Ở hiền gặp lành?

Vị giảng viên nu-cuoinọ nói trên giảng đường đại học cách thách thức rằng: có giỏi các bạn cứ sống lương thiện đi, nào là ở hiền gặp lành, nào là ai tát má này hãy đưa cả má kia nữa!

Có thể, triết thuyết mà vị giảng viên ấy nói thì “thực tế”, đến nỗi đi ngược lại châm ngôn của tổ tiên, và ngay cả chế giễu những người tin vào lời dạy tha thứ của Thầy Giêsu.

Ông bà ta xưa kia, có thể tuy “ít học” về con chữ, nhưng lại đầy “túi khôn” về ý nghĩa. Chẳng phải vì các cụ không biết đến sự ngang trái, bạc bẽo, rối ren của đời; vì mặt tiêu cực này, thời nào chẳng có, tuy nhiều ít khác nhau.

Nếu ngay lập tức cho rằng, ông bà ta xưa khi nói “ở hiền gặp lành” là thiếu quan sát thiếu thực tế, thì kẻ đánh giá như thế đã tự đi vào vòng ảo tưởng của đời này. Kẻ ấy ngây ngô cho là, “ở hiền” có nghĩa là sống tốt, thì ắt sẽ “gặp lành” có nghĩa là may mắn, thành công. Kẻ sống đạo đức mà chỉ vì cầu lợi, thì chưa phải là đạo đức, mà là ích kỷ.

Lời dạy bên ngoài mà không tương ứng với cái tâm bên trong, thì chỉ là sáo rỗng, chỉ là lừa gạt. Kiểu thầy dạy như thế thì đầy dẫy trong thiên hạ. Có thể nói, “ở hiền gặp lành” nếu nhìn trong lối nhìn của Khổng Tử, thì nghĩa là: vui với người (ở hiền) và vui với Trời (gặp lành). Người “ở hiền gặp lành” không phải là kẻ tầm thường sống theo thói đời, mà là bậc hiền nhân sống theo cái tâm và lẽ Trời.

Để khuyến khích người ta rèn luyện Từ Tâm, Đức Phật hướng dẫn: Từ Tâm phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của người mẹ đối với đứa con duy nhất; người mẹ sẵn sàng săn sóc bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tính mạng cũng vui lòng. Nếu hiểu được lời này của Đức Phật, có lẽ người thời nay, nếu còn tâm, sẽ lấy làm ngượng ngùng.

Không thể lấy thù oán để diệt hận thù, chỉ có Từ Tâm mới dập tắt được hận thù. Lần kia, có người mời Đức Phật tới nhà. Khi Ngài đến, chủ nhà dùng lời vô lễ thậm tệ mà đối xử. Đức Phật không giận mà ôn tồn hỏi: Nếu biết có khách đến nhà, ông sẽ làm gì? Ông ta đáp: Tôi sẽ dọn cơm đãi khách? – Nếu khách không đến, ông sẽ làm gì? – Tôi và vợ con sẽ chia nhau bữa cơm. Đức Phật nói: Tốt lắm, hôm nay ông mời tôi tới, ông dọn cho tôi những lời thô lỗ, tôi không nhận đâu, xin ông cứ giữ lấy. Thế là, thái độ của chủ nhà thay đổi.

Thầy Giêsu nói cách rõ ràng: đừng lấy ác báo ác, nhưng làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em. Trong ý nghĩa này, khi bị tát má này, mà tôi tát lại, thì thực ra, tôi đã rơi vào vòng luẩn quẩn của hận thù, của cái ác, của thói đời bạc nhược. Còn khi tôi đưa má kia, có nghĩa là tôi hành xử theo một cung cách khác.

Đó là cung cách công bằng của sự tha thứ, của tình yêu thương. Có người hiểu lầm “đưa má kia” là cung cách của kẻ yếu thế, nhưng họ quên mất, cứ thử nghĩ xem, kẻ nhu nhược có đủ sức mạnh để đưa má kia không. Trong cuộc khổ nạn, có tên lính tát Thầy Giêsu, Thầy hỏi lại: nếu tôi nói sai, hãy chỉ ra tôi sai chỗ nào; nếu tôi nói phải, tại sao anh tát tôi? Khi Thầy Giêsu trên thập giá, kẻ tử tù tìm thấy niềm tin vào Thầy, còn anh lính đứng dưới cũng phải thốt lên: Thầy là Con Thiên Chúa.

Thế là, “ở hiền gặp lành” không nhìn theo lối danh lợi chức quyền của thế gian, mà được nhìn trong tình người Tình Trời. Đúng là “gặp người hiền thì thật là lành”. Phúc cho ai hiền lành!

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

Kiểm tra tương tự

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Năm cách mang lại hạnh phúc cho mẹ

Liệu chúng ta đã thể hiện đủ lòng biết ơn và tình yêu thương dành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *