ĐỨC MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
CẦU CHO CHÚNG CON
Trong Tông sắc công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót: Misericordiae Vultus, Đức Thánh Cha Phanxico khôngnhững nói về Dung Nhan Lòng Thương Xót được Mạc khải nơi Chúa Giê-su thành Nazareth, mà còn đưa chúng ta hướng về ThânMẫu của Đức Ki-tô. « Cái nhìn đầy từ ái của Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để tất cả chúng ta đều có thể tái khám phá ra niềm vui đến từ sự trìu mến của Thiên Chúa, không có bất cứ một ai khác giống như Đức Maria đã học biết về sự sâu thẳm của Mầu Nhiệm Thiên Chúa Làm Người. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ đều được khắc ghi bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và cũng là Thân Mẫu của Đấng Phục Sinh đã bước vào trong thánh địa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vì Mẹ có sự tham dự thật sâu xa vào với mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa » (Số 24).
Có thể nói rằng trong bốn thánh sử Tin Mừng, thánh Luca cho chúng ta biết rõ về Đức Mẹ Maria ngang qua những biến cố, những dữ liệu để từ đó phác họa lên hình ảnh Mẹ: Một Nữ Tỳ tuyệt vời của Thiên Chúa. Vai trò duy nhất và cao cả của Mẹ là đón nhận Chúa Giê-su, thực hiện những điều Chúa Giê-su dạy và cho chúng ta Chúa Giê-su. Đức Maria được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng trọng đại là làm Mẹ của Đấng Cứu Thế. Phải chăng đây là khởi điểm của niềm vui Tin Mừng, niềm hy vọng ơn cứu độ mà thánh sử Luca muốn giới thiệu cho chúng ta qua tác phẩm của ngài? Chính vì vậy mà thánh sử được tặng danh hiệu là “ văn sĩ ca tụng lòng nhân hậu của Đức Ki-tô” ; lại còn là một thầy thuốc nên ngài có cái nhìn và cảm nghiệm về Chúa Giê-su – Thiên Chúa thăm viếng trần thế để đem ơn cứu độ, để cứu sống. Và người đầu tiên chứng kiến không ai khác là Đức Mẹ, sự việc xảy ra trong Mẹ qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Mẹ cưu mang Con Một Thiên Chúa; Mẹ ân cần chăm sóc, lo lắng; Mẹ dự phần vào hy lễ của Con khi đứng dưới cây thập giá. Ở Bê-lem, Mẹ sinh hạ Chúa Cứu Thế cho nhân loại. Ở dưới cây thập giá, Mẹ trao ban Người Con cho Chúa Cha, để Con trở vào lại cung lòng của Cha. Nhưng cũng từ đây, Mẹ trở thành Mẹ của mỗi người chúng ta. Quả vậy, thật là hợp lý khi chúng ta tìm hiểu về Mẹ, để từ đó, chúng ta noi gương Mẹ mà sống cuộc đời gắn bó với Thiên Chúa như khi xưa Mẹ đã sống kết hợp với Người Con yêu dấu của Mẹ.
Ngay từ những chương đầu trong Tin Mừng theo thánh Luca, sau những lời giới thiệu và đưa ra mục đích vì sao ngài viết cuốn sách này. Thánh sử Luca kể cho chúng ta biến cố “Truyền tin cho ông Da-ca-ri-a”, loan báo vị Tiền Hô của Chúa sẽ chào đời. Liền sau đó, ngài viết về biến cố “Truyền tin cho Đức Maria”. Qua biến cố này, chúng ta nhận thấy đây là hồng ân cao cả nhất Đức Ki-tô ban cho nhân loại, đây là sự trút bỏ vinh quang, khi Thiên Chúa làm người như thánh Tông đồ Phao-lô đã nói trong thư gửi Phi-lip-phê (Pl 2, 6-8), để con người thông phần bản tính Thiên Chúa nhờ Mầu nhiệm Nhập Thể. Và khi Thiên Chúa đến với nhân loại, thì cần phải có Đức Mẹ là niềm vui đi trước để chuẩn bị ơn cứu độ lớn lao cho chúng ta. Tìm hiểu Mẹ qua biến cố Truyền Tin, câu chuyện về Ơn Thiên Triệu của Mẹ, chúng ta sẽ khám phá nhiều điều về Mẹ. Cụ thể qua sự đối thoại giữa sứ thần Gap-ri-en và Đức Maria mà thánh sử Luca tường thuật cho chúng ta (Lc 1, 26-68).
26 Bà Ê-li-sa-bet có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gap-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-ret, 27gặp một trinh nữ đã được đính hôn với một người tên là Giu-se , thuộc nhà Đavid. Trinh nữ ấy tên là Maria. Với hai câu đầu trong biến cố Truyền Tin này, cho thấy Mẹ là Trinh Nữ, Mẹ đã đính hôn với thánh Giu-se. Nơi cuộc sống thường nhật, Mẹ cũng phải làm tất cả công việc tề gia nội trợ trong một gia đình nghèo khó. Về tuổi thiếu thời, Phúc Âm không nói cho chúng ta biết về Mẹ như thế nào! Nhưng chắc hẳn, tuổi thiếu thời của Mẹ Maria là tuổi thiếu thời của một thiếu nữ Do Thái hồn nhiên trong trắng, với một tâm hồn tận hiến cho Thiên Chúa, dạt dào tiếng hát và lời kinh khởi nguồn từ Kinh Thánh, được suy tư và nghiền ngẫm, sống và chu toàn lề luật theo đạo Do Thái giáo.
Bây giờ, chúng ta cùng đi vào sự đối thoại giữa sứ thần và Mẹ với lời chào đầu tiên: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Đó là một cách đổi tên để đưa Mẹ vào sứ mạng mới. Đó là sứ mạng làm Mẹ Chúa Cứu Thế. “‘Đầy ơn phúc’ chữ này là danh hiệu mới của Mẹ Maria, là ơn gọi riêng dành cho Mẹ: qua danh xưng này Maria biết rằng mình là kẻ duy nhất, là kẻ được chọn, là người rất được Chúa yêu thương” (Đức Maria trong Tân Ước- Augustin George). Câu đầu tiên sứ thần nói với Mẹ mạc khải tình yêu độc đáo, sự sủng ái Thiên Chúa dành cho Mẹ. “ Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” – danh hiệu của Mẹ: người được Thiên Chúa tuyển chọn, được Thiên Chúa chiếm hữu và thuộc về Thiên Chúa. Nhìn lại lịch sử Israël dưới những trang sách Cựu Ước thì đất Israël là nơi Chúa ngự; trong đất Israël thì Jérusalem là nơi Chúa ngự; tại Jérusalem thì Đền Thờ là nơi Chúa ngự; và nơi tột đỉnh trong Đền Thờ là Hòm Bia Thiên Chúa ngự. Nhưng bây giờ, qua lời chào này cho thấy Đức Mẹ là ai? Đức Mẹ là tất cả, vì Đức Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ thay thế tất cả những gì là hình ảnh Chúa ngự nơi Cựu Ước: thay thế cả đất Israël, cả Jérusalem, cả Đền Thờ và cả Hòm Bia giao ước. Thiên Chúa đã chiếm hữu Mẹ và ngự trị nơi Đức Mẹ hoàn toàn.
29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì? Ở điểm này, chúng ta thấy tâm trạng “bối rối” của Mẹ. Mà sao không bối rối trước lời chào kì lạ như vậy? Mẹ là một người nghèo, mà người nghèo thường không có lịch sử. Họ sinh ra, lớn lên, làm ăn, rồi nằm xuống ra đi không để lại một dấu vết, như hoa cỏ ngoài đồng nội. Nhưng Mẹ thì khác, Mẹ đã đi vào lịch sử vì Con Mẹ là chóp đỉnh của lịch sử. Tâm trạng của Mẹ mà thánh Luca diễn tả thấy được cái dễ thương, vẻ đáng yêu của Mẹ. Mẹ vừa khiêm tốn vừa nghèo nàn. Ở câu này, chúng ta hãy để Augustin George giải thích trong tác phẩm Đức Maria trong Tân Ước như sau: “Điểm chính yếu là sự ngạc nhiên, khi Maria biết được rằng cái nhìn của Thiên Chúa hướng đến Người. Với tâm tình đơn sơ, thanh bạch và khiêm tốn, Maria đã không bao giờ tin cô là trung tâm điểm của lịch sử. “Tất cả thế hệ sẽ gọi tôi là kẻ có phúc”. Maria nhận biết Chúa sắp yêu cầu cô một việc gì đó, từ muôn thuở Chúa nhìn đến cô, cô khám phá mình là kẻ được chọn và là người rất được Chúa yêu thương. Điểm nổi bật được tác giả nêu lên không phải là một tình trạng hoang mang thuộc lãnh vực tình cảm hoặc tri giác hời hợt, nhưng là sự suy nghĩ của Maria, ý chí muốn biết ý định của Chúa, như các nhà thần học thường nói “fides quaerens intellectum” (đức tin thúc đẩy việc tìm kiếm ý nghĩa), Maria cố gắng đi sâu vào thánh ý của Chúa”.
30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Khi con người đối diện với Thiên Chúa thì cảm thấy hoang mang sợ hãi, nội dung này có trong các lần xuất hiện của Chúa hoặc của các thiên thần nơi Cựu Ước. Ở đây sứ thần nói lời khích lệ “xin đừng sợ”, vì những gì đến từ Thiên Chúa thì đừng sợ gì cả.
31Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Ở đây đã nói quá rõ sứ mạng, vai trò của Mẹ. Thiên Chúa chọn Mẹ làm đền thờ của Người, vinh quang Thiên Chúa phủ rợp Mẹ như rợp phủ Hòm bia thánh. Thiên Chúa trao cho Mẹ sứ mạng trọng đại là làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ sẽ đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
Sau những lời mạc khải sứ thần nói với Mẹ về Con Thiên Chúa, Mẹ thưa “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Với ông Da-ca-ri-a cũng đã nêu lên một câu hỏi, nhưng vì đã không tin nên bị câm là dấu chỉ gửi đến cho ông. Trái lại, khi đứng trước lời mời gọi làm Mẹ Đấng Thiên Sai, Mẹ không hân hoan cũng không có vẻ nghi ngờ, nhưng Mẹ muốn tìm hiểu sự việc cho rõ. Thánh sử Luca muốn chú ý đến một điều là Maria đã quyết định trong thâm tâm tận hiến cuộc đời hoàn toàn cho Chúa. Với Mẹ, Thiên Chúa là tất cả và dành cho Chúa một mối tình trọn vẹn không chia sẻ. Vì thế Mẹ không ngần ngại đặt ra câu hỏi để tìm kiếm ý muốn của Chúa trong sự sáng suốt, trong chân lý.
Sự thắc mắc của Mẹ được sứ thần giải thích, Mẹ thụ thai Đức Giê-su hoàn toàn là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là việc làm của Thiên Chúa, hành động đem lại sự sống. Và sứ thần còn đưa ra một minh chứng nơi bà chị họ Ê-li-sa-bet đang mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi già, để củng cố đức tin nơi Mẹ, rằng “ đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (câu 37).
Cuộc đối thoại kết thúc với sự ưng thuận hoàn toàn của Mẹ Maria, Mẹ nhân từ khiêm cung trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của Mẹ. Mẹ đã đáp lại lời Chúa. Mẹ đã chấp nhận chương trình cứu rỗi của Chúa. Mẹ đã lấy tình thương để đáp lại tình thương và chúng ta phải hết lòng tri ân Mẹ. Vì sự ưng thuận của Mẹ đã mở đường cho việc Thiên Chúa Nhập Thể để cứu chuộc chúng ta. Ngài không làm gì nơi ta mà không cho ta góp phần tham dự (Mẹ Maria – Lm Hồng Phúc CSsR). Mẹ đã tiếp nhận cuộc thăm viếng của Thiên Chúa bằng cách đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, hoàn toàn nộp mình cho Chúa, để cho Thiên Chúa chiếm hữu trọn vẹn. Đời sống khiết tịnh vì Nước Trời là để cho Thiên Chúa chiếm hữu trọn vẹn, Mẹ bắt đầu cuộc hành trình tự hủy với Con Mẹ để vinh quang Thiên Chúa được thực hiện cho nhân loại.
