lỗi”. Câu chuyện này gợi cho thấy Chúa Giê-su là Đấng thực hiện lời Thiên Chúa hứa tha tội khi thiết lập Giao Ước Mới (x. Gr 31,31-324 và Ed 36,18-26).
Tiếp theo là hai cuộc tranh luận về ăn chay và ngày Sa-bát, đụng tới những điều căn bản trong Luật Giao Ước. Chúa Giê-su không bãi bỏ việc ăn chay, nhưng cho nó một ý nghĩa mới trong tương quan với Cuộc Thương Khó. Chúa Giê-su cũng không bãi bỏ ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát trong Cựu Ước là để tưởng nhờ việc Thiên Chúa tạo dựng và việc Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai-Cập. Nay Chúa Giê-su khẳng định Ngài là chủ ngày Sa-bat và cho nó một ý nghĩa mới : để cứu sống con người. Ngày Sa-bát từ nay ghi nhớ cuộc tạo dựng mới và Xuất Hành mới do Chúa Giê-su thực hiện để cứu sống con người.
Ngay sau đó thì hai phe vốn đối địch nhau là Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê phối hợp với nhau để giết Chúa Giê-su. Nhưng đám đông đến với Chúa lại nhiều hơn trước và Chúa Giê-su thiết lập nhóm Mười Hai để tiếp tục công trình của Chúa: rao giảng và trừ quỷ. Các dụ ngôn mở ra viễn tượng về tương lai của Nước Trời: chính Chúa Giê-su là hạt giống; vì thế mà Chúa nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu dụ ngôn này thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn” (4,13). Ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Chúa cũng như viễn tượng phát triển của Nước Thiên Chúa đã được gói trong các dụ ngôn rồi vậy.
(xin mời đọc trang tiếp theo)