Sáng hôm nay, Thứ Hai, 18/4, chúng tôi được thong thả dậy trễ, vì tối qua về khuya. Điểm tâm lúc 8: 00. Đến 9: 30 xe buýt đón đi viếng thăm Hang Toại Đạo. Bất ngờ, Cha Giám Đốc Foyer lên xe cầu chúc chuyến hành hương hôm nay thật hữu ích cho mọi người, cùng vui vẻ ban phép lành cho đoàn.
Trên đường, Cha GB giải thích ý nghĩa sâu xa về Năm Thánh LTX, cũng như về lịch sử thăng trầm của Giáo Hội. Cha ân cần, từ tốn, rành mạch trả lời từng câu hỏi. Ngoài các ông bà, cô chú đặt câu hỏi, còn có cháu bé Martin Trường Vĩ, 10 tuổi, hồn nhiên nêu ra nhiều câu hỏi ngây thơ mà hóc búa, khiến Cha GB lúng túng, phải cố gắng cắt nghĩa làm sao cho em có thể hiểu và chấp nhận dễ dàng. Bầu khí thật cởi mở, hoà nhã và sống động.
Đến Catacombe, Ban Tổ Chức mua vé và chia đoàn thành hai nhóm, vì dưới hang Tọai Đạo lối đi nhỏ hẹp, nên không thể tập trung đi cả đoàn. Nhóm thứ nhất dưới sự điều hành của Thầy Giuse Nguyễn Tiến Khải, SJ. Nhóm thứ hai do Cha GB Nguyễn Ngọc Thế, SJ, phụ trách. Các hướng dẫn viên giải thích tường tận từng chi tiết bằng tiếng Việt, giúp mọi người thấu hiểu thời kỳ vô cùng gian nan, nguy hiểm, của tín hữu chịu bách hại vì danh Chúa.
Hang toại đạo là nơi chôn cất và cử hành các nghi thức an táng của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Thuật ngữ “hang toại đạo” có nguồn gốc từ chữ catacumbas để chỉ một khu vực với nhiều hố đào trên đường Appia tại Roma vào thế kỷ thứ IV. Catacumbas trong tiếng Hy Lạp mang nghĩa “tại khu vực hố đào.”
Khởi đi từ thế kỷ thứ III, tại khu vực này đã xuất hiện một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất dưới lòng đất, nghĩa trang thánh Sebastiano, thường xuất hiện trong các sử liệu với tên cymiterium catacumbas. Đường vào hang toại đạo thường là một cầu thang dẫn xuống dưới lòng đất. Bên ngoài cửa vào có thể có tiền sảnh hay một công trình có kích thước lớn hơn. Tại chân cầu thang dưới lòng đất, một mạng lưới các địa đạo và phòng nhỏ được hình thành.
Mạng lưới địa đạo, như quan sát được trong các hang toại đạo ở Roma, được phát triển theo hai dạng thức: “hình xương cá” và “hình vỉ nướng”. Ở dạng thứ nhất, một địa đạo chính chạy dọc và các hành lang phụ được hình thành vuông góc với địa đạo chính, tạo ra vô số các địa đạo ngang dọc khác. Dạng thứ hai gồm hai địa đạo chính chạy song song với khoảng cách nhất định, được nối kết với nhau ngang qua các hành lang phụ xếp vuông góc. Địa đạo thường có chiều cao 2-3m, rộng từ 80-1,5m.
Hình thức mai táng phổ biến, cả trong địa đạo lẫn cubiculum là hộc an táng (locus), là một hộc hình thang, đào vào tường theo chiều ngang, các hộc chồng lên nhau theo chiều dọc, cách nhau một khoảng nhất định. Trong một hộc an táng, có thể có hơn một thi hài. Hộc an táng cho trẻ em thường được tận dụng ở những khoảng tường hẹp và ngắn hơn. Sau khi đặt thi hài vào trong, hộc an táng được đóng lại bằng một phiến đá cẩm thạch dùng trát vữa để gắn vào tường. Thay vì phiến đá, người ta còn dùng vôi vữa hay tấm ngói để bít kín miệng hộc. Gần hộc an táng thường thấy các vật dụng đặc trưng như đèn nhỏ, đồ gốm trang trí, kính màu, tiền đồng hay tư trang của người quá cố (bông tai, vòng, chuỗi hạt, v.v.), vỏ sò, đồ chơi trẻ em (búpbê, chuông nhỏ). Những vật dụng này được dùng để đánh dấu mộ của người vô danh, hay đôi khi còn là biểu tượng của nghi lễ tiễn biệt (refrigerium), của ánh sáng, của sự quan phòng hay đơn thuần là để trang trí, dùng những vật dụng ưa thích đối với người đã khuất.