Như vậy, qua biến cố Truyền Tin đã dần hiện lên dung nhan của Mẹ: Mẹ Đồng Trinh và Mẹ là Nữ Tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa. Trong bài suy gẫm của cha Gabriel dòng Cát Minh về sự khiêm nhường của Đức Maria, cha viết: Do đó sự đồng trinh sẽ được thưởng, còn đức khiêm nhường là một đòi hỏi. Con người có thể được cứu rỗi không cần sự đồng trinh, nhưng không thể được cứu rỗi nếu thiếu sự khiêm nhường. Chắc chắn Đức Maria làm đẹp lòng Thiên Chúa do đời sống tinh tuyền của Mẹ, nhưng Mẹ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa do sự khiêm nhường của Mẹ… Quả vậy, duy Thiên Chúa mới có thể thực hiện trong ta và nhờ ta, những công việc trọng đại, khi thấy ta khiêm nhường tuyệt đối. Chỉ có khiêm tốn là thửa đất phì nhiêu và am hợp để những ân huệ của Thiên Chúa phát sinh hiệu quả, và đàng khác, khiêm nhường luôn luôn lôi kéo ân sủng và sự phù giúp của Thiên Chúa cho chúng ta. Mẹ Thánh Tê-rê-sa d’Avila đã nói: “Không một hoàng hậu nào có thể buộc vua thiên quốc phải đầu hàng như Đức Khiêm Nhường. Chính Đức Khiêm Nhường làm cho Vua Thần Linh từ trời ngự xuống trong cung lòng Trinh Nữ Maria”.
Điều gì đã xảy ra nơi Đức Mẹ sau khi sứ thần từ biệt ra đi? Trong niềm phó thác, Mẹ đã để Chúa dẫn dắt theo tiến trình tình thương của Người: Mẹ được Chúa thu hút, rồi tràn đầy Chúa, Mẹ đem Chúa cho nhân loại. Chúa Thánh Thần dẫn Mẹ đến thăm người chị họ Ê-li-sa-bet, để Mẹ đem Chúa cho bà. Cuộc thăm viếng của Mẹ họa lại cuộc thăm viếng của Chúa, được diễn tả bằng thành ngữ “vội vã lên đường” và “chào bà Ê-li-sa-bet”. Đó là thái độ của người nhận được niềm vui lớn lao, không giữ lại cho mình nhưng luôn chia sẻ với người khác. Và kết quả là gì? Thưa, đó là sự nhảy mừng của Gioan và bà Ê-li-sa-bet được tràn đầy Thánh Thần. Hành động “nhảy mừng” làm ta liên tưởng đến Esau và Giacop nhảy nhót trong bụng mẹ; liên tưởng về sự nhảy mừng về ơn cứu độ: “Ví tựa bầy chiên, núi đồi nhảy nhót; như thể đàn cừu, gò nổng tung tăng” (Tv113,4); và liên tưởng đến niềm vui của vua David khi nghênh đón Hòm Bia (2Sm6). Do đó, Đức Mẹ là Hòm Bia của Thiên Chúa. Hòm Bia này được Đức Giáo Hoàng Phanxico nói trong Tông sắc công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót như sau: “Vì được tuyển chọn để trở nên Thân Mẫu của Con Thiên Chúa, Đức Maria đã được chuẩn bị sẵn sàng bởi Tình Yêu của Thiên Chúa Cha ngay từ lúc khởi đầu, để trở thành chiếc rương chứa đựng tấm bia giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Mẹ bảo vệ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong con tim của Mẹ, trong sự đồng tâm nhất trí hoàn toàn với Chúa Giê-su, Con của Mẹ” (số 24). Còn bà Ê-li-sa-bet được đầy Thánh Thần nên đã nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 42-45). Phúc của Mẹ là tin vào lời Thiên Chúa. Mẹ là người đầu tiên nghe và giữ Lời, Ngôi Lời làm người trong lòng Mẹ, Mẹ đón nhận Lời và làm cho Lời thành sự thật trong mình. Ngay khi Chúa được thụ thai, thì Mẹ chỗi dậy và ra đi, trung tín, ngoan ngoãn vâng phục lời mời gọi của Chúa Thánh Thần. “Thăm viếng, đó chính là sự trung tín của Maria giúp Chúa Giê-su hoàn thành điều đã được loan báo về Gioan” (Đức Maria trong Tân Ước –Augustin George).
Bà Ê-li-sa-bet ca tụng Mẹ nhưng Mẹ ca tụng Thiên Chúa. Đáp lại lời ca tụng của bà chị họ, Mẹ cũng tiên báo những điều cao cả mà Chúa sẽ làm nơi Mẹ. Đó là kinh Magnificat của Mẹ. Lời kinh diễn tả sự mừng vui vì ơn cứu độ. Vua David nhảy mừng trước Hòm bia, trẻ Gioan nhảy mừng trong bụng mẹ, và chính Mẹ cũng hớn hở vui mừng. Với ý nghĩa ngợi khen Thiên Chúa vì đã bênh vực người nghèo và đã thương Israël mà Mẹ muốn dâng lời tạ ơn, ngợi khen Đức Chúa. Vì Ngài đã bênh vực kẻ nghèo hèn, những kẻ không nơi nương tựa vào ai ngoài Thiên Chúa. Do đó, họ là những người được Thiên Chúa nhìn đến, được Thiên Chúa bảo vệ và sủng ái. Và bởi nơi Mẹ có những đức tính của người nghèo: kính sợ Chúa, khiêm nhường, nghèo khó nên Mẹ được Thiên Chúa sủng ái cách đặc biệt, và Người làm cho Mẹ nhiều điều cao cả. Sau khi đã tạ ơn Chúa cho mình, cho cả toàn dân, Đức Mẹ hướng về dĩ vãng, để cảm tạ Chúa đã đoái thương chọn Abraham và các tổ phụ, còn ngày nay tình thương đó ở nơi Mẹ. Augustin George viết: “Kinh magnificat là một chân dung về cuộc sống siêu nhiên của Maria, nó định nghĩa một lối đi vào mầu nhiệm Chúa Giê-su, một phương cách hiểu biết về mầu nhiệm đó”. Cuối cùng, văn bản cuộc viếng thăm kết thúc bằng câu: “Bà Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bet độ ba tháng rồi trở về nhà”, cho thấy sự quan tâm, săn sóc của Mẹ cho bà chị họ vào những tháng cuối của thai kỳ, cần đến sự giúp đỡ của một người thân hơn cả.
Lật qua những trang Tin Mừng tiếp theo của thánh sử Luca, chúng ta gặp hình ảnh Mẹ Maria sinh Chúa Giê-su trong cảnh khó nghèo và cô đơn: không nhà, không ai giúp, tự tay “lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Cảnh đơn sơ mà Chúa Giê-su sinh ra, Con Thiên Chúa làm người nhỏ bé, nghèo hèn như vậy đó! Ngắm nhìn Mẹ trong khung cảnh Giáng Sinh này, chúng ta thấy khuôn mặt dịu dàng và bình an của Mẹ, cho dù môi trường và cảnh vật xung quanh thiếu thốn tư bề, nhưng Mẹ đã sinh hạ Đấng Cứu Thế, Mẹ say sưa yêu mến và cung kính thờ lạy, vì Con Mẹ là Con Thiên Chúa. Cứ tưởng rằng đêm đó là đêm yên tĩnh, nhưng lại không phải thế, đêm Chúa sinh ra đời là một đêm náo nhiệt và đầy hoan lạc bởi “có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa”, và việc “hối hả ra đi” của các mục đồng. Khi họ gặp được Đức Mẹ, thánh Giu-se và Hài Nhi, họ đua nhau kể chuyện những gì mà họ đã được nghe. Còn Mẹ Maria thì “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Lề luật Mô-sê được ban cho dân Do Thái xưa như là một ơn trọng đại. Vì thế mà trong Cựu Ước, nhiều lần chúng ta nghe được phải suy gẫm, nhẩm đi nhẩm lại đêm ngày luật Chúa, chẳng hạn như trong sách Giô-suê khi Đức Chúa đặt ông lên chăn dắt Israël thay Mô-sê (Js1,8); “vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv1,2); khi ông Mô-sê công bố luật cho dân nhắc phải truyền lại cho con cháu (Đnl 6,4-7). Như vậy, lề luật đã được ban. Còn Chúa Giê-su là Lời đã làm người. Đức Mẹ là người đầu tiên đón nhận, các mục đồng là những người đầu tiên được nghe biết, họ kể lại những gì họ nghe về Luật mới là Chúa Giê-su cho tất cả mọi người. Cho nên Đức Mẹ là tiêu biểu cho dân mới của Thiên Chúa, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại những mầu nhiệm Chúa Giê-su. Và Mẹ cũng là gương mẫu đời sống chiêm niệm. Mầu nhiệm nơi Chúa Giê-su thay thế cho luật Mô-sê, trở thành đối tượng để nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Dân Cựu Ước thì ngày đêm nhẩm lại lề luật để mà thi hành. Còn chúng ta ngày đêm chiêm ngắm Chúa Giê-su – Ngôi Lời của Chúa Cha, để mà nên giống Chúa Giê-su, để kết hợp với Người. Ở đây, thật tuyệt vời khi Đức Mẹ đem cho chúng ta nội dung về chiêm niệm, gương mẫu của đời sống chiêm niệm.
Là người sống chu toàn luật, Mẹ đem con lên Jérusalem làm lễ thanh tẩy và tiến dâng cho Chúa con trai đầu lòng. Vì Mẹ là người nghèo và Thánh Gia – một gia đình nghèo nên của lễ là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”. Vì Mẹ trong sạch và Con đến không phải chỉ để được hiến dâng cho bằng để dâng hiến, để chiếm hữu. Và vào giây phút đó, Thánh Thần muốn loan báo Tin Mừng cho toàn dân, cách riêng cho những người đang trông mong Đấng Cứu Thế đến. Hai người được Phúc Âm nhắc tới là cụ già Si-mê-on và bà Anna. Cũng tại đây, Mẹ nghe lời nhắn nhủ của ông Si-mê-on: “Con trẻ này là duyên cớ cho nhiều người… Còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…” (Lc 2, 34-35). “Bóng chiều tử nạn đã đổ xuống trên mầu nhiệm vui tươi của Mùa Giáng Sinh. Đấng Cứu Thế sẽ bị chống đối. Mẹ Maria sẽ chia sẻ số phận. Trái tim Mẹ sẽ bị đâm thâu khi lưỡi đòng của người lính sẽ thọc thẳng vào cạnh sườn Chúa. Nhưng bây giờ Mẹ chưa hiểu nổi. Mỗi lời tiên tri đều có phần mập mờ khó hiểu khi chưa được thực hiện” (Mẹ Maria – Lm Hồng Phúc CSsR).
Làm mẹ không phải chỉ có việc ban cho một thân xác, nhưng Mẹ Maria ý thức trách nhiệm trong việc nuôi nấng, trông nom giáo dục con. Mẹ từng trách Chúa khi tìm lại Ngài nơi Đền Thánh: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Đức Mẹ hẳn phải sửng sốt khi gặp lại con, cũng bàng hoàng khi nghĩ lại ba ngày xa biệt vì Mẹ sợ điều không hay xảy đến cho con. Đáp lại lời Mẹ, Chúa Giê-su đưa ra câu trả lời thật bí ẩn, làm cho Mẹ và thánh Giu-se “không hiểu lời Người vừa nói”. Mẹ chưa hiểu lời nói cũng như thái độ của Con. Mẹ chỉ hiểu sau ngày Phục Sinh của Con mình, và Mẹ hằng ghi sâu vào ký ức để suy niệm. Đoạn Chúa trở về Nazareth với cha mẹ và “hằng vâng phục các ngài”. Sau đó, Phúc Âm Luca không kể cho chúng ta biết cuộc sống thế nào của Chúa từ lúc mười hai tuổi đến khi Ngài chính thức ra giảng đạo, và hình ảnh của Mẹ cũng ít dần dưới trang sách Tin Mừng. Nhưng chắc chắn Mẹ luôn chăm sóc gia đình có Chúa Giê-su, có thánh Giu-se, ba mươi năm đằng đẳng làm việc từ sáng tinh sương khi bình minh bắt đầu nhuộm đỏ, cho đến khi mặt trời khuất bóng sau rặng núi xa xăm. Và khi Con ra đi theo tiếng gọi của Chúa Cha, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ vẫn hằng âm thầm theo dõi Con trên bước đường Con đi, các phép lạ Con làm, những lời Con giảng dạy. Danh tiếng Con đồn ra thì cũng có tiếng vang lại nơi Mẹ.
