Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 tại Krakow, Balan

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5, 7)

Các bạn trẻ thân mến, wyd_feature

Chúng ta đã bước vào chặng cuối cùng của cuộc hành hương tới Krakow là nơi chúng ta sẽ cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (WYD) lần thứ 31 vào tháng 7 năm 2016. Trên hành trình dài ngày và thách đố này, chúng ta được Lời Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi hướng dẫn chúng ta. Chúng ta đã bắt đầu hành trình này từ năm 2014 bằng cách cùng nhau suy niệm Mối Phúc đầu tiên: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5, 3). Chủ đề năm 2015 là: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Trong năm tới, chúng ta hãy lấy nguồn hứng từ những lời này: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5, 7).

1. Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót

Với chủ đề này, WYD 2016 tại Krakow trở nên một phần của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót và như vậy thành Năm Thánh Giới Trẻ ở tầm mức toàn cầu. Đây không phải là lần đầu tiên một cuộc họp mặt những người trẻ trên thế giới trùng hợp với Năm Thánh. Thực vậy, chính trong Năm Thánh Ơn Cứu Chuộc (1983-1984), thánh Gioan Phaolô II lần đầu tiên mời gọi người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau hội tụ về trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Sau đó, trong Đại Năm Thánh 2000, trên 2 triệu bạn trẻ đến từ 165 quốc gia tụ họp về Roma trong lần WYD thứ 15. Cha chắc rằng Năm Thánh Giới Trẻ tại Krakow (Balan), như hai lần trước, sẽ là một trong những cao điểm của Năm Thánh này!

Có lẽ có người trong chúng con hỏi rằng: Năm Thánh đang cử hành trong Giáo Hội là gì? Bản văn trong sách Lêvi chương 5 có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của “năm thánh” đối với dân Israel. Cứ mỗi 50 năm, họ nghe tiếng kèn loa mời gọi họ cử hành một năm thánh như là thời gian để giao hòa với mọi người. Trong suốt năm đó, họ phải làm mới lại tương quan tốt lành của họ với Đức Chúa, với tha nhân và với thọ tạo, tất cả trong tinh thần vô vị lợi. Điều này đã cổ vũ, giữa những việc khác, việc xóa nợ, giúp đỡ đặc biệt cho nhưng người lâm cảnh nghèo túng, sự cải thiện tương quan liên vị và việc phóng thích nô lệ.

Chúa Giêsu Kitô đến rao giảng và mang lại thời gian ân sủng vĩnh viễn của Thiên Chúa. Ngài đem Tin Mừng cho người nghèo, cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức (xem Lc 4, 18-19). Trong Chúa Giêsu, và đặc biệt trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, ý nghĩa sâu xa hơn về năm thánh được thực hiện một cách tròn đầy. Khi Giáo Hội công bố năm thánh nhân danh Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi để cảm nghiệm một thời gian ân sủng tuyệt vời. Giáo Hội phải đưa ra những dấu chỉ phong phú về sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, và tái thức tỉnh trong lòng con người khả năng lưu tâm đến những điều căn cốt. Đặc biệt, Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót này là “thời gian để Giáo Hội tái khám phá ý nghĩa của sứ mệnh được Chúa giao phó cho mình trong ngày Chúa Phục sinh: là trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa Cha.” (Bài giảng tại Kinh Chiều I của ngày Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, 11-4-2015).

2. Thương xót như Thiên Chúa Cha

Phương châm cho Năm thánh Ngoại thường này là “Thương Xót như Thiên Chúa Cha” (xem Dung Nhan Lòng Thương Xót, 13). Điều này phù hợp với chủ đề WYD năm tới, vì thế chúng ta hãy nỗ lực hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Lòng Chúa Thương Xót.

Cựu Ước sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau khi nói về lòng thương xót. Trong số đó những thuật ngữ ý nghĩa nhất là “hesed” và “rahamim”. Thuật ngữ thứ nhất, “hesed”, khi áp dụng cho Thiên Chúa, diễn tả lòng trung thành son sắt của Thiên Chúa trong Giao Ước với dân mà Ngài hằng yêu thương và tha thứ. Thuẫt ngữ thứ hai, “rahamim”, có ý nghĩa đen là “lòng” có thể dịch là “lòng thương xót chân thành”. Điều này đặc biệt gợi nhớ đến lòng của người mẹ và giúp chúng ta hiểu về tình yêu của Thiên Chúa với dân Ngài như người mẹ với con thơ của mình. Đó là cách mà tiên tri Isaia đề cập đến: “có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15). Tình yêu theo mẫu này bao hàm việc tạo khoảng trống cho người khác trong chính chúng ta và có thể thông cảm, chia vui sẻ buồn với người lân cận của chúng ta.

Khái niệm kinh thánh về lòng thương xót cũng bao hàm sự hiện diện hữu hình của tình yêu, nghĩa là trung thành, cho không và có thể thứ tha. Trong đoạn sách Hôsê sau đây, chúng ta có một ví dụ thật đẹp về tình yêu của Thiên Chúa, vốn được tiên tri Hôsê ví như tình yêu người cha dành cho đứa con của mình: “Thuở Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, và từ Ai-cập, Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng lìa xa Ta… Chính Ta, Ta đã tập đi cho Ephraim. Ta bồng bế chúng trên cánh tay Ta. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má… Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11, 1-4). Mặc dù thái độ sai trái của người con xứng đáng bị trừng phạt, nhưng tình yêu của người cha lại luôn tín thành. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một “ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ, xúc động tận đáy lòng vì yêu con mình… Tình Yêu ấy tất nhiên trào ra từ nơi thẳm sâu nhất, đầy âu yếm và cảm thông, khoan dung và thương xót (Dung Nhan Lòng Thương Xót, 6).

Tân Ước nói với chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa (eleos) như một sự tổng hợp các công trình mà Chúa Giêsu đến để thực hiện trong trần gian này nhân danh Chúa Cha (xem Mt 9, 13). Lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta đặc biệt có thể thấy được khi Ngài cúi xuống trên nỗi khốn khổ của con người và bày tỏ lòng từ bi của Ngài cho những ai cần đến sự cảm thông, chữa lành và tha thứ. Mọi sự nơi Chúa Giêsu đều nói lên lòng thương xót. Thật vậy, chính Ngài là lòng thương xót.

Trong chương 15 của Tin Mừng thánh Luca, chúng ta gặp thấy ba dụ ngôn về lòng thương xót: con chiên bị mất, đồng bạc bị mất, và dụ ngôn về người con hoang đàng. Trong ba dụ ngôn này, chúng ta được niềm vui của Thiên Chúa đánh động, niềm vui mà Thiên Chúa cảm nhận được khi Ngài tìm được và tha thứ cho một tội nhân. Vâng, thứ tha là niềm vui của Thiên Chúa! Điều này tóm gọn toàn bộ Tin Mừng. “Mỗi chúng ta, mỗi người trong chúng ta là con chiên lạc, là đồng tiền thất lạc; mỗi người trong chúng ta là người con đã phung phí tự do của mình nơi những thần tượng giả tạo, những ảo tưởng về hạnh phúc, và đánh mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta. Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài là một người Cha nhẫn nại luôn chờ đợi chúng ta. Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, nhưng Ngài vẫn mãi mãi trung thành. Và khi chúng ta trở về với Ngài, Ngài luôn đón chúng ta vào nhà của Ngài như những đứa con, vì Ngài không bao giờ ngừng một giây phút nào mà không chờ mong chúng ta với tất cả tình yêu. Và lòng Ngài vui mừng vì mỗi đứa con trở về. Ngài mở hội mừng vì Ngài là niềm vui. Thiên Chúa có niềm vui này khi một trong chúng ta là tội nhân biết đến với Ngài và xin Ngài tha thứ.” (Kinh Truyền Tin, ngày 15-9-2013).

Lòng thương xót của Thiên Chúa rất thực tế và chúng ta được gọi mời đích thân trải nghiệm. Khi cha mười bảy tuổi, lòng thương xót Chúa đã xảy ra vào một ngày khi cha đi ra ngoài với vài người bạn, cha quyết định dừng lại để vào nhà thờ trước đã. Cha gặp một linh mục, người đã gợi cho cha niềm tin tưởng lớn lao, và cha thấy ước mong mở lòng mình trong bí tích Hòa Giải. Lần gặp gỡ đó đã thay đổi đời cha! Cha khám phá ra rằng khi chúng ta mở lòng mình với lòng khiêm tốn và trong sáng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Chúa trong một cách thức rất cụ thể. Cha chắc chắn rằng trong con người của vị linh mục đó, Thiên Chúa đã sẵn sàng chờ đợi cha từ trước khi cha bước vào nhà thờ đó. Chúng ta tiếp tục kiếm tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn ở đó trước chúng ta, Ngài luôn đi tìm chúng ta, và Ngài thấy chúng ta trước. Có lẽ một trong chúng con cảm thấy điều gì đó nặng nề nơi cõi lòng của chúng con. Chúng con đang nghĩ: Tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia….Đừng sợ! Thiên Chúa đang chờ đợi chúng con! Thiên Chúa là Cha, và Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Thật tuyệt vời biết bao khi cảm nhận được cái ôm đầy lòng thương xót của người Cha trong bí tích Hòa Giải, để khám phá ra rằng tòa giải tội là nơi của lòng thương xót, và để cho chính chúng ta được chạm đến bởi tình yêu xót thương của Thiên Chúa, là Đấng hằng tha thứ cho chúng ta!

Hỡi chúng con là những người trẻ, nam cũng như nữ, đã có lần nào chúng con cảm thấy ánh mắt tình yêu vĩnh cửu đặt trên chúng con, một ánh mắt nhìn vượt trên tội lỗi, trên những giới hạn và thiếu xót của chúng con, và tiếp tục tin ở chúng con và nhìn cuộc đời chúng con với niềm hy vọng chưa? Chúng con có nhận ra chúng con thật quý giá biết bao đối với Thiên Chúa, Đấng trao ban cho chúng con tất cả vì tình yêu? Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta thế này, đó là ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Đức Kitô đã chết cho chúng ta.” (Rm 5, 8). Chúng ta có thực sự hiểu được sức mạnh của những lời này không?

Cha biết cây thập giá WYD có ý nghĩa thật lớn lao với tất cả chúng con. Đó là món quà của thánh Gioan Phaolô II đã hiện diện với chúng con trong những WYD từ năm 1984. Có biết bao nhiêu đổi thay và hoán cải đã xảy ra trong cuộc sống của những người trẻ đã gặp cây thập giá thô mộc đơn sơ này! Có lẽ chúng con tự hỏi mình rằng: đâu là nguồn gốc sức mạnh phi thường của cây thập giá? Đây là câu trả lời: thập giá là dấu chỉ hùng hồn nhất của lòng Chúa thương xót! Nó nói cho chúng ta rằng thước đo của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại là yêu không so đo! Qua thập giá chúng ta có thể đụng chạm được lòng Chúa thương xót và lòng thương xót ấy chạm được đến chúng ta! Ở đây cha muốn nhắc chúng con nhớ đến chuyện hai tên trộm bị đóng đinh bên Chúa Giêsu. Một trong hai người ngạo mạn và không chịu nhận mình là một tội nhân. Hắn chế diễu Chúa. Còn anh kia nhận ra mình đã làm điều sai trái; anh quay sang và nói với Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Chúa Giêsu nhìn anh ta với lòng thương xót vô bờ rồi nói: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”(xem Lc 23, 32 và 39-43). Chúng ta tự nhận ra mình giống ai trong hai người ấy? Giống người kiêu ngạo không nhìn nhận lầm lỗi của chính mình? Hoặc giống người kia, là người nhận rằng mình đang cần đến lòng Chúa thương xót và hết lòng van xin lòng thương xót? Chính nơi Chúa, Đấng đã thí mạng sống mình trên thập giá vì chúng ta, chúng ta sẽ luôn tìm được tình yêu vô điều kiện, để thấy đời sống của chúng ta là một điều gì đó thật tốt lành và luôn mang đến cho chúng ta cơ may để bắt đầu lại.

3. Niềm vui tuyệt vời khi trở nên khí cụ của lòng Chúa thương xót

Lời Chúa dạy chúng ta rằng “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Đó là lý do tại sao Mối Phúc thứ 5 nói rằng người xót thương được chúc phúc. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Nhưng chúng ta chỉ thực sự có phúc và sung sướng khi chúng ta đi vào được cái “lô-gích” của Thiên Chúa là cho đi và yêu mến nhưng không, khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa yêu chúng ta vô cùng để làm cho chúng ta có khả năng yêu thương như Ngài, không giới hạn. Thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu… Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” (1 Ga 4, 7-11).

Sau khi tóm tắt rất ngắn gọn về cách thức Thiên Chúa trao ban lòng thương xót của Ngài cho chúng ta, cha muốn đưa cho chúng con vài đề nghị để làm thế nào chúng ta có thể nên những khí cụ của lòng thương xót này cho người khác.

Cha nghĩ đến mẫu gương của Chân phước Pier Giorgio Frassati. Anh ấy nói, “Chúa Giêsu đến thăm tôi vào mỗi buổi sáng trong bí tích Thánh Thể, và tôi đáp lại sự thăm viếng ấy bằng cách thế đơn sơ mà tôi biết, thăm viếng người nghèo.” Pier Giorgio là một người trẻ hiểu được có lòng thương xót để đáp lại những người đang cần đến nhất nghĩa là gì. Anh trao cho họ nhiều hơn là những của vật chất. Anh đã cho đi chính mình bằng cách cho đi thời gian, lời nói và khả năng lắng nghe của mình. Anh phục vụ người nghèo rất lặng lẽ và khiêm tốn. Anh thực sự thi hành điều Tin mừng nói với chúng ta: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo.” (Mt 6, 3-4). Hãy tưởng tượng xem, một ngày trước khi qua đời, khi anh đã bệnh nặng, anh vẫn đưa ra những hướng dẫn để làm thế nào giúp đỡ bạn bè của mình đang túng thiếu. Trong tang lễ của Pier Giorgio, gia đình và bạn bè đã sửng sốt vì sự hiện diện của rất nhiều người nghèo mà họ không hề biết. Họ đã được chàng thanh niên Pier Giorgio làm bạn và giúp đỡ.

Cha luôn thích liên kết các Mối phúc với Tin Mừng thánh Mát-thêu chương 25, nơi Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta các việc thực hành của lòng thương xót và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị phán xét trên những việc đó. Theo đó, cha đề nghị với chúng con tái khám phá những việc làm thương xót phần xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc và chôn xác kẻ chết. Chúng ta cũng không nên bỏ qua những việc làm thương xót thiêng liêng: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta và cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Như chúng ta có thể thấy, lòng thương xót không chỉ hàm ý một “người tốt” cũng không chỉ là tình cảm. Nó là thước đo tính chân chính của chúng ta như những môn đệ của Chúa Giêsu, và mức độ đáng tin cậy của chúng ta như là những Kitô hữu trong thế giới ngày nay.

Nếu chúng con muốn cha nói thật cụ thể thì cha đề nghị rằng trong bảy tháng đầu năm 2016, chúng con chọn một việc thương xót phần xác và một việc thương xót thiêng liêng để thực hành mỗi tháng. Hãy tìm nguồn cảm hứng trong lời cầu nguyện của Thánh Faustina là một tông đồ khiêm tốn của Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại chúng ta:

“Lạy Chúa, xin hãy giúp con để mắt con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ ngờ vực hay phán đoán theo bề ngoài, nhưng biết nhìn thấy những gì là mỹ miều nơi tâm hồn của tha nhân và giúp đỡ họ. Xin hãy giúp con để tai con biết xót thương, nhờ đó, con lắng nghe các nhu cầu của tha nhân, và không dửng dưng trước những đớn đau và than van của họ. Lạy Chúa, xin hãy giúp con, để lưỡi con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ nói tiêu cực về người khác, nhưng biết có lời ủi an và tha thứ cho mọi người. Lạy Chúa, xin hãy giúp con để tay con biết xót thương và đầy những việc thiện; xin cho chân con biết xót thương, nhờ đó, con mau mắn giúp đỡ tha nhân, bất kể sự mệt nhọc và chán chường của bản thân. Xin hãy giúp con, để tim con biết xót thương, nhờ đó, chính con có thể chung chia mọi khổ đau của tha nhân. (Nhật Ký, 163).

Thông điệp Lòng Chúa thương xót là một kế hoạch sống rất cụ thể vì nó bao gồm hành động. Một trong những công việc rõ nhất của lòng thương xót, và có lẽ khó khăn nhất để đưa vào thực hành là tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta, những người đã làm chúng ta tổn thương hoặc những người khiến chúng ta xem họ như kẻ thù. “Đôi khi tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một khí cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù là điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc.” (Dung Nhan Lòng Thương Xót, 9).

Cha gặp rất nhiều bạn trẻ nói rằng họ mệt mỏi với thế giới đầy chia rẽ này, với những cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ phe phái khác nhau và gây ra nhiều cuộc chiến tranh, trong đó một số viện lý do tôn giáo để biện minh cho bạo lực. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để thương xót những ai gây tổn thương cho chúng ta. Chúa Giêsu trên thánh giá cầu nguyện cho những người đã đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34). Lòng thương xót là cách duy nhất để vượt thắng sự dữ. Công bằng là cần thiết, rất cần, nhưng tự nó lại không đủ. Công bằng và lòng thương xót phải song hành với nhau. Cha ước mong sao chúng ta có thể cùng nhau tham dự vào đoàn hợp xướng để cầu nguyện, từ sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta, để xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót chúng ta và toàn thế giới!

4. Krakow đang mong chờ chúng ta!

Chỉ một vài tháng nữa là chúng ta gặp nhau ở Ba Lan. Krakow là thành phố mà thánh Gioan Phaolô II và thánh Faustina Kowalska đang chờ đợi chúng ta với vòng tay và trái tim rộng mở. Cha tin rằng Thiên Chúa Quan Phòng dẫn dắt chúng ta đến quyết định cử hành Năm Thánh Giới Trẻ trong thành phố đó vốn là nhà của hai vị đại tông đồ của lòng thương xót trong thời đại chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II nhận ra rằng đây là thời đại của lòng thương xót. Vào đầu triều đại giáo hoàng của mình, Thánh nhân đã viết thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót”. Trong Năm Thánh 2000, Ngài đã phong thánh cho Chị Faustina và thiết lập ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, mà bây giờ diễn ra vào ngày Chủ Nhật II Phục Sinh. Trong năm 2002, đích thân Ngài đã cung hiến đền thờ kính Lòng Chúa Thương xót tại Krakow và ủy thác cả thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa, với ao ước rằng thông điệp này sẽ lan tỏa đến mọi dân tộc trên trần gian và lấp đầy tâm hồn của họ với niềm hy vọng: “Tia sáng này cần phải thắp lên bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình thương này cần phải được chuyền đi cho thế giới. Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc!” (Bài giảng trong ngày lễ cung hiến đền thờ kính Lòng Chúa Thương xót tại Krakow,17-8-2002).

Các bạn trẻ thân mến, tại đền thờ ở Krakow dâng kính lòng thương xót của Chúa Giêsu, nơi Ngài được phác họa trong hình ảnh được dân Chúa tôn kính, Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng con. Ngài tin tưởng chúng con và đang tin cậy vào chúng con! Ngài có rất nhiều điều để nói với mỗi người chúng con…Đừng sợ nhìn vào ánh mắt đầy tình thương vô bờ của Ngài dành cho chúng con. Hãy mở lòng chúng con ra với ánh mắt từ nhân của ngài, vì Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng con. Một ánh mắt của Ngài có thể thay đổi cuộc sống và chữa lành vết thương trong tâm hồn của chúng con. Đôi mắt Ngài có thể làm dịu đi cơn khát ở thẳm sâu trong tâm hồn trẻ trung của chúng con, một cơn khát tình yêu, khát hòa bình, khát niềm vui và khát hạnh phúc đích thực. Hãy đến với Ngài và đừng sợ hãi! Hãy đến với Ngài và nói từ trong sâu thẳm lòng mình: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.” Hãy để cho lòng thương xót vô biên của Ngài chạm đến chúng con, để rồi đến lượt chúng con có thể trở thành những tông đồ của lòng thương xót bằng hành động, lời nói và cầu nguyện của chúng con trong thế giới của chúng con, vốn bị thương tích do lòng ích kỷ, hận thù và rất nhiều thất vọng.

Hãy mang theo chúng con ngọn lửa tình yêu thương xót của Chúa Kitô, như thánh Gioan Phaolô II nói, đi vào mọi môi trường sống hàng ngày của chúng con và cho đến tận cùng trái đất. Trong sứ mạng này, cha luôn ở với chúng con bằng lời động viên và lời cầu nguyện của cha. Cha phó thác tất cả chúng con cho Đức Maria là Mẹ của Lòng Thương Xót, để trong chặng hành trình cuối cùng này nhằm chuẩn bị tinh thần cho WYD sắp tới tại Krakow. Từ đáy lòng cha, cha chúc lành cho tất cả chúng con.

Vatican, ngày 15 tháng Tám năm 2015

Lễ Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Giáo Hoàng Phanxicô

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Bản Anh ngữ

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *