Ai cũng là người tốt cả, vì con người từ sự thiện mà sinh ra. Cứ quan sát mà xem, không có ai lại không có một cái gì đó đáng yêu đáng quý. Con người nào sinh ra cũng được phú bẩm cho một trái tim biết yêu: yêu gia đình, yêu người thân, yêu bạn bè; họ cũng đều có cái gì đó duyên dáng hay riêng biệt. Chẳng ai lại không mong muốn cho mình và người thân được bình an, hạnh phúc; muốn cho gia đình được hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau; muốn xã hội và đất nước được cường thịnh và không ngừng phát triển. Những ước muốn như thế xuất phát từ một lương tâm ngay thẳng, vốn thúc đẩy người ta đến chỗ làm lành lánh dữ, mưu cầu sự hiệp nhất và điều thiện hảo. Cái căn cốt nhất của con người chính là cái chân, cái thiện, cái mỹ, vì chính Đấng là Chân-Thiện-Mỹ đã làm nên con người theo khuôn mẫu của mình. Đó chính là lý do vì sao ta luôn muốn biết sự thật, ưa chuộng cái tốt và bị lôi cuốn bởi cái gì đẹp đẽ. Phải, bản chất của con người là tốt.
Nhưng chẳng qua do con người đặt sai các thang giá trị nên mọi thứ mới đảo lộn thế này. Đáng lẽ phải đặt Chân-Thiện-Mỹ lên hàng đầu, con người lại cho rằng mình phải là trên hết. Đáng lẽ phải xem phẩm giá con người là cái cần ưu tiên, người ta lại xếp những thứ thụ tạo thấp hèn như đồng tiền, danh dự là cái quan trọng nhất. Bởi thế, họ bất chấp mọi luân thường đạo lý, coi rẽ nền nếp gia phong, bán rẽ lương tâm, gạt sang một bên đức công bằng và trách nhiệm, để cố đưa mình lên vị trí Tạo Hóa, rồi đẩy Tạo Hóa xuống hàng thấp hơn. Vì bạc tiền của cải, họ sẵn sàng quay lưng với người thân họ hàng, phản bội bè bạn, coi nghĩa tình như rác, xem lời thề hứa nhẹ như bông. Anh em kiện nhau ra tòa chỉ vì một miếng đất. Người ta có thể giết chết nhau có khi chỉ vì người này làm bẩn một chiếc áo hàng hiệu của người kia. Mọi thứ xấu xa và rối loạn trên đời này cũng từ đây mà ra cả. Lòng tham, sự ích kỷ đã che mờ đi cái tốt đẹp mà Tạo Hóa đã đặt để nơi tận sâu trong cõi lòng con người, khiến họ lầm đường lạc lối, tự tạo cho mình một con đường đi thẳng đến hỏa ngục trầm luân.
Và cũng bởi vì con người sống mà thiếu mở ra, nên mới gây nên nhiều đau khổ cho nhau đến vậy. Người ta tìm mọi cách để mưu cầu hạnh phúc cho mình, nhưng người ta quên là cũng còn có rất nhiều người đang trên hành trình tìm kiếm ấy. Người ta vun vén cho mình, tìm mọi cái thu gom cho mình, bất chấp mọi hậu họa. Người ta chỉ biết đến thế giới của mình, chứ ít bao giờ mở ra để đi vào thế giới của người khác. Người ta xây dựng quá nhiều cái “tôi”, hơn là cái “chúng ta”. Ra khỏi chính mình để đến với người khác làm cho người ta cảm thấy bức bối, khó chịu. Rồi cứ thế, ai nấy cứ lo cho mình trước đi đã, chuyện người ta cứ để mặc người ta lo. Tôi có nhà cao cửa rộng, tiền bạc đầy tủ, có nhiều quyền lực trong tay là đủ rồi. Chia sẻ một tí những gì tôi có trở nên khó khăn hơn cả việc trèo non lội suối. Nở một nụ cười với người khác, tưởng là dễ thế, nhưng suốt bao nhiêu năm trời, tôi chẳng thể làm được. Tôi muốn nắm giữ thật chặt cho mình, chứ chẳng bao giờ muốn xòe bàn tay ra, trao ban, sẻ chia với người khác.
Con người, ai cũng tốt cả, nhưng chẳng qua là do họ thiếu một chút cảm thông, nên mới thấy mình dễ rơi vào hận thù hơn là tha thứ; và bởi thế mà dần dần họ trở nên xa cách nhau hơn. Thông cảm là làm cho con tim mình mềm ra một chút. Là con người bất toàn, ai mà không có phút nào đấy sai lỗi. Thông cảm là đặt mình vào vị trí của người khác, để hiểu được nỗi lòng của họ, để biết được động cơ nào đã khiến họ đi đến hành động kia. Thiếu cảm thông, người ta sẽ chẳng chịu đối thoại, mà không đối thoại thì làm sao có thể hiểu nhau, tha thứ cho nhau, và giúp đỡ nhau được! Đó là chưa nói đến chuyện mình hiểu lầm, hiểu sai về người khác mà cứ khăng khăng cho rằng mình đúng, mình không thể sai. Cái tôi to tướng của người ta khiến người ta chẳng bao giờ chịu cúi mình lắng nghe để thấu cảm. Họ chỉ muốn giải quyết mọi chuyện cho xong bằng bạo lực. Để rồi, bạo lực nối kết bạo lực, oán than kết liền oán than, bao nhiêu tai kiếp cứ thế mà không ngừng ập xuống.
Giá như người ta đừng đảo lộn những bậc thang giá trị, đừng quá ích kỷ, và biết cảm thông với nhau, thế giới này sẽ trở nên yên bình và hạnh phúc biết mấy. Giá như người ta biết thân phận mình chỉ là loài thụ tạo, nên đừng tranh giành vị trí độc tôn và tối cao của Tạo Hóa! Giá như người ta sống mà biết tôn trọng nhau, vì biết mình cùng là con người, được dựng nên theo hình ảnh của Hóa Công nên có cùng phẩm giá! Giá như người ta biết đưa con người lên trên bạc tiền, danh dự, của cải! Giá như người ta sống mà trao ban cho nhau một chút tình, biết thông cảm cho những yếu đuối của nhau, biết đưa bàn tay ra để nắm lấy nhau, nâng nhau dậy, chứ không đưa chân đạp người ta xuống! Giá như con người biết gạt đi tất cả những nhỏ nhen ích kỷ, để cho bản chất tốt đẹp của mình được bừng sáng…thì lúc ấy, thế giới này đã hóa thành Thiên Đường rồi!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