Kiểu chôn với hầm mộ đồ sộ hơn có hai loại: “mộ bàn tiệc” và lăng tẩm. Kiểu thứ nhất là hố chôn được đóng kín bằng một phiến đá nằm ngang (mensa: bàn), phía trên là hốc tường chạy dọc theo phần mộ. Lăng tẩm (arcisolium) là dạng lăng mộ phổ biến gồm dạng mộ “bàn tiệc”, phía trên là hốc tường dạng vòm. Phần tường của hốc thường có những bức vẽ trang trí.
Nơi đặc biệt quan trọng trong hang toại đạo là mộ các vị tử đạo, nơi được giáo dân tôn kính và lui tới thường xuyên. Mộ các vị tử đạo được trang trí với các bức hoạ, ốp đá cẩm thạch; gần mộ là các bàn hình tròn nhận lễ vật dâng cúng, bàn thờ để cử hành phụng vụ tưởng nhớ ngày sinh nhật trên trời. Hang toại đạo thánh Callisto có 4 tầng với tổng chiều dài các nhánh lên đến 20 km. Vào thế kỷ thứ hai, đây là nghĩa trang của cộng đoàn tín hữu công giáo và ĐTC Zefirino trao cho thầy phó tế Callisto coi sóc. Nơi đây nổi tiếng với phần mộ các ĐTC và của thánh Cecilia. Có 9 ĐTC được chôn cất nơi đây, trong đó có ĐTC Sisto II chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Valeriano.
Từng biểu tượng được cặn kẽ giải mã, như cái neo, con cá, con chim bồ câu ngậm cành lá ô liu. Qua đó, người Kitô hữu có thể nhận biết nhau và biểu lộ niềm tin kiên cường, sắt đá, thuỷ chung vào Đức Giêsu Kitô Hằng Sống.
Mục tử nhân lành vác chiên trên vai ám chỉ Chúa Ki-tô là Đấng cứu chuộc và linh hồn được cứu rỗi.
Người cầu nguyện với đôi tay dang rộng là biểu tượng của linh hồn đã tham dự vào cuộc sống trong bình an thiêng liêng. Tên chúa Ki-tô được viết tắt bằng hai ký tự Hy lạp: X (chi) và P (ro) chồng lên nhau. Đây là hai ký tự đầu của chữ Christos trong tiếng Hy lạp, có nghĩa là Ki-tô.
Con cá trong tiếng Hy lạp là từ IXTHYC (ichtus) được cấu thành từ các ký tự đầu của danh xưng Iesùs Christòs Theòu Uiòs Sotèr, có nghĩa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Đấng cứu độ trần gian.
Chim bồ câu với nhành ô liu là biểu tượng cho linh hồn trong bình an thiêng liêng.
Alfa và Omega là ký tự đầu và ký tự cuối trong bảng chữ cái Hy lạp, diễn tả Đức Ki-tô là khởi thuỷ và cùng đích của mọi sự. Cái neo là biểu tượng của ơn cứu độ.
Chết không phải chấm dứt cuộc đời, mà là khởi sự cuộc sống trường cửu, bước vào hạnh phúc viên mãn, hay chịu luận phạt muôn đời. Tất cả đều tuỳ thuộc vào kiếp sống phù du trần thế. (Cha Mai Kha SJ. & Nhóm Na-uy, Hang toại đạo ở Roma)
Đối diện đó là hầm mộ của Papa Caio, một vị Giáo Hoàng, mà hôm nay đoàn được hân hạnh dâng thánh lễ ngay bàn thờ hầm mộ của ngài, như Ban Tổ Chức đã ghi danh từ trước.
Với bài ca nhập lễ dẫn dắt mọi người đến với Chúa trong niềm vui sống lại, Cha GB ân cần chuẩn bị tâm hồn chúng tôi bước vào Bàn Tiệc Thánh: “Hôm qua chúng ta được diễm phúc dâng thánh lễ bên mộ phần của Cha Thánh Piô. Hôm nay chúng ta lại được vinh dự dâng thánh lễ ngay trong hang Toại Đạo này. Những gì để lại nơi đây là những dấu ấn của niềm tin. Chúng ta biết ơn và cảm tạ những Kitô hữu tiên khởi, đã hào hùng làm chứng nhân Đức Kitô. Trong niềm tri ân sâu xa, chúng ta khiêm nhường nhìn nhận, ăn năn tội lỗi chúng ta.“
Trích Tin Mừng thánh Gioan hôm nay, Đức Giêsu nói với đoàn chiên: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.…Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 9-10)
Chúng ta đang đứng một nơi thật đặc biệt. Tại đây, các Kitô hữu ngày xưa chuyên cần, siêng năng, sốt sắng cử hành Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể. Trên các bức tường trong hầm mộ còn hoạ lại những bữa ăn, chính là biểu hiệu Bí tích Thánh Thể. Ngày xưa, Thánh Thể vốn là lương thực cao quý, quan trọng, thiết yếu, dưỡng nuôi các Kitô thêm bền bỉ, luôn vững mạnh các nhân đức Tin, Cậy, Mến, hòng can đảm chịu bách hại, chịu tử vì đạo và ngày nay, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta trên đường hy vọng.
Nhờ Bí tích Rửa Tội nối kết Kitô hữu chúng ta lại với nhau, hiệp nhất, quy tụ trong một vòng tròn đồng tâm. Với niềm tin yêu thắm thiết, tất cả chúng ta đều quy hướng về tâm điểm duy nhất. Đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Người chính là cùng đích cho mọi người. Đến với tâm điểm, với Người và qua Người, chúng ta được sống no thoả hạnh phúc viên mãn. Vì Người đã quả quyết: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” Vậy chúng ta phải luôn cố gắng củng cố mối tương quan với Người, cho thật bền chắc, liên tục, vững vàng, trong mọi nơi, mọi lúc.
Ở đây chúng ta cũng thấy hình ảnh Chúa Chiên lành, chúng ta cũng thấy biểu tượng Bí tích Thánh Thể, Bàn Tiệc Thánh. Chúa đang mời gọi chúng ta mau mắn đến dùng Bữa ăn Tình Yêu, Bàn Tiệc Thánh Thể.
Quả thật, chúng ta là những khách mời may mắn của Tiệc Cưới Nước Trời. “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. (Mt 22, 1-14)
Hẳn thế, chúng ta chỉ là những kẻ lang thang, tầm thường, đói khát, nghèo nàn, chẳng xứng đáng tham dự vào bàn tiệc cao sang dọn sẵn. Thế nhưng, Lòng Thương Xót vô bến bờ, đã mời gọi vô điều kiện tất cả chúng ta vào chung hưởng Bàn Tiệc Thánh Thể. Vậy chúng ta có sẵn sàng đáp lại lời mời tha thiết đó không? Có biết hoan hỉ đón nhận tình yêu mà Chúa ban nhưng không cho chúng ta chăng?
Đặc biệt, hằng ngày đều có Bàn tiệc Thánh khắp nơi, khắp chốn. Đã có quá nhiều cơ hội dành cho chúng ta được mời gọi. Vậy chúng ta có có sẵn sàng vui vẻ chấp nhận, hăng hái đến tham dự hay không? Hay lạnh lùng, nhẫn tâm từ chối? Hỡi tất cả những ai đang đói khát, đang đau khổ, đang bất an, có biết tìm đến và đón nhận Lòng Thương Xót chưa?
Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ưu ái ban cho chúng ta Đức Tin, ban cho cơ hội hành hương và học hỏi tại Thánh Đô này, để chúng ta có thể mở lòng, cúi xuống, khiêm nhường đón nhận LTX Chuá ban cho chúng ta.”
Sau thánh lễ, lên khỏi Hang Toại Đạo, chúng tôi cùng nhau bước theo con đường, mà xưa kia Tông đồ Phêrô đã gặp Chúa, con đường Quo Vadis. Chúng tôi sốt sắng lần hạt cầu nguyện Lòng Thương Xót khoan dung, thứ tha mọi tội lỗi, mọi xúc phạm đến Chúa và tha nhân.
Khi cuộc bắt bớ và giết hại các Kitô hữu xảy ra ở Roma, nhiều người đã khuyên Phêrô rời khỏi Roma, vì ông phải tồn tại để lãnh đạo Giáo Hội. Lúc đầu ông không chịu đi, nhưng vì sự thúc giục của nhiều người, ông đã quyết định ra đi. Trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: Quo Vadis, Domine? (Thưa Thầy, Thầy đi đâu?). Chúa Giêsu đáp: Eo Romam iterum crucifigi (Thầy đi vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa).
Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa nên ông quay trở lại thành Roma. Sau khi trở lại Roma một thời gian, Phêrô đã bị bắt và bị tống giam. Trong thời gian bị giam, ông đã cảm hóa hai người lính canh ngục tên là Processus và Martinianus và cả hai đã được rửa tội và tử đạo. Ông bị kết án tử hình trên thập tự, bị dẫn tới hý trường Caligula trên đồi Vatican. Khi trông thấy thập giá, ông cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy mình, nên yêu cầu được đóng đinh treo ngược. Giáo Hội qua mọi thời đại luôn tiếp tục đi theo con đường Chúa Giêsu và Thánh Phêrô đã đi.
Sau đó, Thầy Giuse Nguyễn Tiến Khải, lại tiếp tục hướng dẫn chúng tôi đến thăm viếng Nhà Thờ Cầu Thang. Đây là một trong những Thánh tích được các tín hữu hành hương đến Roma kính viếng. Theo tương truyền, Cầu thang này đã được Chúa Giêsu leo lên leo xuống 3 lần trong dinh Tổng trấn Philato: lần đầu khi Chúa bị dẫn tới trước mặt Tổng trấn, lần thứ hai lúc Chúa bị vua Hêrôđê gửi trả lại Tổng trấn Philatô; lần thứ ba khi Chúa bị kết án tử hình.
Thánh nữ Helena đã đem Cầu Thang này từ Giêrusalem về Roma năm 326. Hoàng đế Constantinô con của Thánh nữ đã tặng Cầu thang này cho Đức Giáo Hoàng Silvestro I (314- 337), và ngài đặt Cầu Thang Thánh này tại dinh Lateranô. Cầu Thang Thánh lưu lại đây hơn một ngàn năm, cho đến khi Đức Giáo Hoàng Sixto V (1585- 1590) ra lệnh phá hủy tòa nhà cũ của dinh Giáo Hoàng và đặt trong tòa nhà mới, gần đối diện với Đền thờ Gioan Laterano. Ban đêm Cầu Thang Thánh được đưa tới địa điểm mới: đưa từng bậc một từ dưới lên cao. Tòa Thánh đã ủy thác cho các cha Dòng Thương Khó có Tu viện ở bên cạnh đó coi sóc Đền thờ này. Khi hành thương đến đây, các tín hữu thường quỳ và leo lên 28 bậc Thang Thánh bằng cẩm thạch được bọc gỗ cho khỏi mòn. Cho đến năm 1723, các bậc thang của Cầu Thang Thánh còn mang những vết máu từ vết thương Chúa Giêsu, nhưng sau đó bị mòn và biến mất. Ở bức tường quanh Cầu Thang Thánh có những bức họa liên hệ đến ngày thứ năm và thứ sáu Tuần Thánh: bên phía dưới bên trái là cảnh Bữa Tiệc Ly, bên phải là cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trên đầu Cầu Thang Thánh là cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Trên đầu Cầu Thang Thánh có nhà nguyện gọi là Sancta Santorum chứa đựng các Thánh tích vô giá mang về từ Thánh địa và một số hài cốt của các vị tử đạo Roma thời Giáo Hội tiên khởi. Đó là nhà nguyện riêng của các vị Giáo Hoàng thời Trung Cổ từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, và được dâng kính Thánh Lorenso.