Hình ảnh cuối cùng của Mẹ trong Tin Mừng Luca được nêu lên ở chương 8,19; khi Mẹ và anh em đến gặp lúc Người đang giảng dạy. Có người báo tin: “Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. Chúa đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Người không chối bỏ Mẹ và anh em họ hàng trong gia đình, nhưng Ngài có ý nói đến một sự liên hệ thiêng liêng còn cao trọng và khắng khít hơn mối liên hệ huyết thống. Mối liên hệ thiêng liêng ấy cũng đã ràng buộc Người với Mẹ thân yêu, vì chính Mẹ là Đấng luôn lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Augustin trong bài giảng của ngài đã giải thích điểm này như sau: Đức Trinh Nữ Maria đã không thi hành ý muốn của Chúa Cha sao? Người là Đấng đã nhờ lòng tin mà tin, thì cũng nhờ lòng tin mà thụ thai; Người được chọn để nhờ Người, Đấng Cứu Độ chúng ta ra đời; Người được Đức Ki-tô tạo thành trước khi Đức Ki-tô được tạo thành nơi Người. Đức Maria đã thi hành hoàn toàn ý Chúa Cha; vì thế, đối với Người, làm môn đệ Đức Ki-tô thì quan trọng hơn là làm Mẹ Đức Ki-tô.
Từ những điểm phác họa về chân dung của Mẹ Maria trong Phúc Âm Luca được tìm hiểu ở trên, có thể thấy nét đặc trưng nơi Mẹ đó là sự mô tả về lòng tin. Lòng tin của Mẹ lớn lên dần trong việc khám phá ý định của Thiên Chúa qua các biến cố xảy đến nơi cuộc sống của Mẹ. Là một nữ đan sĩ được mời gọi vào Dòng Rất Thánh Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh, thật là hồng ân lớn lao mà Chúa nhân lành ban cách riêng cho con. Chính vì thế mà đây là cơ hội để tìm hiểu về Mẹ dưới những trang Tin Mừng theo thánh sử Luca – Tin Mừng của Lòng Thương Xót, để từ đó noi gương Mẹ mà sống đời sống chiêm niệm như Mẹ đã sống, kết hợp với Chúa Giê-su như Mẹ đã kết hợp với Con Mẹ.
Thánh nữ Tê-rê-sa Chúa Giê-su và thánh Gioan Thánh Giá đã củng cố và canh tân lòng sùng kính Đức Maria của Dòng Cát Minh. Thật vậy, các đấng đã trình bày Đức Maria như là Mẹ và Đấng Bảo Trợ của Dòng, như gương mẫu cầu nguyện và từ bỏ, trong cuộc lữ hành đức tin, như người Trinh Nữ khiêm nhường và khôn ngoan, biết đón nhận và suy gẫm Lời Chúa trong lòng, như người Mẹ hoàn toàn để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt, như người phụ nữ cương nghị và trung tín theo Chúa Ki-tô và được liên kết trong đau khổ và trong vui mừng vào mầu nhiệm Vượt Qua của Người ( Hiến Pháp của Dòng, phần 1, chương 3, số 54). Thật vậy, có ai gần Chúa, yêu Chúa, hiểu Chúa hơn Mẹ Maria? Cuộc đời Mẹ tìm kiếm một mình Chúa và đặt ưu tiên tuyệt đối. Mẹ để Chúa chiếm hữu, hoàn toàn nộp mình vào tay Chúa, vâng phục để Chúa dẫn dắt, đó không phải là sự tự hủy giống như Chúa Giê-su – Con Mẹ sao? Mẹ nghèo nhưng Mẹ giàu Chúa, vì như thánh Tê-rê-sa d’Avila nói “Có Chúa là có tất cả”. Mẹ có Chúa nên Mẹ mới có thể đem Chúa cho người khác, đem niềm vui, niềm hy vọng đến những ai gặp gỡ Mẹ. Ôi, nói làm sao cho hết những ân sủng và nhân đức mà Thiên Chúa ban cho Mẹ!
Qua việc tìm hiểu đề tài này, con ước muốn bắt chước Mẹ nhiều hơn nữa trong đời sống chiêm niệm kết hợp với Chúa. Chắc chắn con không thể hoàn thiện như Mẹ, nhưng với ơn Chúa và nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, con có thể sống tốt hơn, hoàn thiện hơn như Cha trên trời mời gọi (Mt 5,48). Trong Đan Viện, con không thể lên đường, ra ngoài để đem Chúa đến với người khác, vì có luật nội cấm. Tuy nhiên có thể bắt chước Mẹ mà “vội vã” (ý muốn nói đến lòng hăng say, không mệt mỏi chứ không phải làm vội vàng) trong cầu nguyện, trong đời sống hy sinh, hãm mình để Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh đem ơn cứu độ cho người khác. Như Công Đồng Vaticano II quả quyết: “Ngay cả Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin”, thì con nghĩ đường lên núi Cát Minh là con đường lớn lên trong sự kết hợp với Thiên Chúa, để đến được đó con cũng phải trải qua đêm tối của đức tin, và tin rằng sau đêm tối sẽ có hừng đông ló rạng, cho đến khi Mặt Trời Công Chính là Đức Ki-tô làm chủ và chiếm hữu con trọn vẹn cho Người. Trong quá trình bước đi qua đêm tối đó (quá trình thanh luyện), chính Chúa sẽ giúp con từ bỏ chính mình, trở nên trần trụi mà gieo mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Mẹ Maria luôn vâng theo ý Chúa, dù Mẹ không hiểu rõ chương trình Chúa đã định, nhưng Mẹ tin và phó thác tuyệt đối cho Chúa. Như vậy, cuộc sống Mẹ luôn bình an và hạnh phúc vì luôn có Chúa ở cùng. Qua cách hành xử, qua lời nói của Mẹ mà chúng ta biết Mẹ có Chúa, Mẹ khiêm tốn, Mẹ đem sự bình an và niềm hy vọng cho mọi người. Xin Mẹ dạy con biết sống như Mẹ để khi người khác nhìn con, là con của Mẹ, cũng thấy trong con có Chúa, có sự an bình nội tâm và có thể lan tỏa bình an đó trong cộng đoàn và cho những ai con gặp gỡ. Xin cũng giúp con lắng nghe và thực hành ý muốn của Chúa, dù nhiều khi điều đó làm con đau buồn vì đi ngược lại với con người tự nhiên, hoặc con không hiểu rõ kế hoạch của Chúa, con biết tín thác vào Chúa hơn là dựa vào khả năng riêng của mình, trở nên nhỏ bé để Chúa lớn lên trong tâm hồn con.
Để kết thúc bài tìm hiểu về Mẹ, con xin trích một đoạn trong Công văn của Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolo VI (Huấn từ ngày 10/5/1967) như sau:
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh, kiện toàn chúng con trong ơn gọi Cát Minh của chúng con; xin Người cho chúng con giữ lấy lòng ham thích các sự thiêng liêng; xin Người cầu bầu cho chúng con được đặc sủng khó nhọc lao tới sự hiểu biết các mầu nhiệm của Chúa và những cảm nghiệm khôn tả về những đêm tối tăm cũng như những ngày đầy ánh sáng của ơn gọi chúng con; xin Người ban cho chúng con lòng khát vọng đạt tới sự thánh thiện và đạt tới bằng chứng cánh chung của Nước Trời, xin Người làm cho chúng con trở thành những người gương mẫu và đầy tình huynh đệ trong Giáo Hội Chúa. Sau hết, xin Người, một ngày kia đưa chúng con đến cùng Đức Ki-tô và hưởng vinh quang của Người, là Đấng ngay từ bây giờ chúng con muốn hiến dâng trọn đời sống của chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giê-su, Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin cầu cho chúng con.
Soeur Catherine de Jésus
Carmel de Boussu.
(Chương trình tập sống Tin Mừng Luca).