Ở đây vẫn có một bảo vật được người Roma rất quí chuộng, đó là bức ảnh Chúa Kitô bằng bạc có gắn đá quí được mang trong các cuộc rước của Đức Giáo Hoàng qua các đường phố ở Roma hồi năm 756, do Đức Giáo Hoàng Stephano II chủ sự, để cầu xin Chúa bảo vệ thành Roma chống lại cuộc xâm lăng của người Lombardi. Vào mùa Chay, các xứ đạo ở Roma thường tổ chức hành hương tại Cầu Thang Thánh để cầu nguyện và thống hối đền tội bằng việc đi bằng đầu gối lên các bậc thang của thang thánh này. Họ cũng xưng tội và tham dự thánh lễ tại đây.
Đá cẩm thạch của Cầu Thang Thánh chỉ có ở Trung Đông mà thôi. Người ta tự hỏi có thật là Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn đã leo lên cầu thang này 3 lần hay không? Cha Fioravanti là Bề trên nhà Dòng Thương khó phụ trách coi sóc Nhà thờ nói: “Khác với quan niệm về Thánh tích của chúng ta thời nay, đối với các tín hữu thời Trung cổ, Thánh tích là một biểu tượng đưa tâm trí chúng ta hướng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria hay một vị Thánh.” Có lần Cha lấy tay chỉ vào những vết lõm trên đá cẩm thạch quanh bàn thờ ở Nhà nguyện và nói rằng: “Các bạn có biết bao nhiêu tín hữu hành hương đã đi qua và quỳ cầu nguyện tại đây và họ đã để lại những dấu vết này?” (Lm. G. Nguyễn Hữu An, Nhà thờ Cầu Thang Thánh, Hành hương Roma)
Vì thực sự không có vị thánh mang tên Gioan Latêranô, mà chỉ có Vương Cung Thánh Đường được lúc đầu mang tên Nhà Thờ Chúa Cứu Thế, sau đổi thành nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Thánh sử ở khu vực Latêranô. Điều nầy được xác nhận qua câu tiếng Ý: Basilica di San Giovanni in Laterano hay câu tiếng La-tinh: Archibasilica Sanctissimi Salvatoris et Sancti Iohannes Baptista et Evangelista in Laterano – Xin tạm dịch: Đại Vương Cung Thánh Đường Chúa Cứu Thế và Thánh Gioan Baotixita và Thánh Gioan, Thánh Sử ở Latêranô. Tên gọi đền thờ thể hiện rõ ràng ngay trên mặt tiền đường cao của đền thờ: Ở đó có 15 tượng tất cả, mỗi tượng cao chừng 7 thước. Có tượng Chúa Giêsu ở giữa, hai bên có 2 Thánh Gioan: Gioan Tẩy Giả cầm Thánh giá và Gioan thánh sử, cầm chén lễ. Mười hai tượng còn lại là 12 Thánh tiến sĩ của hai Giáo Hội Tây phương và Đông phương.
Tất cả những điều liên quan đến Thánh Gioan Tẩy Giả, và việc rửa tội cho hoàng đế Constantino được phô bày rõ nét ở đây để nói rằng: Nhà thờ nầy, nhà thờ Mẹ, sinh ra con cái Chúa qua bí tích rửa tội. Hoàng đế Constantinô đã được sinh ra nơi đây qua bí tích rửa tội và ông đã xây dựng đền thờ nầy, là Giáo Hội Mẹ, để sinh ra con cái của mình qua giếng nước rửa tội. Đi vào bên trong nhà thờ, ngay trước bàn thờ chánh dành cho Giám Mục Rôma, chúng ta thấy khu vực tầng thấp có thang đi xuống nơi có giếng rửa tội và tượng Thánh Gioan Tẩy Giả.
Sách sử sách kể rằng: Năm 312 tướng Constantino nằm mơ thấy hình thánh giá với dòng chữ “in hoc signo vinces” (cứ dấu nầy sẽ chiến thắng). Ông cho vẽ hình thánh giá trên tất cả cờ trận và khiên thuẫn. Quả thật ông chiến thắng vẻ vang, đánh bại hoàng đế Massenzio và lên ngôi hoàng đế. Để đền ơn đáp nghĩa, cũng như để tạ ơn Chúa, ông đã làm 3 chuyện rất cụ thể:
Năm sau 313, Ông ra chiếu chỉ Milano truyền cho Công Giáo tự do hành đạo và hoàn trả tất cả tài sản của Giáo Hội mà các hoàng đế trước chiếm đoạt.
Khoảng năm 315-318. Ông cho xây đền thờ Chúa Cứu Thế trên lãnh thổ của dòng họ Latêranô, đã bị hoàng đế Nêrô chiếm cứ. Nên Latêranô là tên của dòng họ Latêranô. Khi bước vào đền thờ, bên tay trái ở gian tiền đường có tượng hoàng đế Constantino. Nên khởi đầu, đền thờ có tên: Chúa Cứu Thế… vì nhờ hình Thánh Giá mà Constantinô chiến thắng. Đến thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả tức từ năm 590-601, Ngài cho đổi tên là đền thờ 2 thánh Gioan: Gioan Tẩy Giả và Gioan tông đồ. Gioan Tẩy Giả để ghi nhớ Constantinô rửa tội ở đây. Còn Gioan thánh sử thì tương truyền là Ngài bị ném vào vạc dầu sôi và đã thoát chết, nên cũng được mang tên chung trong thánh đường đầu tiên ở Roma nầy.
Theo tương truyền, năm 314 hay 315, hoàng đế Constantino được Đức Giáo Hoàng Silvestro cả (314-335) rửa tội. Ngày này còn toà nhà khá lớn có giếng rửa tội đặt sau Toà Hồng Y Giám Quản nói là: Giếng rửa tội nầy có từ thời hoàng đế Constantino được rửa tội bởi Đức Giáo Hoàng Silvestro cả. Nó thành mô hình giếng rửa tội mà chúng ta thấy ở các nhà thờ.
Thêm một chứng tích về việc rửa tội cho hoàng đế Constantinô là tháp cao sừng sững 47 mét nằm bên cánh phải của đền thờ. Tương truyền là tháp cao nầy có từ 400 năm trước công nguyên bên Ai Cập và được hoàng đế La Mã cho lấy mang về Rôma vào khoảng thế kỷ thứ 4. Đức Giáo Hoàng Sixto V năm 1588 cho trùng tu đền thờ và mang tháp nầy về Latêranô. Chung quanh bệ chân tháp, thiết kế như hình giếng rửa tội, có vòi nước chảy quanh năm. Phần hạ tầng của tháp có ghi: Nơi đây, hoàng đế Constantinô đã được rửa tội, Ông rao truyền vinh quang thánh giá, vì nhớ thánh giá ông chiến thắng. (Lm Phêrô Trần Thế Tuyên, Những điều trông thấy 2)
Ban chiều Thứ Hai 18/4, chúng tôi viếng Giếng Rửa Tội, may mắn được Cha GB ôn lại ý nghĩa sâu sắc và những hồng ân từ Bí Tích Rửa Tội.
Bí tích rửa tội là một hồng ân cao quý vì vậy chúng ta dành vài phút để chuẩn bị cho việc tuyên xưng Đức Tin của mình qua bí tích rửa tội. Khi tất cả đứng vây chung quanh Giếng Rửa Tội, Cha GB liền chia thành nhóm theo thánh bổn mạng, đứng xích lại gần nhau. Rồi bắt đầu nghi thức tuyên xưng Đức Tin.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con phận con cái đã được nhận chiéc áo trắng trong ngày Rửa Tội, đón nhận hồng ân được làm con Chúa, xin cho chúng con suốt cả cuộc đời sống đúng tinh thần Kitô hữu, xin cho chúng con biết sống trọn tình yêu, như Chúa đã yêu thương chúng con.
Trong đoàn chúng tôi có một anh đang tìm hiểu lẽ đạo để trở thành Kitô hữu, làm con cái Chúa. Kính xin Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, mở lòng trí cho anh. Cha mời gọi mọi người cầu nguyện đặc biệt cho anh sớm nhận ra chân lý và nguyện ước trở thành con cái Hội Thánh sớm hiện thực.
Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây dó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua hôm nay và ngày mai xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai và suốt đời. Cả đoàn cùng cất tiếng hát Xin Vâng của Lm Mi Trầm, xin Mẹ cùng đồng hành, xin giữ gìn chúng con và đưa chúng con về bên Con Mẹ luôn mãi.
(Còn tiếp)
Thérèse Huỳnh Thị Thúy Hằng